Phát triển kinh tế du lịch tỉnh nghệ An: Thực Trạng và giải pháp

Thứ hai - 22/07/2024 04:14 0
Kinh tế du lịch đã và đang dần trở thành động lực quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia nói chung và Nghệ An nói riêng. Những đóng góp về lợi ích mà ngành kinh tế du lịch mang lại cho các doanh nghiệp, cá nhân và cả nền kinh tế là không nhỏ. Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang ngày càng phát triển bởi những tiềm năng được khai thác và có hiệu quả, số lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan trên địa bàn tăng lên; hoạt động du lịch đã được chú trọng dựa trên việc phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của tỉnh Nghệ An.
 
1. Các quan điểm về kinh tế du lịch
Kinh tế du lịch đã và đang chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Những lợi ích mà ngành kinh tế du lịch mang lại là vô cùng to lớn, không chỉ dưới góc độ đóng góp vào GDP của đất nước hay giải quyết các vấn đề thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo mà nó còn là phương thức để kết nối - giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người tới đông đảo bạn bè trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, có rất ít công trình nghiên cứu đưa ra khái niệm kinh tế du lịch. Hầu như các định nghĩa về kinh tế du lịch được đưa ra có sự lồng ghép với định nghĩa về du lịch, có hai định nghĩa điển hình về kinh tế du lịch như sau:
Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002) đưa ra định nghĩa “Kinh tế du lịch là một loại hình kinh tế có tính đặc thù, mang tính dịch vụ và thường được xem như ngành công nghiệp không khói, gồm có du lịch quốc tế và du lịch trong nước; có chức năng, nhiệm vụ tổ chức, khai thác các tài nguyên và cảnh quan của đất nước nhằm thu hút khách du lịch trong nước ngoài nước; tổ chức buôn bán, xuất nhập khẩu tại chỗ hàng hóa và dịch vụ cho khách du lịch”. Định nghĩa trên tuy đã chỉ ra được đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ, mục đích của kinh tế du lịch nhưng nó vẫn chưa đầy đủ và nhiều chi tiết chưa rõ ràng.
Nhóm tác giả Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (2006) có đưa ra định nghĩa: “Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp, nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, lưu trú, ăn uống, tham quan, giải trí, tìm hiểu và các nhu cầu khác của khách du lịch. Các hoạt động đó phải đem lại lợi ích kinh tế chính trị - xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và cho bản thân doanh nghiệp”. Định nghĩa này cũng chưa hoàn chỉnh khi chưa đề cập đến vấn đề du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, mang tính tổng hợp, tính liên ngành... Bản thân định nghĩa cũng bị tự giới hạn khi sử dụng các thuật ngữ giới hạn như: “Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp”.
Thực tế thì “kinh tế du lịch” cần được định nghĩa phổ quát hơn, rộng hơn thế. Tác giả Lê Quang Đăng - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - đã đưa ra định nghĩa “Kinh tế du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa cao, thuộc khối ngành dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân; có chức năng, nhiệm vụ tổ chức, khai thác các tài nguyên du lịch, sản xuất, xuất nhập khẩu tại chỗ hàng hóa và dịch vụ du lịch, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch trên thị trường; mang lại lợi ích kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội thiết thực và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước”.
Từ định nghĩa trên ta có thể thấy kinh tế du lịch là một loại hình kinh tế đặc biệt. Tính đặc biệt được thể hiện: nó mang tính tổng hợp, liên ngành (giữa du lịch với giao thông, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, văn hóa, thể thao...); có tính chất xã hội hóa cao (thu hút mọi thành phần trong xã hội tham gia); là ngành kinh tế xanh, sạch (công nghiệp không khói); mang lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cao (công nghiệp gà đẻ trứng vàng). Đại đa số các hoạt động kinh doanh và sản phẩm của nền kinh tế này mang tính dịch vụ (mua và bán các dịch vụ du lịch). Các hoạt động kinh doanh của ngành kinh tế du lịch chủ yếu là khai thác các lợi thế về tài nguyên du lịch (tài nguyên sẵn có (tự nhiên) và tài nguyên sáng tạo (văn hóa, nhân văn, do con người tạo ra). Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ các hàng hóa và dịch vụ du lịch. Kinh tế du lịch mang lại lợi ích cho quốc gia ở cả khía cạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Cũng như các ngành kinh tế khác, kinh tế du lịch chịu tác động bởi các quy luật của thị trường và dưới sự quản lý thống nhất của nhà nước để định hướng cho sự phát triển của ngành một cách bền vững. Các thành tố cơ bản của kinh tế du lịch cũng giống như các ngành kinh tế khác: có cung - cầu du lịch, có hàng hóa (sản phẩm) du lịch, có thị trường du lịch, có tiêu dùng du lịch, có cạnh tranh du lịch, có doanh nghiệp du lịch và các loại hình kinh doanh du lịch.
2. Thực trạng phát triển kinh tế du lịch tỉnh Nghệ An
Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm đạt 7,14%, tỉnh Nghệ An đứng thứ 26 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, quy nền kinh tế đứng thứ 10/63 tỉnh, thành của cả nước. Trong đó, lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định. Trong mức tăng chung của toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,54%, đóng góp 13,27% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,80%, đóng góp 30,15%; khu vực dịch vụ tăng 8,70%, đóng góp 52,07%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,65%, đóng góp 4,51%.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng tương đối tốt so với năm 2022 nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động du lịch trong nước, quốc tế dần khôi phục. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của năm 2023 như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 15,04% so với cùng kỳ, đóng góp 0,95 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,19%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,15%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,93%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm.
Ngành Du lịch Nghệ An thời gian qua đã có bước phát triển tích cực. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng lên, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, trong đó đã định vị một số sản phẩm du lịch có thế mạnh của Nghệ An như: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; du lịch ẩm thực.
Hình 1. Tốc độ tăng trưởng từng lĩnh vực năm 2023 so với năm trước
(Nguồn: Cục thống kê tỉnh Nghệ An năm 2023)

Thị trường khách du lịch từng bước được mở rộng, nhất thị trường khách nội địa. Hoạt động kinh doanh lữ hành có nhiều tiến bộ, thu hút được một số công ty lữ hành lớn trong nước mở chi nhánh tại Nghệ An như: Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam Vietravel, Tổng Công ty Lữ hành Saigontourist. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển.
Hệ thống giao thông kết nối các điểm đến trong tỉnh đã và đang được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện. Nhiều đường bay được khai thác từ Sân bay Vinh đến Sân bay các tỉnh/thành phố có thị trường nguồn khách lớn. Thu hút được một số nhà đầu tư lớn đầu tư sản phẩm du lịch, dịch vụ có sức hấp dẫn như: Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Vingroup, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn Saigontourist, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Tân Á Đại Thành…
Tuy nhiên, theo đánh giá một cách khách quan, toàn diện, tốc độ phát triển du lịch của Nghệ An vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, đóng góp của du lịch vào GRDP còn ở mức khiêm tốn, mức chi tiêu của khách du lịch chưa cao, trong đó chi cho mua sắm và nhu cầu khác chiếm tỷ trọng thấp. Chất lượng tăng trưởng khách thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng thấp.
Đặc biệt, sản phẩm du lịch tuy đã cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Nghệ An; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm để tăng mức chi tiêu của du khách; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, dịch vụ độc đáo, cao cấp để thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn; một số dự án trọng điểm du lịch gần như không triển khai hoặc triển khai rất chậm và cầm chừng.
3. Một số giải pháp phát triển kinh tế du lịch tỉnh Nghệ An
Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 04/01/2022 của UBND tỉnh về phát triển du lịch năm 2022; Kế hoạch số 614/KH- UBND ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh về khôi phục hoạt động du lịch Nghệ An trong trạng thái bình thường mới đến năm 2022; Kế hoạch số 181/KH- UBND ngày 17/3/2022 của UBND tỉnh về mở cửa lại hoạt động du lịch và đón khách du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới.
Cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng theo Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Tăng cường hoạt động liên kết phát triển du lịch với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vận chuyển lớn nhằm kết nối du lịch Nghệ An vào chương trình du lịch liên tỉnh, liên vùng; tổ chức Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và huyện Nam Đàn - Ba địa phương một hành trình, nhiều trải nghiệm. Tích cực, chủ động triển khai các chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các nước thông qua các hội nghị gặp gỡ với đại sứ và cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch, ưu tiên thị trường khách nội tỉnh, nội địa; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; triển khai các giải pháp khuyến khích, thu hút người lao động du lịch trở lại làm việc sau đại dịch; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch, góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương.
Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; chỉ đạo làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường và an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch từ tỉnh đến các huyện, thành, thị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trên địa bàn./.
TS. Hồ Thị Hiền, ThS. Trần Thị Vân
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

Nguồn tin: Bài đăng trên Đặc san KH&CN số 1.2024:

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập453
  • Hôm nay47,093
  • Tháng hiện tại1,041,241
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây