Đôi điều cây Quế Nghệ An hiện nay

Thứ tư - 26/06/2024 21:41 0
Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay các địa phương và doanh nghiệp trồng và chế biến quế đang tiến hành đổi mới từ sản xuất đến chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu ra thị trường thế giới và trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.
Cây quế Việt Nam bá chủ thế giới
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết: hiện tại Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới với diện tích 180.000 ha và cũng là nước có sản lượng quế xuất khẩu chiếm 34,45% thị phần xuất khẩu trên thế giới với các thị trường chính, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Bangladesh… Riêng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 90.000 tấn quế, thu về 260 triệu USD, tăng 14,6% về sản lượng so với năm 2022, hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu quế của Việt Nam đạt gần 10.000 tấn, thu về 30 triệu USD, nhiều nhất là Ấn Độ đã nhập khẩu quế Việt Nam lên đến 3.200 tấn. Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, tiềm năng của vùng nguyên liệu quế nước ta rất lớn, bởi điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho cây quế phát triển tốt, nhất là các vùng phía bắc, như: Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An… Đặc biệt hiện nay, cây quế ở nhiều nơi và nhất là ở Yên Bái họ đã tổ chức sản xuất theo hướng bền vững, hữu cơ, có quy mô vùng trồng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc.


Vườn ươm cây Quế, Ảnh nguồn baonghean.vn
Nhu cầu về sản phẩm của cây quế trên thế giới rất lớn để phục vụ cho các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và gia vị. Hiện tại ở Việt Nam đã có hàng chục công ty đầu tư dây chuyền chế biến quế hiện đại cho ra các sản phẩm quế xay, quế bột để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra còn có 16 hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia và nhiều hiệp định tự do thế hệ mới, như: EVFTA, CPTTP, CREP đã giúp Việt Nam càng có lợi thế hơn so với các nước khác về thuế.
Ở nước ta hiện nay, Yên Bái là tỉnh có tới 81.000 ha quế, nhiều nhất cả nước. Trong đó có trên 38.000 ha quế thâm canh, 14.000 ha quế được cấp chứng nhận quế hữu cơ. Toàn tỉnh Yên Bái có tới 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn, sử dụng công nghệ lò hơi, có công suất 1000 tấn tinh dầu/năm. Ngoài ra còn có 400 cơ sở chế biến tinh dầu quy mô nhỏ do HTX và hộ gia đình quản lý, có công suất 300 kg tinh dầu/năm/cơ sở.
Trăn trở cây quế Nghệ An
Trước hết chúng ta nên biết rằng, cây quế không đơn thuần là cây dược liệu như chúng ta đã biết. Ngày nay cây quế được xem là cây đa chức năng hay còn lại đa mục đích. Bởi, ngoài việc lấy tinh dầu làm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gia vị… Thân cây quế gỗ mềm, dẻo được sử dụng nhiều vào sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Cây quế được trồng nhiều thành rừng, thành vùng lớn như ở Yên Bái, nó có tác dụng như rừng phòng hộ, chống xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế lũ ống, lũ quét, bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế biến đổi khí hậu…
Cây quế Nghệ An, nếu ta đến vùng đất Phủ Quỳ xưa, gồm các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… không ai không biết cây quế, nhất là những người có độ tuổi từ 50 - 60 tuổi trở lên khi nói đến cây quế họ đọc luôn câu ca “nhất quế Quỳ, nhì quế Thanh”. Ngụ ý của họ muốn nói, cây quế ở đây không những có từ thời xa xưa, mà nó còn nổi tiếng về chất lượng rất tốt, ai cũng biết. Ông Bùi Văn Hùng ở xã Châu Phong huyện Quỳ Châu nhớ lại, ông nói: Thời trước giá quế đắt lắm, cây quế lại có nhiều trong rừng tự nhiên. Vì vậy, người dân đi vào rừng khai thác trộm vỏ quế đem về bán kiếm tiền. Nói là trộm, vì sợ bị kiểm lâm, công an bắt thì sẽ bị phạt nặng. Còn ông Ngân Văn Tuấn ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong thì kể rằng: Xưa ở xã này cây quế nhiều lắm, nó mọc tự nhiên ở trong rừng, có rất nhiều cây to, cao. Sau này do có nhiều người thương lái từ dưới xuôi lên mua vỏ quế với giá khá cao, vậy là dân bản đi vào rừng săn lùng cây quế bóc lấy vỏ đem về bán lấy tiền tiêu và cũng từ đó cây quế trên rừng gần như mất dần.
https://kinhtenongthon.vn/data/data/ktntnghean/Ca%CC%82y%20que%CC%82%CC%81%20Quy%CC%80%203.jpg
Một góc rừng quế ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Ảnh nguồn kinhtenongthon.vn

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Phong cho biết: Trước đây toàn huyện có khoảng 3000 ha quế, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có bao tiêu sản phẩm, giá cả và công nghệ chiết xuất tinh dầu không như bây giờ, nên hiện nay chỉ còn lại khoảng 600 ha, tập trung ở các xã: Hạnh Dịch, Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Châu Kim… Riêng xã Châu Kim đang có hơn 200 ha, nhiều nhất huyện.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, chúng ta không còn phải phân vân nhiều về lợi thế phát triển cây quế trên vùng đất miền Tây nói chung, huyện Quế Phong nói riêng. Bởi, cây quế là cây bản địa sống lâu đời ở vùng miền núi Nghệ An, chứng tỏ nó rất thích hợp với đất đai, khí hậu ở đây.
Không những thế, vừa qua Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp với huyện Quế Phong lấy mẫu giống quế Quỳ đem ra Hà Nội để xét nghiệm sinh hoá cho kết quả bất ngờ là hàm lượng tinh dầu có trong vỏ quế Quỳ đạt 6%, trong khi đó giống quế ở các địa phương khác chỉ có 2,5%. Còn trong lá quế, hàm lượng tinh dầu của giống quế Quỳ là 2,63%, quế ở các nơi khác là 1,5% và đặc biệt hàm lượng chì ở mức thấp, dưới mức cho phép. Như vậy, có thể nói chất lượng giống quế Quỳ Nghệ An rất tốt, rất thích hợp với thị trường xuất khẩu ở tất cả các nước trên thế giới.
Vấn đề cần làm, cần bàn để tìm ra giải pháp phát triển mạnh cây quế ở vùng miền Tây Nghệ An trong tương lai gần. Đây là việc khó, nhưng không phải là không làm được. Trước đây tỉnh ta đã có bược đột phá thành công về cây chè công nghiệp, cây mía nguyên liệu, cây cam… ở các huyện miền núi, thì không có lý do gì không có bước đột phá mới về cây quế.
Một số giải pháp có thể giúp phát triển cây quế
Thứ nhất: Trước hết cần có quy hoạch tổng thể các vùng trồng quế rõ ràng, cụ thể, trồng ở đâu, diện tích bao nhiêu… để người dân biết, chính quyền các địa phương biết, nhà đầu tư biết, để tất cả mọi người yên tâm đầu tư lâu dài với mô hình liên kết giữa người trồng quế với các doanh nghiệp. Quy hoạch vùng nguyên liệu phải gắn kết với việc xây dựng các chuỗi giá trị để liên kết nông dân với doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu. Đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và các nội dung kỹ thuật sản xuất khác.
https://kinhtenongthon.vn/data/data/ktntnghean/c%C3%A2t%20qu%E1%BA%BF%201.jpg
Vườn ươm của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt hiện đang có 10 vạn cây quế giống. Ảnh nguồn kinhtenongthon.vn

Thứ hai: Trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu quế, vai trò chính quyền các cấp rất quan trọng trong việc chỉ đạo xây dựng các tổ, đội, nhóm, HTX để dễ dàng liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Thực hiện canh tác theo quy trình do doanh nghiệp ban hành để có sản phẩm sạch đạt yêu cầu về chất lượng xuất khẩu sẽ được doanh nghiệp bao tiêu hết sản phẩm làm ra theo giá thị trường. Đây là kinh nghiệm quý của người trồng quế ở tỉnh Yên Bái đang áp dụng rất phổ biến hiện nay, nên chăng chúng ta cần nghiên cứu ứng dụng.
Thứ ba: Cần thay đổi phương thức canh tác quế theo hướng bền vững, hữu cơ, sản phẩm sạch thân thiện với môi trường, không lạm dụng nhiều vào phân hoá học, chất kích thích sinh trưởng, thuốc BVTV… Đồng thời khuyến khích trồng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt do Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Pù Hoạt chọn lọc cây giống để nhân ra cung cấp cho bà con nông dân trồng.
Thứ tư: Nên trồng giống quế tốt như nói trên. Nhưng, tốt nhất là giống quế được nhân giống từ hạt của những cây quế tốt có tuổi đời từ 15 năm trở lên. Theo nhiều kết quả nghiên cứu từ các Viện khoa học, trường Đại học và một số trung tâm chuyên về giống cây trồng cho biết: Chất lượng cây quế được trồng từ hạt có vỏ ở thân cây dày hơn, hàm lượng tinh dầu ở vỏ cây và lá cao hơn hẳn so với cây quế trồng bằng cây giống chiết, ghép, dâm cành…
Thứ năm: Tỉnh, huyện cần có thêm chính sách khuyến khích trồng cây quế nguyên liệu bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Lồng ghép chương trình trồng rừng với trồng quế, hỗ trợ kinh phí hoặc đầu tư kinh phí làm đường gieo thông trong vùng quế nguyên liệu, ưu tiên vốn vay trồng quế lãi suất thấp, hỗ trợ giá mua cây giống… Ngoài ra, có chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư lâu dài vào liên doanh liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

 

Doãn Trí Tuệ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây