Nghệ An: Nông thôn mới đi vào chiều sâu và thực chất hơn

Chủ nhật - 29/01/2023 21:57 0
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước và có nhiều tiềm năng, thuận lợi và cả khó khăn chi phối đến quá trình xây dựng nông thôn mới chung của tỉnh. Song nhiều năm qua, nhiệm vụ chính trị trọng tâm này luôn được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Tính đến hết năm 2022, Nghệ An có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%); 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 14,23% xã nông thôn mới); có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 9 đơn vị cấp huyện, thị, thành hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, đó là TP.Vinh, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai, các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 16,95 tiêu chí/xã.. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn dự kiến đến hết năm 2022 là 35,5 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến đến cuối năm 2022 còn 6,49%, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn tại Quyết định số 4826/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến nay đạt 87%.
Cùng với sự quan tâm chăm lo của Trung ương, của tỉnh, các chính sách đối với miền núi, dân tộc thì giải pháp hàng đầu là vai trò tích cực của địa phương và cộng đồng dân cư nơi thực hiện chương trình.
Hiện nay, các xã chưa về đích nông thôn mới chủ yếu là các xã miền núi và xã khó khăn. Đối với các xã này, nhất là ở các địa phương có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, thì việc phấn đấu đạt chuẩn đủ 19 tiêu chí trong 5 năm tới là khó khả thi. Do vậy, cần xác định mục tiêu phù hợp với các xã khó khăn để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thêm nữa, cũng cần có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để đảm bảo vai trò chủ thể thực hiện.
Các địa phương cần triển khai thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tập trung ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực: Phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Cùng với đó, rất cần chú trọng đến công tác rà soát, đánh giá kết quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của các chương trình đã đầu tư ở miền núi. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên tập trung là phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, thiết thực tới người dân về chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng, thôn, bản trong xây dựng nông thôn mới. Lấy nội lực là căn bản, hiểu kỹ nội dung, phương pháp, cách làm, tự tin đứng lên làm chủ, tự giác tham gia và sáng tạo trong tổ chức thực hiện với phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn”.
Các xã cần chủ động ưu tiên triển khai thực hiện các tiêu chí dễ, ít kinh phí, không nên trông chờ vào nguồn vốn phân bổ từ cấp trên. Có sự phân công rõ ràng, cụ thể trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa các xã miền núi khó khăn phát triển, rút ngắn khoảng cách với các xã miền xuôi trên lộ trình xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, tranh thủ tối đa nguồn lực Trung ương hỗ trợ, tăng cường lồng ghép đồng bộ, chặt chẽ nguồn vốn giữa các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình tại các địa phương. Tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn theo hướng xã hội hóa.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, sự giám sát của cộng đồng dân cư.
Thực hiện xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, môi trường, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới, biển, đảo, vùng khó khăn... Duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”, kịp thời khen thưởng xứng đáng cho các tập thể làm tốt, các cá nhân thực hiện tốt.
TH: Sơn Tùng
 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2703
  • Hôm nay132,763
  • Tháng hiện tại948,529
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây