Hiện trạng một số cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ hai - 29/11/2021 20:01 0
Thời gian qua sản xuất cây ăn quả của Nghệ An đã phát triển cả về diện tích, chất lượng và sản lượng. Năm 2015, tổng diện tích cây ăn quả đạt 17.019 ha, sản lượng đạt 179.350 tấn; năm 2020 tổng diện tích đạt 22.802 ha, sản lượng đạt 260.695 tấn; giá trị sản xuất đạt từ 2.000 - 2.600 tỷ đồng/năm (bình quân 80 - 110 triệu đồng/ha), chiếm 8 - 10% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Bên cạnh các loại câu có múi như Cam, quýt, ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành,…; chanh ở Nam Đàn, Hưng Nguyên; dứa ở Quỳnh Lưu… thì các loại cây ăn quả khác cũng đã phát triển các về diện tích trồng, sản lượng và tăng dần về hiệu quả kinh tế.
1) Cây chuối
Diện tích năm 2020 tăng lên 4.132 ha (tăng trung bình 2,05%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 3.777 ha. Trong đó vùng đồng bằng 1.793 ha (DTKD 1.579 ha), vùng núi thấp 1.930 ha (DTKD 1.817 ha), vùng núi cao 409 ha (DTKD 382 ha). Cây chuối được chuyển từ vườn hộ ra ngoài đồng trên diện tích màu, lúa cao cưỡng, các địa phương có diện tích lớn: huyện Yên Thành (399 ha), Nam Đàn (525 ha), Thanh Chương (750 ha) Nghĩa Đàn (318 ha), Quỳ Hợp (230 ha)...
Năng suất trung bình năm 2020 đạt 209,2 tạ/ha (vùng đồng bằng 187,6 tạ/ha, vùng núi thấp 243,9 tạ/ha, vùng núi cao 133,6 tạ/ha). Sản lượng năm 2020 đạt 79.023 tấn (vùng đồng bằng 29.614 tấn, vùng núi thấp 44.313 tấn, vùng núi cao 5.097 tấn).
Hiện nay chủ yếu sử dụng giống chuối Ngự, chuối Tiêu thích nghi với điều kiện tự nhiên, kỹ thuật không phức tạp, dễ trồng, dễ chăm sóc; thân cây chuối tận dụng làm thức ăn chăn nuôi; phát triển theo mô hình trồng trọt chăn nuôi tổng hợp. 
Chuối là loại cây dễ trồng, yêu cầu về đất không quá khắt khe; phù hợp với điều kiện sinh thái và trình độ canh tác tại Nghệ An. Chất lượng và trọng lượng quả chuối chịu ảnh hưởng nhiều của nhiệt độ và lượng mưa, đất đai; nhiệt độ quá cao trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tích lũy tinh bột và chuyển hóa các este thơm và độ chắc thịt quả, nhiệt độ thấp hơn 100C có thể gây chết thân già. Lượng mưa yêu cầu 50 – 100mm/tháng nếu canh tác trong điều kiện không có tưới, khi thiếu nước sẽ gây hiện tượng nghẹn lá, nghẹn buồng, quả nhỏ. Đất trồng chuối bị ngập nước hay mực nước ngầm nông cây phát triển kém dễ bị héo úa. Đặc biệt cây chuối rất dễ bị đổ gãy do gió, bão; gió từ cấp 6 trở lên gây hại mạnh cho những giống cao cây, gió cấp 8,9 gây hại mạnh cho các giống cây thấp làm cho cây rách lá, đổ gãy. Cần chú ý bố trí phát triển ở vùng có địa hình bán sơn địa, thung lũng, hạn chế sự ảnh hưởng của gió bão.
Thị trường tiêu thụ trong nước là chủ yếu, xuất khẩu một phần sang thị trường Trung Quốc


Đây là cây dễ trồng, có hiệu quả kinh tế và phục vụ đa mục đích (kết hợp chăn nuôi) nên phát triển ổn định (hiện trạng hơn 4.000 ha); hầu hết các địa phương trong tỉnh có điều kiện sinh thái phù hợp cho cây chuối phát triển tạo nên vùng sản xuất tập trung, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đã có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (Công ty HD Farms ở xã Thuận Sơn - Đô Lương). Chất lượng chuối ở Nghệ An thơm ngon. Thị trường trong nước tiêu thụ lớn; thị trường xuất khẩu tiềm năng: Trung Quốc, các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...
Tuy nhiên năng suất, sản lượng chuối còn thấp, diện tích phân tán, sản xuất tự phát, không theo quy trình kỹ thuật nên chất lượng, mẫu mã còn hạn chế; việc thu mua, sơ chế, bảo quản, đóng gói chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường xuất khẩu (đặc biệt là thị trường các nước phát triển rất tiềm năng); chưa có sự liên kết theo chuỗi đủ lớn tạo động lực phát triển sản xuất tương xứng với tiềm năng.
2) Cây dứa
Diện tích năm 2020 tăng lên 1.374 ha (tăng trung bình 7,31%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 1.042 ha. Trong đó vùng đồng bằng 1.145 ha (DTKD 835 ha), vùng núi thấp 135ha (DTKD 121 ha), vùng núi cao 94 ha (DTKD 86 ha). Cây dứa được trồng nhiều ở huyện Quỳnh Lưu (947 ha), Yên Thành (141 ha), Hoàng Mai (73 ha)… phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu).
Năng suất trung bình năm 2020 đạt 259,1 tạ/ha (vùng đồng bằng 299,5 tạ/ha, vùng núi thấp 99,1 tạ/ha, vùng núi cao 93,4 tạ/ha).  Sản lượng năm 2020 đạt 27.005 tấn (vùng đồng bằng 24.999 tấn, vùng núi thấp 1.200 tấn, vùng núi cao 807 tấn).
Sử dụng giống dứa Queen, dứa Cayen và dứa siêu ngọt (giống của Mỹ). Áp dụng thâm canh trồng dứa phủ ni lông để giữ được độ ẩm trong đất, và chống cỏ dại, giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt, sinh trưởng nhanh.
Dứa là cây trồng phù hợp thích nghi với điều kiện sinh thái ở Nghệ An, có vùng sản xuất tập trung đảm bảo nguyên liệu cho chế biến sâu với sản lượng quy mô hàng hóa, đã có thời kỳ diện tích dứa đạt gần 5.000 ha (2010); đã có quy hoạch vùng dứa nguyên liệu giai đoạn 2001 - 2010 với quy mô 10.000 ha, nhưng do cơ sở chế biến không đáp ứng khả năng phát triển sản xuất vùng nguyên liệu nên diện tích dứa giảm mạnh đến nay chỉ còn gần 1.400 ha. Cây dứa có khả năng chịu hạn khá tốt song để phân hóa mầm hoa và hình thành quả tốt thì thời gian này cần phải có đủ nước (khoảng 100mm/tháng). Mặt khác do bộ rễ ăn nông nên đất trồng dứa phải có lớp đất mặt tơi xốp, thoáng khí, có kết cấu hạt và không bị đọng nước. Đối với đất trồng dứa thì tính chất vật lý của đất rất quan trọng để đảm bảo cây phát triển cho quả đủ tiêu chuẩn chế biến. Mùa nắng nóng, nhiệt độ cao của Nghệ An thường khá dài và có thể gây hiện tượng cháy lá, cháy vỏ quả dứa làm giảm chất lượng, giá trị thương phẩm. Vì vậy để phát triển mở rộng diện tích cần quan tâm kỹ thuật canh tác rải vụ, cơ cấu giống phù hợp; thu hút đầu tư cơ sở chế biến sâu.

Tiêu thụ ở thị trường trong nước (Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh…) và thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, các nước EU…
Nghệ An có điều kiện sinh thái thích hợp cho cây dứa phát triển quy mô lớn, tập trung tạo thành vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho thị trường xuất khẩu. Chất lượng dứa ở Nghệ An được đánh giá cao. Thị trường xuất khẩu tiềm năng: Trung Quốc, các nước phát triển, đặc biệt là thị trường các nước EU...
Tuy nhiên chưa áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc rải vụ, hạn chế dứa chín tập trung cùng một thời điểm; tình trạng được mùa rớt giá và ngược lại. Chưa có sự liên kết chẽ, bền vững; chưa có doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến đủ năng lực liên kết, đồng hành cùng bà con nông dân để phát huy tiềm năng, tạo nên sản phẩm hàng hóa đáp ứng được yêu cầu thị trường xuất khẩu (đặc biệt là thị trường các nước phát triển). Mặc dù đã có nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu Nghệ An (ở xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu - trên vùng nguyên liệu dứa) nhưng nhà máy chủ yếu tập trung chế biến các sản phẩm từ chanh leo nên liên kết, tiêu thụ sản phẩm dứa trên địa bàn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng sản xuất ra không tiêu thụ được sản phẩm.
 3) Cây mít
Diện tích năm 2020 tăng lên 1.081 ha (tăng trung bình 29,41%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 607ha. Trong đó vùng đồng bằng 502 ha (DTKD 331 ha), vùng núi thấp 532 ha (DTKD 237 ha), vùng núi cao 47 ha (DTKD 39 ha). Các địa phương có diện tích lớn: Nam Đàn (108 ha), Thanh Chương (287 ha), Nghĩa Đàn (148 ha); Cây mít chủ yếu trồng trong vườn hộ, ở các địa phương có địa hình đồi núi thấp.
Năng suất trung bình năm 2020 đạt 92,2 tạ/ha (vùng đồng bằng 91,2 tạ/ha, vùng núi thấp 96,1 tạ/ha, vùng núi cao 76,5 tạ/ha). Sản lượng năm 2020 đạt 5.596 tấn (vùng đồng bằng 3.019 tấn, vùng núi thấp 2.279 tấn, vùng núi cao 298 tấn).
Sử dụng giống mít Thái Lan, giống mít này không theo mùa mà ra trái thường xuyên, chu kỳ từ khi ra hoa đến khi thu hoạch gần 4 tháng; chất lượng ngọt thơm ngon, giá trị kinh tế cao.
Cây mít trồng ở nhiều địa phương có địa hình đồi núi, bán sơn địa, chủ yếu trồng trong vườn hộ; sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và một số địa phương khác. Có điều kiện sinh thái thích hợp cho cây mít phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt mít Thái rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở một số địa phương (Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Nam Đàn…), năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Thị trường ổn định, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Tuy nhiên phát triển sản xuất đang tự phát, chưa có định hướng; cây giống chưa được quản lý, chủ yếu người dân mua trên thị trường tự do.
4) Cây ổi
Diện tích năm 2015 là 152 ha (DTKD 134 ha); năm 2020 tăng lên 1.053 ha (tăng trung bình 46%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 658 ha. Trong đó: Vùng đồng bằng 421 ha (DTKD 230 ha), vùng núi thấp 625 ha (DTKD 423 ha), vùng núi cao 7 ha (DTKD 6 ha). Các địa phương có diện tích lớn: Nam Đàn (108 ha), Thanh Chương (287 ha), Nghĩa Đàn (148 ha); cây ổi chủ yếu trồng trong vườn hộ, ở các địa phương có địa hình đồi núi thấp.
Năng suất trung bình năm 2020 đạt 100,8 tạ/ha (vùng đồng bằng 173,2 tạ/ha, vùng núi thấp 61,5 tạ/ha, vùng núi cao 97 tạ/ha).  Sản lượng năm 2020 đạt 6.633 tấn (vùng đồng bằng 3.976 tấn, vùng núi thấp 2.599 tấn, vùng núi cao 59 tấn).
Sử dụng giống ổi Lê Đài Loan, có vỏ láng, giòn và vị ngọt mát, có mùi thơm, giàu dinh dưỡng nên rất được thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế cao; trung bình một gốc ổi từ 40 - 60 kg quả/năm, giá bán từ 15 - 25 nghìn đồng/kg, hiệu quả kinh tế tương đối cao. Một số hộ ở xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) đã xây dựng được thương hiệu, có mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ giống ổi lê Đài Loan.
Cây ổi được trồng ở nhiều địa phương, có năng suất, chất lượng, được thị trường trong tỉnh, trong nước ưa chuộng; là sản phẩm trái cây được người tiêu dùng lựa chọn do chất lượng và giá cả phù hợp. Cây ổi dễ trồng, có điều kiện sinh thái thích hợp; nhu cầu thị trường nội địa đảm bảo. Nhiều địa phương đã phát triển và cho thu nhập khá (Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn…), năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Thị trường ổn định. Tuy nhiên việc phát triển sản xuất đang tự phát, chưa có định hướng; cây giống chưa được quản lý, chủ yếu người dân mua trên thị trường tự do.
5) Cây nhãn
Diện tích năm 2020 là 825 ha (DTKD 743 ha). Trong đó vùng đồng bằng 379 ha (DTKD 327 ha), vùng núi thấp 337 ha (DTKD 313 ha), vùng núi cao 109 ha (DTKD 104 ha). Cây nhãn chủ yếu trồng ở trong vườn hộ, tập trung một số huyện: Yên Thành (105 ha), Nam Đàn (77 ha), Đô Lương (86 ha), Thanh Chương 159 ha,…).
Năng suất trung bình năm 2020 đạt 69,1 tạ/ha (vùng đồng bằng 73,7 tạ/ha, vùng núi thấp 69,2 tạ/ha, vùng núi cao 54,4 tạ/ha). Sản lượng năm 2020 đạt 5.137 tấn (vùng đồng bằng 2.406 tấn, vùng núi thấp 2.164 tấn, vùng núi cao 567 tấn).
Năm 2020 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã triển khai thực hiện mô hình trồng khảo nghiệm giống nhãn chín sớm với quy mô 1,0 ha (400 cây giống) tại Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và ươm tạo công nghệ cao Thái Hòa; đây là giống nhãn có nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng và thời gian thu hoạch.
 6) Cây vải
Diện tích năm 2020 là 738 ha (DTKD 685 ha). Trong đó vùng đồng bằng 376 ha (DTKD 346 ha), vùng núi thấp 244 ha (DTKD 231 ha), vùng núi cao 117 ha (DTKD 108 ha). Cây vải chủ yếu trồng ở trong vườn hộ, tập trung một số huyện: Yên Thành (104 ha), Nam Đàn (96 ha), Đô Lương (73 ha), Thanh Chương (63 ha), Con Cuông (63 ha), Tân Kỳ (50ha),… Năng suất bình quân năm 2020 đạt 69,1 tạ/ha  (vùng đồng bằng 72 tạ/ha, vùng núi thấp 69,5 tạ/ha, vùng núi cao 58,9 tạ/ha). Sản lượng năm 2020 đạt 4.730 tấn (vùng đồng bằng 2.490 tấn, vùng núi thấp 1.604 tấn, vùng núi cao 636 tấn). Sử dụng giống vải Thiều có nguồn gốc từ Lục Ngạn, Bắc Giang.
Cây nhãn và cây vải là 2 cây trồng không “kén” đất, có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu ở nhiều vùng của tỉnh Nghệ An, song để cây phân hóa mầm hoa, cây vải yêu cầu nhiệt độ các tháng giêng, hai phải có một thời gian nhiệt độ xuống thấp dưới 130C, thời gian ra hoa, thụ phấn, thụ tinh thích hợp 18 - 240C; những năm mùa đông ít lạnh thì cây ra hoa đậu quả rất kém. Do đó trên địa bàn Nghệ An cây nhãn và cây vải thường có năm có quả, có năm không có quả, có năm quả nhiều, có năm quả rất ít quả; năng suất không ổn định, hiệu quả không cao. Vì vậy, chủ yếu trồng trong vườn hộ ở các địa phương có địa hình đồi núi bán sơn địa, phục vụ nhu cầu trong tỉnh là chủ yếu.
7) Cây xoài
Diện tích năm 2020 tăng lên 800 ha (tăng trung bình 7,09%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 634 ha. Trong đó vùng đồng bằng 502 ha (DTKD 377 ha), vùng núi thấp 189 ha (DTKD 153 ha), vùng núi cao 109 ha (DTKD 103 ha). Năng suất trung bình năm 2015 đạt 83,3 tạ/ha; năm 2020 đạt 78,5 tạ/ha (vùng đồng bằng 82,9 tạ/ha, vùng núi thấp 95,5 tạ/ha, vùng núi cao 37,2 tạ/ha). Cây xoài chủ yếu trồng xen trong vườn hộ; giống xoài có hiệu quả kinh tế cao là xoài Thái Lan.
Sản lượng năm 2020 đạt 4.974 tấn (vùng đồng bằng 3.127 tấn, vùng núi thấp 1.463 tấn, vùng núi cao 385 tấn). Vùng núi cao có giống xoài đặc sản Tương Dương (các xã: Xá Lượng, thị trấn Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái) trên thực tế, chỉ ở những nơi này cây xoài Tương Dương mới cho chất lượng quả tốt nhất; vì vậy trong thời gian tới cần được đầu tư bảo tồn và phát triển giống xoài Tương Dương tại các địa phương này.
Cây xoài thuộc nhóm cây nhiệt đới có khả năng sinh trưởng tốt ở các vùng trồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, song thời gian cây ra hoa thường gặp thời tiết rét, mưa phùn, ẩm nên tỷ lệ đậu quả rất thấp, hiệu quả kinh tế kém nên chỉ phù hợp ở một số tiểu vùng đặc thù về khí hậu và giống (như giống xoài bản địa ở Tương Dương). Cây Xoài phát triển trong vườn hộ, đáp ứng nhu cầu nội tỉnh là chủ yếu. Có điều kiện sinh thái thích hợp, một số địa phương đã phát triển (Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, Tương Dương); có sản phẩm xoài bản địa ở Tương Dương chất lượng thơm ngon. Năng suất, chất lượng không ổn định, thường năm được/năm mất. Phát triển sản xuất đang tự phát, trồng rải rác; chất lượng cây giống chưa được quản lý; xoài bản địa (Tương Dương) năng suất thấp, mẫu mã chưa đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.
8) Cây na
Diện tích năm 2020 tăng lên 460 ha (tăng trung bình 2,88%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 385 ha. Trong đó: vùng đồng bằng 385 ha (DTKD 325 ha), vùng núi thấp 72 ha (DTKD 57 ha), vùng núi cao 3 ha (DTKD 3 ha). Cây na chủ yếu trồng trong vườn hộ. Năng suất trung bình năm 2020 đạt 68,4 tạ/ha (vùng đồng bằng 70,7 tạ/ha, vùng núi thấp 56,7 tạ/ha, vùng núi cao 44,3 tạ/ha).  Sản lượng năm 2020 đạt 2.633 tấn (vùng đồng bằng 2.297 tấn, vùng núi thấp 324 tấn, vùng núi cao 12 tấn).Sử dụng giống na Dai, na Thái,... Áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ nâng cao hiệu quả.
Cây na dễ trồng, có điều kiện sinh thái thích hợp; nhu cầu thị trường nội địa tiêu thụ cao. Nhiều địa phương đã phát triển và cho thu nhập khá (Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn…), năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Thị trường nội địa tiềm năng.Nhưng hiện nay đang phát triển sản xuất đang tự phát, chưa có định hướng; cây giống chưa được quản lý.
9) Cây táo
Diện tích năm 2020 là 432 ha (DTKD 327 ha). Trong đó vùng đồng bằng 207 ha (DTKD 132 ha), vùng núi thấp 210 ha (DTKD 180 ha), vùng núi cao 15 ha (DTKD 15 ha). Cây táo chủ yếu được trồng trong vườn hộ, ở vùng đồng bằng và vùng Núi thấp. Năng suất trung bình năm 2020 đạt 94 tạ/ha  (vùng đồng bằng 155,9 tạ/ha, vùng núi thấp 49,6 tạ/ha, vùng núi cao 79,9 tạ/ha). Sản lượng năm 2020 đạt 3.077 tấn (vùng đồng bằng 2.065 tấn, vùng núi thấp 894 tấn, vùng núi cao 118 tấn).
Sử dụng giống táo D28 và táo chua Gia Lộc; táo là cây dễ trồng nhưng dễ bị sâu bệnh, do đó việc chăm sóc phải đầu tư và có kỹ thuật. Cây táo trồng chủ yếu trong vườn hộ và một số diện tích cao cưỡng.
Cây táo dễ trồng, phù hợp trồng trong vườn hộ; một số địa phương phát triển cho thu nhập khá (Yên Thành, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn…), năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Thị trường tiêu thụ ổn định. Phát triển sản xuất đang tự phát, chưa có định hướng; cây giống chưa được quản lý, trồng phân tán trong vườn hộ.
10) Cây thanh long
Diện tích năm 2020 tăng lên 313 ha (tăng trung bình 19,83%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 243 ha. Trong đó: vùng đồng bằng 120 ha (DTKD 88 ha), vùng núi thấp 187 ha (DTKD 150 ha), vùng núi cao 5 ha (DTKD 5 ha). Cây thanh long được trồng ở một số địa phương như: Con Cuông (168 ha) Yên Thành (47 ha), Đô Lương (36 ha), Thanh Chương (71 ha), Tân Kỳ (45 ha)...
Năng suất trung bình quân năm 2020 đạt 78,5 tạ/ha (vùng đồng bằng 79,8 tạ/ha, vùng núi thấp 76,9 tạ/ha, vùng núi cao 102,1 tạ/ha). Sản lượng năm 2015 đạt 779 tấn, năm 2020 đạt 1.906 tấn (vùng đồng bằng 701 tấn, vùng núi thấp 1.157 tấn, vùng núi cao 48 tấn).
Sử dụng giống thanh long ruột đỏ, thích nghi với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, kỹ thuật không phức tạp. 
Cây Thanh long dễ trồng, có điều kiện sinh thái thích hợp; chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều địa phương đã phát triển và cho thu nhập khá (Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương…), năng suất cao, chất lượng đảm bảo; thị trường ổn định. Phát triển sản xuất đang tự phát, quy mô rải rác, chưa có định hướng phát triển; cây giống chưa được quản lý.
 11) Cây chanh leo
Diện tích năm 2020 là 255 ha (DTKD 245 ha). Trong đó vùng đồng bằng 7 ha (DTKD 6 ha), vùng núi thấp 4 ha (DTKD 3 ha), vùng núi cao 244 ha (DTKD 237 ha). Chanh leo trồng tập trung ở Quế Phong và Tương Dương. Năng suất trung bình năm 2020 đạt 160,3 tạ/ha (vùng đồng bằng 124,6 tạ/ha, vùng núi thấp 77,2 tạ/ha, vùng núi cao 162,1 tạ/ha). Sản lượng năm 2020 đạt 3.934 tấn (vùng đồng bằng 71 tấn, vùng núi thấp 22 tấn, vùng núi cao 3.840 tấn).
Công ty Cổ phần Chanh leo NaFoods đã chọn tạo được hai giống chanh leo mới là NaFoods 1 và Quế Phong 1. Hai giống này có đặc điểm nổi trội hơn giống Đài Nông 1 là quả to, vỏ cứng hơn, năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Đặc biệt thích ứng với các vùng trồng chanh leo ở Quế Phong. Trong đó giống NaFoods 1 phù hợp cho ăn tươi còn giống Quế Phong 1 phù hợp cho chế biến.
Chanh leo là cây trồng có phạm vi thích nghi để cho sản phẩm đạt chất lượng ở những vùng có điều kiện nhiệt độ trong khoảng 300C, không có sương muối. Trên 300C cây chanh leo rất khó phát triển. Đồng thời cần lượng nước lớn (1600 mm/năm) và phân bố đều, đặc biệt thời điểm ra hoa, đậu quả. Về diện tích năm 2015 là 150 ha, năm 2019 là 325 ha, năm 2020 giảm còn 255 ha. Việc phát triển cây chanh leo tại một số vùng trồng như Quế Phong, Tương Dương đã có quy hoạch song đến nay vẫn chưa thể mở rộng diện tích, ngược lại có xu hướng giảm, nguyên nhân do sâu bệnh làm cho năng suất, chất lượng không đảm bảo.
Địa phương có Có điều kiện sinh thái phù hợp phát triển cây giống là huyệnQuế Phong. Tại đây đã có cơ sở chế biến đáp ứng yêu cầu hàng hóa xuất khẩu. Thị trường tiềm năng: Trung Quốc, các nước EU...
Tuy nhiên đây là loài cây khó tính, dễ bị nhiễm các loại virus gây bệnh nhưng thuốc đặc trị chưa phát huy tốt hiệu quả để triệt tiêu mầm bệnh, vì vậy nhiều diện tích đã phải chặt bỏ. Trong khi đó, diễn biến khí hậu bất thường, nhiều đợt mưa lớn kéo dài khiến thuốc sau khi phun bị rửa trôi gây bùng phát thêm dịch bệnh. Sự liên kết giữa người trồng chanh leo với Công ty Cổ phần chanh leo Nafoods Nghệ An chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Hiện tại vườn cây bị thoái hóa do sâu bệnh, năng suất giảm mạnh, năm 2020 chỉ đạt bình quân 16 tấn/ha, giá bán 5.000 - 6.000 đồng/kg, bên cạnh đó chi phí sản xuất cây chanh leo cao so với mức sống của người nông dân miền núi (chi phí 90 - 100 triệu đồng/1  ha), trừ chi phí sản xuất thì hầu như không có lãi.
12) Cây bơ
- Diện tích năm 2020 là 120 ha (DTKD 60 ha). Trong đó vùng đồng bằng 5 ha (DTKD 4 ha), vùng núi thấp 115 ha (DTKD 56 ha); là cây mới được đưa vào sản xuất trên địa bàn Nghệ An, cây bơ tập trung chủ yếu ở huyện Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa. Năng suất trung bình năm 2020 đạt 32,2 tạ/ha (vùng đồng bằng 21,5 tạ/ha, vùng núi thấp 33,1 tạ/ha). Sản lượng năm 2020 đạt 193 tấn (vùng đồng bằng 9 tấn, vùng núi thấp 184 tấn). Giống: Sử dụng giống bơ Booth và bơ Sáp.
Bơ là cây trồng có yêu cầu khá khắt khe về điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết, đặc biệt là điều kiện nhiệt độ và ẩm độ. Để cây sinh trưởng tốt đòi hỏi đất trồng phải có tầng canh tác dày, nhiều mùn, mực nước ngầm thấp. Song để cây cho năng suất cao, chất lượng tốt và ra quả ổn định thì điều kiện nhiệt độ, ẩm độ là rất quan trọng. Phạm vi nhiệt độ phù hợp cho cây bơ tùy vào giống bơ song nhiệt độ thích hợp cho các giống bơ trong khoảng 300C, ẩm độ 70 - 80%. Đặc biệt thời gian ra hoa nếu gặp thời tiết mưa, ẩm thì tỷ lệ đậu quả rất thấp, hiệu quả kinh tế kém.
Đây là sản phẩm có chất lượng được thị trường ưa chuộng, đã có một số địa phương quan tâm phát triển (Nghĩa Đàn, Thái Hòa); đã có Đề án phát triển cây bơ giai đoạn 2018 - 2025 được UBND tỉnh phê duyệt; huyện Nghĩa Đàn đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bơ Nghĩa Đàn”.
Tuy nhiên thời kỳ ra hoa của cây bơ ở Nghệ An thường gặp vào dịp mưa phùn, gió mùa Đông Bắc nên ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả. Do điều kiện khí hậu thời tiết nên năng suất không ổn định (năm được mùa, năm mất mùa) gây tâm lý e ngại cho người sản xuất phát triển cây bơ; chưa có cơ chế chính sách riêng hỗ trợ thúc đẩy phát triển cây bơ.
13) Cây hồng
Diện tích năm 2020 tăng lên 251 ha (tăng trung bình 3,62%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 220 ha. Trong đó: Vùng đồng bằng 212 ha (DTKD 199 ha), vùng núi thấp 32 ha (DTKD 15 ha), vùng núi cao 7 ha (DTKD 6 ha); cây hồng chủ yếu trồng trong vườn hộ. Năng suất trung bình năm 2020 đạt 78,6 tạ/ha (vùng đồng bằng 80,8 tạ/ha; vùng núi thấp 74,6 tạ/ha, vùng núi cao 48,2 tạ/ha). Sản lượng năm 2020 đạt 1.729 tấn (vùng đồng bằng 1.589 tấn, vùng núi thấp 113 tấn, vùng núi cao 27 tấn).
14) Cây hồng xiêm
Diện tích năm 2020 tăng lên 124 ha (tăng trung bình 15,53%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 91 ha. Trong đó: vùng đồng bằng 94 ha (DTKD 69 ha), vùng núi thấp 30 ha (DTKD 21 ha), vùng núi cao 1,0 ha (DTKD 1 ha). Năng suất trung bình năm 2015 đạt 84,7 tạ/ha, năm 2020 đạt 41,1 tạ/ha (vùng đồng bằng 41,3 tạ/ha, vùng núi thấp 39,7 tạ/ha, vùng núi cao 85 tạ/ha); cây hồng xiêm chủ yếu trồng rải rác trong vườn hộ. Sản lượng năm 2020 đạt 373 tấn (vùng đồng bằng 285 tấn, vùng núi thấp 85 tấn, vùng núi cao 3 tấn).
15) Cây mận
Diện tích năm 2020 là 57 ha (DTKD 55 ha). Trong đó: Vùng đồng bằng 4 ha (DTKD 3 ha), vùng núi thấp 4 ha (DTKD 3 ha), vùng núi cao 50 ha (DTKD 49 ha). Cây Mận chủ yếu trồng ở vùng núi cao và tập trung ở huyện Kỳ Sơn (47 ha). Năng suất trung bình năm 2020 đạt 62,2 tạ/ha.  Sản lượng năm 2015 đạt 309 tấn, năm 2020 đạt 340 tấn (vùng đồng bằng 54 tấn, vùng núi thấp 3 tấn, vùng núi cao 283 tấn).
Sử dụng giống mận Tam hoa, năm 2019 UBND huyện Kỳ Sơn đã hỗ trợ công tác Khuyến nông để phát triển mở rộng diện tích trồng mận Tam hoa trên địa bàn huyện với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. 
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn trồng các loại cây ăn quả khác như đu đủ, mơ, ... Diện tích năm 2015 là 1.417 ha, năm 2020 là 448 ha, sản lượng quả các loại năm 2015 là 8.360 tấn, năm 2020 là 911 tấn, phục vụ nhu cầu tại địa phương./.

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1515
  • Hôm nay71,510
  • Tháng hiện tại1,009,220
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây