Tấm gương về lòng yêu nước và phẩm giá một kẻ sĩ

Chủ nhật - 23/06/2024 21:00 0
Trong việc tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp họa sĩ Lê Văn Miến, tôi là người đến sau - trước tôi, một số tác giả đã có bài về Cụ là các ông Lê Thanh Cảnh, Lê Thước, Nguyễn Đắc Xuân, Sơn Tùng, Thái Bá Vân…, nhưng tôi lại có may mắn được bác Lê Văn Yên, người con trai sống với Cụ lâu nhất - gần ba chục năm trời - trao cho cuốn sổ ghi chép rất nhiều câu chuyện và chi tiết đời sống của Cụ. Bác Yên và tôi lại có “duyên” là người “đồng hương” Nghệ Tĩnh, thân phụ tôi lại có thời gian ngồi ghế Tư nghiệp Quốc Tử Giám Huế, khi cụ Miến làm Tế Tửu (tương tự như Viện trưởng và Viện phó Đại học quốc gia hành chính hiện nay). Nhờ đó, sau nhiều buổi trò chuyện với bác Yên, cộng với một số thông tin từ bài viết về Cụ của những tác giả mà tôi đã dẫn ở trên, tôi đã hoàn thành bản thảo cuốn sách “Lê Văn Miến - người họa sĩ đầu tiên, người thầy đầu tiên”. Sách được Nhà xuất bản Thuận Hóa in năm 1995 và đã được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng giải Nhì. Nếu tôi không nhầm, cho đến nay, đây là cuốn sách duy nhất về danh nhân Lê Văn Miến. Sau đó, cuộc đời Cụ được giới thiệu trên một số tờ báo và Đài Truyền hình Việt Nam. Cách đây khoảng chục năm, tên Lê Văn Miến đã được đặt cho một con đường ở phường Tây Lộc, thành phố Huế. Và cho đến nay, như tôi được biết, tại thành phố Vinh và thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có tên đường mang tên Lê Văn Miến.

“Bình văn” tranh của họa sĩ Lê Văn Miến

Tuy vậy, nhiều người vẫn chưa biết Lê Văn Miến là ai! Giữa cả biển thông tin với các phương tiện nghe nhìn chen vai thích cách hoạt động náo nhiệt 24/24 giờ một ngày thì vài bài báo, một cuốn sách mỏng in một - hai ngàn bản, quả là “muối bỏ biển”.
Cụ Miến thì lại nằm lặng lẽ tại một vùng đồi hoang vắng ở Thừa Thiên Huế từ năm 1943, trong suốt 2 cuộc kháng chiến không mấy ai nghĩ tới việc tu bổ phần mộ hay thăm viếng là điều dễ hiểu. Trong gần hai chục năm qua, một số báo chí nhắc đến Cụ chủ yếu với vai trò là người họa sĩ mở đầu nền hội họa Việt Nam hiện đại và là thầy dạy Nguyễn Tất Thành tại trường Quốc học (Huế). Điều đó là đúng và thật đặc biệt nhưng chưa đầy đủ. Những tác phẩm hội họa của cụ còn lại là “vô giá” vì không ai mua bán và có ý nghĩa lịch sử với riêng ngành mỹ thuật, nhưng không phải là giá trị dễ phổ biến như thơ Hồ Xuân Hương! Các họa sĩ ngày nay cũng không mấy ai vẽ theo lối “ngày xưa”… có một học trò trở thành vị Chủ tịch sáng lập nước Việt Nam độc lập là vinh dự thật lớn lao, nhưng không phải ai muốn “noi theo” cũng được!
Một sự “gặp gỡ” kể cũng có ý nghĩa là đúng lúc tôi vừa phác thảo một phần bài viết khi gặp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhắc đến Tọa đàm về họa sĩ Lê Văn Miến sắp tới, nhà thơ nói ngay, đại ý: cụ Miến là một “nhà văn hóa” chứ không chỉ là một họa sĩ với mấy bức tranh…
Vì thế, trong dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh Lê Văn Miến, theo những tư liệu mà tôi được biết, chúng ta nên hướng tới những giá trị văn hóa có thể gọi là “phi vật thể” mà cụ Miến để lại - Những giá trị tinh thần có thể lưu truyền, làm gương cho mọi người, mọi thế hệ góp phần xây dựng con người đủ sức vượt qua những thử thách trên đường dài tiến bước cùng nhân loại văn minh. Có phải chính vì thế mà câu nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, gần đây đã được đặc biệt chú trọng, được xem như là “kim chỉ nam” cho toàn bộ hoạt động xã hội hiện nay.
Giá trị văn hóa trước hết mà danh nhân Lê Văn Miến để lại là tấm lòng yêu nước thiết tha được vun trồng từ thuở ấu thơ. Ngay từ nhỏ, cậu bé họ Lê không chỉ đã được nghe những câu chuyện về lòng yêu nước của các bậc tiền bối của quê hương (làng Ông La, xã Kim Khê - nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) mà còn trực tiếp được hít thở trong bầu khí quyển giàu nghĩa khí của lớp người nhất định không chịu làm nô lệ cho ngoại bang.
Đó là lúc thân phụ - cụ Lê Huy Nghiêm, sau khi đỗ cử nhân được cử vào Thừa Thiên giữ chức Huấn đạo huyện Quảng Điền, rồi Tri phủ huyện Phú Lộc, đã mang Lê Văn Miến đi theo để học chữ Hán. Cụ Cử là bạn tâm giao với cụ Phan Đình Phùng (lúc này, cụ Phan bị cách chức quan Ngự sử, thường vào Phú Lộc chơi…); cụ Miến thường ngồi hóng chuyện mỗi lần ra hầu trà khi cụ Phan vào thăm thân phụ. Sau đó, khi cụ Cử đổi ra Sơn Tây, cụ lại đem cậu Miến đi theo. Việc cụ Cử bày tỏ thiện cảm và giúp đỡ cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Thiện Thuật, không chịu kết án và tha bổng cụ Hà Văn Bao - một vị lãnh tụ của nghĩa quân - nên bị cách chức đã thêm một lần nhen nhóm vào tâm trí cậu Miến nỗi uất ức của người dân nô lệ…
Chỉ từng ấy đủ cho chúng ta hiểu vì sao ngay khi đang theo học trường “thuộc địa” (École Coloniale) ở Paris - nơi đào tạo quan chức cai trị cho Pháp, một thanh niên chưa đầy 20 tuổi từ xứ “An Nam” chưa có tên trên bản đồ thế giới, Lê Văn Miến đã dẫn đầu học sinh các xứ thuộc địa bãi khóa, kéo đến bộ Thuộc địa đấu tranh phản đối viên Hiệu trưởng có óc thực dân, kỳ thị chủng tộc, thiên vị người Pháp. Cảnh sát Pháp phải dùng ngựa và xịt nước giải tán…
Tốt nghiệp ngôi trường Tây này rất dễ làm quan to nếu về nước. Cùng được cử sang Pháp học với Lê Văn Miến còn có hai công tử là Hoàng Trọng Phu (1872-1946) - con Tổng đốc Hoàng Cao Khải và Thân Trọng Huề (1869-1925) - con Tổng đốc Thân Văn Nhiếp, cả hai sau khi về nước đều được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng ở nhiều tỉnh từ Tổng đốc đến Thượng thư. Vậy mà Lê Văn Miến không vội về nước, xin ở lại học trường Mỹ thuật Paris - ngôi trường danh tiếng của cả châu Âu thời đó.
Trở về nước, Lê Văn Miến đã thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những hoạt động văn hoá chứ không nhờ cậy hai người bạn cùng học Trường Thuộc địa là Thân Trọng Huề và Hoàng Trọng Phu đang giữ các chức vụ quan trọng để làm quan. Những công việc đầu tiên chàng họa sĩ trẻ tìm đến sau khi về nước đã chứng tỏ điều  này. Đặc biệt, Cụ đã dành trọn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục (1899-1929), lại là người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, lãnh đạo và dạy học ở những ngôi trường danh tiếng  vào bậc nhất, nhì thời đó ở Việt Nam.
Khởi đầu, khi trường Pháp Việt (còn gọi là Quốc học Vinh) được thành lập ở Vinh năm 1899, Lê Văn Miến được cử làm Đốc giáo (hiệu trưởng). Đó là lúc, Đào Tấn (1845-1907), được vua Thành Thái cử ra làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai. Giữa hai họ Lê - Đào đã có mối quan hệ từ trước, nên Lê Văn Miến được Đào Tấn tin cậy. Nhưng chỉ 3 năm sau, vì duyên nợ với vị Tổng đốc yêu nghệ thuật (và có thể cả vì sự nghiệp lớn mà vua Thành Thái cùng Đào Tấn đang âm thầm chuẩn bị) Lê Văn Miến phải tạm xa mái trường vừa thành lập ở Vinh, vào Huế làm việc với Đào Tấn tại Bộ Công. Đó là năm 1902. Sau đó, Lê Văn Miến còn trở ra Vinh làm Đốc giáo Trường Pháp - Việt lần thứ hai (1904-1907), trước khi được điều vào Huế dạy vẽ và Pháp văn tại Trường Quốc học từ niên khóa 1907-1908 cho đến năm 1913. Trong số học trò của thầy Miến giai đoạn này có một nhân vật đặc biệt là Nguyễn Tất Thành - về sau là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng đã dành nhiều trang để miêu tả mối quan hệ thầy trò giữa hai người. Tuy những điều đó chủ yếu là “hư cấu” của nhà văn, nhưng với mối quan hệ gần gũi giữa cụ Phó bảng họ Nguyễn và cụ Cử họ Lê, với một cây bút cẩn trọng như Sơn Tùng, chúng ta có thể tin rằng trong hành trang chàng trai Nguyễn Tất Thành khi rời Huế ra đi tìm đường cứu nước có hình ảnh và những bài học yêu nước của thầy Lê Văn Miến…
Gần 10 năm ở Trường Hậu Bổ (1914-1921), từ một “trợ giáo” khi trường mới thành lập, cuối năm thứ hai (1914), Lê Văn Miến đã được thăng chức Phó Đốc giáo và đến năm 1919 được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng), thăng Hồng Lô tự khanh và được tặng Hàn Lâm bội tinh. Cụ được thăng chức, được tặng thưởng nhờ tận tụy với nghề giáo và có uy tín trong nhà trường, chứ không hề quỵ lụy, luồn cúi ai.
Với sinh viên, dù người đỗ đạt cao, lớn tuổi hơn mà tư cách không đứng đắn thì thầy Miến cũng thẳng thắn khiển trách. Đó là trường hợp một vị tiến sĩ, cũng quê Nghệ An, người cao to, nên thường gọi “ông Voi”, tính cách yếu hèn, rất sợ mấy thầy Tây dạy trong trường, đã bị cụ Miến nghiêm khắc nhắc nhủ: “Sao anh lại nhu nhược như thế? Sợ gì chúng nó, làm ô nhục cho sĩ phu Nghệ Tĩnh!”.
Cụ Lê Văn Miến được cử giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám từ năm 1921. Đây là chức học quan cao nhất trong Chính phủ Nam triều, nhiều người ao ước, nhưng khi Khâm sứ Trung kỳ lúc bấy giờ là D’elloy đến thăm Trường Hậu Bổ và hỏi cụ Miến: “Ông cần gì, muốn gì cứ nói...”. Cụ Miến trả lời ngay: “Điều mà tôi muốn chưa thể nói ra được. Bây giờ tôi chỉ nói cái điều không muốn: Tôi không muốn vào làm Tế tửu Trường Quốc Tử Giám!”…
Dù phải nhậm chức một cách bất đắc dĩ, những năm giữ chức Tế tửu Quốc Tử giám (1921-1928), chức quyền, danh vọng không hề làm cụ thay đổi chính kiến cũng như cách sống của mình. Đối với các quan chức Pháp, cụ luôn nêu cao lòng tự trọng dân tộc, điều đó đã là tấm gương cho sinh viên trong trường noi theo.
Hơn thế, cụ không e ngại bày tỏ cảm tình và sẵn sàng giúp đỡ những người cách mạng yêu nước, như đã tạo điều kiện tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh, khuyến khích sinh viên lui tới thăm nom và giúp đỡ cả vật chất cho cụ Phan Bội Châu đang bị an trí ở dốc Bến Ngự...
Thời gian ở Trường Hậu Bổ (1913-1921) cũng như ở Trường Quốc Tử giám (1921-1828), dù làm Trợ giáo, Đốc giáo hay Tế Tửu, cụ Miến vẫn giữ tròn nghĩa khí của một kẻ sĩ. Trong một kỳ thi tốt nghiệp ở Trường Hậu bổ, thầy Miến đã đánh hỏng người cháu của quan Thượng thư Bộ Lễ kiêm Bộ Học, đồng thời là nhạc gia của nhà vua, vì người này đem theo tài liệu để chép; một lần khác, cụ đánh hỏng một người con ông anh ruột, vì sức học chưa đạt, làm cho tất cả quan trường và Hội đồng coi thi kinh ngạc.
Nhắc lại vài câu chuyện nhỏ hơn một thế kỷ trước của người thầy luôn coi trọng phẩm giá của kẻ sĩ, không vị tình thân và uy quyền mà bao che lỗi lầm, hẳn là rất hữu ích khi liên hệ với những vụ “chạy” chức quyền, dùng bằng giả, núp bóng uy quyền để tiến thân, làm giàu bất chính mà báo chí đã phanh phui những năm gần đây.
Ngay cả với quan chức người Pháp, Cụ Miến cũng không cúi đầu, càng không biết nịnh bợ. Thời Cụ còn dạy tại Trường Quốc học, một lần, quan Khâm sứ đến Trường, mời Cụ lên gặp, Cụ khước từ, lấy cớ “tôi đang bận dạy, không thể lên được”. Trớ trêu thay, quan Khâm sứ lúc đó lại chính là Sestier, vốn là bạn học cũ của Cụ tại Trường Thuộc địa Pháp, đã từng gặp Cụ khi y làm Công sứ ở Nghệ An và vừa được thăng chức. Lát sau, chính y phải đến lớp Cụ đang dạy, ôm chầm lấy thầy Miến, cụng tai, cụng má rất thân mật và hỏi: - “Sao không đến thăm tôi, khi nghe tôi làm Khâm sứ ở đây?” - “Khó thăm mà cũng vô ích!”. Thầy Miến đáp vậy và sau đó không hề bước chân đến Toà khâm.
Trong cuộc sống đời thường, cụ Miến cũng luôn giữ cốt cách một kẻ sĩ. Xuất thân từ một gia đình khoa bảng, sống tại kinh đô tân tiến nhất châu Âu, cuối đời ngồi ghế đại quan chỉ kém Thượng thư một bậc, nhưng danh nhân Lê Văn Miến, bên cạnh phong thái ung dung và thanh cao của một giáo sư đất kinh kỳ, vẫn giữ cốt cách một nho sĩ với lối sống giản dị, tiết kiệm của vùng quê Thanh Nghệ Tĩnh. Khi có việc đi ra ngoài, làm việc hay dạy học, Cụ thường mặc chiếc áo sa đen mỏng, quần vải quyến, đầu vấn chiếc khăn lược dài, chân mang giày Tây, trời lạnh quàng thêm chiếc “ba-đờ-xuy” bằng dạ xám, khi mưa thì thêm chiếc ô đen. Cụ thích đi bộ một cách thong thả, lấy đó làm cách thư giãn tâm hồn. Khi có việc cần kíp lắm, hay những ngày đại lễ phải đi dự, bất đắc dĩ Cụ mới đi xe kéo. Đi kỵ giỗ hay thăm viếng người thân, nếu ở xa, thì Cụ thuê đò đi. Cả những lúc phải đi xe lửa ra Vinh thăm quê, Cụ cũng thuê đò chèo lên bến ga, nằm nghỉ để sáng sớm tiện lên tàu. Thỉnh thoảng, ngày chủ nhật, Cụ cho cậu con trai là Lê Văn Yên ngồi trên xe, để chú Tư - người giúp việc trong gia đình kéo đi chơi; còn bản thân cụ thì đi bộ vào các chợ An Cựu, Bến Ngự, tự mua các thứ rau quả mang ra xe.
Cụ cũng thích tự nấu ăn lấy, nhất là món cá thệ kho trong cái tìm sành bắc trên hỏa lò than, bỏ thêm rau răm và thịt heo ba chỉ xắt kiểu hột lựu. Buổi sáng, cụ thường dậy sớm, tự quạt lò than, ngồi uống nước trà Tam Hỷ hay Minh Thái, rồi ăn cháo trắng lót dạ; đợi nghe tiếng chuông báo hiệu vào lớp, cụ mới mặc áo, chít khăn đi qua trường.
Bữa ăn hàng ngày của cụ rất đơn sơ và thanh đạm, nhưng có kiểu cách riêng. Cơm cụ ăn thường nấu riêng bằng chiếc om đất, chỉ hai lưng chén kiểu; đũa tre vót thật tròn, phân rõ đầu đuôi; một đĩa rau chấm nước tôm kho đánh (cụ không bao giờ dùng ruốc, mắm hay chao); một đĩa cá, thịt hay là chả trứng. Các món dọn trên chiếc khay gỗ, mỗi món có vị trí nhất định trên khay và chỉ dọn ra vừa chừng, không để thừa và cũng không gọi thêm. Món ăn ít nhưng phải thay đổi luôn và chỉ dùng một lần, không hâm đi kho lại. Có thể nói, kiểu ăn của cụ Miến đã thành một nếp văn hóa.
Chuyện “uống” của cụ Miến cũng khá đặc biệt. Cụ thích uống rượu trắng của ta, chứ không dùng rượu thuốc. Trên tủ trà luôn có một lít rượu đế. Ở trường về, chốc chốc cụ lại rót một ly ra uống. Cụ uống nhiều vẫn không say, sau mỗi chén rượu, cụ ngồi trầm ngâm suy nghĩ, chứ không phải như thói thường “tửu nhập ngôn xuất”. Chén rượu là phương tiện để cụ giải sầu. Tuy vậy, không muốn con cháu sinh hư vì tệ rượu chè, Cụ thường bảo: “Bây không làm chủ được rượu thì đừng để rượu làm chủ và tốt nhất là đừng uống”. Thỉnh thoảng cụ cũng thưởng thức những thứ đồ uống “cao cấp” mà hồi du học ở Pháp cụ từng quen. Đó là bia “Larue”, rượu vang trắng hay đỏ (dùng khai vị trước bữa ăn), Cognac Martel hay Champagne (trong những dịp giỗ, Tết). Cũng lạ là bên cạnh những thứ đồ uống Tây ấy, cụ Miến lại ăn cau trầu và hút thuốc Cẩm Lệ!
Bản tính cụ ít nói, càng “hà tiện những lời vô ích”, cũng rất ít dùng tiếng Pháp và điển tích chữ Hán, mặc dù cụ thông hiểu sâu sắc ngôn ngữ và nền văn hóa của hai dân tộc này. Nói cách khác, một con người có văn hóa, có lòng tự trọng dân tộc thì càng hiểu biết rộng càng quý trọng ngôn ngữ của dân tộc mình. Với giọng nói trầm hùng, từng chữ, từng câu được cân nhắc thận trọng và thường gửi gắm những ý tứ sâu xa, cụ Miến đã cất lời thì không chỉ học trò mà hết thảy những ai có dịp tiếp xúc với cụ đều chú ý lắng nghe. Có điều, cụ ít nói (cả với con cháu trong nhà) và không mấy khi cười, gặp bạn bè quen thân lắm thì mắt sáng lên, mặt mày rạng rỡ chốc lát rồi trầm lặng như cũ, nên cuộc sống cũng bớt niềm vui. Cá tính này đã phản ánh trung thực tâm trạng đầy ưu tư của cụ về nhiều lẽ trong cuộc đời. Cụ thường uống rượu để giải sầu là vì thế! Trước hết, có lẽ đó là sự đau đớn, dằn vặt trước tình cảnh dân tộc mình phải làm nô lệ cho giặc ngoại xâm, và bản thân mình chỉ giữ được nghĩa khí của kẻ sĩ chứ không đủ dũng khí để làm người anh hùng như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám. Sau nữa, đó là tâm trạng của một con người sinh bất phùng thời, suốt một đời bất như ý; học một đường làm một nẻo, có tài mà không có đất dụng võ, rồi đường vợ con cũng gặp bao nhiêu là lận đận, khổ đau.. 
Xin được nhắc thêm rằng trong gần 30 năm làm nghề giáo, “sản phẩm” Cụ để lại cho đời sau là góp phần đào tạo rất nhiều học trò đã trở nên những tên tuổi lớn, những nhân vật lịch sử của đất nước. Ở trên đã nhắc tới người thanh niên lỗi lạc Nguyễn Tất Thành, giáo sư Lê Thước; còn có thể kể tiếp: Lê Đình Thám, Lê Đình Dương, Trần Trọng Kim, Lê Văn Kỷ, Trần Đình Nam, Nguyễn Đình Chi, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Đình Ngân, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Huy Nhu, Võ Liêm Sơn... Tất nhiên, những thành đạt của các tên tuổi nêu trên còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, nhưng “nhất tự vi sư” - cụ Miến thì không chỉ dạy chữ; bài học về lòng yêu nước, về nghĩa khí của một kẻ sĩ mà cụ Miến gieo trồng cho bao thế hệ học trò hẳn có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của họ…
Với vai trò và những cống hiến đặc biệt cho nền mỹ thuật và giáo dục của đất nước, trong dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân Lê Văn Miến, thiết nghĩ các cơ quan hữu quan nên phối hợp để đề nghị Bộ Văn hóa công nhận phần mộ của Cụ và các di tích liên quan là di tích cấp quốc gia, thay vì chỉ là di tích cấp tỉnh như hiện nay. Ngày 11/3/2024, tại Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa - họa sĩ Lê Văn Miến tổ chức tại Huế, ý kiến trên đã được các nhà nghiên cứu đồng tình. Vấn đề đặt ra là khi được công nhận di tích cấp quốc gia thì cần xác định các di tích liên quan là những gì. Riêng ở Nghệ An, theo tôi “các di tích liên quan” có thể là bức chân dung tổ phụ ông Hồ Liệu (còn gọi là Lê Văn Hy) đang được lưu giữ tại gia đình ở xóm chợ Đình (xã Nghi Long); là nhà thờ họ Lê - nơi treo bức hoành phi “Thế gian sư” do các học trò tặng Cụ và căn nhà cụ Miến nghỉ ngơi mỗi khi về quê.
 

Nguyễn Khắc Phê

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây