Những thói quen hàng ngày làm điện thoại nhanh hỏng

Thứ hai - 06/11/2023 21:55 0

 Có rất nhiều nguyên nhân khiến điện thoại nhanh hỏng trong đó phải kể tới từ chính những thói quen hàng ngày của người dùng đã khiến điện thoại nhanh hư hỏng.

Với bất kỳ ai khi mua một chiếc điện thoại mới đều muốn thời gian sử dụng lâu nhất có thể. Tuy nhiên, theo Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (gọi tắt là FPT Retail), những thói quen sử dụng hàng ngày tưởng chừng vô hại lại chính là những sai lầm mà người tiêu dùng có thể đang mắc phải sẽ làm hỏng điện thoại nhanh hơn.

Sử dụng không đúng bộ sạc

Bộ sạc có tốc độ sạc chậm, bộ sạc không tương thích, dây cáp sạc không ổn định, bộ sạc không chính hãng… Tất cả những yếu tố này sẽ dẫn đến việc làm giảm tuổi thọ pin của điện thoại và tệ hơn có thể làm chập hoặc hỏng cổng sạc.

Mặc dù vậy khi không sử dụng bộ sạc gốc đi kèm điện thoại của mình vẫn có thể sử dụng bộ sạc khác miễn đó là những bộ sạc đến từ các nhà sản xuất uy tín và có thương hiệu. Tuy nhiên cần đảm bảo kiểm tra bộ sạc mua được từ nhà sản xuất có chứng nhận và đầu ra phù hợp với tốc độ sạc điện thoại. Ví dụ nếu sử dụng điện thoại Samsung thì hoàn toàn yên tâm mua củ sạc, cáp sạc do chính Samsung sản xuất đã được chứng nhận.

Sử dụng điện thoại cần tránh mắc sai lầm. Ảnh minh hoạ

Không cập nhật phần mềm

Theo mặc định hầu hết các điện thoại sẽ đưa ra các thông báo để báo cho người dùng biết khi nhà sản xuất cung cấp các bản cập nhật phần mềm mới nhất cho thiết bị. Việc cập nhật phần mềm hoặc ứng dụng trên điện thoại là việc làm cần thiết và nên thực hiện.

Sau khi cập nhật, điện thoại không chỉ mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn với các tính năng mới mà còn cung cấp các bản vá bảo mật, tăng cường khả năng chống lại các phần mềm độc hại tấn công hệ thống. 

Với rất nhiều ưu điểm của các bản cập nhật, nên nếu nhận được thông báo từ hệ thống yêu cầu tải và cài đặt bản cập nhật phần mềm mới nhất nên cập nhật ngay cho điện thoại của mình sớm nhất khi có thể.

Sử dụng điện thoại ở môi trường khắc nghiệt

Thường xuyên sử dụng hoặc để điện thoại ở môi trường khắc nghiệt như những nơi nắng nóng hoặc những nơi quá lạnh cũng có thể khiến điện thoại giảm tuổi thọ nhanh chóng. Ví dụ để điện thoại trên kệ cửa sổ, nơi ánh nắng trực tiếp chiếu vào hoặc để ngay cạnh cửa xả của điều hòa, vừa sạc điện thoại vừa sử dụng đặc biệt là chơi game làm tăng lượng nhiệt tỏa ra… tất cả điều này đang khiến điện thoại giảm tuổi thọ nhanh hơn.

Quá trình điện thoại tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp trong thời gian dài sẽ làm cho các linh kiện bên trong thiết bị lão hóa nhanh chóng, tệ hơn là làm chập cháy đặc biệt là pin có thể làm hư hỏng điện thoại hoàn toàn.

Pin luôn sạc đầy 100% chưa chắc tốt

Theo các chuyên gia công nghệ của Điện Máy xanh, thói quen sạc dài một lần phải đầy ắp 100% không hẳn sẽ tốt cho điện thoại. Vì hầu hết điện thoại thông minh đều sử dụng pin lithium-ion. Do đó, chính việc rút/cắm sạc thường xuyên, hoặc sạc theo quãng ngắn ngay khi rảnh tay mà không cần đầy hẳn lại sẽ giúp ích nhiều hơn cho pin lithium-ion vì chúng kéo dài chu kỳ sạc/xả.

Cắm cố định bộ sạc vào nguồn điện

Mặc dù cắm cố định bộ sạc vào nguồn điện khiến người tiêu dùng sẽ không cần phải mất thời gian tìm bộ sạc khi cần. Tuy nhiên các quy tắc an toàn cho rằng các bộ sạc cần phải được rút phích cắm ngay sau khi sử dụng bởi chỉ cần một sự cố về điện cũng có thể gây ra cháy nổ.

Luôn sạc bằng cổng USB

Việc sạc pin điện thoại qua máy tính, cổng USB rất tiện lợi, tuy nhiên người dùng cần biết rằng điện áp cấp qua chuẩn USB trên máy tính không thể bằng được so với việc dùng củ sạc chính hãng dành cho điện thoại. Và nếu việc này diễn ra thường xuyên thì pin trên thiết bị sẽ dần bị hiện tượng sụt, không ổn định nếu sạc pin bằng USB trên máy tính quá nhiều.

Tải các ứng dụng độc hại

Khi tải các ứng dụng từ các nguồn không chính thức hoặc cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba, người dùng sẽ phải chấp nhận các rủi ro đi kèm vì có thể tải về điện thoại cả những ứng dụng độc hại.

Những ứng dụng độc hại đó không chỉ làm lây nhiễm virus cho điện thoại mà còn cả phần mềm gián điệp. Mục đích của chúng khi xâm nhập vào điện thoại là lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập các trang web…Vì vậy hãy dừng ngay việc tải các ứng dụng từ các nguồn bên ngoài không đáng tin cậy về điện thoại vì các mối nguy hại luôn tiềm ẩn.

Thường xuyên đóng các ứng dụng trong nền

Hiện nay các mẫu điện thoại mới không chỉ có hiệu năng cao hơn mà còn được cài đặt hệ điều hành mới với nhiều tính năng mới, chipset với AI giúp điện thoại thông minh hơn. Vì vậy những ứng dụng khi không còn sử dụng khi chạy ngầm trong nền đều được hệ điều hành quản lý rất hiệu quả, đảm bảo mức sử dụng điện năng cũng như bộ nhớ ở mức thấp nhất.

Để các ứng dụng chạy trong nền trên điện thoại còn giúp truy cập trở lại nhanh hơn và tiếp tục làm việc tại nơi đã dừng lại trước đó. Việc đóng các ứng dụng trong nền thường xuyên, sau đó kích hoạt trở lại buộc điện thoại phải sử dụng nhiều năng lượng cũng như khả năng xử lý hơn khiến các ứng dụng khởi động chậm hơn.

Sạc pin khi điện thoại đã cạn kiệt

Một sai lầm phổ biến tiếp theo mà rất nhiều người dùng điện thoại đang gặp phải đó là sử dụng điện thoại đến khi pin cạn kiệt. Quá trình này nếu lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ làm giảm tuổi thọ của pin nhanh hơn.

Mặc định dung lượng pin của điện thoại sẽ giảm dần theo thời gian, điều này chủ yếu do mỗi viên pin đều có số chu kỳ sạc giới hạn. Khi mà lặp lại liên tục quá trình sạc không đúng cách cũng có nghĩa là đẩy nhanh hơn quá trình giảm tuổi thọ của pin.

Vì vậy cách tốt nhất để duy trì tuổi thọ pin của điện thoại là đảm bảo sạc điện thoại từ 30% -80%, điều này sẽ làm giảm chu kỳ sạc và cải thiện tuổi thọ của pin. 

Sử dụng Wi-Fi công cộng

Truy cập và sử dụng mạng Wi-Fi miễn phí tại các điểm truy cập công cộng hay các quán cà phê tiếp tục là một sai lầm phổ biến khác mà người dùng đang gặp phải. Trên thực tế các điểm truy cập Wi-Fi công cộng thường sẽ không an toàn vì khả năng bảo mật thấp và không được mã hóa.

Do đó những kẻ xấu rất dễ dàng xâm nhập vào mạng Wi-Fi này, từ đó gián tiếp truy cập vào điện thoại của bạn, lấy cắp các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng… khi kết nối với các mạng này.

Trường hợp buộc phải sử dụng mạng Wi-Fi công cộng, hãy đảm bảo kết nối với những mạng được mã hóa và bảo vệ bằng mật khẩu. Ngoài ra không nên truy cập vào các trang web nhạy cảm khi sử dụng mạng Wi-Fi công cộng như truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến, mua hoặc bán hàng sử dụng thẻ tài khoản.

Ngọc Nga (T/h)


 

Nguồn tin: vietq.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1425
  • Hôm nay237,843
  • Tháng hiện tại2,481,459
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây