Đền Quy Lĩnh & phong tục tế lễ xưa ở Làng Phú Lương

Thứ năm - 04/04/2024 00:18 0

Đền Quy Lĩnh hiện nay nằm dưới chân núi Quy Lĩnh, phía Đông Bắc xóm 6 thuộc xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ngôi đền ở vào vị thế tựa núi và cận kề ngay biển cả mênh mông. Gắn với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời còn là lịch sử, văn hóa tâm linh huyền hoặc nhiều sắc màu của ngôi đền. Bằng những tài liệu tổng hợp thu thập được từ sử sách và thực địa, đặc biệt trong đó là một số tài liệu Hán Nôm còn lại do Ban Tuyên giáo huyện ủy Quỳnh Lưu cung cấp, đã giúp ích rất nhiều cho bài viết ngắn này. Trước tiên, chúng tôi muốn tập trung giới thiệu về lai lịch đền Quy Lĩnh và phong tục tế lễ xưa của làng Phú Lương (xã Quỳnh Lương).

1. Lược sử đền Quy Lĩnh
Đền Quy Lĩnh và đền Cờn gắn kết với nhau từ lịch sử đến huyền thoại, năm 1279 dân Hiền Lương dựng miếu tranh thờ vị sư chết đuối trôi dạt vào đây.
Năm 1312 vua Trần Anh Tông lần chinh Nam ghé vào cầu miếu. Sau giấc mộng biết rõ vị sư cứu 3 mẹ con công chúa Nam Tống, rồi tất cả trẫm mình trôi dạt vào đây. Đại thắng trở về, vua cho xây đền lợp ngói và thờ thêm 3 mẹ con công chúa.
Năm 1470 vua Lê Thánh Tông chinh Nam ghé vào đền cầu đảo tế thần, chiến thắng trở về vua cho xây lại đền quy mô lớn hơn và mở hội hàng năm vào ngày 19 đến 21 tháng Giêng âm lịch. Tục chạy Ói đền Cờn gắn liền với Lễ hội đền Quy Lĩnh.
Năm 1663 đến 1671 đời vua Lê Huyền Tông bốn tòa miếu được trùng tu. Dưới các triều đại các vị thần thờ ở đền được phong đến thượng thượng đẳng tối linh thần. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đền Quy Lĩnh là nơi hợp tự của các đình, đền chùa trong xã.
Đền nổi tiếng linh thiêng kiến trúc bề thế, cảnh quan đẹp, đồ tế khí đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu. Năm 1979 đền trở thành phế tích.
Thể theo nguyện vọng của dân trong vùng. Được phép của cơ quan chức năng. Đảng bộ và chính quyền xã Quỳnh Lương cùng công đức của nhân dân trong và ngoài xã tiến hành phục hồi đền Quy Lĩnh. Tháng 4/ 2006 phục dựng hậu cung, 4 cột đăng, lầu voi, ngựa, tường bao, sân trong, nhà đón khách. Tháng 4/ 2009 phục dựng nhà thượng và trung điện. Tháng 12/2009 phục dựng nhà hạ điện, tường bao và sân ngoài.
Các công trình phục dựng nằm nguyên vị trí mặt bằng khi xưa. Đền được khánh thành vào ngày 11/02/2010 (tức 20 tháng Giêng Canh Dần). 
Đền Quy Lĩnh được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận Di tích lịch sử theo Quyết định số 3506/QĐUBND.VX ngày 12 tháng 8 năm 2013.
Ngày 19/ 02/ 2014 (tức ngày 20 tháng Giêng âm lịch), UBND huyện Quỳnh Lưu cùng UBND xã Quỳnh Lương long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đền Quy Lĩnh. 
Trong một tài liệu Hán Nôm viết tay, mang tên: “Linh từ ký”, do Lê Văn Phẩm(1) viết tựa: “Cộng hòa ngũ thập niên tứ nguyệt thập ngũ nhật” [ngày 15 tháng 4 năm Cộng hòa thứ năm mươi (1995)], gồm 9 trang trên giấy Bản, chữ viết không được chân phương, nhiều chỗ bị rách, mất chữ rất khó đọc. Nội dung văn bản cho biết: Sơ lược về tứ vị thánh nương được thờ ở đền Quy Lĩnh từ thời Trần Nhân Tông hoàng đế. Trên đường chinh phục Chiêm Thành vua Trần có đi qua núi Quy Lĩnh, được thần phù trợ, sau thắng trận trở về vua sai làm lễ tế, trả ơn thần.
Tháng 11 năm Canh Dần, Hồng Đức nguyên niên (1470), Hoàng đế Lê Thánh Tông hạ chiếu chinh Chiêm. Ngài cùng quân lính đi qua đền núi Quy Lĩnh, được tứ vị thánh nương phù giúp. Ngài làm ra “Ngự chế thi nhất thiên” ca ngợi sự phù trợ linh nghiệm của thần. Sau khi chiến thắng hồi cung, nhà vua gia phong cho thần: “Đại Càn quốc gia Nam hải Quy Lĩnh linh từ tứ vị thánh nương đại vương”.
Các triều đại sau đó gia phong “Đại Càn quốc gia Nam hải Quy Lĩnh linh từ tứ vị thánh nương đại vương” bậc “Thượng thượng đẳng thần”.
Triều Lê trung hưng: Mùa hạ tháng 6 năm Dương Đức (đời vua Lê Gia Tông -1672-1675) nguyên niên (1672), vua ngự giá Nam chinh, ủy cho Tiết chế Thái úy Tuyên quốc công đốc binh tiến qua cửa biển núi Quy Lĩnh, được thần phù trợ. Tháng Giêng năm sau (Quý Sửu), xa giá về đến kinh sư, lệnh cho thợ tu sửa miếu vũ (Quy Lĩnh sơn từ).
Mùa xuân năm Ất Mão, niên hiệu Đức Nguyên đời vua Lê Gia Tông (1672-1675) năm thứ 2 (1675), gia phong đẳng hạng cho thần: “Quy Lĩnh tối linh từ”. Trong tờ sắc Đại Càn quốc gia Nam hải thần được phụng sao (không ghi rõ niên đại) gia phong thêm nhiều mỹ tự, như: Hộ quốc, khang dân,.. Cảm tất ứng, cầu tất thông.. tối linh ứng… Quy Lĩnh linh từ tứ vị thánh nương đại vương.

Lễ rước trong Lễ hội đền Quy Lĩnh, xã Quỳnh Lương
Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết thêm: “Núi Quy Lĩnh: Ở cách huyện Quỳnh Lưu 20 dặm về phía Đông. Sử chép “năm Hưng Long thứ 20 (1312), vua Trần Anh Tông đi đánh Chiêm Thành, đóng binh ở Cần Hải, đêm mộng thấy thần nữ tức là chỗ này”(2). Cửa biển Cần Hải (thuộc xã Hương Cần), chính là nơi đền Cờn được xây dựng để thờ tứ vị thánh nương đã phù giúp nhà vua (Đền Cờn nay thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai). Bấy giờ, dưới chân núi Quy Lĩnh, thuộc (làng) Hiền Lương (sau là Phú Lương, nay thuộc xóm 6, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nhân dân dã dựng miếu tranh thờ tứ vị thánh nương.
Hiện tại ở đền Quy Lĩnh nhân dân địa phương còn giữ được 8 đạo sắc phong từ thời vua Lê Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông 1740-1786) đến vua Khải Định (1916-1925) thời Nguyễn. Các sắc phong đó có giá trị nhiều mặt, trước hết là những chứng cứ về các vị thần được thờ ở đền Quy Lĩnh và các địa danh hành chính liên quan.
Trong số 4 tài liệu nêu trên, gồm một tài liệu cá nhân của Lê Văn Phẩm “Linh từ ký”, 3 tài liệu quan phương gồm: [Các sắc phong - sách Đại Nam nhất thống chí - (Bảng giới thiệu) Đền Quy Lĩnh], đều thuộc về chính quyền của các thể chế nhà nước từ thời Lê thế kỷ XVIII, thời Nguyễn thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và thời chính quyền cách mạng từ 1945 đến nay.
Điều đáng chú ý là các tài liệu quan phương trên cho biết một cách khái quát về lịch sử đền Quy Lĩnh. Vào năm 1279, thời vua Trần Nhân Tông (1279-1293), người dân (làng) Hiền Lương dựng miếu tranh dưới chân núi Quy Lĩnh thờ vị sư có công cứu 3 mẹ con hoàng hậu và 2 công chúa nhà Nam Tống. Sau họ chết đều trôi dạt vào đây và được thờ trong miếu.
Năm 1312, vua Trần Anh Tông (1293-1324) thân chinh Chiêm Thành có qua Quy Lĩnh, được thần phù trợ hiển linh. Sau khi chiến thắng hồi cung, nhà vua cho xây dựng mở rộng miếu vũ thành đền Quy Lĩnh, trong đó phối thờ Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương.
Năm 1471, trên đường chinh phạt Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) cùng quân lính ghé thăm đền Quy Lĩnh, được thần phù trợ. Chiến thắng trở về nhà vua gia phong Đại Càn quốc gia Nam hải Quy Lĩnh linh từ tứ vị thánh nương đại vương.
Đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671) bốn tòa miếu (Quy Lĩnh) được trùng tu.
Thời Lê trung hưng, năm 1672 vua Lê Gia Tông trên đường Nam chinh cũng qua cửa biển núi Quy Lĩnh, được thần phù trợ. Hai năm sau nhà vua trở về kinh sư gia phong cho thần: Đại Càn quốc gia Nam hải Quy Lĩnh linh từ tứ vị thánh nương đại vương.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, năm 1947, tại vùng Thanh - Nghệ chính quyền Việt Minh thực hiện chủ trương hợp tự, đền Quy Lĩnh thành nơi hợp tự của đình, đền, chùa trong xã (Quỳnh Lương).
“Đất linh nhân kiệt”, đền có linh thiêng hay không còn phụ thuộc vào việc thờ thần trong đó. Theo như giới thiệu “Đền Quy Lĩnh”, thuở ban đầu miếu Quy Lĩnh được làm bằng tranh, trong đó thờ vị sư có công cứu 3 mẹ con hoàng hậu và công chúa nhà Nam Tống. Có thể coi vị sư là người đầu tiên được thờ ở miếu Quy Lĩnh vào khoảng cuối thế kỷ XIII thời Trần. Sau đó vào khoảng đầu thế kỷ XIV, miếu thờ thêm 3 mẹ con hoàng hậu triều Nam Tống. Việc thờ các vị thần ở miếu, sau đó là đền Quy Lĩnh đã được một số nhà vua, đại diện của triều đại Trần, Lê khi Nam chinh qua Quy Lĩnh được thần phù trợ, khi trở về đã cho tu tạo mở rộng đền hoặc gia phong mỹ tự hoặc đẳng hạng cho thần. Các sắc phong thần còn lại là bằng cứ xác đáng nhất của các triều đại quân chủ từ hậu Lê, Nguyễn công nhận vị thần nào được thờ ở đền Quy Lĩnh; công trạng của thần âm phù đối với nhà vua và nhân dân địa phương.
Hiện tại đền Quy Lĩnh còn lưu giữ 8 sắc phong, ngoại trừ sắc phong năm Khải Định 9 (1924), chữ mờ! nên không rõ nội dung, còn lại 7 sắc phong đều ghi rõ:
- Sắc năm Cảnh Hưng 28 (1765), sắc năm Tự Đức 3 (1850), sắc năm Duy Tân 3 (1909): “Đại Càn quốc gia Nam hải”.
-  Sắc năm Minh Mệnh 5 (1824): “Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương”.
- Sắc năm Tự Đức 33 (1880), sắc năm Đồng Khánh 2 (1887): “Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị thượng đẳng thần”.
- Sắc năm Thành Thái 10 (1898): “Bản thổ thành hoàng chi thần”.
Với 7 sắc phong trên hoặc ghi ngắn gọn: “Đại càn quốc gia Nam hải”,  “Đại càn quốc gia Nam hải tứ vị thượng đẳng thần” hay ghi đầy đủ danh hiệu của thần “Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương”; hoặc gọi theo tục lệ: “Bản thổ thành hoàng chi thần”.
Rõ ràng, các sắc phong của nhà nước từ hậu Lê (thế kỷ XVII- XVIII) đến Nguyễn (thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) đều ghi: Thần được thờ ở đền Quy Lĩnh là “Đại càn quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương”(3).
Đền Cờn, ngôi đền nổi tiếng nhất xứ Nghệ, với đền Trong thờ Cốc thần (thần Lúa) và Mộc thần (thần Gỗ), chính thần là tứ vị thánh nương(4); đền Ngoài thờ Tống Triệu Bính, vua cuối cùng của triều Nam Tống và các trung thần như Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu. Đền Quy Lĩnh cũng là nơi thờ tứ vị thánh nương. Từ trong lịch sử và huyền tích cho thấy hai ngôi đền - đền Cờn và đền Quy Lĩnh có liên quan mật thiết với nhau, đều thờ tứ vị thánh nương. Tuy nhiên, đối với tứ vị thánh nương thì sự xuất nhập và cách giải thích nguồn gốc có sự khác nhau. Vai trò âm phù và sự linh thiêng của thần phụ thuộc rất nhiều vào tín ngưỡng dân gian cùng văn hóa tâm linh của cư dân ở mỗi thời đại khác nhau… Trong hoạt động lễ hội diễn ra từ ngày 19 đến 21 tháng Giêng hàng năm của đền Cờn và đền Quy Lĩnh gồm lễ rước kiệu hoành tráng, độc đáo, lễ tế thánh và cầu ngư đều diễn ra theo đúng quy thức Nho giáo và phong tục địa phương. Phần tổ chức hội rất phong phú với nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ người, đua thuyền trên sông, tục “chạy Ói” tức là từ đền Cờn, chạy vào hòn Ói, nơi có đền Quy Lĩnh để rước ông về. Trong Lễ hội đền Cờn và đền Quy Lĩnh ngày nay tục “chạy Ói” vẫn chưa được khôi phục nguyên trạng. Tại đền Quy Lĩnh diễn ra lễ Kỳ lưu… thu hút rất đông dân làng cùng du khách tham gia… Lễ Kỳ lưu gắn với lễ hội hàng năm của đền Quy Lĩnh, một kỳ đại lễ, đại tế của làng Phú Lương vốn phong tục tế lễ xưa rất phong phú, sinh động.
2. Phong tục tế lễ của làng Phú Lương
Sách: Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra (Các tổng trấn xã danh bị lãm), cho biết: “Trấn Nghệ An 5 phủ, 16 huyện, 17 tổng, 1125 xã.. D. Phủ Diễn Châu 2 huyện; Huyện Quỳnh Lưu 4 tổng, 69 xã, thôn, phường, giáp, sách, trang, trại. Tổng Hoàn Hậu có 20 xã, thôn, phường, giáp, trại:… (thôn) Hoàn Minh, thôn Hoàn Lương, thôn Ngọc Chi thuộc xã Bào Ngọc(5)”…
Các sắc phong thần đền Quy Lĩnh cho biết một số thay đổi liên quan đến sự xuất hiện lần đầu tiên và sự phụ thuộc hành chính của làng Phú Lương như sau: Sắc năm Minh Mệnh 5 (1824), thôn Hoàn Lương, tổng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu. Sắc năm Tự Đức thứ 3 (1850), thôn Phú Lương, tổng Hoàn Hậu. Sắc năm Tự Đức 33 (1880), thôn Phú Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sắc năm Đồng Khánh 2 (1887), thôn Phú Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sắc năm Thành Thái 10 (1897), xã Phú Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sắc năm Duy Tân 3 (1909), thôn Phú Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sắc năm Khải Định 9 (1924), thôn Phú Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quỳnh Lưu, gồm 1 thị xã Cầu Giát và 42 xã, trong đó có xã Quỳnh Lương(6). Không rõ hiện tại còn lưu hành tên thôn (làng) Phú Lương hay không? nhưng thay vào đó là xóm 6. Xã Quỳnh Lương hiện chia làm 8 thôn (theo thứ tự từ 1 đến 8). Tổng hợp từ một số tài liệu chưa đầy đủ trên có thể cho ta biết được sơ lược lịch sử tên gọi và sự phụ thuộc hành chính của làng Phú Lương như sau:
Đời Trần cuối thế kỷ XIII, lần đầu tiên xuất hiện tên gọi Hiền Lương (làng).
Đầu thế kỷ XIX, xuất hiện tên hành chính thôn Hoàn Lương, xã Bào Ngọc, tổng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An.
Đến năm Minh Mệnh 5 (1824), thôn Hoàn Lương vẫn còn lưu hành.
Năm Tự Đức 3 (1850), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), thôn Phú Lương, tổng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Năm Thành Thái 10 (1897), xã Phú Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Năm Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924), thôn Phú Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xuất hiện tên xã Quỳnh Lương và các  xóm (1 đến 8) nêu trên.
Như vậy, Hiền Lương (thôn - làng) là tên gọi dân gian đầu tiên, đến đầu thế kỷ  XIX, đời vua Gia Long khoảng năm (1812 - 1814), xuất hiện tên gọi thôn Hoàn Lương, xã Bào Ngọc, tổng Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An. Tên thôn Hoàn Lương tiếp tục được lưu hành đến thời Minh Mệnh (1820-1841). Đến thời Tự Đức (1850 - 1880) xuất hiện và duy trì tên gọi thôn Phú Lương, thay cho tên gọi thôn Hoàn Lương. Đời vua Thành Thái (1897), xuất hiện tên xã Phú Thanh, thay cho tên xã Bào Ngọc, tổng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tên thôn Phú Lương tồn tại cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau cách mạng, xã Phú Thanh được đổi gọi là xã Quỳnh Lương. Có lẽ trong thời kỳ hợp tác xã (1960 - 1985) cả xã Quỳnh Lương được chia làm 8 xóm, trong đó làng Phú Lương thuộc xóm 6 ngày nay(7).
Làng Phú Lương xưa từng duy trì phong tục tế lễ khá phong phú, nhưng do tác động của thời gian, chiến tranh cách mạng đã làm mai một và biến đổi. May thay hiện còn một tập tài liệu Hán Nôm viết tay, có thể tạm gọi là “Phong tục nghi lễ làng Phú Lương”(8), tác giả khuyết danh, không ghi lạc khoản. Có lẽ người viết tài liệu này là một nhà Nho cuối mùa ở làng Phú Lương (do hiểu rất rõ phong tục tế lễ trong năm của làng). Có thể ông sống vào lúc Hoàng triều (triều Nguyễn đương đại), khoảng sau thời vua Tự Đức (1848 - 1883). Tài liệu gồm 38 trang trên giấy Bản, nhiều chỗ rách trang mất chữ, không thể đọc được. Nội dung ghi chép các bài văn tế trong năm của dân làng Phú Lương. Dựa vào các bài văn tế mà thứ tự không được mạch lạc, chúng tôi tạm sắp xếp các lễ tế trong một năm trước đây ở làng Phú Lương như sau:
1. Lễ Trừ tịch vào đêm giao thừa 30 tết, lễ tống cựu nghinh tân, tiễn năm cũ đón mừng năm mới. Lễ tế diễn ra tại đình làng Phú Lương. Tham gia có quan viên (tế quan), đồng thôn viên chức và các Kỳ lão, binh, dân trên dưới. Không thấy ghi lễ vật trong lễ Trừ tịch, mà có ghi:
“Trừ tịch tấu
Đại Nam quốc tỉnh phủ huyện tổng xã quan viên tế quan bồi tế đồng thôn viên chức kỳ lão binh dân thượng hạ cập gian cư kiều ngụ nam phụ lão ấu... thượng tấu cáo vu”(9).
2. Lễ Tết Nguyên đán thường được dân làng tiến hành vào sớm ngày mồng 1, mồng 2 đầu năm, lễ vật cúng thần tại đình, cầu năm mới dân khang vật thịnh. Việc chuẩn bị lễ vật và quá trình tiến hành lễ Tết Nguyên đán không thấy ghi trong tài liệu trên, song có thấy bài “Nguyên đán tế văn: Bản thổ thành hoàng dực bảo trung hưng linh phù đôn nghị tôn thần nhị khí lương năng nhất thành danh quản ngọc lộ ân đàm… Xuân nguyên lễ chính nhật.
Thần lai khâm tỷ… thượng hưởng cập bộ hạ đồng gián cách hưởng”(10).
3. Lễ Khai hạ nhập tịch tại đình làng(11). Nhiều làng xã làm lễ Khai hạ thường vào ngày mồng 5 hoặc mồng 7 tháng Giêng. Lễ Khai hạ làng Phú Lương không ghi rõ ngày nào.
4. Đại tế, Lễ hội tế thờ thần thành hoàng làng tại miếu (lễ Kỳ lưu diễn ra ở đền Quy Lĩnh), từ ngày 19 đến 21 tháng Giêng hàng năm. “Kỳ lưu tấu (ghi): Đại Nam quốc tỉnh phủ huyện xã quan viên tế quan.. bách bái thượng tấu cáo vu.. Phú Lương thôn đồng thôn thượng hạ cẩn tấu hữu tấu thỉnh tả hữu văn võ..”(12). Kỳ lưu văn… (chữ mờ).
5. Xuân Thu đinh tế - hàng năm nhằm ngày Đinh tháng 2 và tháng 8, hội Tư văn làm lễ tế Khổng Tử và các bậc tiên triết, tiên Nho (những người đỗ đạt Nho học tiền bối của làng), ghi: “Xuân Thu Đinh tế văn - Cáo tế văn: Hoàng hiệu tuế thứ can chi nguyệt sóc nhật tỉnh phủ huyện tổng xã văn hội quan viên chính hiến bồi hiến viên đồng hội thượng hạ đẳng cẩn dĩ vật cảm cách cáo vu.
Đại thành chí thánh tiên sư Khổng thị phu tử vị tiền  Hậu văn phỏng… viết: Kim dĩ Xuân Thu Đinh lai nhật chính tế thị dụng… (lễ Vật) dự hành cáo lễ thượng hưởng  dĩ.
Phục thánh Nhan Tử Sùng thánh Tăng Tử Thuật thánh Tử Tư Á thánh Mạnh Tử.  
Phối kí tả văn các nhất:
Tiên triết Mẫn Tử… tiên triết Chu Tử tòng tự cập bản miếu thổ công khoa trường tiền bối: Tiền tiên từ khoa Tiến sĩ xuất thân vinh lộc đại phu nhập nội hành khiển môn hạ sảnh Tả ty Thị lang Tham tri Nam đạo quân dân bạ tịch khai nội hầu tước Đại liêu ban tặng Thượng thư Lê tướng công. Tiền Lê triều khai khoa Hiệu sinh Hồ Phúc Nghinh tiên sinh. Tiền Lê triều Hương cống Giám giám sinh khâm thụ án Sơn Nam trấn Trấn thủ quan..”(13)..
Bảng hiệu kính cáo các Tiên sinh(14).
“Đại tế văn(15): Hoàng hiệu cảm cách cáo vu
Đại thành chí thánh tiên sư Khổng thị phu tử vị tiền cung duy.
Thánh sư tổ thuật Đường Ngu hiến chương văn võ san định lục kinh..
Đông Tây tứ phối kỵ thập nhị tiên triết.. Tòng tự cập bản miếu thổ công khoa trường tiên bối liệt vị”.
6. Tháng 3 lễ Đại Kỳ phúc tại đình. Trong buổi lễ có “Đại tế văn”(16) ca ngợi uy đức của thần thành hoàng đối với dân làng Phú Lương. Trong đình thờ các bậc tiên hiền của các triều trước và các Hương mục tiên bối.
7. Mồng 5 tháng 5 (Âm lịch) tiết Đoan Ngọ, trong lễ này có đọc “Đoan Ngọ văn”(17) cầu cho dân làng khỏe mạnh, vạn vật tươi tốt (dân khang vật thịnh).
8. Ngày mồng 8 tháng 8 (Âm lịch) dân làng Phú Lương làm lễ tế Xã điền - Viêm đế thần nông thị (thần Nông cai quản nông nghiệp từ thời cổ xưa) và các vị Nông sư, cầu mong mùa màng phong đăng hòa cốc. Trong buổi tế lễ đó có đọc “Xã điền văn”(18).
9. Lễ Kỳ an của bản thôn, không rõ tổ chức vào thời gian nào trong năm? Lễ này cầu bình an cho dân làng Phú Lương. Ngoài các nghi thức, như dâng lễ vật, nghi thức dâng cúng, có thấy chép “Bản thôn kỳ an binh văn”(19).
10. Vào tháng Chạp (tháng 12) dân làng Phú Lương lại tiến hành lễ Chạp Kỳ phúc, trong buổi tế lễ đó có “Kỳ phúc Chạp tế hậu tế văn”(20) cầu phúc cho dân làng.
11. Lễ Thường tân - mừng cơm mới ở nhiều làng quê Bắc bộ thường tổ chức vào tháng 9 (Âm lịch) hàng năm. Ở làng Phú Lương cũng tổ chức lễ Thường tân tại đình, nhưng không cho biết cụ thể vào thời gian nào, có lẽ lễ Thường tân được tổ chức sau khi thu hoạch xong vụ lúa chiêm. Trong lễ đó, thường có đọc “Thường tân văn”(21).
12. Lễ Sóc Vọng, nhằm ngày mồng 1 và ngày 15 (Rằm) hàng tháng, dân làng Phú Lương đều làm lễ cúng Phật tại chùa, cầu mong đức Phật che chở và mang đến nhiều điều tốt đẹp. Lễ chính hôm đó giao cho Thủ từ lo liệu. Lễ ngày Rằm tháng Giêng có đọc “Chính Vọng lễ văn”(22).
Qua những thông tin hết sức sơ lược thu được từ tập tài liệu Hán Nôm: “Phong tục nghi lễ làng Phú Lương” nêu trên cho thấy rằng: Trước Cách mạng tháng 8 làng Phú Lương từng duy trì phong tục tế lễ khá phong phú, diễn ra cả bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông, gồm 24 lễ tế chính và lễ hội trong một năm. Trong đó lễ tế tập trung nhiều nhất vào dịp đầu xuân - đầu năm và mùa thu, thời điểm nông nhàn giữa hai mùa vụ. Bao quát nội dung của các lễ tế đó liên quan đến hai chủ đề chính là nông nghiệp và đời sống văn hóa tâm linh của dân làng (tín ngưỡng, tôn giáo).
Lễ Trừ tịch, tống cựu nghinh tân, tiễn trừ năm cũ, đón mừng năm mới; lễ Tết nguyên đán và lễ Khai hạ đầu năm, đón xuân mới; lễ tiết Đoan Ngọ, triết trừ sâu bọ, mong mọi người an khang hạnh phúc; Lễ Xã điền, tế thờ Thần Nông và các vị Nông sư, cầu mùa màng bội thu; lễ Thường tân, mừng cơm mới, vừa thu hoạch xong. Các lễ tiết này đều liên quan đến sản xuất nông nghiệp, mùa vụ trồng cấy lúa nước của dân làng. Ngoài việc cố gắng lao động cần cù siêng năng trên đồng ruộng của mỗi người còn phải “trông trời, ơn trời” mưa thuận gió hòa để đồng ruộng tươi tốt mùa màng bội thu. Lễ tiết để con người tri ân, nhắc nhở nhau về sự phù giúp của trời đất, thần linh không phụ công lao khuya sớm mỗi ngày trong cuộc mưu sinh vĩ đại xây dựng xóm làng quê hương yêu quý.
Các lễ đại Kỳ phúc - cầu phúc; Kỳ an - cầu an; Xuân Thu Đinh tế (lễ tế Đinh mùa Xuân và mùa Thu), đều liên quan đến Nho giáo. Lễ Kỳ phúc, Kỳ an hàng năm để cầu an khang hạnh phúc cho dân làng. Lễ tế Đinh xuân thu do hội Tư văn, hội của những người học Nho trong làng (đỗ đạt hay không đỗ đạt, tham gia quan trường hay không tham gia quan trường) đứng ra tổ chức mỗi năm hai kỳ vào ngày Đinh mùa xuân tháng 2 và ngày Đinh tháng 8. Lễ tế đề cao Khổng Tử (Tổ sư của Nho giáo, “vạn thế sư biểu” người thầy của muôn đời), tứ phối Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử, cùng 72 học trò thành đạt của Khổng Tử và các bậc Tiên hiền [24 người đỗ đạt Nho học của làng: thời Tiền Lê: 1 Tiến sĩ, 2 Hương cống, 15 Hiệu sinh (đỗ trường ở phủ), 1 Tú lâm cục, 1 tiên sinh (không rõ đỗ trường nào?) thời Lê 1 Cử nhân, 3 Tú tài]. Lễ tế Đinh xuân thu đề cao truyền thống trọng học, tôn vinh những người đỗ đạt khoa cử, khuyến khích mọi người tiếp nối truyền thống học tập vinh quang đó làm rạng danh cho quê hương, cống hiến nhiều cho đất nước.
Lễ Sóc Vọng, nhằm ngày mồng 1 và ngày rằm hàng tháng trong năm diễn ra tại chùa làng. Sau khi làng Phú Lương tiến hành hợp tự, thì lễ Sóc Vọng tiến hành tại đền Quy Lĩnh. Lễ này do Thủ từ đảm trách, lo sắm lễ vật xôi, gà, rượu, hoa quả, tiền giấy, đèn nhang cúng Phật; mong Phật độ chúng sinh vượt qua bến mê, bể khổ, cuộc sống bình an. Thường trước đây chùa làng hay có tự điền (ruộng chùa, ruộng thờ). Sư trụ trì hoặc Thủ từ cày cấy tự điền thu hoa lợi lo việc cúng lễ của chùa. Vào dịp lễ Sóc Vọng hàng tháng dân làng có thể đến chùa (đền) thành tâm lễ Phật, cầu mong Phật độ sở nguyện của mình. Vì thế, ngôi chùa càng trở nên gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tâm linh của dân làng.
Việc dân làng Phú Lương tiến hành Đại lễ hội (Hội làng), trong đó có lễ hội Kỳ lưu vào ngày 19 đến 21 tháng Giêng hàng năm tại đền Quy Lĩnh, gắn với tục thờ Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương đại vương, trùng với đại Lễ hội đền Cờn (lễ hội nổi tiếng nhất ở Nghệ An trước đây). Cả hai Lễ hội đền Cờn và đền Quy Lĩnh đều thờ tứ vị thánh nương, Bản thổ thành hoàng - thần thành hoàng của làng- của vùng cửa biển Đại Càn (Hương Cần) - Quỳnh Phương, Quỳnh Lương, thuộc huyện Quỳnh Lưu. Tục thờ thần tứ vị thánh nương và lễ hội hàng năm để dân làng tri ân sự phù trợ của thần linh trong mỗi chuyến bám biển mưu sinh, mong sóng gió bình yên, tôm cá đầy khoang... Lễ hội Kỳ lưu hay tục chạy Ói trong Lễ hội Đền Cờn và đền Quy Lĩnh trước đây từng diễn ra rất sôi nổi nhiệt tình của những người dự hội. Song đến nay tục chạy Ói dần mai một. Đề nghị chính quyền và nhân dân địa phương cùng các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa cần vào cuộc tích cực, nhằm khôi phục nguyên trạng tục chạy Ói để Lễ hội đền Cờn và đền Quy Lĩnh phong phú như xưa, tạo thêm sự gắn kết cộng đồng bền chặt trong công cuộc xây dựng quê hương Quỳnh Lưu, Nghệ An ngày một đổi mới và giàu đẹp hơn.
Chú thích
1. Chúng tôi chưa có dịp tiếp xúc với tác giả bài Tựa “Linh từ ký”, nên chưa rõ Lê Văn Phẩm là ai. Ông có phải là người làng Phú Lương hay người ở xã khác thuộc huyện Quỳnh Lưu? Bài viết đem lại nhiều thông tin có thể tham khảo khi tìm hiểu về đền Quy Lĩnh.        
2. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1970. Tập II. Tr 144.    
 3. Trên Báo Thế giới di sản điện tử, đăng bài: Hồ Lê Thanh. “Đền Quy Lĩnh, xã Quỳnh Lương - Di tích lịch sử cấp tỉnh”. Mở đầu viết: “Đền Tọa lạc phía Đông Bắc giữa một thung lũng rộng dưới chân núi Quy Lĩnh, thuộc xóm 6 xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đền Quy Lĩnh gắn kết chặt chẽ với đền Cờn - di tích nổi tiếng của xứ Nghệ từ lịch sử đến các huyền thoại, được nhân dân làng Phú Lương xưa xây dựng lên để làm nơi tôn thờ và tưởng niệm những người đã có công bảo quốc hộ dân, giúp làng trong cuộc sống, như: Vị sư, Tứ vị thánh nương, Mộc thần, Hoàng Tá Thốn”. Có lẽ tác giả bài báo dựa vào truyền thuyết dân gian, đưa Mộc thần, Hoàng Tá Thốn vào thờ trong đền Quy Lĩnh. Các sắc phong hiện còn đều không thấy ghi gì về Mộc thần và Hoàng Tá Thốn (Sát hải đại vương).
4. Để hiểu rõ hơn về Tứ vị thánh nương được thờ ở đền Cờn, xem thêm: TS. Nguyễn Viết Chức (Chủ biên), Đền Cờn - Điểm đến Hoàng Mai, Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2016.
 5. Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra (Các tổng trấn xã danh bị lãm). Dương Thị The & Phạm Thị Thoa dịch & biên soạn. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1981. Tr 104.          
 6. Nguyễn Quang Ân, Việt Nam những thay đổi về địa danh và địa giới hành chính (1945-2002), Nxb Thông tấn. Hà Nội 2003. Tr.124.     
 7. Tên của mỗi xóm được đánh số theo số học, rất tiện cho việc lưu hành sử dụng trong xã hội hiện đại; nhưng vô tình đã che lấp mất những giá trị lịch sử và truyền thống văn hóa tốt đẹp của quá khứ. Do vậy, việc nghiên cứu khôi phục lại tên làng xã xưa không riêng đối với Phú Lương, Quỳnh Lương cần được cân nhắc đặt ra. 
8. Căn cứ vào nội dung tài liệu Hán Nôm của làng Phú Lương, chúng tôi tạm đặt tên là: “Phong tục nghi lễ làng Phú Lương”.
9. “Phong tục nghi lễ làng Phú Lương”. Tài liệu đã dẫn. Tr 9.
10. “Phong tục nghi lễ làng Phú Lương”. Tài liệu đã dẫn. Tr 10-11-12.
11. “Phong tục nghi lễ làng Phú Lương”. Tài liệu đã dẫn. Tr 15.
 12. “Phong tục nghi lễ làng Phú Lương”. Tài liệu đã dẫn. Tr 6.
 13. “Phong tục nghi lễ làng Phú Lương”. Tài liệu đã dẫn. Tr 3.
 14. “Phong tục nghi lễ làng Phú Lương”. Tài liệu đã dẫn. Tr 4: “Tiền Lê triều Hương cống do Nho sinh trúng thức Hồ Mạnh.. tự là Đức Nhuận hiệu Uy Đình tiên sinh. Tiền hoàng triều Ất Mão khoa Cử nhân nguyên Hàn lâm viện Tu soạn Thanh Hóa Sơn phòng Tham biện Chánh sứ Hồ Ngu Công tự An Trai hiệu Quy Sơn tiên sinh.
Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Nguyễn Gia Đại tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Hồ Phúc Diên tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Hồ Phúc Thỏa tiên sinh; Tiền Lê triều Hồ Viết Khang tiên sinh; Tiền Lê triều Tú lâm cục Lê Hữu Phong tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Lê Hữu Kính tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Lê Đức Tuấn tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Hồ Viết Khuông tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Hồ Phúc Cảo tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Nguyễn Sĩ Đạt tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Lê Đăng Cử tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Nguyễn Đình Sĩ tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Hồ Nghĩa Thân tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Hồ Phúc Câu tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Hồ Phúc tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Lê Thế Truyền tiên sinh; Tiền Lê triều Hiệu hiệu sinh Hồ Văn Quỹ tiên sinh; Tiền hoàng triều Tú tài Lê Duy Dực tiên sinh; Tiền hoàng triều Tú tài Lê Hữu Quang tiên sinh; Tiền hoàng triều Tú tài Hồ Văn Tiến tiên sinh; Bản hội hội tịch tiên bối đồng cách hưởng”.
15,16,17,18,19,20. “Phong tục nghi lễ làng Phú Lương”. Tài liệu đã dẫn. Tr 5; Tr 7; Tr 5-8;Tr 11; Tr 13-14; Tr 13; Tr 5-8-11-12-13; Tr 10.
 

Vũ Duy Mền

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây