Khoa học công nghệ trong nghiên cứu tộc người

Thứ hai - 17/06/2024 21:47 0

Khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số tạo ra những thông tin dữ liệu về cuộc sống của mình và chia sẻ nó với người khác. Qua đó giúp họ có điều kiện tham gia vào quá trình sản xuất tri thức liên quan đến tộc người mình. Với nhiều ứng dụng thuận lợi, khoa học công nghệ đã tạo ra một hệ thống dữ liệu lớn, đa dạng và phong phú về thông tin và đa chiều về quan điểm trong nghiên cứu tộc người.
Khoa học công nghệ và hệ thống dữ liệu sống động từ các cộng đồng
Bản chất của cuộc sống là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội. Và cuộc sống của các cộng đồng là một kho dữ liệu cho các ngành khoa học tham gia tìm hiểu. Nhưng các thời đoạn khác nhau, các thức thể hiện và khai thác kho dữ liệu sống sinh động từ các cộng đồng cũng khác nhau rất nhiều. Trong Dân tộc học cổ điển, nghiên cứu tộc người nào thì phải đến địa bàn của tộc người ấy để tiếp cận các tư liệu liên quan. Thực chất của nghiên cứu điền dã là tạo ra hệ thống tri thức liên quan đến tộc người từ những phương pháp chuyên ngành như phỏng vấn sâu, quan sát tham gia, thảo luận nhóm, khai thác các tư liệu từ các văn bản ở địa phương… Đây đều là các thao tác mà nhà nghiên cứu vận dụng trong quá trình khai thác hệ thống dữ liệu từ cuộc sống của các cộng đồng.


Các trang mạng xã hội của một số tộc người ở miền Tây Nghệ An đã thu hút được nhiều người tham gia. Ảnh tác giả cung cấp
Khoa học công nghệ đã làm cho cộng đồng trở thành một kho dữ liệu sống động hơn nữa. Giờ đây, những người dân bản địa có thể tham gia quá trình sản xuất tri thức thông qua việc cung cấp thông tin cho cộng đồng cũng như cho các nhà nghiên cứu. Hình thành các kênh thông tin quan trọng mang tính cộng đồng và liên quan đến cuộc sống cộng đồng. Khoa học công nghệ cho phép tạo ra các mạng lưới xã hội rộng rãi để chia sẻ những thông tin về các sinh hoạt cá nhân hoặc cộng đồng liên quan. Đời sống cộng đồng vốn dĩ rất sinh động và sự sinh động đó cũng trở thành một nguồn dữ liệu cho khoa học. Trên Fanpage “Người Thái Nghệ An” đã thu hút gần 1.500 thành viên tham gia và hàng ngày cũng chia sẻ hàng chục hình ảnh, clip và những câu chuyện liên quan đến đời sống văn hoá dân tộc Thái. Hay một fanpage khác là “Người Khơ Mú miền Tây Nghệ An” với gần 1000 thành viên cũng tạo ra một mạng lưới tương tác xã hội liên quan đến tộc người Khơ Mú. Các thành viên chia sẻ thường xuyên các bức ảnh, clip liên quan đến cuộc sống của dân tộc Khơ Mú…
Trên các trang mạng xã hội hiện nay có hàng triệu các nhóm xã hội đã tạo lập ra những kênh thông tin riêng, có nhóm công khai cũng có nhóm kín nhưng cơ bản là để chia sẻ những thông tin, những trải nghiệm của các thành viên. Trong đó, hầu hết các tộc người đều có những nhóm riêng để kết nối và chia sẻ. Khi những người sáng lập ra các nhóm (thường là những admin quản lý nhóm) là để chia sẻ những thông tin, những câu chuyện và những trải nghiệm cho những người khác quan tâm đến họ. Họ không có mục tiêu tạo ra dữ liệu cho nghiên cứu khoa học. Một mặt, điều đó cũng dễ làm cho những thông tin khi sử dụng vào nghiên cứu khoa học cần phải được xác minh một cách nghiêm túc. Nhưng mặt khác, cũng vì mục đích chia sẻ trải nghiệm nên những câu chuyện gắn liền với cá thể, với tình tiết cụ thể hơn và nó làm cho hệ thống dữ liệu trở nên linh động hơn.
Để khai thác hệ thống dữ liệu sống động từ đời sống của các cộng đồng đương nhiên không phải là vấn đề đơn giản. Bên cạnh phải biết phương pháp tiếp cận và thẩm định các thông tin mà mình tiếp cận được, nhà nghiên cứu còn phải có sự nhạy cảm cần thiết với các vấn đề xã hội trên các diễn đàn từ các cộng đồng. Bởi xét cho cùng thì thông tin hay dữ liệu đó do những con người cụ thể sản xuất ra nên có chân thực và cũng không thiếu những sai số do khách quan hoặc chủ quan. Cách tốt nhất để hạn chế chính là kết hợp cả nghiên cứu hệ thống dữ liệu từ cuộc sống cộng đồng qua các diễn đàn, các mạng xã hội với các phương pháp nghiên cứu truyền thống là tiếp cận trực tiếp để thẩm định thông tin, cảm nhận qua quan sát tham gia hay cả chia sẻ cảm xúc. Sử dụng nhiều phương pháp cùng lúc giúp cho việc vận dụng hệ thống dữ liệu từ cuộc sống các cộng đồng được đảm bảo độ tin cậy hơn và giúp cho quá trình nghiên cứu trở nên khoa học hơn, chặt chẽ hơn.
Khoa học công nghệ và dữ liệu hóa đời sống cá nhân người dân tộc thiểu số
Hiện nay, có thể nói rằng nhờ khoa học công nghệ mà tư liệu cuộc đời cá nhân được quan tâm và chia sẻ với cộng đồng và ngày càng trở thành một nguồn tài liệu quan trọng trong nghiên cứu tộc người. Trước đây, khi nghiên cứu tộc người, các nhà nghiên cứu thường tập trung vào khai thác thông tin những người thuộc diện đặc biệt như là “già làng, trưởng bản, người có uy tín, người có hiểu biết…”. Trong một cộng đồng, những trường hợp tiêu biểu chắc chắn ít hơn những-người-bình-thường. Vậy nên, để hiểu một cộng đồng thì chỉ tiếp cận những người tiêu biểu thôi chưa đủ. Nhưng để làm sao cho những-người-bình-thường đó tham gia vào quá trình sản xuất tri thức lại là một vấn đề lớn. Hiện nay, nhờ khoa học công nghệ mà những câu chuyện cuộc đời cá nhân lại trở nên có vai trò quan trọng hơn trong sản xuất tri thức về cộng đồng, về tộc người. Sự tiêu biểu không còn là đại diện quan trọng của cộng đồng nữa mà thay vào đó là sự đa dạng về góc nhìn, cách thức thể hiện và thông tin cuộc sống.


Hội thảo khoa học Nhân học và tộc người ở Việt Nam trong kỷ nguyên số, tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 12/2023. Ảnh tác giả cung cấp
Câu chuyện cuộc đời cá nhân thể hiện được điều đó khi mà họ không cần phải đại diện cho ai cả, chỉ là thể hiện một khía cạnh nhỏ, một trường hợp cụ thể của họ. Nhân học trong nhiều năm gần đây lại quan tâm đến vấn đề này. Những con người bình thường có thể chia sẻ những thông tin, những câu chuyện riêng của mình cho cộng đồng và từ đó lan toả ra với nhiều người khác. Có thể là những câu chuyện liên quan đến dòng đời (timelife) của một người, nhưng cũng có thể chỉ là một bức ảnh và một câu nói cũng làm nhiều người suy nghĩ. Xin nêu ra một ví dụ mà tôi được chia sẻ trong quá trình nghiên cứu điền dã. Tháng 4/2022, một cô gái trẻ người Thái ở Tương Dương đưa lên mạng xã hội facebook của cô một tấm ảnh môi bị sưng và mắt bị bầm tím với một dòng status “Vợ chồng mà không tin tưởng nhau thì có hay không cũng không quan trọng!”. Ngay lập tức, nhiều bạn bè của cô, trong đó có nhiều người là anh em, bạn bè trong làng bản đã vào comment phê phán hành vi bạo lực đối với cô gái. Rồi gia đình cũng vào cuộc gọi người chồng để làm rõ mọi chuyện. Thì ra cô gái đi làm cán bộ dự án nên hay phải đi địa bàn và đi tiếp khách, anh chồng nghe lời bạn bè khiêu khích nên ghen tuông, khi say rượu về nhà thì gây sự và đánh cô bầm tìm mặt mày. Thấy gia đình, bạn bè đều lên án nên ngay tối hôm đó anh chạy qua nhà bố mẹ vợ xin lỗi gia đình, xin lỗi vợ và đón vợ về.
Hiện nay, những câu chuyện nhỏ trong gia đình, vẫn được nhiều nhà nghiên cứu và nhiều người quan tâm khai thác và thảo luận về các phương diện khác nhau. Trong đó tập trung vào một số vấn đề như phòng chống bạo lực gia đình, vấn đề mạng lưới xã hội trong hoà giải và bảo vệ phụ nữ, vấn đề vai trò của mạng xã hội trong thực hiện bình đẳng giới…. Như vậy có thể thấy, chỉ một câu chuyện cá nhân, tưởng chừng như chẳng liên quan đến ai, nhưng lại trở thành một thông tin có giá trị cho quá trình sản xuất tri thức lẫn hành động xã hội. Câu chuyện cuộc đời, dù xuất hiện từ những năm 1970, được Trường phái Chicago ở Mỹ sử dụng trong nghiên cứu về những người nghèo ở đô thị. Sau đó được mở rộng ra trong các nghiên cứu về các vấn đề được cho là “nhạy cảm”. Hiện nay, phương pháp này đang dần phổ biến trong nhiều lĩnh vực khi mà đời tư cá nhân của những con người bình thường ngày càng được coi trọng, được quan tâm hơn. Không chỉ là những người nổi tiếng, người tiêu biểu mà những câu chuyện cuộc đời của những người bình thường cũng là dữ liệu quan trọng, là tư liệu để nghiên cứu. Và nhờ có khoa học công nghệ, nhất là các mạng xã hội đã giúp cho các câu chuyện cuộc đời cá nhân được phổ biến rộng rãi hơn. Giúp cho nhà nghiên cứu có thêm nhiều dữ liệu để tiếp cận đối tượng nghiên cứu, giúp cho sự tương tác giữa các cá nhân, các nhóm thêm phần mạnh mẽ hơn. Giúp cho nhiều người yếu thế được những người khác chia sẻ, tương tác nhằm giải quyết các vấn đề một cách công bằng và được tôn trọng hơn.
Khoa học công nghệ và quan hệ giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu
Ngày trước, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội thường tiếp cận trực tiếp với đối tượng nghiên cứu của mình là các cộng đồng tộc người. Điều này gần như trở thành nguyên tắc với một số ngành học, đặc biệt trong Dân tộc học – Nhân học. Khi nhà nghiên cứu thực hiện nghiên cứu điền dã, họ thực hiện “ba cùng” tức cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đội tượng nghiên cứu của họ. Mối quan hệ này nghe thì vô cùng chặt chẽ. Nhưng sau quá trình nghiên cứu điền dã, việc phát triển và công bố các nghiên cứu liên quan đến đối tượng nghiên cứu lại trở thành vấn đề riêng của các nhà nghiên cứu. Các cộng đồng dân tộc thiểu số vốn là đối tượng nghiên cứu lại không hề hay biết về quá trình sản xuất tri thức liên quan đến họ bởi họ chẳng mấy khi có điều kiện để tiếp cận các nghiên cứu này trừ một vài người trong cộng đồng được học hành lên cao và trở thành các nhà nghiên cứu. Nhà khoa học có thể có được công danh, lợi ích từ các công trình nghiên cứu của mình, trở thành chuyên gia, được tăng lương thăng chức. Nhưng đối tượng của họ thì chẳng mấy khi nhận được lợi ích từ các nghiên cứu liên quan. Thậm chí có những cộng đồng phải chịu những hệ lụy to lớn từ các nghiên cứu khoa học liên quan đến họ mà gần như họ không dược biết.
Khoa học công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ đã đẩy mạnh sự tương tác giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh trao đổi trực tiếp, các nhà nghiên cứu giờ đây có thể trao đổi với những người bản địa, là đối tượng nghiên cứu của mình qua không gian khoa học công nghệ, mà chủ yếu là qua mạng xã hội, e-mail, điện thoại…. Những điều mà những nhà sáng lập ngành Dân tộc học-Nhân học không tính tới trong bối cảnh cuộc sống của họ. Khái niệm điền dã đang ngày càng được mở rộng ra, bên cạnh đi thực địa trực tiếp thì còn những phương pháp tiếp cận gián tiếp nhưng không hẳn gián tiếp bởi khoa học công nghệ cho phép sự tương tác của các bên liên quan. Nếu như trước đây, nhà nghiên cứu sau khi điền dã về phát triển các ý tưởng, phân tích tư liệu và công bố các công trình nghiên cứu của mình ra với giới chuyên môn và công chúng. Quá trình sản xuất tri thức của họ gần như độc lập với đối tượng mà họ nghiên cứu bởi đối tượng nghiên cứu khó tiếp cận các công trình nghiên cứu và càng khó hơn khi tham gia vào quá trình sản xuất tri thức của các nhà nghiên cứu.
Nhưng hiện nay, phương pháp nghiên cứu dân tộc học cũng đang thay đổi nhanh chóng. Người bản địa, đối tượng nghiên cứu không chỉ cung cấp thông tin một cách đa dạng mà còn tham gia được vào quá trình sản xuất tri thức. Họ có thể tìm kiếm các bài viết liên quan đến họ để đọc và cũng sẵn sàng bình luận hay phản biện lại ý kiến của nhà nghiên cứu về các thông tin hay quan điểm liên quan đến cuộc sống của họ. Nếu những người có hiểu biết ở vùng miền núi mà phát hiện các thông tin, quan điểm không phù hợp với họ thì họ sẵn sàng phản ánh lại, thậm chí tranh luận lại với các nhà nghiên cứu thông qua mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông. Như vậy, khoa học công nghệ ngày càng đẩy mạnh sự tương tác giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu. Người dân bản địa đang chủ động tìm kiếm và xem xét các thông tin, các nghiên cứu liên quan đến họ để hiểu hơn về chính họ và cũng để “hiệu đính” nếu như những tri thức đó không phù hợp với họ. Và chỉ có khoa học công nghệ hiện đại mới đem đến cho họ thứ quyền năng mà vài chục năm trước họ có tưởng tượng cũng không hình dung đến.
Khoa học công nghệ làm giảm định kiến tộc người
Định kiến tộc người tồn tại từ rất lâu và đi cùng sự phân định tộc người. Dù ở thời đoạn nào thì những định kiến về tộc người cũng luôn tồn tại và thể hiện một cách khác nhau tùy vào điều kiện cụ thể. Ngày nay, người ta hiểu về “dân tộc” một cách đầy đủ hơn, nhưng không thiếu những định kiến gắn liền với nó. “Dân tộc” bị nhiều người hiểu theo một định kiến miệt thị, là một cái gì đó lạc hậu, chưa phát triển, chưa hiện đại. Nên họ dùng những từ “đồ dân tộc”, “người dân tộc”, hay đơn giản là “tộc” để chỉ sự lạc hậu, kém phát triển của những người ở miền núi. Những định kiến này vốn không chỉ bây giờ mà nó đã tồn tại khá lâu. Và với những người chưa từng sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số hay với những người không biết nhiều về người dân tộc thiểu số thì “dân tộc” vẫn là một định kiến tộc người nặng nề. Họ không biết rằng chính mình cũng thuộc về một “dân tộc”, chỉ là ở một quốc gia nào đó thì mình là người dân tộc chiếm đa số. Cùng với đó còn nhiều định kiến khác nữa, như việc canh tác nương rẫy chẳng hạn. Khi nói về cộng đồng người sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy thì người ta nghĩ đó là những người lạc hậu, kém phát triển và phần nào đó nghèo nàn. Thậm chí đó là hình thức du canh du cư, phá rừng… Nhưng họ không hiểu được tính phù hợp của canh tác nương rẫy trong môi trường miền núi là một lựa chọn tối ưu.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã góp phần hạn chế các định kiến về tộc người. Việc người bản địa ngày càng tham gia vào quá trình sản xuất tri thức một cách chủ động hơn. Không những vậy họ còn tham gia vào việc thẩm định, đánh giá, tranh luận lại về các tri thức khoa học của các nhà nghiên cứu đã làm cho vị thế của họ tăng lên. Và điều đó cũng giúp cho quá trình giải định kiến tộc người được tiến lên những bước đi mới. Các nhà nghiên cứu, một mặt sử dụng các nguồn tư liệu từ chính những người bản địa tạo ra, một mặt cũng phải đối diện với các ý kiến thảo luận của những người bản địa mà họ phần nào đó phải coi trọng người bản địa là đối tượng nghiên cứu của mình. Giờ đây, họ không còn dám coi người bản địa là lạc hậu, kém phát triển nữa nếu như họ không muốn những nghiên cứu của mình bị chính những người bản địa đánh đổ. Và sự tôn trọng đối với đối tượng nghiên cứu ngày một nâng lên.
Không chỉ với giới nghiên cứu mà cả những người dân bình thường cũng giảm bớt các định kiến về tộc người thông qua các thông tin về tộc người được chia sẻ một cách rộng rãi hơn. Nhiều chàng trai, cô gái vùng dân tộc thiểu số đã vươn lên có nhiều đóng góp cho cộng đồng, cho quê hương và cho đất nước. Những việc làm tốt của họ đã được các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội công nghệ đưa tin rộng rãi làm cho nhiều người nhận thức rõ ràng hơn về người dân tộc thiểu số làm thay đổi các định kiến của họ với đồng bào. Nói cách khác, chính khoa học công nghệ đã đưa thông tin một cách chính xác và sinh động hơn về đời sống văn hóa tộc người, qua đó giúp cho các cộng đồng tương tác với nhau một cách mạnh mẽ hơn, hiểu về nhau rõ hơn và gắn bó chặt chẽ với nhau hơn. Điều đó làm cho sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng cũng được tăng cao, góp phần đảm bảo nguyên tắc bình đẳng dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
Tóm lại, thực tiễn cuộc sống của đồng bào đang dần trở thành một hệ thống dữ liệu khoa học quan trọng trong nghiên cứu khoa học xã hội, nhất là nghiên cứu tộc người. Tuy nhiên, việc sử dụng được hệ thống tư liệu này cũng đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có nền tảng tri thức và phương pháp tiếp cận phù hợp. Và một giá trị quan trọng là qua khoa học công nghệ, những người dân bình thường ở các cộng đồng dân tộc đang ngày càng được tương tác mạnh mẽ hơn với các nhà nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ. Nó làm cho tiếng nói của người bản địa ngày càng tăng lên. Đó là một thành tựu quan trọng mà khoa học công nghệ đưa lại cho đồng bào và nó cần được phát huy hiệu quả./.
 

Thanh Đình

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây