Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Lễ hội mùa xuân ở Nghệ An

Thứ hai - 04/03/2024 21:15 0

1. Tổng quan về lễ hội mùa Xuân trên địa bàn tỉnh Nghệ An Nghệ An là một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, từng là đất “phên dậu”, “trọng trấn” của quốc gia và cũng là nơi dừng chân, chung sống của 6 dân tộc anh em Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu.


1. Tổng quan về lễ hội mùa Xuân trên địa bàn tỉnh Nghệ An 
Nghệ An là một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, từng là đất “phên dậu”, “trọng trấn” của quốc gia và cũng là nơi dừng chân, chung sống của 6 dân tộc anh em Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu. Trong quá trình hình thành và phát triển cùng với điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa và kinh tế đã hình thành nên những di sản văn hóa đặc trưng của từng cộng đồng, dân tộc mà lễ hội là một trong những biểu hiện tiêu biểu nhất thể hiện đặc trưng văn hóa đó. Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp mang tính cộng đồng cao, có giá trị hướng về cội nguồn, giá trị cân bằng đời sống tâm linh, giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, là nhu cầu quan trọng tác động đến đời sống xã hội. 
Theo Quyết định số: 3765/QĐ-SVHTT ngày 01/12/2022 của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An về việc công bố danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Nghệ An đến ngày 30/11/2022 cho biết toàn tỉnh Nghệ An có 463 di sản văn hóa phi vật thể với đầy đủ 7 loại hình (Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian,)(1), trong đó loại hình lễ hội truyền thống có 78 di sản chiếm khoảng 18,84%(2). Mặc dù, số lượng di sản thuộc loại hình lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An không nhiều những được phân bố trên tất cả các huyện trong tỉnh và mỗi dân tộc đều có các lễ hội gắn với đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc mình như: lễ hội Đền Cờn, lễ hội Đền Quả, lễ hội Đền Bạch Mã, lễ hội Đền Cuông, lễ hội đua thuyền… của dân tộc Kinh; Lễ hội Đền Chín Gian, lễ hội Hang Bua, lễ hội Đền Chọong, lễ hội Bẩy Pang – Nang Ni, Đền Vạn, lễ hội Xăng Khan, Lễ hội cầu mùa… của dân tộc Thái; lễ hội bốc mó của dân tộc Thổ; Lễ hội chọi bò, lễ hội chọi trâu của dân tộc H’Mông; Lễ hội đón tiếng sấm của người Ơ đu; Lễ hội đón năm mới của người Khơ mú… Lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An thường diễn ra vào mùa xuân. Vì mùa Xuân là mùa của đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc. Đây cũng là lúc nông nhàn của cư dân nông nghiệp. Phần lớn lễ hội đều tập trung vào thời điểm nông nhàn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức và giao lưu văn hóa, nhu cầu giải trí và ngưỡng vọng tâm linh, cầu mong cả năm gặp nhiều may mắn thuận lợi. 
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 29 lễ hội(3) đã và đang được cấp phép hoạt động, trong đó có 20 lễ hội diễn ra vào mùa xuân (tức là từ tháng 1 - 3 âm lịch). Các lễ hội diễn ra vào mùa xuân chủ yếu là lễ hội dân gian gắn với các di tích lịch sử văn hóa như: lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai); lễ hội Đền Quả Sơn (huyện Đô Lương); lễ hội Đền Cuông (huyện Diễn Châu); lễ hội Đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương), lễ hội Đền Nguyễn Xí (huyện Nghi Lộc)… Đây là  những lễ hội có quy mô lớn diễn ra vào dịp đầu năm được đầu tư tổ chức công phu thu hút đông đảo nhân dân và du khách về chiêm bái và trải nghiệm vui chơi. Các lễ hội này kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiêng của phần lễ trong đền và không khí tưng bừng của phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống và hiện đại… Đặc biệt lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm khôi phục và tổ chức như lễ hội Đền Chín gian (đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), là lễ hội lớn nhất vùng miền Tây Nghệ An, gắn với quá trình thiên di, khai bản, lập mười của đồng bào dân tộc Thái…Vùng miền Tây Nghệ An còn có các lễ hội như: lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào (huyện Tương Dương); lễ hội Hang Bua (huyện Quỳ Châu); Lễ hội Pu Nhạ Thầu (huyện Kỳ Sơn); Lễ hội đền Choọng (huyện Quỳ Hợp). Chủ thể của các lễ hội này chủ yếu là cộng đồng các dân tộc thiểu số, Những ngày lễ hội, các di tích trở nên nhộn nhịp, đông vui với tiếng cồng chiêng rộn rã, tiếng khèn, tiếng sáo ngân vang, tiếng lăm, nhuôn, tiếng cười vui tươi, náo nức. Mỗi người đều mặc những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống đẹp nhất, mới nhất tham gia lễ hội, góp phần điểm tô cho vẻ đẹp của bản mường, quê hương. 
Các lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới thực sự là những ngày hội của nhân dân, cùng nhau thắt chặt thêm tình đoàn kết, yêu thương. Cầu mong các vị thần linh phù hộ cho người người ấm no, hạnh phúc... 


Lễ hội đền Cờn 
1.1. Những kết quả đạt được trong việc quản lý và tổ chức lễ hội mùa Xuân
Trong những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của của Đảng và Nhà nước. Từ lễ hội quy mô cấp tỉnh đến các lễ hội làng, xã đều đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều lễ hội có chuyển biến tích cực, khắc phục được nhiều hạn chế, tồn tại như tệ nạn ăn xin, mê tín dị đoan, thắp hương tràn lan, các trò chơi cá cược, cờ bạc, lưu hành ấn phẩm trái quy định. Do phát huy vai trò chủ thể của người dân hoạt động lễ hội đã được xã hội hoá rộng rãi, huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân, nguồn tài trợ, cung tiến ngày càng tăng, nguồn thu qua công đức, lệ phí, dịch vụ phần lớn đã được sử dụng cho việc tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống và hoạt động phúc lợi công cộng. 
Phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính, chương trình tham gia phần hội phong phú hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng miền. Gắn kết các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh của địa phương, những phong tục độc đáo của từng cộng đồng dân tộc, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tâm thức hướng về nguồn cội của cộng đồng. Đồng thời các sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng làng xã.  
Một số lễ hội tổ chức với quy mô ngày càng lớn, hình thức tổ chức với nhiều nội dung, nhiều hoạt động, các địa phương đã dựa vào nội lực là chính, nhiều lễ hội đã chinh phục được du khách, tôn vinh di sản, nâng cao uy tín của thương hiệu du lịch hấp dẫn của địa phương. 
Thông qua tổ chức lễ hội đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân, phần lớn kinh phí tổ chức lễ hội (đặc biệt là lễ hội dân gian) đều do nhân dân và du khách thập phương tự nguyện đóng góp. Lễ hội là dịp để thu hút nguồn công đức đóng góp để phục vụ trở lại trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống.
1.2. Những bất cập tồn tại trong quản lý, tổ chức lễ hội mùa Xuân
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác tổ chức lễ hội còn hạn chế; Không ít lễ hội do nặng về hình thức quy mô phải hoành tráng với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa hiện đại, nặng về trình diễn nghệ thuật, đạo cụ, phô diễn tốn kém nhưng nội dung chưa đảm bảo, còn đơn điệu, chung chung, ít được đầu tư từ đó giảm tính tích cực, hấp dẫn của lễ hội.
Một số lễ hội còn xuất hiện hiện tượng bói toán, cờ bạc, thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ lễ hội, tệ nạn bán hàng rong,  xem tướng số, tử vi, lôi kéo khách hành hương, nâng giá trị dịch vụ, đặt tiền công đức - giọt dầu tùy tiện, tệ nạn ăn xin, ăn mày, trộm cắp... làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội.
Do tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội.
Nếp sống văn hóa - văn minh của người phục vụ và người tham gia lễ hội còn yếu dẫn đến sự lộn xộn và mất vệ sinh trong các lễ hội.
Trình độ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động lễ hội của cán bộ văn hóa cơ cở và những người trực tiếp quản lý di tích và điều hành lễ hội còn hạn chế.
1.3. Nguyên nhân của những bất cập, tồn tại trong quản lý, tổ chức lễ hội mùa Xuân
Nhận thức của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý văn hóa và của xã hội về tính chất, đặc điểm, vai trò và vị trí của lễ hội chưa toàn diện, chưa đầy đủ và thấu đáo để có quan điểm và thái độ ứng xử đúng đắn với lễ hội.
Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lễ hội chưa theo kịp tình hình thực tiễn, chậm xây dựng và điều chỉnh các văn bản của nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, việc thực thi các văn bản chưa nghiêm.
Ý thức của một số bộ phận nhân dân phần nào có sự thái quá về niềm tin vào tín ngưỡng, thần linh với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc... từ lễ hội dẫn đến tình trạng lượng du khách tập trung quá lớn cùng một thời điểm gây lôn xộn, dâng đồ lễ tốn kém, phức tạp, đồ vàng mã quá nhiều.


Lễ hội đền Qủa Sơn

- Giá trị về lợi ích kinh tế đang có xu hướng lấn át giá trị văn hóa dẫn đến tình trạng chú trọng các hoạt động thương mại vốn sinh lời, chưa chú trọng tới việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một. 
2. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội mùa xuân ở Nghệ An.
2.1. Bảo tồn các giá trị của các lễ hội mùa xuân
Để lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và lễ hội diễn ra vào dịp mùa Xuân đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần cho Nhân dân, gìn giữ phát huy giá trị lịch sử và văn hóa của của lễ hội... nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành và địa phương nơi có lễ hội diễn ra cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý và tổ chức lễ hội. Thực hiện đúng và đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý và hoạt động lễ hội.
Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của từng lễ hội. Cần nghiên cứu tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, ý nghĩa của từng lễ hội để bảo tồn những giá trị tốt đẹp của cha ông; 
Cần nghiên cứu về nguồn gốc và lịch sử phát triển của các lễ hội gắn với các yếu tố văn hóa tộc người, văn hóa vùng miền để bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng tiêu biểu, riêng có của từng lễ hội.
Cần nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi các loại trang phục, đồ tế khí, linh phí, linh vật, đạo cụ, dân ca, dân nhạc truyền thống liên quan đến lễ rước, lễ tế, các trò chơi … của từng vùng miền, từng dân tộc thể hiện được sự đa dạng văn hóa trong lễ hội.
Tổ chức các cuộc triển lãm, hội thảo và hoạt động giao lưu văn hóa để giới thiệu và bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hóa của các lễ hội mùa xuân ở Nghệ An.
2.2. Phát huy các giá trị của lễ hội mùa xuân
Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội. Cần phân loại và xác định quy mô của từng lễ hội giúp cho việc quản lý và tổ chức tốt, trên cơ sở đó điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cũng như các thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc. 
Quy hoạch, bố trí, sắp xếp khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá trông giữ xe, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá, không cho tổ chức các đồ chơi có tính bạo lực, cờ bạc. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội. 
Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Xây dựng kế hoạch quảng bá và tiếp thị cho các lễ hội diễn ra vào mùa xuân trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Phân tích và xác định đối tượng khách hàng tiềm năng cho lễ hội; đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp thị thông tin về các lễ hội để thu hút du khách.
Phát triển các sản phẩm du lịch, ẩm thực và mua sắm liên quan đến các lễ hội mùa xuân; tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo kết hợp với các lễ hội, như tour tham quan lễ hội, trải nghiệm ẩm thực địa phương, mua sắm đặc sản; khuyến khích doanh nghiệp địa phương phát triển các sản phẩm du lịch và ẩm thực liên quan đến lễ hội.
Tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật và giáo dục nhằm tạo điều kiện cho du khách hiểu rõ hơn về văn hóa và truyền thống của từng vùng miền; đặc biệt, tạo cơ hội cho du khách tham gia trực tiếp các hoạt động truyền thống của lễ hội để trải nghiệm và hiểu sâu hơn về văn hóa từng địa phương, dân tộc.
Xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này. Để chính cộng đồng địa phương phải là chủ thể hưởng thụ, sáng tạo, bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội. 
3. Kết luận
Lễ hội mùa xuân đã và đang làm cho đời sống tinh thần của người dân ngày càng thêm hương sắc. Tổ chức, quản lý và phát huy tốt lễ hội chính là làm sống lại lịch sử hào hùng của dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông. Lễ hội chính là dịp để giới thiệu quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa địa phương, quảng bá những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đây là tài nguyên gắn lễ hội với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và đó cũng chính là góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.
Chú thích
 1. Thông tư số: 04/2010/TTBVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2. Theo danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đã được Sở VHTT Nghệ An phê duyệt.
3.  Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 9 lễ hội thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), lễ hội Đền Quả Sơn, lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan (huyện Đô Lương), lễ hội Đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương), lễ hội Đền Hoàng Mười, lễ hội Đền Thanh Liệt (huyện Hưng Nguyên), lễ hội Đền Yên Lương (thị xã Cửa Lò), lễ hội Đền Chín Gian (huyện Quế Phong), lễ hội Xăng Khan (Cộng đồng dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An)).
4. Ảnh nguồn: Báo Nghệ An; Đài truyền hình Nghệ An.

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây