Lương cơ sở, những hệ lụy từ bộ máy

Thứ sáu - 07/10/2022 05:21 0

Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, trong không ít những lý do khách quan mà trực tiếp là nguồn ngân sách chưa thể đảm bảo, thành thử chủ trương này liên tục phải lùi. Tháng 11/2021, Quốc hội đồng ý lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương cho đến khi… thực hiện!
Hậu quả của việc chậm tăng lương cơ sở là không hề đơn giản. Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 1/6, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, Tây Ninh) liệt kê nhiều hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng kẽ hở “đục nước béo cò” và ông Phương cũng cho rằng: Thu nhập chính từ lương thấp đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm, tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức.
Đặc biệt gần đây xuất hiện tình trạng công chức viên chức xin nghỉ việc để “nhảy” ra ngoài làm việc. Chỉ tính riêng thành phố Hồ Chí Minh thì tình hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-6-2022 đã là là 6.177 người.


Những lo lắng của người lao động khi nhận lương

Vì đâu đến nỗi? Lâu nay người ta chỉ mặc định chuyện tìm mọi cách để “chạy” vào công chức chứ ít ai nghĩ đến diễn biến ngược lại. Có lẽ cần một nghiên cứu đầy đủ và toàn diện hơn, nhưng chúng ta có thể khẳng định một trong nhiều lý do dẫn đến cơ sự này chính là thu nhập của một bộ phận công chức, viên chức thấp so với sức cống hiến và cả với mặt bằng chung của xã hội. Tại sao lương thấp? Ngoài câu chuyện thu ngân sách, thì cái rất nhãn tiền là sự cồng kềnh của bộ máy. Còn nhớ cách đây chưa lâu báo chí đề cập đến chức danh “hàm vụ trưởng”… Thú thật nếu lúc ấy Bộ Nội vụ không có văn bản kiến nghị dừng bổ nhiệm chức danh “hàm” thì nhiều người không bao giờ biết được trong bộ máy đang miệt mài sẻ chia bầu sữa ngân sách của chúng ta lại đã và đang tồn tại một con số khổng lồ chức danh hàm. Hàm là sản phẩm của sự sáng tạo trong tình huống độ nở của bộ máy chạm “kịch trần”. Một sự biến tấu không chê vào đâu được. Hết vụ phó rồi thì “hàm vụ phó”. Cũng may cái gọi là “hàm” này chưa bén rễ về địa phương. Nếu có chức danh kiểu như “hàm phó sở, hàm phó chủ tịch huyện” rồi lan về đến “hàm trưởng thôn” thì bộ máy của chúng ta còn chiếm giữ nhiều kỷ lục. 
Khám phá cho hết các chức danh trong bộ máy của chúng ta chắc cũng ly kỳ và có lẽ đó không phải là công việc dành cho kẻ bận bịu bởi rất có thể nó ngốn thời gian ghê lắm. Dưới mỗi bộ còn có cơ man bao nhiêu là Tổng cục, cục, vụ, viện, dưới mỗi cục thì có bao nhiêu là chi cục. Chưa kể mỗi bộ lại “dắt lưng” hàng loạt đơn vị trực thuộc. Đã viện lại còn có phân viện. Đã có “Cục trồng trọt” thì phải có “Cục bảo vệ thực vật” đã có “Cục chăn nuôi” thì phải có “Cục thú y”. Nếu thám hiểm bên trong “Cục trồng trọt” thì dưới cục trưởng và rất nhiều cục phó thì sẽ có “Văn phòng cục”, “Phòng Kế hoạch tài chính”, “Phòng thanh tra pháp chế”, “Phòng cây lương thực”, “Phòng cây công nghiệp”, “Phòng sử dụng đất nông nghiệp”, “Phòng chất lượng”, “Văn phòng bảo hộ giống cây”, “Văn phòng phía Nam”, “Trung tâm kiểm nghiệm…”. Đúng là chỉ đọc và nhớ tên thôi cũng đã khó lắm rồi.
Nếu thể hiện bộ máy của chúng ta dưới dạng sơ đồ “cây thư mục” thì có lẽ hoa mắt bởi sự trùng điệp của tầng tầng lớp lớp. Chúng ta có thể không là cường quốc quân sự hay kinh tế, chúng ta có thể chưa là cường quốc thể thao… nhưng nếu nói đến sự hùng hậu của bộ máy công chức viên chức thì chắc cũng hơi khó tìm được đối thủ xứng tầm. Bộ máy hưởng lương ngân sách của chúng ta đang như một nong tằm ăn vỡ, trong lúc “lá dâu thì ít, lá mít thì thừa”. Còn nữa, trong một nong tằm bao giờ cũng có những con không chịu nhả tơ quấn kén, cha ông ta gọi là “tằm nhác”. Dân gian truyền miệng một đoạn  tổng kết điêu toa như này: “Ai cũng có việc làm nhưng không ai chịu làm việc - Không ai chịu làm việc nhưng ai cũng có lương - Ai cũng có lương nhưng lương ai cũng không đủ sống - Lương ai cũng không đủ sống nhưng ai vẫn cứ sống”. 
Thế đấy, kỳ lạ đến mức kỳ dị. Một đồng chí lãnh đạo từng thẳng thắn rằng “Đội ngũ của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”. Khi còn là Bộ trưởng Bộ TT&TT ông Lê Doãn Hợp cũng phát biểu: “30% còn lại không chỉ không làm được việc, mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu”. 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng phát biểu: “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.
Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số. Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này” (Nguồn: vietnamnet.vn)
Không thể phủ nhận những nỗ lực tinh giản bộ máy trong những năm gần đây, nhưng có vẻ cũng chỉ là “Muối bỏ biển”. Cụ thể: Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là 247.344 biên chế, giảm 10,01% so với năm 2015. Biên chế trong khối sự nghiệp năm 2021 là 1.783.174 người, giảm 11,98% so với năm 2015. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố: 1.031.851 người, giảm  12,49% so với năm 2015. (Theo Báo cáo số 135/BC-BNV ngày 11 tháng 1 năm 2021 của Bộ Nội Vụ). Như vậy mặc dù đã giảm trên 11% so với năm 2015 nhưng đến năm 2021 thì Biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước vẫn là 3.062.369 người.  
Không nghi ngờ gì nữa, sự cồng kềnh của bộ máy đang là một trong những nguyên nhân làm cho quỹ lương  rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”.  Chúng ta đã nhắc rất nhiều đến cụm từ “sắp xếp lại bộ máy”, “Tinh giản biên chế” nhưng hiệu quả thì vẫn là một bộ máy có vẻ rất ì ạch. Cách rõ nhất để cải cách chính sách tiền lương chính là giảm số lượng người hưởng lương, tăng hiệu quả làm việc của công chức viên chức lên gấp nhiều lần so với hiện tại. Với các đơn vị sự nghiệp công lập thì triển khai một cách mạnh mẽ quyết liệt về tự chủ. 
Cuộc “di chuyển tự phát” của một số công chức, viên chức từ khu vực công sang khu vực tư trong thời gian gần đây không phải là “chảy máu chất xám” nhưng rõ ràng là một thực trạng mang tính cảnh báo. Nghị quyết số 27  NQ/TW của BCH trung ương năm 2018 nói rõ: “Chính sách tiền lương trong khu vực công còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động”. 
Lương không hẳn là cội nguồn của những sai phạm, nhưng nếu thu nhập của công chức đủ trang trải cho nhu cầu cuộc sống, mọi thứ có lẽ cũng bớt xấu đi. Ở góc độ thu nhập quan chức có lẽ ngoài lương cũng cần có sự đãi ngộ tương ứng với vai trò và vị trí công tác, xứng đáng với những đóng góp của họ cho xã hội, đó cũng là một cách “dưỡng liêm” cho họ. Lương không phải là tất cả, nhưng tất cả lại không thể thiếu… lương. 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây