Nghệ An bàn giao sản phẩm khoa học công nghệ cho đối tác Nhật Bản

Thứ tư - 27/03/2024 04:02 0

Sáng 27/3, tại thị xã Thái Hòa, Sở Khoa học và Công nghệ bàn giao lô sản phẩm thử nghiệm sản xuất thức ăn dự trữ cho gia súc từ phụ phẩm cây mía. Đây là lô sản phẩm khoa học công nghệ được đặt hàng thông qua hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ giữa Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An với Nhật Bản.

bna_ khoa học 5. ảnh thanh lê.jpg
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra quy trình ủ chua thức ăn từ phụ phẩm cây mía. Ảnh: Thanh Lê

Tại Nghệ An, mía là một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Trong những năm gần đây, giá thu mua nguyên liệu mía cây của các nhà máy tương đối ổn định, đồng thời UBND tỉnh và các ngành liên quan đã có những chỉ đạo kịp thời trong việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất tại các vùng mía nguyên liệu.

Từ việc áp dụng các tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật nên năng suất mía tại các vùng nguyên liệu chính đều đạt tương đối cao.

bna_ khoa học 3. ảnh thanh lê.jpg
Lô hàng đầu tiên được đóng gói bàn giao cho đối tác Nhật Bản. Ảnh: Thanh Lê

Do vậy, diện tích trồng mía nguyên liệu của người dân hàng năm luôn ổn định và có xu hướng tăng lên, năm 2022 tổng diện tích là 22.560 ha, năm 2023 tổng diện tích là 24.000ha. Năng suất trung bình 720 tạ/ha, tổng sản lượng mía nguyên liệu năm 2022 đạt 1.625 nghìn tấn.

Song song với đó thì nguồn nguyên liệu ngọn mía thải ra khoảng gần 250 nghìn tấn/năm, đây là nguồn phụ phẩm rất lớn đang bị người dân lãng phí đốt bỏ và thải ra môi trường hàng năm, hiện vẫn chưa có giải pháp khai thác xử lý hiệu quả.

bna_ khoa học 1. Ảnh thanh lê.jpg
Sản phẩm thành công sẽ góp phần giải quyết một lượng lớn nguyên liệu từ phụ phẩm nông nghiệp của người dân trồng mía trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển thị trường thức ăn chăn nuôi. Theo thống kê, tổng nhu cầu thức ăn tinh cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm 35%. Như vậy, Việt Nam phải nhập khẩu đến 65% từ thị trường bên ngoài.

Thực trạng đó cho thấy, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi đang rất cao. Việc tận dụng các nguồn phế thải sau sản xuất mía để sản xuất thức ăn chăn nuôi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần cung cấp nguồn thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao cho vật nuôi mà lại giảm thải các nguồn phụ phẩm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường.

bna_ khoa học 4. ảnh thanh lê.jpg
Các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành quy trình ủ chua thức ăn từ phụ phẩm cây mía. Ảnh: Thanh Lê

Xuất phát từ thực tế trên, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm ủ chua từ phụ phẩm cây mía. Quy trình ủ chua thức ăn từ phụ phẩm cây mía này được xây dựng dựa trên các quy trình ủ chua thức ăn từ cỏ, ngô, phụ phế phẩm nông nghiệp,... tạo ra nguồn thức ăn dự trữ có khối lượng lớn cung cấp cho nghề chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và hướng tới xuất khẩu khi đáp ứng đủ các điều kiện từ phía các quốc gia có nhu cầu.

bna_ khoa học 6. ảnh thanh lê.jpg
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cùng đại diện doanh nghiệp kiểm tra lô hàng trước khi bàn giao cho đối tác Nhật Bản. Ảnh: Thanh Lê

Theo đồng chí Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Việc khai thác chế biến các phụ phẩm mía đường sẽ tăng thêm hiệu quả kinh tế cho người dân trồng mía nguyên liệu, đồng thời dự trữ được nguồn thức ăn trong mùa khô khi mà các nguồn thức ăn xanh trở nên khan hiếm nhằm cung cấp cho các trang trại chăn nuôi gia súc lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An và hướng tới xuất khẩu khi đáp ứng các điều kiện phù hợp theo đặt hàng từ phía các đối tác.

Đồng thời sẽ góp phần giải quyết một lượng lớn nguyên liệu từ phụ phẩm nông nghiệp của người dân trồng mía trên địa bàn tỉnh, làm tăng hiệu quả kinh tế từ nghề trồng mía nguyên liệu, thúc đẩy phát triển mở rộng các vùng nguyên liệu theo các chương trình, đề án mà tỉnh đã đặt ra.

bna_ khoa học 7. ảnh thanh lê.jpg
Lô sản phẩm thử nghiệm sản xuất thức ăn dự trữ cho gia súc từ phụ phẩm cây mía được vận chuyển để bàn giao cho đối tác Nhật Bản. Ảnh: Thanh Lê

Việc ứng dụng công nghệ sinh học (công nghệ vi sinh) trong xử lý các loại phế thải có nguồn gốc hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi là hướng đi mới, hiện đại và phù hợp, đang được Chính phủ và các địa phương ưu tiên phát triển. Có thể nói công nghệ này được đề xuất và phát triển sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị của cây mía.

bna_ khoa học 2. Ảnh thanh lê.jpg
Từ lô hàng thử nghiệm ban đầu, Sở Khoa học và Công nghệ đang hướng tới xuất khẩu sản phẩm này khi đáp ứng các điều kiện phù hợp theo đặt hàng từ phía các đối tác. Ảnh: Thanh Lê

Từ lô hàng thử nghiệm ban đầu nếu đáp ứng được các yêu cầu của đối tác Nhật Bản, Sở Khoa học và Công nghệ dự kiến tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện dự án: Ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình liên kết phát triển sản xuất thức ăn dự trữ cho gia súc từ phụ phẩm mía đường phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới./.
Theo Baonghean 

Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập420
  • Hôm nay28,355
  • Tháng hiện tại290,984
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây