Ứng dụng các tiến bộ KHKT và công nghệ vào sản xuất cây ăn quả

Thứ hai - 29/11/2021 20:04 0
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (1.648.162 ha), địa hình đa dạng phong phú (có đồi núi, đồng bằng, biển đảo); khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình bị chia cắt mạnh nên hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu phù hợp phát triển nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới (chuối, dứa, xoài...), á nhiệt đới (cam, quýt, vải, nhãn...), ôn đới (táo, mận…), trong đó nhiều loại cây ăn quả có năng suất cao, chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển sản phẩm hàng hóaCùng với xu thế phát triển, nhu cầu sử dụng sản phẩm từ trái cây trong nước và thế giới ngày càng tăng cao; Nghệ An có một số sản phẩm có lợi thế như cây ăn quả có múi, cây dứa, cây chuối; thị trường trong nước và xuất khẩu tiềm năng; quỹ đất đủ điều kiện để phát triển, mở rộng sản xuất quy mô hàng hóa.
Phát triển cây ăn quả trong thời gian tới phải xác định được nhóm, loại cây ăn quả phù hợp, thích nghi với điều kiện của Nghệ An để ưu tiên phát triển; diện tích đất đủ điều kiện mở rộng; khả năng thu hút đầu tư công nghiệp chế biến; tiêu thụ sản phẩm... đặt ra những nội dung cần giải quyết như: Quản lý sử dụng đất, giống, kỹ thuật, công nghệ, liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ,... nhằm đáp ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và đặc biệt sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế sâu rộng hiện nay.
Một trong những vấn đề quan trong để đẩy mạnh phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh là việc ứng dụng các tiến bộ KHKT và Công nghệ vào sản xuất cây ăn quả.
Về công tác giống và sản xuất giống cây ăn quả, tỉnh đã quan tâm phát triển các cơ sở ươm giống cây ăn quả đảm bảo chất lượng như cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi), bơ, dứa, chanh leo… Quản lý nhà nước về giống cây trồng được tăng cường. Tuy nhiên sản xuất giống cây ăn quả hiện nay vẫn còn tự phát, chất lượng giống không đồng đều, chưa có tổ chức hoặc cá nhân có thương hiệu, nhãn hiệu riêng cho sản phẩm giống cây ăn quả. Về quản lý cây đầu dòng, vường cây đầu dòng hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức bình tuyển, kiểm tra tình hình sử dụng, khai thác cây đầu dòng.

Sản phẩm nước ép hoa quả của Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên (Tập đoàn TH)


Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An chưa có cơ sở sản xuất giống CAQ đảm bảo các tiêu chuẩn được cấp phép. Các CAQ không có vườn nhân giống S0, S1. Một số CAQ có bình tuyển cây đầu dòng song còn rất ít, việc bảo vệ, đánh giá hàng năm còn hạn chế. Các giống CAQ hầu như đang được buôn bán trôi nổi, khó xác minh nguồn gốc, chất lượng. Một số giống CAQ bản địa có chất lượng song chưa được quan tâm phục tráng, bảo vệ (cam, bưởi, chuối, mít, hồng...). Công tác quản lý nhà nước về giống CAQ đang bất cập, chưa hiệu quả. Các giống cây trồng mới được đưa vào trồng trên địa bàn đang mang tính tự phát và chưa được theo dõi đánh giá khả năng thích ứng sinh thái để khuyến cáo, tuyên truyền mở rộng hoặc hạn chế.
Về kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh: Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được nghiên cứu, áp dụng thành công đã thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn quả thời gian qua. Một số giống CAQ mới được chọn, tạo chuyển giao kịp thời cho sản xuất như quýt, bơ, chanh leo…Một số cây trồng sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô như dứa, chuối; giống sạch bệnh như cam Xã Đoài, quýt ngọt PQ1, mít Thái, na Thái… được đưa vào sản xuất, bước đầu cho hiệu quả cao. Kỹ thuật chiết, ghép được áp dụng như ghép đối với cây bơ ở Nghĩa Đàn, tuy nhiên quy mô còn hạn chế; mức độ ghép chuyển giống, ghép cải tạo CAQ còn ít.
+ Các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác đã được chú trọng đầu tư như: Tưới và bón phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt; sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh; kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, kỹ thuật bao quả trong sản xuất cam, bưởi, ổi,...; áp dụng các tiêu chuẩn vào sản xuất (VietGAP, GlobalGAP...)...
Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch đã được áp dụng vào sản xuất. Quy trình công nghệ bảo quản và chế biến quả chuối; quy trình công nghệ bảo quản quả cam; chế biến dứa, chế biến chanh leo,…


Một số đơn vị, doanh nghiệp đã nâng cấp, mở rộng, đầu tư chế biến sâu sản phẩm như: Chế biến nước quả ổi, cam, táo tại nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên (Tập đoàn TH); Công ty HD Farms liên kết với bà con nông dân ở xã Thuận Sơn (Đô Lương) trồng 20 ha Chuối trên đất bãi bằng công nghệ chăm sóc, tưới hoàn toàn tự động và sản xuất theo quy trình khép kín đạt tiêu chuẩn Châu Âu và có sự liên kết bao tiêu sản phẩm với các đối tác nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc... Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) quy hoạch vùng trồng dứa và tiến tới xây dựng nhà máy chế biến tại Nghệ An… 
Đến nay, trên toàn tỉnh diện tích cây ăn quả trồng đạt chuẩn VietGAP 300 ha; diện tích tưới nhỏ giọt 600 ha. Một số cây ăn quả được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, như cây chanh leo đã được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chanh leo Quế Phong” cho 02 sản phẩm: Chanh leo quả và nước ép chanh leo.



Đặc biệt Cam Vinh được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00012 theo Quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31/5/2007. Theo đó sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý Cam Vinh gồm các giống: Cam Xã Đoài, cam Vân Du, cam Sông Con nằm trong khu vực địa lý thuộc các xã: Nghi Diên, Nghi Hoa (Nghi Lộc); Hưng Trung (Hưng Nguyên); Nghĩa Bình, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hồng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn); Minh Hợp (Quỳ Hợp); Tân An, Tân Long, Tân Phú (Tân Kỳ). Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5004/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00012 cho sản phẩm Cam Vinh với những nội dung: Bổ sung giống cam V2; mở rộng khu vực địa lý: 12 xã thuộc các huyện: Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông.
Thời gian gần đây có nhiều hộ gia đình, các trang trại đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộKHCN, triển khai các trang trại cam hữu cơ, cam bọc quả, cam phủ màn.. nhằm nâng cao chất lượng cũng như tăng sản lượng cam quả.  Co thể kể đến như trang trại Cam Thiên Sơn của ông Trịnh Xuân Giáo ( xã Đồng Thành, Yên Thành) đạt chứng chỉ nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), Cam của Tổng đội Thanh niên xung phong 8 (ở xã Thanh Đức huyện Thanh Chương) áp dụng hình thức cam bọc màn để tránh bọ các loại côn trùng câm, giảm số lần phun thuốc nâng cao chất lượng và sản lượng cam khi thu hoạch. ...
Hồng Minh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2460
  • Hôm nay132,763
  • Tháng hiện tại942,842
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây