THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG HOÀNG MAI - QUỲNH LƯU GẮN VỚI VÙNG NAM THANH - BẮC NGHỆ AN

Chủ nhật - 29/01/2023 21:36 0
  1. Thực trạng phát triển kinh tế vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu:
Năm 2020, tổng giá trị sản xuất (GTSX) toàn vùng đạt 27.747 tỷ đồng (giá so sánh), chiếm 32,76% tổng GTSX toàn tỉnh, trong đó, Thị xã Hoàng Mai đóng góp 57% và huyện Quỳnh Lưu đóng góp 43%. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn vùng có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt khá nhưng chưa đều. Trong khi, Thị xã Hoàng Mai tăng trưởng bình quân 14,32%/năm, cao hơn đáng kể mức bình qân toàn tỉnh thì huyện Quỳnh Lưu chỉ tăng trưởng ở mức bình quân của tỉnh, 8,02%/năm.  Thu nhập bình quân đầu người của vùng cao hơn tương đối so với bình quân toàn tỉnh, tuy nhiên mức chênh lệch thu nhập dân cư giữa các phường, xã, thị trấn cũng như giữa Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu là khá lớn, có thể gây nên những thách thức nhất định trong quá trình phát triển theo cơ chế liên kết vùng.
Cơ cấu kinh tế của vùng đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, thu hẹp tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp.  Cụ thể năm 2020, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của Thị xã Hoàng Mai chiếm 55,94% (2020), tăng 6,83% so với năm 2016; của huyện Quỳnh Lưu là 26,37% tăng 5,13% so với năm 2015. Lĩnh vực dịch vụ - thương mại của huyện Quỳnh Lưu chiếm 38,39% (2020), tăng 6,66% so với năm 2015. So sánh với cơ cấu kinh tế với Thị xã Nghi Sơn - nông nghiệp chiếm 2,2%; công nghiệp - xây dựng 91,3%; thương mại - dịch vụ 6,5% - có thể nhận thấy có sự khác biệt lớn với trình độ cơ cấu kinh tế của vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu. Từ sự chênh lệch này, để tạo sự tương đồng trong phát triển của hai bộ phận cấu thành cực tăng trưởng Bắc Trung bộ, bảo đảm tính hiệu quả của sự liên kết thì cần có những thay đổi mang tính đột phá để chuyển dịch căn bản cơ cấu kinh tế.
Công nghiệp - xây dựng là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của vùng. Năm 2020, giá trị SXCN của Thị xã Hoàng Mai đạt 12.294 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2015; bình quân 5 năm (2016 -2020) tăng trưởng 25,5%/năm; các số liệu tương ứng của huyện Quỳnh Lưu: 5.371 tỷ đồng, 89,38% và 13,62%/năm. Thị xã Hoàng Mai là điểm sáng trong tăng trưởng công nghiệp, đóng góp bình quân 10-12% vào tổng giá trị SXCN hàng năm của cả tỉnh, đứng thứ 3 toàn tỉnh, sau Tp. Vinh và huyện Nghi Lộc. Trên địa bàn thị xã Hoàng Mai có 3 khu công nghiệp: Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2 và Đông Hồi, 01 khu quy hoạch bến cảng Đông Hồi. Tại huyện Quỳnh Lưu đã hoàn thành quy hoạch tỷ lệ 1/500 các Cụm công nghiệp: Quỳnh Hoa (12 ha), Quỳnh Châu (70ha), khu chế biến thủy sản tập trung tại Quỳnh Thuận (30ha), khu làng nghề tập trung tại xã Quỳnh Hưng (17,01ha), khu chế biến thủy sản tập trung tại Lạch Quèn (28,6ha). Bên cạnh đó, vùng còn có một số làng nghề hoạt động khá hiệu quả. Đây là những lợi thế quan trọng để phát triển kinh tế của vùng theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
https://info.hoasengroup.vn/Content/Uploads/files/2.png
Nhà máy Tôn Hoa Sen ở thị xã Hoàng Mai – Nghệ An

Dịch vụ - thương mại phát triển tương đối nhanh và đa dạng. Năm 2020, giá trị dịch vụ toàn vùng đạt 6.648 tỷ đồng, trong đó, Thị xã Hoàng Mai đạt 1.769 tỷ đồng, tăng 1,34 lần so với năm 2015, bình quân tăng 13,3%/năm, còn huyện Quỳnh Lưu đạt 4.879 tỷ đồng, tăng 2,11 lần so với năm 2015, bình quân tăng 15,27%/năm. Du lịch ngày càng phát triển với sự tăng nhanh về số lượng khách. Năm 2020, tổng số lượt khách du lịch toàn vùng ước đạt 5,5 vạn lượt khách, tăng hơn 40% so với năm 2015. Tuy nhiên, doanh thu du lịch lại chưa tương xứng khi chỉ đóng góp gần 500 tỷ đồng. Cụ thể, Thị xã Hoàng Mai là 168 tỷ đồng và huyện Quỳnh Lưu là 300 tỷ đồng (năm 2020). Nguyên nhân chủ yếu do các mô hình du lịch chưa thực sự hấp dẫn, các dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm,… chưa phong phú. Những năm gần đây hai địa phương Hoàng Mai và Quỳnh Lưu đã tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư thêm các cơ sở lưu trú có chất lượng, tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối nhiều tua, tuyến du lịch trong tỉnh, trong nước.
Trong giai đoạn vừa qua, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được sự ổn định về quy mô sản xuất. Nhờ sở hữu đường bờ biển dài vùng Hoàng Mai có lợi thế trong phát triển ngành thủy sản. Sản lượng thủy sản của vùng chiếm tỷ trọng cao nhất và có đóng góp quan trọng trong sự phát triển ngành thủy sản của tỉnh. Vùng đã bắt đầu hình thành các mô hình sản xuất an toàn gắn với tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, với một số sản phẩm có lợi thế như: tảo xoắn, nhung hươu, tinh bột nghệ, rau sạch… Với lợi thế về diện tích đất nông nghiệp và sở hữu nhiều đội thuyền khai thác thủy, hải sản, ngành nông nghiệp của huyện Quỳnh Lưu phát triển hơn so với Thị xã Hoàng Mai. Năm 2020, giá trị sản xuất (theo giá so sánh) ngành nông lâm ngư nghiệp của huyện Quỳnh Lưu đạt 5.892,1 tỷ đồng, cao gấp 4,24 lần Thị xã Hoàng Mai, đóng góp 76,4% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn vùng.
  1. Hạn chế, khó khăn và nguyên nhân
Mặc dù vùng Hoàng Mai có nhiều tiềm năng nhưng do chưa có sự liên kết trong phát triển, đặc biệt là chưa có sự liên kết các lợi thế về điều kiện tự nhiên, con người để tạo nguồn lực đủ mạnh trọng cạnh tranh phát triển, tình trạng phân tán nguồn lực hay xung đột trong từng ngành, lĩnh vực đã làm hạn chế năng lực phát triển của vùng dẫn đến nhiệm vụ phát triển thành một cực tăng trưởng của tỉnh chưa thể hiện được nhiều.
Kinh tế của vùng tăng trưởng khá nhanh, nhất là Thị xã Hoàng Mai, cơ cấu dịch chuyển theo hướng công nghiệp - dịch vụ song tăng trưởng chưa bền vững, quy mô, tốc độ còn dựa vào một vài trụ cột trong sản xuất công nghiệp (Tôn Hoa Sen, xi măng Hoàng Mai) nên tính ổn định chưa cao, giá trị tăng thêm chưa nhiều.


Vùng Hoàng Mai có tiềm năng để phát triển công nghiệp, song tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn vẫn còn rất thấp và quá trình lấp đầy còn rất chậm. Chưa có những doanh nghiệp dẫn dắt, tạo ra các chuỗi sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Thu hút các dự án đầu tư vào các KCN, CCN chậm, gặp nhiều khó khăn; nhiều dự án lớn, mang tính đột phá tạo động lực phát triển của vùng đã không triển khai theo kế hoạch. Thu hút dự án đầu tư vào các khu công nghiệp chưa đạt kết quả mong đợi, cả về số lượng, ngành nghề lẫn trình độ công nghệ. Vùng chủ yếu phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống hoặc các doanh nghiệp công nghiệp quy mô nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao, đa số là các ngành sử dụng lao động có yêu cầu về tay nghề thấp, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên như sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, cơ khí, gỗ và chế biến nông lâm thủy sản.
Dịch vụ, thương mại của vùng Hoàng Mai còn manh mún, các thế mạnh về dịch vụ du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, cảnh quan chưa được khai thác và phát huy. Đặc biệt, Hoàng Mai có lợi thế về cảng biển Đông Hồi kết nối với đường bộ, đường sắt và đường không thuận tiện nhưng vẫn còn ở mức độ quy hoạch, chưa trở thành nguồn lực thực sự để phát triển dịch vụ cảng biển và logistic.
Vùng Hoàng Mai có ưu thế về nông nghiệp, nhất là các ngành trồng rau màu, cây dược liệu, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, các thế mạnh trên chưa được tổ chức theo quy mô lớn, chưa theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sạch; các chuỗi sản xuất và tiêu thụ chưa rõ ràng, thương hiệu chưa đủ mạnh.
3. Cơ hội và thách thức
Vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, dân số… là những thế mạnh để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và đô thị. Đặc biệt trong đó là lợi thế nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; có cảng nước sâu Đông Hồi, gần với KKT Nghi Sơn năng động, Thị xã Hoàng Mai là đô thị dọc sông, hướng biển…
Vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu được kỳ vọng và giao nhiệm vụ phát triển thành cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch vùng đã gây khó khăn cho việc tiếp cận, khai thác tiềm năng lợi thế và phân công, phối hợp của từng địa phương. Thực lực phát triển kinh tế của vùng Hoàng Mai còn yếu, nguồn thu ngân sách còn thấp, nhu cầu đầu tư lớn, trong khi kết cấu hạ tầng còn yếu, chưa đồng bộ, huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Áp lực cạnh tranh thu hút đầu tư từ các vùng trọng điểm của tỉnh cũng như của KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa gia tăng mạnh. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển mới của vùng, mặc dù lực lượng lao động qua đào tạo, có chứng chỉ chiếm tỷ lệ cao so với nhiều địa phương trong toàn tỉnh, một bộ phận lớn người lao động đi làm việc ở địa phương khác hoặc đi lao động ở nước ngoài. 
  1. Một số đề xuất về mục tiêu định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế vùng trong thời gian tới
Về mục tiêu định hướng chúng, đề xuất xây dựng vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng của tỉnh, là trung tâm tăng trưởng phía Bắc của tỉnh về các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Đối với phát triển ngành công nghiệp: Tập trung phát triển những lĩnh vực, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao; ưu tiên phát triển các lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp chủ lực theo thứ tự sau: Công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin. Công nghiệp - Cảng biển dựa vào công nghệ cao, mang tính bổ sung và liên kết với Khu Kinh tế Nghi Sơn.- Công nghiệp cơ khí. Công nghiệp vật liệu xây dựng. Ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến gỗ để tận dụng lợi thế cảng biển, lợi thế nguồn nguyên liệu từ vùng Tây Bắc Nghệ An, Tây Nam Thanh Hóa, lợi thế xu hướng tăng trưởng của thị trường thế giới. Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm: Phát triển gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển công nghiệp năng lượng trên địa bàn theo quy hoạch quốc gia, vùng và theo Tổng sơ đồ điện VIII. Công nghiệp hỗ trợ: Là một trong những mũi nhọn ưu tiên, động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn 2021 - 2030. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành trọng điểm: điện tử, công nghệ thông tin; cơ khí lắp ráp; chế biến nông, sản, thực phẩm.
Đối với phát triển thương mại, dịch vụ: Dịch vụ thương mại: Phát triển thương mại theo hướng hiện đại, văn minh và bền vững. Thực hiện cơ cấu lại hoạt động thương mại theo hướng số hóa, công nghệ hóa; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa. Tập trung đầu tư phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng. Dịch vụ vận tải, logistics: Phát triển theo hướng đa dạng hóa, khai thác hiệu quả các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy kết nối với đường không. Đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, bảo quản hàng hóa, dịch vụ hậu cần, nhất là cảng biển, cảng thủy nội địa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng dịch vụ vận tải, logistics. Thu hút các doanh nghiệp logistics có thương hiệu, uy tín và tiềm lực tài chính vào đầu tư.  Phát triển các dịch vụ y tế, bảo hiểm, giáo dục, đào tạo có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của vùng phát triển năng động, thu hút nhiều dự án sử dụng các chuyên gia, lao động tay nghề cao. Phát triển nhanh, có chọn lọc, vững chắc, lành mạnh các dịch vụ tư vấn, khoa học công nghệ, kinh doanh tài sản, đầu tư, thị trường, dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, các nhà đầu tư, khách du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ tiệm cận trình độ các trung tâm dịch vụ phát triển cao trong tỉnh và cả nước. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thông tin, truyền thông với công nghệ hiện đại, độ bao phủ rộng, tốc độ và chất lượng cao; có sự liên kết tốt với các ngành, lĩnh vực và với địa phương khác. Từng bước hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Lựa chọn một số lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, tạo động lực quan trọng cho phát triển bền vững kinh tế xã hội.  Chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa- lịch sử, du lịch trải nghiệm, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Căn cứ quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia để phân công, lựa chọn khu vực phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển nhằm phát huy tốt nhất lợi thế của các địa phương trong vùng trong phát triển các ngành kinh tế.
Đối với phát triển nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là vùng huyện Quỳnh Lưu, theo hướng nông nghiệp sạch, xanh, sinh thái thông qua việc ứng dụng các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực của vùng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, tạo điều kiện áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến. Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao ở các khâu sản xuất chính gắn với phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, quy mô ngày càng lớn; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, nòng cốt là các hợp tác xã. Khai thác thế mạnh một số loại sản phẩm chủ lực của vùng, như rau các loại, cây dược liệu, tảo xoắn, nhung hươu, nuôi tôm giống và tôm thịt,… theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Phát triển thêm 03 loại cây tham gia vào nhóm sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp của tỉnh gồm: lúa (huyện Quỳnh Lưu), mía và dứa (huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai). Phát triển nông nghiệp phù hợp quá trình đô thị hóa trong khu vực nội thị Hoàng Mai, phát triển diêm nghiệp kết hợp du lịch ở huyện Quỳnh Lưu. Xây dựng Đề án phát triển rừng làm cơ sở để phát triển kinh tế rừng, trong đó rà soát, đánh giá, chuyển đổi những diện tích rừng nghèo kiệt, rừng có giá trị kinh tế thấp, không có khả năng phòng hộ sang đất rừng sản xuất, rừng nguyên liệu và trồng các loại cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao hoặc chuyển đổi sang mục đích khác có hiệu quả hơn. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phát triển diện tích rừng. Chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng, đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất. Phát triển ngành thủy sản vùng biển Hoàng Mai - Quỳnh Lưu thành ngành sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó xác định 02 sản phẩm tôm và cá tham gia vào các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. 
https://khuyennongnghean.com.vn/uploads/news/2021_02/image-20210204151703-1.jpeg
Nuôi tôm thâm canh ở thị xã Hoàng Mai

Nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đầu tư thâm canh các loại con nuôi có giá trị cao (tôm, cua, cá), đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm và xuất khẩu. Cơ cấu lại ngành đánh bắt hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, phát triển khai thác xa bờ gắn với đầu tư các đội tàu có trang bị thiết hiện đại, đồng bộ hạ tầng và các dịch vụ hậu cần nghề cá; gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Bảo tồn nguồn lợi thủy sản địa phương, tập trung phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Từng bước xây dựng, quy hoạch khu bảo tồn sinh thái, vùng cấm đánh bắt, vùng đánh bắt có thời vụ. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng kết hợp với du lịch trải nghiệm trong khu vực nội thị.
Phát triển sản xuất, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, nhất là hình thành và phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, làng nghề đối với các sản phẩm có tính chất hàng hoá lớn. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tại địa bàn nông thôn. Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.
Để vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu phát triển trở thành cực tăng trưởng phía bắc của tỉnh thì ngoài sự nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân trong vùng cần có những chính sách thích hợp phù hợp nhằm khơi thông các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. Trong đó, đề xuất nghiên cứu tích hợp quy hoạch của vùng trong quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời nghiên cứu cơ chế phân công, phối hợp giữa các địa phương trong vùng. Và một yếu tố cũng hết sức quan trọng để vùng có thể thu hút các dự án có tính động lực như cảng biển, điện khí… thì cần đề xuất với Trung ương các chính sách đặc thù để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp.
Quốc Tuấn
UBND thị xã Hoàng Mai

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập324
  • Hôm nay30,120
  • Tháng hiện tại326,508
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây