Chùa Phúc Long - Mạch nguồn tâm linh xứ Vạn

Thứ năm - 04/04/2024 04:42 0
Vạn Phần nay thuộc xã Diễn Vạn. Nơi đây tuy không có núi cao sông lớn, nhưng là vùng đất có địa lý đẹp bởi sự giao thoa của nhiều con sông nhỏ, như sông Bùng, sông Vách Bắc, kênh nhà Lê, sông Cửa Vạn… được xem là nơi “trên bến dưới thuyền” tàu bè đông đúc. Diễn Vạn còn được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, bởi mảnh đất này từ xưa đã có rất nhiều ngôi đình, đền, chùa gắn với những thiết chế văn hóa đậm đà sắc thái địa phương; hình thành, phát triển và để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh tín ngưỡng. Trong đó phải kể đến ngôi chùa cổ Phúc Long tại xóm Trung Hậu.

Chùa Phúc Long được xây dựng từ thời nào, đến nay vẫn còn là một ẩn số. Theo lời kể của các bậc phụ lão tại địa phương, thì“Thuở xa xưa, nơi đây chưa có cư dân, một ngày nọ có trận đại hồng thủy ngập tràn khắp chốn. Trong biển nước mênh mông đó bỗng nổi lên 1 gò đất, cứ cao lên theo mực nước thủy triều, những chúng sinh nào trôi dạt vào đây, đều được sống sót. Khi nước rút, thì họ trở thành những cư dân đầu tiên của xứ Vạn Phần. Về sau, để biết ơn trời Phật, họ đã góp công góp của xây dựng 1 ngôi chùa chính trên gò đất ấy”.
Cũng theo người dân nơi đây, thì tên chùa “Phúc Long” có nghĩa là “Phúc ấm dồi dào”, còn theo một số tư liệu cổ khác thì tên chùa được viết là 腹龍 có nghĩa là “bụng rồng”. Nếu nhìn tổng quan thì chùa tọa lạc trên một khu đất cao ráo, rộng rãi, tựa hình bụng của rồng. Xung quanh chùa là quần thể rừng cây cao lớn um tùm, tỏa bóng quanh năm, tạo nên một không gian nơi làng quê xanh tươi mát mẻ.
Ở địa phương hiện còn lưu truyền giai thoại: Dưới thời nhà Trần, một người phụ nữ họ Hoàng thường đến giếng chùa để gánh nước. Một lần nọ trên đường về, bà gặp 2 con trâu bạc đang húc nhau, bà liền dùng đòn gánh để phân tách chúng. Sau khi về tới nhà, bà thấy trên đòn gánh có 1 nhúm lông trâu, liền vội cất vào yếm dải, từ đó bà mang thai và sang năm Giáp Dần (1254) sinh thành một cậu bé tuấn tú thông minh và đặt tên là Hoàng Tá Thốn. Sau này cậu bé trở thành vị đại tướng thủy quân có công đánh dẹp giặc Nguyên Mông tại sông Bạch Đằng, được vua Trần phong tước Nội thư và làm thơ khen tặng.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Phúc Long là địa điểm hội họp bí mật của Chi bộ Đảng Diễn Vạn, và cây thị sau chùa (nay vẫn còn xanh tốt) đã từng là vọng gác cảnh giới cho các cuộc họp tại đây. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là kho tập kết lương thực do đội dân công đường sông Thanh Hóa trên kênh nhà Lê, trước khi vận chuyển vào chiến trường miền Nam, vì vậy mà chùa Phúc Long trở thành mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ.

Trán văn bia chùa Phúc Long (ngày 12/5/2013)
Trải qua những thăng trầm của thời gian và biến thiên của lịch sử, chùa đã nhiều lần được trùng tu và tồn tại tới giữa thế kỷ XX. Đến ngày 26/4/1966, đế quốc Mỹ đánh phá, ném bom dữ dội xuống vùng đất này, khiến hơn 70 người dân vô tội thiệt mạng, còn ngôi chùa Phúc Long đã gần như bị san bằng, chỉ còn là phế tích. Từ đó, nhân dân Diễn Vạn lấy ngày đó làm ngày giỗ chung cho đồng bào tử nạn vì chiến tranh (tổng cộng số người thiệt mạng do chiến tranh của xã Diễn Vạn là 109 người).
Tới đầu năm 2012, chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức quyên góp dựng lại một gian thờ nhỏ đơn sơ để thờ Phật và bài trí thêm các đồ tế khí khác. Dựa vào những dấu tích cổ còn lại, có thể thấy được kiến trúc chùa Phúc Long trước kia có hệ thống thờ tự và các công trình lớn nhỏ thường thấy ở các ngôi chùa khác.
Di vật cổ xưa chỉ còn lại vài thứ, mà nổi bật nhất là cửa tam quan, tuy không cao lớn nhưng mang dáng dấp trang nghiêm, cổ kính. Trên tam quan có rất nhiều đại tự và câu đối chữ Nho, nhưng do bám phủ rêu phong nên đã mờ phai nhiều chữ:
無愛無憂優鉢[!][!][!]
不生不滅菩提開智慧花
Vô ái, vô ưu, ưu bát [?] [?] [?]  quả
Bất sinh, bất diệt; Bồ đề khai trí tuệ hoa
Xung quanh khuôn viên chùa còn có hàng chục viên đá tảng kê cột lớn nhỏ khác nhau cho thấy quy mô chùa xưa kia không nhỏ. Sau lưng chùa còn có cây thị cổ xưa kia từng là vọng gác cho đảng bộ địa phương trong mỗi lần hội họp bí mật; và một cái giếng đá ong to, nước ngọt lành và mát mẻ, đặc biệt là không bao giờ cạn. Hiện giếng đang được một số hộ gia đình xung quanh chùa sử dụng.

Đại Đức Thích Thuần Chơn và Đại diện TTKHXH&NV Nghệ An đọc thác bản
Đại đức Thích Thuần Chơn - một người con quê hương Vạn Phần, từ nhỏ đã để chí nơi cửa thiền, nhưng vì đất nước đang bị xâm lăng nên khi lớn lên đã “khoác chiến bào” đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, để tham gia nhiều chiến dịch quan trọng, trong đó có Chiến dịch mùa Xuân năm 1975. Sau khi đất nước thống nhất thanh bình, thầy xuất gia và thọ giáo với Hòa thượng Thích Chơn Hương tại chùa Quảng Tế (tỉnh Thừa Thiên Huế), trong quá trình tu tập có giới hạnh thanh cao, đức tâm ngời sáng. Chính quyền và nhân dân xã Diễn Vạn hâm mộ thanh danh, nên đầu năm 2014 đã mời Đại đức trở về quê hương để cùng khôi phục ngôi chùa cổ của làng. Trong suốt 3 năm sau đó, Đại đức đã tích cực tìm kiếm những cứ liệu lịch sử nhằm phục dựng lại chùa Phúc Long nói riêng, và sưu tầm những trầm tích văn hóa liên quan đến quê hương Vạn Phần nói chung.
 Cho tới đầu đầu 2017, Đại đức Thích Thuần Chơn đã đặt viên gạch đầu tiên khởi đầu cho việc phục hồi mạch nguồn tâm linh xứ Vạn. Từ đó tới nay, ngôi chùa Phúc Long đã được xây dựng lại bề thế, đẹp tươi như trong quá khứ. Đặc biệt, Đại đức Thích Thuần Chơn và nhân dân xã Diễn Vạn đã lập linh vị 109 đồng bào Diễn Vạn tử nạn trong chiến tranh để thờ tự tại chùa Phúc Long, ngõ hầu cầu nguyện sớm hôm bằng tiếng chuông, ngọn khói.
Di vật đặc biệt quan trọng còn sót lại chính là một trán bia cổ được đặt ngay dưới tam quan. Khi di tích đã trở thành phế tích thì các loại văn tự liên quan chính là manh mối để tìm lại nguồn gốc cũng như mọi sự kiện liên quan tới ngôi chùa. Nhưng điều đáng tiếc là hiện nay, thân bia đã bị thất lạc, chỉ còn lại mỗi trán bia. Toàn bộ trán bia điêu khắc hình “lưỡng long triều nhật” cùng với các hình đám mây nhỏ xung quanh rất tinh tế và uyển chuyển, mang đậm phong cách tạo hình thời Nguyễn.
Do phần thân bia đã bị mất nên không thể tìm hiểu nội dung văn bia, tác giả soạn văn cũng như niên đại lập bia. Chính vì vậy, việc tìm lại nguyên văn văn bia này là việc làm hết sức cần thiết. Cuối năm 2023, Đại đức Thích Tuần Chơn, cùng đại diện ban trị sự chùa Phúc Long và đại diện Trung tâm KHXH&NV Nghệ An, đã tổ chức chuyến đi tìm lại nguyên văn văn bia chùa Phúc Long xã Diễn Vạn. Thật may mắn khi thác bản văn bia chùa Phúc Long hiện đang được in trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp với số hiệu 02427, đồng thời nó cũng đã cũng được chép lại trong cuốn Hoan Châu bi ký hiện đang được lưu giữ tại Thư viện tỉnh Nghệ An.

Giếng nước chùa Phúc Long (ngày 12/5/2013)
Thác bản văn bia chùa Phúc Long chỉ in dập phần thân bia chứ không có phần trán bia. Trên thác bản văn bia này cũng không có tên bia, còn trong cuốn Hoan Châu bi ký, văn bia này có tên “Đông Thành huyện, Vạn Phần xã, Phúc Long tự bi”. Tên gọi này được ghi chép theo tên huyện, tên xã và tên địa điểm đặt bia chứ đây không phải là tên vốn có của văn bia chùa Phúc Long. Nội dung văn bản trong thác bản của Viện Viễn Đông bác cổ và bản chép tay trong Hoan Châu bi ký gần như đồng nhất, chỉ khác nhau ở 2 điểm: thác bản có tên người khắc bia còn Hoan Châu bi ký lại không chép đến, và trên thác bản in niên hiệu là Cảnh Hưng(1), còn Hoan Châu bi ký ghi niên hiệu Thành Thái.
Toàn bộ văn bia chùa Phúc Long gồm 346 chữ Nho, trong đó chữ “Thì” được viết thay cho do kiêng húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì).
Nguyên văn:
古聖人成民而致力於神民和而神降之福匪曰矯舉 作善之祥也吾社仰奉祠宇古矣歷著封典屡蒙相佑若有格思不可度者是以魚鹽樂利井邑繁昌雖變故不辰而鴻究安宅泱泱乎演城東海之表其亦戬穀之錫歟迺者棟樑祭噐祀儀經歲月而與之流弛及橋梁塸路圯隤病涉吾社有憂之百戶范員乃謀與官紳豪目紏會澫內摘取每船魚壹分支給弁兵月糧每兵壹分存干分以為仝社公消再自願修理本寺碑象馬將士二部致供在靈廟會同百戶范光景供壹部本萬諸家供壹部一皆金碧輝煌青旬耀煥然景物為之壹新豈第牲牷腯粢盛豊亦廬井伍而都鄙章也昔大禹致力乎鬼神盡力乎溝洫今好善成心明德以薦馨香守望而相保助子不云乎里仁為美詎是土木其形土木其智也哉於是取之礪鍛樹之風
聲示我子孫著其物度俾知民力神庥赫赫長垂而無斁於人斯
皇朝成泰四年三月二十吉日
廣南省五行山丁亥科黃甲范如昌撰
本社試生阮專奉寫
Phiên âm:
Cổ Thánh nhân thành dân nhi trí lực ư Thần. Dân hòa nhi Thần giáng chi phúc. Phỉ viết: Kiểu cử tác thiện chi tường dã. Ngô xã ngưỡng phụng từ vũ cổ hĩ. Lịch trứ phong điển, lũ mông tương hựu, nhược hữu cách tư bất khả đạc giả. Thị dĩ ngư diêm lạc lợi, tỉnh ấp phồn xương. Tuy biến cố bất thời nhi hồng cứu an trạch áng áng hồ Diễn thành Đông hải chi biểu. Kỳ diệc tiển cốc chi tích dư. Nãi giả, đống lương tế khí tự nghi kinh tuế nguyệt nhi dữ chi lưu trì. Cập lương kiều khu lộ tị hội bệnh thiệp. Ngô xã hữu ưu chi. Bách hộ Phạm Viên nãi mưu dữ quan thân hào mục hội vạn nội trích thủ mỗi thuyền ngư nhất phân chi cấp, biện binh nguyệt lương mỗi binh nhất phân, tồn can phân dĩ vi đồng xã công tiêu. Tái tự nguyện tu lý bản tự tịnh thạch bi, tượng mã, tướng sĩ nhị bộ trí cúng tại linh miếu hội đồng (Bách hộ Phạm Quang Cảnh cúng nhất bộ, bản vạn chư gia cúng nhất bộ). Nhất giai kim bích huy hoàng thanh tuân diệu hoán nhiên. Cảnh vật vi chi nhất tân. Khởi đệ sinh toàn đột nhi tư thịnh phong diệc lư tỉnh ngũ nhi đô bỉ chương dã. Tích Đại Vũ trí lực hồ quỷ thần, tận lực hồ câu hác. Kim hiếu thiện thành tâm minh đức dĩ tiến hinh hương thủ vọng nhi tương bảo trợ. Tử bất vân hồ: “Lý nhân vi mỹ”, cự túc thổ mộc kỳ hình, thổ mộc kỳ trí dã tai. Ư thị, thủ chi lệ đoán, thụ chi phong thanh, thị ngã tử tôn trước kỳ vật độ tị tri dân lực. Thần hưu hách hách trường thùy nhi vô dịch ư nhân tư.

Văn bia chùa Phúc Long chép trong sách “Hoan Châu bi ký”
 Hoàng Triều Thành Thái tứ niên tam nguyệt nhị thập cát nhật.
Quảng Nam tỉnh, Ngũ Hành Sơn, Đinh Hợi khoa Hoàng giáp Phạm Như Xương soạn.
Bản xã Thí sinh Nguyễn Chuyên phụng tả.
Dịch nghĩa
Xưa, bậc Thánh nhân thành tựu cho dân mà dốc sức việc Thần; dân hòa mà Thần giáng phúc. Ấy chẳng phải là điềm lành của việc gắng sức làm việc thiện sao! Xã ta thờ phụng đền miếu đã lâu, trải bao lần phong điển, nhiều phen chịu ơn phù hộ, dường như thần linh đến đây nhưng ta không thể đoán biết được. Bởi vậy, nghề cá, nghề muối gặp nhiều lợi lạc, xóm thôn đầy đủ, ấm no. Dù rằng biến cố bất thường nhưng cửa nhà yên ổn. Mênh mông thay, bao trùm trong thành Diễn biển Đông, ấy cũng ơn ban phúc lộc đấy chăng! Trước đây, cột kèo, tế khí, tự nghi trải thời gian mà hư hỏng. Rồi cầu cống, đê đường vỡ lở khó khăn qua lại. Xã ta từng lo về việc đó. Bách hộ họ Phạm bèn mưu tính với quan viên hào mục kêu gọi xóm chài mỗi thuyền trích một phần cá, chi cấp cho lương tháng binh lính một phần, còn bao nhiêu để cho cả xã chi chung. Lại tự nguyện tu sửa chùa, cùng bia đá, hai bộ voi ngựa, tướng sĩ cúng tại hội đồng linh miếu (Bách hộ Phạm Quang Cảnh cúng một bộ, các gia đình xóm chài cúng một bộ). Tất cả đều vàng ngọc huy hoàng, hồng xanh rực rỡ. Trang hoàng thay, cảnh vật vì thế mà nhất loạt đổi mới. Há bày vật tế tốt tươi, cơm xôi đầy đặn mà xóm làng trở nên đông đúc và văn vẻ hay sao. Xưa, vua Đại Vũ dốc sức việc quỷ thần và hết lòng vào trị thủy. Nay, người hiếu thiện thành tâm đem đức sáng tiến dâng đồ tế, trông mong mà giúp đỡ lẫn nhau. Khổng Tử chẳng phải đã nói rằng: “Lý nhân vi mỹ” (làng nhân tốt đẹp). Đấy là khen việc thổ mộc nên hình nên trí vậy. Vậy nên gìn giữ lấy tiếng tăm, gây dựng nên phong thanh để chỉ bảo cho con cháu ghi lại dáng vật mà biết được sức dân. Phúc Thần rực rỡ lâu bền mà không bao giờ mất.
Ngày 20 tháng 3 năm Thành Thái năm thứ 4 triều ta (1892).
Hoàng giáp khoa Đinh Hợi, người Ngũ Hành Sơn tỉnh Quảng Nam Phạm Như Xương soạn tặng.
Thí sinh của bản xã Nguyễn Chuyên viết chữ.
Điểm đặc biệt của văn bia là văn bia đặt tại chùa nhưng nội dung lại nói về đền miếu thờ Thần, chỉ có duy nhất một câu nhắc đến chùa: 再自願修理本寺碑 (Lại tự nguyên tu sửa bia chùa). Điều này có thể thấy được đây là văn bia Hậu thần của chùa Phúc Long, và khả năng chùa còn văn bia nữa nhưng cũng đã bị thất lạc. Hơn nữa, Vạn Phần xưa vốn thuộc vùng sông nước, hoạt động kinh tế chủ yếu là đánh bắt cá và làm muối, lúc bấy giờ thuyền bè và mọi phương tiện khác còn rất thô sơ, cộng với thiên tai bão tố thường xuyên xảy ra. Do đó, những ngư dân ở đây ngoài hướng về Phật pháp thì cũng kính ngưỡng và có lòng tin vào các vị thần linh mong được chở che, phù hộ.
Về tác giả, trên văn bia ghi rõ người soạn là Phạm Như Xương, người tỉnh Quảng Nam, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Đinh Hợi. Ông sinh ngày 22 tháng 6 năm Giáp Thìn (5/8/1844) tại làng Ngân Câu, tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Văn bia chùa Phúc Long trong sách “Hoan Châu bi ký”
Năm 24 tuổi, ông đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868). Năm Đinh Hợi (1875), ông đỗ Tiến sĩ, sau đó vào thi Đình đỗ Đình nguyên nên được gọi là Hoàng giáp Tiến sĩ. Ông là người đỗ cao nhất trong lịch sử khoa bảng miền Nam nước ta, là một trong 6 người được mệnh danh là “Lục phụng bất tề phi” của đất Quảng Nam gồm: Phạm Phú Thứ (Tiến sĩ), Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu (cùng Phó bảng), Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (cùng Tiến sĩ) và Phạm Như Xương (Hoàng giáp).
Ông làm quan trải qua các chức ở các bộ, viện trong triều rồi thăng đến chức Bố chính Phú Yên nên người đời còn gọi ông là Bố Ngân Câu. Năm 1884, sau khi triều đình Huế ký Hòa ước Giáp Thân, ông liên kết với nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng đứng lên chống Pháp tại vùng núi tỉnh Phú Yên. Cuộc khởi nghĩa đã bị quân Pháp, quân triều đình đàn áp và tới năm 1888 bị thất bại nặng nề. Ông bị triều đình bắt đưa về Huế kết án “Trảm giam hậu” và xóa tên ông trên văn bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Sau khi vua Thành Thái lên ngôi (1889), vốn là người yêu nước nên nhà vua đã ân xá cho Phạm Như Xương. Một thời gian sau, ông được phục chức và sung vào Tu thư ở Quốc Tử Giám, sau đó lại cử ông ra Nghệ An giữ chức Tri phủ phủ Anh Sơn. Vào thời điểm này, ông có 2 dấu ấn đặc biệt. Thứ nhất, ông chính là người làm quan chủ khảo trong cuộc thi có Phan Bội Châu (khi đó mang tên Phan Văn San) dự thi và ông đã đánh giá rất cao về tài năng của Phan Bội Châu.
Kỳ thi ở phủ Anh Sơn lần đó, sau khi Phan Văn San làm bài đạt loại ưu và được chọn vào phúc hạch với 6 học sinh khác để định thứ bậc cao thấp, cả sáu người kia đã vào thi được một lúc thì Phan Văn San mới tới. Hoàng giáp Phạm Như Xương lúc đó làm Chánh chủ khảo yêu cầu Phan Văn San phải làm đề riêng với nội dung: “Hoa nở bất cập xuân” (Hoa nở không kịp mùa xuân”), có ý trách Phan Văn San đến muộn. Nhận đề, Phan Văn San đặt bút viết ngay bốn câu thơ:
(Tạm dịch)
Nhờ chúa xuân lưu ý,
Cho đứng đầu trăm hoa.
Chỉ vì lòng khiêm tốn,
Nên chỉ nở dần dà!
Phan Văn San viết xong 4 câu thơ này, Chánh chủ khảo Phạm Như Xương liếc mắt nhìn qua và: “Chỉ cần 4 câu mở đầu thế này là dư sức đỗ đầu xứ rồi, không phải làm thêm nữa!”.
Sau này, Hoàng giáp Phạm Như Xương là một trong những người ủng hộ các phong trào yêu nước do Phan Bội Châu lãnh đạo, đặc biệt trong tổ chức Việt Nam Quang Phục hội, Hoàng giáp Phạm Như Xương giữ vai trò cố vấn. Các con trai của ông cũng là những người tham gia vào các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp vào đầu thế kỉ XX như Phạm Như Chương, Phạm Như Giáp, Phạm Như Đỉnh…
Xét về khoa cử, Hoàng Giáp Phạm Như Xương là người có học vị cao nhất trong lịch sử xứ Quảng (và cả toàn miền Nam), xét về quan trường ông lại là người đại trí thức song toàn giữa chính sự và quân sự. Cuộc đời làm quan yêu nước, thương dân nhiều lần đứng lên chống giặc Pháp xâm lược, được đồng liêu quý mến, nhân dân ngưỡng vọng. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm văn học có giá trị lịch sử.
 Trong thời gian làm quan tại Nghệ An, Hoàng giáp Phạm Như Xương đã có dịp tới thăm mảnh đất Vạn Phần và đã soạn bài văn này, cho khắc bia đặt tại chùa Phúc Long. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của văn bia nhà thờ hiền tài xã Vạn Phần (東城縣萬汾社賢址碑).
Điều đáng nói là Hoàng giáp Phạm Như Xương nổi tiếng thơ văn nhưng vì ông và con trai tham gia khởi nghĩa Duy Tân thất bại, sách vở bị tịch thu nên hiện nay các trước tác của ông đều thất lạc. Việc tìm thấy hai tác phẩm văn học của ông tại Nghệ An, cũng như giai thoại giữa ông và cụ Phan, phần nào thấy được những tình cảm mà ông dành cho đất và người nơi đây. Điều này càng làm cho chúng ta cảm thấy tự hào khi lưu giữ được dấu ấn của một danh nhân lịch sử nổi tiếng như vậy.

Chùa Phúc Long hôm nay
Với những di vật còn sót lại và nội dung bài văn bia đã chứng minh chùa Phúc Long tại xã Diễn Vạn là một di tích lịch sử có từ lâu đời, gắn với nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử quan trọng. Chùa Phúc Long không đơn thuần chỉ là một ngôi chùa Phật giáo, mà nó còn là một chứng tích gắn với những dấu ấn văn hóa mang đậm đặc trưng vùng quê biển Vạn Phần xưa. Trải qua nhiều biến cố thời gian và thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa hoang phế, bia đá vỡ nát, câu đối hoen rêu, nhưng Đại đức Thích Thuần Chơn cùng chính quyền địa phương và đông đảo nhân dân khắp nơi chung tay xây dựng lại uy nghiêm, hùng vĩ như trước. Đặc biệt hơn là những giá trị được gây dựng từ ngàn xưa không trôi vào quên lãng, khi di vẫn còn đó, tích chưa mất đi và văn vẫn còn đang lưu giữ. Tất cả đã tái hiện vẻ thâm nghiêm cổ kính của ngôi chùa cổ Phúc Long, trở thành một mạch nguồn tâm linh muôn đời của người dân xứ Vạn.
Chú thích
1. Đây là niên hiệu ngụy tạo. Niên hiệu thực của văn bia là Thành Thái.

 

Trần Mạnh Cường

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây