Nghệ An đạt kết quả trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 28/12/2023 23:08 0
Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học được đầu tư phát triển hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh. Chất lượng giáo dục các bậc học có bước chuyển biến tích cực, số lượng học sinh giỏi, học sinh đạt điểm cao trong các kì thi tuyển sinh vào đại học luôn giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc. Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông triển khai có hiệu quả. Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đạt kết quả ngày càng vững chắc. Mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp ngày càng hợp lý, phù hợp thực tiễn. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học từng bước đầu tư theo hướng kiên cố và đạt chuẩn. Việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm.
image 20231229105141 1
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục toàn diện chưa cao, không đồng đều giữa các vùng miền. Mạng lưới trường lớp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng, cơ cấu chưa hợp lý, một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, số giáo viên đạt chuẩn quốc tế còn ít.  
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu do: Một số cấp ủy, chính quyền và tổ chức trong hệ thống chính trị chưa quan tâm đúng mức công tác giáo dục, đào tạo; triển khai chủ trương, chính sách về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo có lúc còn chậm, nhất là việc cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện. Việc huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chưa chủ động đề xuất và thiếu quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo trong thực hiện các chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngày 19/11/2021, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Với quan điểm, Phát triển giáo dục, đào tạo để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đầu tư cho giáo dục, đào tạo là đầu tư cho phát triển bền vững, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phát triển giáo dục và đào tạo gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
http://qhv-thpthuynhthuckhang.edu.vn/upload/33148/fck/40000701/image(438).png
Mục tiêu của Nghị quyết là Phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An với quy mô hợp lý; có đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất đạt chuẩn; xây dựng môi trường giáo dục tốt, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; phát triển phẩm chất, năng lực người học theo chuẩn đầu ra của từng cấp học; phát triển năng khiếu sở trường, kỹ năng sống, kỹ năng toàn cầu, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của con người xứ Nghệ cho học sinh; rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa các vùng miền; chất lượng giáo dục, đào tạo dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ; phấn đấu đến năm 2030, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Nghệ An thuộc tốp đầu cả nước; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 sẽ rà soát sắp xếp, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, giảm điểm trường lẻ và lớp ghép, chuyển đổi 40 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và 09 trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở; xây dựng 03 trường mầm non, 09 trường phổ thông công lập tự chủ chi thường xuyên ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi; xây dựng 03 trường mầm non, 04 trường tiểu học, 05 trường trung học tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; Bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non và ít nhất 95% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 75% trên chuẩn. Phấn đấu đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp đối với tiểu học; cơ cấu giáo viên hợp lý ở các cấp học. 100% giáo viên phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 10% giáo viên tiểu học, 25% giáo viên trung học đạt trên chuẩn; 30% giáo viên ngoại ngữ, tin học đạt chứng chỉ quốc tế. 
Có đủ phòng học, phòng học bộ môn và thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu ở các cấp học, trong đó 80% phòng học được xây dựng kiên cố; 05% số trường tiểu học và 15% số trường trung học được trang bị phòng học thông minh; 20% số trường trung học được trang bị thiết bị và chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh phương thức giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); Có 50% số trường mầm non triển khai chương trình làm quen với ngoại ngữ và 30% làm quen với tin học cho trẻ mẫu giáo; 100% học sinh phổ thông được học chương trình tăng cường tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng toàn cầu; ít nhất 20% học sinh lớp 5, 9 và 12 đạt được các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế theo chuẩn đầu ra cấp học; 30% học sinh lớp 9, lớp 12 đạt chứng chỉ tin học quốc tế; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%; trên 80% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm hoặc làm nghề cũ, có năng suất, thu nhập cao hơn. Trên 98,5% số người từ 15 tuổi trở lên biết chữ, trong đó độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi là 99,9%; có 25% số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên học chương trình ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; 80% gia đình, dòng họ được công nhận gia đình học tập, dòng họ học tập.
Đến năm 2030, tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô trường lớp, chuyển đổi 05 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và 02 trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở; xây dựng 20% số trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, 05 trường phổ thông quốc tế; ít nhất 03% số trường mầm non, 05% số trường phổ thông công lập tự chủ chi thường xuyên ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi; Đảm bảo đủ số lượng giáo viên ở các cấp học, có cơ cấu hợp lý; 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 90% giáo viên mầm non, 20% giáo viên tiểu học và 40% giáo viên trung học đạt trên chuẩn; 40% giáo viên ngoại ngữ, tin học đạt chứng chỉ quốc tế theo yêu cầu của cấp học; Có 90% số phòng học, phòng học bộ môn được xây dựng kiên cố; 20% số trường học tiểu học và 30% số trường trung học được trang bị phòng học thông minh; 100% số trường phổ thông triển khai giáo dục STEM ở các cấp độ, trong đó 40% số trường trung học được trang bị thiết bị và chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh giáo dục STEM; 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia;  100% học sinh phổ thông được học chương trình tăng cường tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng toàn cầu; ít nhất 50% học sinh lớp 5, 9 và 12 đạt được các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế theo chuẩn đầu ra của cấp học; 50% học sinh lớp 9, lớp 12 đạt chứng chỉ tin học quốc tế; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%; 50% các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên học chương trình ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 95% gia đình, dòng họ được công nhận là gia đình học tập, dòng họ học tập.
image 20231223160107 1

Một số nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, huy động sự vào cuộc của các tổ chức xã hội và nhân dân trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo theo hướng bền vững; Đổi mới mạnh mẽ đồng bộ các yếu tố mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá theo phát triển phẩm chất, năng lực của người học; Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; Thúc đẩy chuyển đổi số tạo đột phá trong đổi mới giáo dục; xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; giáo dục suốt đời và xây dựng xã hội học tập; thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp; Xây dựng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo./.
Minh Anh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1476
  • Hôm nay242,806
  • Tháng hiện tại2,486,422
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây