Cam bù Sen Anh Sơn khẳng định thương hiệu qua chất lượng và mẫu mã

Thứ hai - 27/11/2023 21:55 0
Huyện Anh Sơn thuộc khu vực miền Tây Nghệ An, đây là vùng có nhiều tiềm năng về tự nhiên để phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây Cam. Đất đai toàn huyện chủ yếu là đất đồi núi với các loại như Feralit nâu vàng, Feralit nâu đỏ, Feralit đỏ vàng...chiếm tới 75% diện tích toàn huyện (35.066 ha, năm 2015), những loại đất này rất thích hợp trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Bên cạnh đó, địa hình đồi núi thoải cũng tạo điều kiện dễ canh tác theo hướng trang trại quy mô lớn. Huyện Anh Sơn nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa bình quân năm đạt trên 1000 mm, số giờ nắng đạt trên 1200 giờ, là ưu thế rất lớn đối với việc trồng cây ăn quả. Để phát huy những tiềm năng hiện có của huyện và nâng cao mức sống của người dân, thời gian vừa qua UBND huyện đã thực hiện nhiều chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên áp dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Cam là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nên đã được tỉnh Nghệ An quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung theo quyết định số 3773/QĐ–UBND ngày 05/8/2016 về việc phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn dựa vào những điều kiện thuận lợi của các địa phương và phát huy tốt về thế mạnh đất đai, sức lao động. Năm 2016, đề án phát triển các loại cây trồng chủ lực giai đoạn 2016-2020 của huyện Anh Sơn đã nêu rõ định hướng phát triển cây ăn quả trong đó chủ yếu là cam, bưởi. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Anh Sơn, hiện nay trên địa bàn huyện có 193 ha cam, trong đó 136 ha đang giai đoạn kiến thiết. Cam của huyện Anh Sơn trồng nhiều ở các xã: Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Khai Sơn, Phúc Sơn... Theo quy hoạch của tỉnh, thì huyện Anh Sơn trồng 268 ha cam, như vậy, trong những năm tới huyện sẽ tiếp tục trồng trên 70 ha cam nữa. Đây là cơ hội để người dân của các địa phương phát triển vùng cam hàng hóa, tăng giá trị cam quả.

Sản phẩm cam bù Sen đã được công nhận đạt hạng 3 sao trong chương trình OCOP. Để bảo tồn nguồn gốc và từng bước khôi phục, phát triển thương hiệu Cam Bù Sen, thời gian qua, huyện Anh Sơn đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức khảo sát thực tế để theo dõi, nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của giống Cam Bù Sen nhằm phục vụ tốt cho việc nhân giống, mở rộng diện tích bằng nguồn giống đảm bảo, có chất lượng cao.
Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Anh Sơn đã triển khai dự án xây dựng vườn ươm nhân giống cam bù Sen Anh Sơn, thuộc dự án khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2023, tại vườn ông Nguyễn Hữu Kim thôn 7 xã Khai Sơn với diện tích 500m2, trong đó dành riêng 150m2 trồng 30 cây cam bù Sen đầu dòng để sang năm thứ 2 lấy mắt ghép nhân giống cho các hộ trồng cây ăn quả trong toàn huyện, theo kế hoạch sẽ nhân giống 5.000 cây trồng ở 3 xã Đỉnh Sơn, Khai Sơn và Phúc Sơn với diện tích 4 ha. Bên cạnh đó, hội nông dân xã Khai Sơn cũng đã thành lập hợp tác xã trồng cam bù Sen với 15 thành viên tham gia, qua đó tạo sự liên kết chặt chẽ trong quá trình tiêu thụ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trồng cam; đồng thời tạo điều kiện cho 10 hộ trồng cam Bù Sen vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, mỗi hộ được vay 40 triệu đồng; tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất phân vi sinh và hỗ trợ men vi sinh cho 100% hộ trồng cam Bù Sen trên địa bàn xã.
Cam bù Sen ở Anh Sơn từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng không chỉ bởi màu đỏ gạch đẹp mắt mà còn có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, cùi tan giòn. Đặc sản này đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Cam bù Sen được coi là loại quả đặc sản của Anh Sơn, hiện nay giống cam bù Sen được trồng chủ yếu ở xã Khai Sơn với diện tích 23 ha. Cam bù Sen có nhiều đặc tính vượt trội so với các loại cam khác, đó là có khả năng chịu bệnh, chịu hạn và chịu úng tốt hơn các loại cây có múi khác. Mùa thu hoạch cam bù Sen bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Khi chín quả có màu gạch, khi bóc quả cam bù Sen ra trên đầu quả có từ 80 - 85 % số quả sẽ có 2 lòng (quả nhỏ phía trên đầu) hình giống như bông hoa sen. Múi cam đỏ óng được bao bọc bởi các mao mạch không bị tách rời ra như một số giống cam bù khác. Cam có vị ngọt đậm đà, hơi chua thanh, mặn, tép cam mềm và ráo hương thơm đặc trưng, nếu ai đã một lần thưởng thức thì sẽ nhớ mãi. Với chất lượng thơm ngon, nhiều năm qua cam bù Sen trở thành đặc sản quý của người dân Anh Sơn được khách hàng khắp nơi tìm đến đặc biệt là vào dịp Tết đến để chưng bàn thờ ngày Tết, chọn làm quà biếu Tết…. Vụ cam Tết năm nay, sản lượng cam bù sen ở Anh Sơn dự kiến gần 300 tấn, giá cam dự đoán sẽ cao hơn các năm trước và nằm ở mức 80.000 - 100.000 đồng/kg, đem lại doanh thu trên 20 tỷ đồng.
Nguyễn Hữu Thìn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1491
  • Hôm nay134,857
  • Tháng hiện tại134,857
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây