Nghiên cứu mối liên quan các type huyết thanh, gene đột biến với tính kháng kháng sinh của phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gây viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Nghệ An

Thứ bảy - 12/08/2023 05:41 0
Viêm phổi là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến hay gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Ở trẻ em, viêm phổi do phế cầu (Streptococcus pneumoniae) thường xảy ra đột ngột và rầm rộ với biểu hiện sốt rất cao, dung nạp kém, biến đổi toàn trạng. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến nặng, xuất hiện các biến chứng như viêm mủ màng phổi, áp xe phổi, tràn khí màng phổi, tràn khí-tràn dịch màng phổi, nhiễm khuẩn huyết…. Người bệnh nhiễm S. pneumoniae có thể được điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Tuy nhiên, hiện nay kháng sinh đã được sử dụng hết sức rộng rãi và tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ngày một tăng cao, chính điều đó đã làm xuất hiện những chủng vi khuẩn gây bệnh kháng lại kháng sinh penicillin và nhiều kháng sinh khác nữa. Sự lạm dụng kháng sinh đã làm xuất hiện và lan truyền gen kháng thuốc, gây cản trở tiến trình và hiệu quả điều trị bệnh. Bên cạnh đó, các chủng phế cầu khác nhau cũng có sự đáp ứng ứng với kháng sinh khác nhau...

https://ngheandost.gov.vn/uploads/news/2023_04/image-20230425102432-1.jpeg
 
Tại Việt Nam, các chương trình giám sát về tỷ lệ mắc, sự lưu hành các type huyết thanh phế cầu khuẩn S. pneumoniae cũng còn khá hạn chế. Trong khi đó, việc điều trị kháng sinh theo thói quen, theo kinh nghiệm hoặc dùng kháng sinh mà không cần đơn thuốc, không đúng chỉ định và không có kết quả kháng sinh đồ là thực tế đang diễn ra làm tăng nguy cơ kháng thuốc và tạo ra các gen kháng thuốc. Chính vì vậy, chúng tôi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu mối liên quan các type huyết thanh, gene đột biến với tính kháng kháng sinh của phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gây viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Nghệ An” với ba mục tiêu: Xác định sự phân bố các type huyết thanh của các chủng phế cầu gây viêm phổi; Xác định mối liên quan giữa các type huyết thanh, gen đột biến với tính kháng kháng sinh của phế cầu gây viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Nghệ An;Đề xuất bộ giải pháp nhằm giảm tình trạng kháng kháng sinh của phế cầu gây viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhi được chẩn đoán bệnh viêm phổi do phế cầu, tuổi từ 1 tháng đến 5 tuổi đang điều trị tại các bệnh viện: Bệnh viện Sản nhi Nghệ An; Bệnh viện đa khoa Đô Lương; Bệnh viện đa khoa Diễn Châu; Bệnh viện đa khoa Tân Kỳ.

Tiêu chuẩn lựa chọn, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi theo tiêu chuẩn của WHO và Hướng dẫn của Bộ Y tế kèm theo trong bệnh phẩm dịch hô hấp dương tính với phế cầu S. pneumoniae và gia đình bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu. Tiêu chuẩn loại trừ là các trường hợp viêm phổi do vi khuẩn khác; các trường hợp viêm phổi đồng nhiễm; các trường hợp viêm phổi mắc phải ở bệnh viện, coi như một nhiễm khuẩn bệnh viện (vào bệnh viện điều trị bệnh khác, sau 48 giờ mắc viêm phổi); những trường hợp nhóm nghiên cứu xét thấy cần đưa ra khỏi danh sách nghiên cứu (bệnh nhân không hợp tác, diễn tiến bệnh nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, bệnh lý nền có thể làm nhiễu số liệu nghiên cứu).
Thông qua việc triển khai, đề tài đã Nghiên cứu mối liên quan các type huyết thanh, gene đột biến với tính kháng kháng sinh của phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gây viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Nghệ An.
Sự phân bố các type huyết thanh của các chủng phế cầu gây viêm phổi:  Nhóm tuổi chiếm đa số bị nhiễm viêm phổi do phế cầu ở trẻ em dưới 5 tuổi là từ 12 tháng tuổi trở xuống. Hầu hết bệnh nhân đều đến từ khu vực nông thôn (96,4%), chỉ có 3,6% bệnh nhân cư trú ở thành thị. Thời gian nằm viện trung bình của trẻ trong nghiên cứu của chúng tôi là 8,5 ± 4,1 ngày; 80,3% trẻ chưa được tiêm vaccine PCV10 và PCV13; Trong số các trẻ được nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thì tỷ lệ trẻ em đã từng nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở nhóm chưa tiêm vaccine cao hơn hẳn nhóm đã tiêm vaccine phòng phế cầu (31,25% và 21,43%); 69,4% trẻ em bị viêm phổi do phế cầu đã sử dụng kháng sinh trước khi vào viện. 80,8% trẻ bị viêm phổi mức thông thường và 19,2% trẻ bị viêm phổi nặng; Kết quả định type cho thấy các type huyết thanh phế cầu chiếm đa số là 19F (59,59%), 19A (8,81%), 23F (7,77%); Đối với vaccine PCV10 và PCV13, tỷ lệ bao phủ vaccine đạt lần lượt là 82,56% và 92,44%.
Mối liên quan giữa các type huyết thanh, gen đột biến với tính kháng kháng sinh của phế cầu gây viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Nghệ An: Trên 95,0% mẫu phế cầu đều đã kháng với các kháng sinh nhóm macrolid bao gồm azithromycin, clarithromycin và erythromycin. Tỷ lệ kháng trimethoprim/ sulfamethoxazol, clindamycin, tetracyclin ở nghiên cứu này đều rất cao (>90,0%). Kháng sinh nhóm beta lactam có tỷ lệ kháng kháng sinh trung bình, trong đó tỷ lệ kháng kháng sinh của nhóm cephalosphorin cao hơn nhóm penicillin. 1,5% kháng với levofloxacin và không có phế cầu nào kháng với moxifloxacin; Số kháng kháng sinh trung bình bị kháng cao nhất ở các type 6A/B (7,3/16 loại), 19F (7,2/16 loại), 14 (7,0/16 loại); Đối với type 19F và 19A, tỷ lệ kháng với kháng sinh penicillin lần lượt là 4,3% và 5,9%, tỷ lệ trung gian với penicillin lần lượt là 53,0% và 52,9%; Về đột biến gen kháng kháng sinh, type huyết thanh có tỷ lệ đột biến gen này chiếm 100% là 6A/B Type huyết thanh 19A có tỉ lệ đột biến là 75%, 19F và type khác là 47,62%. Thấp nhất là ở nhóm 23A và 9A/9V không phát hiện thấy đột biến gen PBP2B; 23,1% trẻ đã tiêm vacxin phế cầu có đột biến gen PBP2B. Trong số trẻ chưa được tiêm vacxin phế cầu tỷ lệ đột biến lên tới 57,5%; Nhóm có đột biến gen PBP2B có tỉ lệ kháng các kháng sinh sau cao hơn nhóm không có đột biến gen là Ceftriazone, Levofloxacin, Chloramphenicol, Azithromycin và Clarithromycin.

Để phát huy hiệu quả của nghiên cứu, nhóm triển khai đề tài Nghiên cứu mối liên quan các type huyết thanh, gene đột biến với tính kháng kháng sinh của phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gây viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Nghệ An đề xuất bộ giải pháp nhằm giảm tình trạng kháng kháng sinh của phế cầu gây viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi gồm 5 giải pháp: Tăng cường phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ; Tăng cường tiêm vắc xin phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp;  Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tùy tiện sử dụng kháng sinh; Đẩy mạnh tăng cường hiệu quả phòng bệnh phế cầu khuẩn ở Nghệ An cũng như trên toàn quốc bằng vắc xin PCV13 và Tăng cường giám sát quản lý sử dụng kháng sinh./.
Bùi Anh Sơn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay311,924
  • Tháng hiện tại2,251,066
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây