Các phong tục liên quan đến nhà ở của người Khơ Mú ở Nghệ An

Thứ tư - 26/06/2024 04:21 0
Ngôi nhà truyền thống của người Khơ Mú là nhà sàn. Tuy nhiên, nhà sàn của người Khơ Mú cũng có nhiều loại khác nhau tùy vào địa hình, điều kiện mỗi gia đình để họ làm kiểu nhà gì, to hay nhỏ, cầu kỳ hay đơn giản… Thường có các kiểu nhà phổ biến như: Nhà 2 mái dài, nhà 4 mái, nhà 2 mái đầu hồi ghép phụ, đây là những kiểu nhà tuy đơn giản nhưng mang những nét kiến trúc độc đáo của dân tộc Khơ Mú.
Cũng giống như các dân tộc khác cư trú trên địa bàn đồi núi, rừng rậm, nguyên vật liệu để xây nhà thường được người dân Khơ Mú tìm kiếm ngay tại địa phương, chủ yếu là gỗ, tranh, tre, nứa, luồng và mây. Khi chuyển từ cuộc sống du canh, du cư sang định canh định cư, nhà ở được người Khơ Mú chuẩn bị chu đáo và xây dựng kiên cố hơn. Nếu là ngôi nhà thông thường, thời gian chuẩn bị bình quân từ 3- 5 năm, nhưng những ngôi nhà to lớn, hay những gia đình có điều kiện hơn thường chuẩn bị từ 7- 10 năm. Khi làm nhà, bao giờ người Khơ Mú cũng chọn hướng Đông Nam hoặc Tây Bắc.


Một bản người Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn - Nghệ An, nguồn Ảnh: Tạp chí Dân tộc và phát triển

Phần lớn ngôi nhà truyền thống của người Khơ Mú là nhà sàn thấp, hay nhà nửa sàn nửa đất. Những kiểu nhà này được dựng phù hợp với điều kiện cư trú, mặt khác, trước đây người Khơ Mú có phong tục nếu gia chủ mất, ngôi nhà sẽ bị bạt đi một phần để tỏ lòng thương tiếc, và cũng với hàm ý người đứng đầu trong nhà mất thì "tan cửa nát nhà". Phong tục này bây giờ đã được người Khơ Mú phá bỏ, nhưng họ vẫn giữ kiểu nhà nửa sàn nửa đất để thích nghi và phù hợp với điều kiện sống hiện nay. Ngoài ra, tục làm nhà lớn (hay còn gọi là nhà nhảy) đặc biệt tốn kém cũng đã được người Khơ Mú phá bỏ.
Cũng giống như bất kỳ dân tộc nào, khi làm nhà mới, người Khơ Mú đều cầu mong cho cuộc sống mới tốt đẹp, mọi người trong gia đình mạnh khỏe, bình an, gia đình no đủ, lúa tốt đầy nương, trâu bò đầy gầm sàn,… Vì thế, xung quanh việc làm nhà mới có khá nhiều phong tục, tập quán vừa thể hiện được vai trò quan trọng của ngôi nhà mới trong cuộc đời mỗi người vừa thể hiện những khát vọng về cuộc sống bình yên, no đủ của họ. Tuy nhiên, sự cầu kỳ, linh đình, đôi khi là rất tốn kém của các phong tục, tập quán làm nhà của người Khơ Mú phải kể đến tục làm nhà nhảy (tức là làm nhà lớn). Hiện nay, các cấp đang tuyên truyền, vận động và quy định đối với bà con người Khơ Mú để giảm bớt các phong tục không cần thiết, tránh gây ra sự tốn kém, lãng phí trong khi đời sống của bà con dân tộc Khơ Mú còn rất nghèo đói, khó khăn.
 Lễ chọn đất xem hướng nhà
Việc chọn đất để cất nhà của người Khơ Mú đơn giản, nhưng lễ xin đất của họ lại khá cầu kỳ. Gia chủ chỉ cần tìm được mảnh đất mình ưng ý thì sẽ tiến hành làm lễ xin đất để xem mảnh đất đó có tốt và hợp với mình không.
Lễ xin đất có hai cách: cách thứ nhất, gia chủ lựa lúc trời tối đào một cái hố nhỏ, rồi đặt quả trứng xuống, sau đó để hai hạt gạo lên trên quả trứng, lấy một cái bát đậy lên. Sáng mai ra, gia chủ mở cái bát ra mà thấy hạt gạo và quả trứng vẫn còn giữ nguyên vị trí thì có thể tiến hành làm nhà trên mảnh đất đó, còn nếu không thì sẽ phải tiếp tục tìm mảnh đất khác. Cách thứ hai là gia chủ lấy 10 dây lạt có độ dài bằng nhau, đặt xuống đất và lấy đất lấp vào giữa các sợi dây. Tiếp đó, gia chủ vừa khấn ma đất, ma rừng, thổ công, thổ địa, vừa nối đầu của các đoạn dây lại với nhau. Sau khi khấn xong, nhấc đoạn dây lên, nếu đoạn dây tạo thành hình vòng tròn thì xem như đã lựa chọn được mảnh đất tốt, còn nếu không lại phải tìm mảnh đất khác và tiến hành làm lễ như ban đầu.
Người Khơ Mú không làm lễ chọn hướng nhà, thông thường họ làm nhà theo hướng có ánh sáng là hướng mặt trời mọc hay mặt trời lặn sẽ tránh được ốm đau, bệnh tật, tuy nhiên điều đó cũng còn tùy thuộc vào địa hình cư trú.
          Chọn ngày tháng làm nhà
Khác với các dân tộc khác, truyền thống của người Khơ Mú khi làm nhà rất ít xem tuổi tác cũng như làm lễ chọn ngày tháng làm nhà. Thường khi thu hoạch mùa màng xong, vào tiết trời xuân mát mẻ khoảng tháng 1, 2 hoặc 3 âm lịch, họ sẽ chọn ngày chẵn trong những tháng đó để tiến hành làm nhà. Vật liệu đã chuẩn bị xong, họ sẽ báo cáo với trưởng bản để thông báo với anh em, họ hàng, làng xóm đến giúp đỡ, rồi tiến hành dựng nhà. Người Khơ Mú kiêng kị làm nhà vào những tháng 4, 7, 9 và tháng 10 trong năm.
 Lễ động thổ
Sau khi đã đục đẽo xong cột kiêng và các cột khác, gia chủ sẽ chọn ngày, giờ tốt để làm lễ động thổ. Tại lễ động thổ, gia chủ sẽ thắp sáp ong rồi đặt lên 4 chiếc cột đã được chôn sẵn tại bốn góc nhà, sau đó cho tiến hành đào lỗ cột kiêng. Trước khi đào lỗ cột kiêng, ông trưởng họ khấn thổ địa, thổ công xin được dựng nhà, rồi mới tiến hành đào lỗ.
Sau khi tiến hành các thủ tục, gia chủ giết thịt một con lợn, cùng với xôi, rượu thiết đãi những người đến tham gia động thổ.
          Lễ phát mộc
Người Khơ Mú có quy định là dựng cột thiêng đầu tiên khi làm nhà, sau đó mới dựng các cột tiếp theo. Đối với họ, cột thiêng có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tâm linh, do đó, khi dựng cột đồng thời họ cũng tiến hành cúng cột thiêng trong lễ phát mộc của mình.
Để cúng cột thiêng, họ lấy một chiếc áo cũ của chủ nhà cùng với một bó lạt, cây củ ráy cột vào cột thiêng, sau đó lấy sáp ong rừng bôi lên cột. Sau khi thầy mo cúng xong, chủ nhà cùng mọi người sẽ tiến hành ăn uống linh đình. Trong lễ phát mộc, gia chủ phải làm thịt một con lợn để cúng và thiết đãi mọi người.
Lễ dựng nhà
Lễ dựng nhà được tiến hành sau lễ động thổ một ngày, thường là lúc trời chưa sáng, khi con gà trống đầu tiên trong bản cất tiếng gáy. Lúc này cột thiêng, và lần lượt các cột khác được dựng lên trong tiếng reo vui, cổ vũ của gia chủ và mọi người.
Khi những người đàn ông bắt tay vào làm nhà, thì các bà các mẹ dưới sự chỉ dẫn của ông trưởng họ bắt một con lợn to nhất và 1 con chó, cắt tiết rồi kéo lê từ cầu thang lên nhà sàn, rồi vào nhà bếp, sau đó để con lợn và con chó xuống sàn nhà của gian có bếp thiêng. Tiếp đó, lấy máu con chó bôi khắp các cột nhà với ý nghĩa là làm vía cho cột, và dành phần ăn cho quân lính âm binh. Sau khi kết thúc thủ tục này, mới làm thịt lợn và chó. Trước tiên, họ dọn một mâm lễ trước để thầy mo cúng mời thần thổ công, thổ địa, thần núi, thần sông, tổ tiên,… về chung vui cùng gia chủ và phù hộ độ trì để gia chủ xây được nhà đẹp, nhà to, con cháu trong nhà mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Khi thầy mo cúng xong, thức ăn được dọn ra để anh em, bà con thôn bản cùng đến ăn uống chia vui.
Lúc ăn cơm dựng nhà mới không được ăn trong mâm mà phải đặt thức ăn vào mẹt, nống hoặc sàng sẩy lúa gạo và phải ăn dưới sàn nhà mới. Sau khi ăn xong chủ nhà và những người tham gia dựng nhà chuẩn bị cho lễ lên nhà mới.


Hội mừng nhà mới của người Khơ Mú ở xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An); nguồn Ảnh: Tạp chí Dân tộc và phát triển

 Lễ lên nhà mới
Đây là một nghi lễ độc đáo và ý nghĩa, được thực hiện vào ban đêm với sự tham gia của đông đảo anh em, người thân, bà con trong thôn, bản. Chủ nhà mặc một bộ đồ bằng vải tơ tằm, đầu đội khăn xếp; bà chủ nhà mặc áo truyền thống của người phụ nữ Khơ Mú, vấn khăn thêu có sợi tua rua; con, cháu, dâu, rể trong nhà ai ai cũng mặc đồ đẹp, đeo trang sức khắp người để làm lễ.
Khi tất cả đã chuẩn bị xong, theo thứ tự đầu tiên là chủ nhà, bà chủ, con cả, con thứ, cháu,… xếp hàng lần lượt lên cầu thang và vào nhà mới. Ông chủ vai trái vác chài, tay phải ôm quả bí xanh, bước lên nhà và hỏi lớn "Nhà này là nhà tốt hay nhà xấu?", hỏi đến lần thứ ba thì một già làng ngồi trong nhà mới trả lời: "Nhà này là nhà tốt, con cháu đầy đàn, nuôi lợn lợn béo, nuôi gà gà to, thóc lúa đầy nhà,…"(44). Lúc này, ông chủ nhà mới ném quả bí qua xà nhà, rơi ra sàn nhà ở gian giữa, đám thanh niên trong bản thi nhau dẫm lên quả bí cho vỡ vụn các mảnh ra. Ông chủ lại làm động tác quăng chài úp toàn bộ mảnh bí bị vỡ rồi kéo chóp chài thu về, cuốn chài lại và đi vào gian kiêng treo chài có các mảnh bí vỡ vướng bên trong ở gian kiêng đó.
Trong lễ lên nhà mới, gia chủ đã chuẩn bị một chum rượu cần đã được mở sẵn với 4 chiếc cần, chọn một chàng thanh niên khỏe mạnh trong gia đình gùi chum rượu trên lưng đi vòng quanh nhà mời mọi người tới tham dự cùng uống, vừa mời rượu, vừa đi đủ ba vòng quanh cột thiêng và hát Tơm. Họ cũng chọn ra 4 thanh niên đóng giả thành 4 cô gái để mời dân bản cùng hát Tơm mừng nhà mới. Hát Tơm sao cho đúng và ưng ý những cụ già đang uống rượu nếu không sẽ bị các cụ chặn lại và bắt hát Tơm lại. Sau khi đi đủ 3 vòng, chàng thanh niên gùi rượu sẽ đập mạnh ống nước cầm trên tay làm sao để nước trong ống tóe vào các cụ già càng nhiều càng tốt. Lúc này tiếng chiêng, tiếng trống, tiêng mõ cùng nổi lên, người người tham gia cùng hát mừng nhà mới. Cuộc vui có thể kéo dài 2 ngày, cũng khiến gia chủ tốn kém và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Những nghi lễ trong lễ lên nhà mới phải kéo dài trong 3 năm đầu tiên lên ở, đặc biệt gia chủ phải làm lễ giết trâu, gây rất nhiều tốn kém, có khi còn làm cho gia chủ bị kiệt quệ về kinh tế. Cho nên, ngày nay bà con đồng bào được tuyên truyền về nếp sống mới, đang bỏ dần những hủ tục không cần thiết, đơn giản dần các lễ tục làm nhà mới.

Nhà sàn truyền thống của người Khơ Mú ở Nghệ An

          Ngày nay, vì điều kiện nguyên vật liệu để xây nhà ngày càng khó khăn nên người Khơ Mú hầu như chuyển từ làm nhà sàn truyền thống sang làm nhà ở nửa sàn nửa đất, nhà đất. Nguyên vật liệu thì chuyển sang dùng ngói, proximang, tôn, gỗ sa mu,… Vì vậy một số phong tục tập quán nhà mới của người Khơ Mú cũng đã lược bớt, tuy nhiên, họ vẫn còn lưu giữ những phong tục quan trọng, như một cách lưu giữ văn hóa, hồn cốt của dân tộc mình.

 

Phước Huệ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây