Nghệ An triển khai Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025

Thứ năm - 25/05/2023 22:04 0
Sau 4 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An, đến nay Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, bứt phá đi lên góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị, thu nhập người dân ngày càng cao, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Trong giai đoạn 2019-2022, toàn tỉnh đã có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước; trong đó: 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 01 sản phẩm đạt 5 sao đã được Trung ương đánh giá công nhận, trong đó có 9 điểm du lịch nông thôn và Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận. Hiện toàn tỉnh có 235 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Việc chủ động liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm OCOP được các ban, ngành, địa phương trong tỉnh hết sức quan tâm, đã tổ chức được 71 hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó 51 Hội chợ; 17 cuộc kết nối cung cầu; 3 cuộc triển lãm trưng bày triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP… góp phần làm nên thành công của chương trình.
Sau 4 năm triển khai, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Thông qua chương trình đã hình thành được một số liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800-2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.

Từ những kết quả đạt được đã góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh đã có 309/411 xã đạt chuẩn NTM, 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Ngày 24/4/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 24/4 về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023-2025”.  
1. Phấn đấu mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Mục tiêu cụ thể gồm, đến hết năm 2025 phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 10% sản phẩm đạt hạng 4 sao; có ít nhất 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm. Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 35% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể OCOP là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 10% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là phụ nữ, ít nhất 15% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại; phấn đấu cấp tỉnh xây dựng 02 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Chủ thể thực hiện Đề án là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể, bao gồm: Các đối tượng trên và các Hội/Hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.
Sản phẩm được phân theo 6 nhóm: Nhóm thực phẩm gồm nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác. Nhóm đồ uống: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn. Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu: Sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ: Các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng. Nhóm sinh vật cảnh: Hoa, cây cảnh, động vật cảnh. Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
UBND tỉnh yêu cầu phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa. Phát huy sáng tạo và sức mạnh cộng đồng trong sản xuất và hình thành các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng. Phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa.
2. Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường
Để đạt được các mục tiêu đề ra, các đơn vị, địa phương thực hiện 8 nội dung và nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình; tăng cường chuyển đổi số; xây dựng các mô hình để nhân rộng tạo động lực phát triển sản phẩm.
Trong đó, ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là 11 huyện miền núi, đồng bào dân tộc, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở 6 nhóm sản phẩm qua điều tra khảo sát, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân và phát triển các sản phẩm, dịch vụ OCOP tại các địa phương, xác định ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cho giai đoạn 2023 -2025.
Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương bao gồm các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, làng nghề truyền thống. Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.
Đồng thời, xây dựng các mô hình cộng đồng, dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền và dân tộc. Nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng (đạt 3 sao trở lên) gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; trong đó, quan tâm đầu tư để hoàn thiện các sản phẩm có tiềm năng đạt 05 sao.
Cùng với đó, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mỗi năm 2 kỳ vào tháng 7 và tháng 12 hàng năm, tăng cường áp dụng công nghệ số liên thông trong tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp huyện. Xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và giám sát sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện đồng bộ và thống nhất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý, giám sát, thúc đẩy kết nối cung - cầu sản phẩm. Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP. Hằng năm xây dựng ít nhất 01 mô hình liên quan.  Tổng nguồn vốn huy động giai đoạn 2023-2025 là 202.344 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện 08 giải pháp chủ yếu gồm: Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, đồng thời rà soát để hoàn thiện cơ chế, chính sách cho Chương trình OCOP; tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức triển khai Chu trình OCOP thường niên; về khoa học, công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; huy động nguồn lực; tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP; nghiên cứu xây dựng và triển khai các đề án thành phần; giải pháp về kiểm tra, công tác thi đua, khen thưởng.
Nguyễn Hữu Thìn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay242,386
  • Tháng hiện tại759,663
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây