Chính Phủ ban hành Nghị định mới về Quản lý đầu tư ứng dụng Công Nghệ Thông Tin

Chủ nhật - 14/07/2024 23:15 0
Ngày 10/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019, quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Nghị định 82/2024/NĐ-CP nhằm giải quyết các vướng mắc lớn trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, tháo gỡ nhiều "điểm nghẽn" cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, và kế hoạch chuyển đổi số.
Đây là lần đầu tiên thể chế hóa mạnh mẽ hoạt động đầu tư, mua sắm các phần mềm phổ biến được nhiều bộ, cơ quan Trung ương, và địa phương có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin tương tự về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ chuyên ngành sẽ rà soát, xây dựng và công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của các phần mềm phổ biến. Các tổ chức, cá nhân cung cấp phần mềm phổ biến sẽ công khai sản phẩm của mình đáp ứng các chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản.

Nghị định 82/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước, đồng bộ với các quy định của pháp luật đầu tư, ngân sách nhà nước, và đấu thầu hiện hành, đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, bỏ quy định về hạn mức kinh phí cho các trường hợp thiết kế 1 bước, 2 bước và phân cấp mạnh cho các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Nghị định này cũng chính thức quy định phương pháp xác định giá trị của các phần mềm được xây dựng, phát triển, nâng cấp dựa trên phần mềm thương mại, nguồn mở, nền tảng số, bộ khung mã lệnh, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR). Quy định này nhằm giải quyết các vướng mắc lâu năm của nhiều cơ quan, tổ chức trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Nghị định khẳng định thuê dịch vụ công nghệ thông tin là một hình thức ưu tiên, tuy nhiên, để tránh lạm dụng, yêu cầu các cơ quan nhà nước phải so sánh ưu điểm, hạn chế giữa việc đầu tư mới và thuê dịch vụ CNTT. Thời gian thuê dịch vụ cũng được mở rộng tối đa lên 8 năm để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả.
Nghị định 82/2024/NĐ-CP cũng thực hiện cắt giảm thêm thủ tục hành chính nội bộ, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc trình, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Nghị định 82/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (10/7/2024)./.
Hồng Minh (TH)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập411
  • Hôm nay47,217
  • Tháng hiện tại1,041,365
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây