Nghiên cứu dự báo rủi ro dự án BOT công trình giao thông ở Việt Nam bằng phương pháp mạng Nơ ron nhân tạo (Artifical Neural Network – ANN)

Thứ ba - 14/06/2022 22:27 0

Các dự án công trình giao thông áp dụng mô hình dự án BOT đã và đang được áp dụng rộng rãi ở nước ta từ nhiều năm nay đã khẳng định được sự đúng đắn của mô hình dự án này trong lĩnh vực giao thông vận tải, các dự án này có đặc trưng là có vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng và vận hành dài, phạm vi ảnh hưởng và đối tượng tham gia dự án nhiều v.v…, do đó ngay từ khi bắt đầu giai đoạn lập dự án đến lúc đưa vào sử dụng đều nảy sinh các rủi ro nhất định. Các rủi ro của dự án BOT công trình giao thông luôn có tính chất phức tạp, phụ thuộc vào đặc tính dự án, địa phương thực hiện dự án, chủ thể phát sinh rủi ro, mang tính hệ thống và phi hệ thống…Rủi ro có thể là về mặt chính sách, pháp luật, kinh tế vĩ mô, thực hiện hợp đồng, hoàn công, tác động môi trường, rủi ro vận hành và thị trường... Tuy nhiên, cho đến nay, ở nước ta chưa có nhiều các công trình khoa học nghiên cứu tổng quát ở quy mô lớn về quản lý rủi ro trong dự án BOT công trình giao thông. Hơn nữa, các đề tài đã thực hiện chủ yếu là nghiên cứu các dự án đơn lẻ, chưa sử dụng dữ liệu lớn và tận dụng được kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý rủi ro dự án BOT.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Xây dựng do TS. Lê Quang Trung dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu dự báo rủi ro dự án BOT công trình giao thông ở Việt Nam bằng phương pháp mạng Nơ ron nhân tạo (Artifical Neural Network - ANN)” từ năm 2018 đến năm 2019.

Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: thống kê và xử lý số liệu thống kê về một số nhóm rủi ro của dự án BOT công trình giao thông ở Việt Nam trước đây; áp dụng thuật toán dự đoán một số nhóm rủi ro dự án BOT công trình giao thông ở Việt Nam dựa trên phương pháp mạng thần kinh nhân tạo ANN; và áp dụng thuật toán, tính toán dự đoán một số nhóm rủi ro một dự án BOT công trình giao thông ở Việt Nam trong thời gian tới.

Một số nội dung nổi bật của đề tài nghiên cứu:

- Đã tổng quan về cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn của dự án BOT công trình giao thông tại Việt Nam, đồng thời làm rõ khái niệm về rủi ro dự án, phương pháp quản lý rủi ro dự án BOT công trình giao thông.

 - Đã tổng quan về mạng nơ ron nhân tạo ANN và lựa chọn thuật toán sử dụng cho nghiên cứu.

 - Đã xác định được các yếu tố rủi ro phổ biến xảy ra với các dự án BOT công trình giao thông trong giai đoạn thi công và giai đoạn vận hành.

- Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về 16 yếu tố rủi ro trong giai đoạn thi công và 11 yếu tố rủi ro trong giai đoạn vận hành của 29 dự án BOT công trình giao thông tại Việt Nam.

- Đã ứng dụng mạng ANN đánh giá rủi ro dự án BOT công trình giao thông tại Việt Nam trong giai đoạn thi công thông qua các chỉ tiêu về chi phí và tiến độ và trong giai đoạn vận hành thông qua chỉ tiêu về doanh thu của dự án sử dụng phần mềm SPSS.

 - Đã xây dựng được chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng phương pháp mạng nơ-ron nhân tạo của phần mềm SPSS để quản lý rủi ro dự án BOT công trình giao thông.

Đề tài là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về ứng dụng mạng nơ-ron nhân tạo ANN đánh giá rủi ro dự án BOT công trình giao thông. Phương pháp nghiên cứu thể hiện sự sáng tạo khi kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu để đạt được mục tiêu tổng quát của đề tài.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17307/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay170,575
  • Tháng hiện tại1,702,835
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây