Phát hiện các quá trình hải dương chưa được nghiên cứu ở Việt Nam

Thứ tư - 22/11/2023 21:04 0

Các nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học đã có khám phá quan trọng liên quan đến các quá trình hải dương chưa được nghiên cứu ở Việt Nam. Trong nghiên cứu này, GS.TS. Đoàn Như Hải và đồng đội đã tập trung vào hiện tượng nước trồi do hoạt động của phông sườn lục địa (shelf-break front) trong mùa gió chuyển tiếp từ Đông Bắc sang Tây Nam.

Kết quả của nghiên cứu mang đến thông tin mới và quan trọng về đặc trưng của sinh vật phù du ở vùng thềm lục địa hẹp và dốc, ảnh hưởng bởi phông sườn lục địa. Sinh vật phù du đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu thủy vực trên toàn thế giới, bao gồm cả sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ bậc 1 và bậc 2. Đặc biệt, các thành phần dồi dào của nguồn giống động vật thủy sinh khác, như trứng cá, cá con và ấu trùng sinh vật khác, cũng thuộc nhóm sinh vật phù du (SVPD).

Nghiên cứu cho thấy rằng, trong vùng thềm lục địa Nam Trung Bộ, nghiên cứu về sinh vật phù du là rất hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh của các quá trình hải dương học đa dạng và tác động khác nhau tại các địa lý khác nhau trong vùng thềm lục địa rộng lớn ở các đại dương.

Để làm sáng tỏ tác động của các quá trình hải dương đến sinh vật phù du, GS.TS. Đoàn Như Hải cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Hải dương học đã thực hiện đề tài "Tác động của các quá trình hải dương đến quần xã SVPD vùng thềm lục địa Nam Trung Bộ Việt Nam" (mã số đề tài: KHCBBI.01/20-22). Trong nghiên cứu này, tập trung vào tác động cơ bản của nước trồi tại vùng sườn lục địa và những hiệu ứng khác từ các yếu tố vật lý và thủy văn đối với biến động của quần xã SVPD.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra sự hình thành phông sườn lục địa trên mép thềm lục địa hẹp Nam Trung Bộ do các yếu tố vật lý hải dương tạo ra. Phông này rõ ràng ở phía bắc mũi Varella và có sự tác động của dòng chảy trên thềm lục địa tương tác với khối nước ngoài khơi (dòng biên Biển Đông).

Về quần xã SVPD, sự thay đổi về thành phần và độ phong phú cho thấy rõ ảnh hưởng của vùng ven bờ và mép thềm lục địa. Cấu trúc quần xã, đặc biệt là hàm lượng Chl-a và động vật phù du, chịu ảnh hưởng từ phông sườn lục địa và từ vùng ven bờ. Kết quả này có ý nghĩa to lớn trong việc đánh giá cơ sở thức ăn cho nguồn lợi thủy sản vùng thềm lục địa miền Trung Việt Nam.

Đồng thời, kết quả mô hình hóa chế độ dòng chảy đã chỉ ra sự hình thành một cặp xoáy nghịch và xoáy thuận ổn định ở phía bắc mũi Varella. Qua nghiên cứu này, GS.TS. Đoàn Như Hải và nhóm nghiên cứu mong muốn khai thác sâu hơn những kết quả đã đạt được, tạo ra cơ sở khoa học cho các nghiên cứu về sinh học và hải dương học, đồng thời đóng góp vào quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an ninh thực phẩm trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

P.A.T (Tổng hợp) https://www.vista.gov.vn/

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay387,634
  • Tháng hiện tại904,911
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây