Thanh Chương: Tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nhân giống và trồng cây bưởi bản địa Cát Ngạn tại huyện Thanh Chương

Thứ ba - 25/04/2023 03:59 0
Ngày 20/4/2023, tại xã Thanh Mỹ, UBND huyện Thanh Chương phối hợp Sở KH&CN và đơn vị chủ trì thực hiện dự án là Chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Nông nghiệp Trọng Anh tại Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá hiệu quả thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nhân giống và trồng cây bưởi bản địa Cát Ngạn tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An”.
Tham gia và chủ trì Hội thảo có ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc sở KHCN và ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Chủ nhiệm dự án cùng đại diện phòng Quản lý khoa học (Sở KHCN); Chi cục Trồng trọt và BVTV; Trung tâm giống cây trồng Nghệ An, các chuyên gia, đại diện các phòng Nông nghiệp và PTNT, Kinh tế và Hạ tầng, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thanh Chương; ở xã có đại diện lãnh đạo UBND xã, các tổ chức đoàn thể, công chức nông nghiệp xã Thanh Mỹ, Thanh Lương, các hộ gia đình tham gia thực hiện dự án.



Giống Bưởi Cát Ngạn là giống bưởi bản địa được trồng nhiều ở các xã Thanh Mỹ, Thanh Thịnh, Hạnh Lâm của huyện Thanh Chương. Đây là giống bưởi có tiếng và đã gắn liền với đời sống của bà con nông dân địa phương từ rất lâu đời. Ưu điểm của giống bưởi địa phương này là cây sinh trưởng phát triển khỏe, ít bị sâu bệnh gây hại, khả năng chịu hạn tốt. Đặc biệt, thời gian chín của quả rất sớm (từ 15/9 - 15/10 hàng năm) nên giá bán cao, ổn định. Chất lượng quả tốt, múi quả ráo nước và giòn, vị ngọt thanh nên được người tiêu dùng hết sức ưa chuộng. Đây là giống có tiềm năng năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập cho các hộ gia đình.
Báo cáo đánh giá dự án trình bày tại hội thảo cho thấy, sau 30 tháng triển khai, dự án đã tiến hành khảo sát, tuyển chọn được 20 cây bưởi ưu tú có độ tuổi từ  18-32 năm tuổi, đều được trồng từ cành chiết, trong đó có 08 cây tại 07 hộ gia đình ở Thôn Mỹ Hưng, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương được Hội đồng bình tuyển của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An đánh giá, thẩm định và công nhận cây đầu dòng. Đồng thời dự án cũng đã xây dựng 2 vườn ươm cây gióng tại Chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp Trọng Anh, xóm 5 xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương và cơ sở sản xuất buôn bán cây giống của bà Nguyễn Thị Xuân tại thôn Mỹ Sơn, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương với tổng lượng cung cấp hơn 5.200 cây giống, xây dựng vưởn cây đầu dòng để bảo tồn giống và làm vật liệu nhân giống phục vụ sản xuất về lâu dài quy mô 300m2 với số lượng 40 cây tại xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, dự kiến đến năm 2024 có thể khai thác 200 – 300 mắt ghép/cây/năm. Dự án cũng đã tiến hành xây dựng mô hình trồng thâm canh tại 30 hộ dân trên địa bàn 5 thôn (Mỹ Tiến, Mỹ Hương, Mỹ sơn, Mỹ Lâm, Mỹ Lương) của xã Thanh Mỹ với quy mô 5,0 ha, mật độ trồng trong dự án là 500 cây/ha. Các hộ dân tham gia dự án đều có 4 – 6 nhân lực, có trang thiết bị cơ bản, đã có kiến thức, kỹ năng về cây trồng nên đáp ứng việc thực hiện dự án. Cùng với cây giống, Dự án cũng đã cung cấp các loại vật tư, phân bón, thuốc BVTV phần được nhà nước hỗ trợ và huy động người dân tham gia đối ứng công lao động, phân bón hữu cơ để triển khai xây dựng mô hình, kết quả, đến thời điểm hiện tại, cây bưởi tại mô hình đang sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây trung bình đạt 172,1 cm. Cùng với đó, dự án cũng đã tổ chức 02 lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ nhân giống và sản xuất cây bưởi và Kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với cây bưởi bản địa Cát Ngạn với hơn 50 lượt học viên tham gia.


Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đại diện các ngành, các đơn vị, địa phương đều đánh giá cao tính hiệu quả của dự án, đánh giá sự phù hợp và tiềm năng, lợi thế của giống bưởi Cát Ngạn tại địa phương, đánh giá sự phát triển cũng như hiệu quả kinh tế mà giống bưởi bản địa Cát Ngạn mang lại cho người dân cả về sản xuất giống và trồng cây thu hoạch, đồng thời chỉ ra một số nội dung tồn tại trong quá trình thực hiện dự án như tình hình sâu bệnh vẫn xẩy ra trên một số cây bưởi, hệ thống tưới nước chưa thật sự đáp ứng yêu cầu trồng thâm canh trên diện rộng…
Kết luận Hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Nhạc, Phó Giám đốc sở KHCN đã yêu cầu đơn vị chủ trì dự án phối hợp cùng các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn để triển khai thực hiện dự án hiệu quả và thành công; Tổng kết, đúc rút từ thực tiễn, bổ cứu quy trình trồng, chăm sóc cây bưởi để hướng dẫn người dân, góp phần nhân rộng mô hình trên các địa bàn phù hợp; hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các loại phân bón hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả của mô hình. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai, nghiệm thu và tổng kết, đánh giá về hiệu quả và tính phù hợp của giống bưởi bản địa Cát Ngạn trên địa bàn vùng Cát Ngạn, huyện Thanh Chương để nhân rộng mô hình trên toàn huyện và các huyện lân cận.
                         Trần Thanh
Phó Trưởng phòng KTHT huyện Thanh Chương

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1371
  • Hôm nay51,196
  • Tháng hiện tại952,962
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây