Nhân giống lan Thạch hộc tía nhằm khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ tư - 27/04/2022 21:21 0
 Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với địa hình phân hóa phức tạp cùng sự ưu đãi của điều kiện tự nhiên, đã hình thành nên tiềm năng to lớn về tài nguyên sinh vật nói chung và nguồn cây dược liệu nói riêng không chỉ của tỉnh Nghệ An mà còn của toàn Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam có 12.000 loài thực vật thì có đến 3.948 loài cây thuốc (chiếm 32,9%), riêng Nghệ An có đến 962 loài cây và nấm làm thuốc, thuộc 365 chi, 183 họ của 5 ngành thực vật bậc cao (Kết quả điều tra năm 2004 - 2005). Các loài cây thuốc phân bố khắp cả nước ở nhiểu tiểu vùng sinh thái khác nhau, trong đó có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới.
Chi Dendrobium là một chi đông đảo bậc nhất trong họ lan(Orchidaceae) với khoảng hơn 1.400 loài trên toàn thế giới (Nguyễn Thị Hải Yến và cs, 2020). Trong số đó, lan thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et. Migo) là một cây thuốc quý được ghi trong Dược điển Việt Nam. Lan thạch hộc tía phân bố tự nhiên chủ yếu ở vùng rừng có độ cao 900 - 1.500 m so với mực nước biển, thường phụ sinh vào cây gỗ hoặc vách đá có mọc rêu dưới tán rừng; trong điều kiện môi trường tự nhiên độ ẩm 70%, nhiệt độ không khí bình quân năm 12 – 18oC, (Nguyễn Thanh Thuận, 2015).
Các nghiên cứu về thành phần hóa học cho thấy thạch hộc tía có chứa 7 nhóm chất đó là alcaloid, flavonoid, axít hữu cơ, carotenoid, axít amin, đường khử và chất béo (Nguyễn Thị Duyên và Vũ Thị Ánh, 2017). Các nghiên cứu về dược lý học hiện đại đã khẳng định rằng Dendrobium ofifcinale và phần polysaccharide của nó có tác dụng ức chế tế bào ung thư, bảo vệ gan, giảm lipid huyết, chống mệt mỏi, chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống táo bón, hạ đường huyết, tác dụng bảo vệ loét dạ dày và hạ huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch, ổn định hệ vi sinh đường ruột... (Lu et al., 2013; Luo et al, 2016; He et al., 2016).
Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp dược phẩm, gắn với đó là trồng, sản xuất nguồn nguyên liệu dược. Tuy nhiên thời gian qua, vấn đề phát triển công nghiệp dược và dược liệu trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn cây thuốc ở Nghệ An đã và đang bị suy giảm mạnh do sự khai thác thiếu chú ý bảo vệ tái sinh, nạn phá rừng làm rẫy…

Thời gian gần đây, công nghệ trồng nhân tạo Dendrobium officinale Kimura et. Migo đã tạo ra một bước đột phá đáng kể (Cheng et al., 2019). Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên trồng trọt hiện có của lan thạch hộc tía là hỗn hợp, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều và hệ thống đánh giá không ổn định, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển và sử dụng thực tế của lan thạch hộc tía. Do vậy, để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên Dược liệu của Nghệ An, đặc biệt là nguồn gen lan thạch hộc tía, thì các nghiên cứu phải khắc phục các hạn chế trước đó. Ngoài ra, cần phải chủ động sản xuất được nguồn cây giống lan thạch hộc tía có chất lượng cao, sạch bệnh bằng công nghệ invitro phục vụ nhu cầu ngày càng cấp thiết trong sản xuất
Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên dự án: Ứng dụng công nghệ invitro xây dựng mô hình nhân giống lan Thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et Migo) nhằm khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được thực hiện.
Tại Nghệ An, các công trình nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào điều tra thành phần loài và thu thập các bài thuốc dân gian. Các biện pháp kỹ thuật trồng và nhân giống gần như chưa được tập trung nghiên cứu. Do vậy, đây được xem là công trình nghiên cứu đầu tiên về lan thạch hộc tía
Năm 2017, trên cơ sở của nhiệm vụ Thu thập, lưu giữ nguồn gen cây dược liệu Ba kích, Lan thạch hộc tía bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào” do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ Nghệ An thực hiện đã bảo tồn thành công nguồn giống lan thạch hộc tía và bước đầu đã nghiên cứu quy trình kỹ thuật nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Tuy nhiên, để tạo ra nguồn cây giống đảm bảo độ đồng đều và sạch bệnh thì cần phải có các nghiên cứu tiếp theo.
Hiện nay nhu cầu dược liệu, đặc biệt là lan thạch hộc tía là rất lớn; do đó, Đảng bộ và chính quyền huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, và Quỳ Hợp dành nhiều sự quan tâm trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có phát triển dược liệu gắn với các vùng núi cao như Mường Lống, Na Ngoi, Huồi Tụ, Kim Sơn, Liên Sơn, …

Dự án đã được triển khai trong thời gian 41 tháng với kinh phí 1.381.212.000 đồng (Một tỷ, ba trăm tám mươi mốt triệu, hai trăm mười hai nghìn đồng. Dự án này thuộc chương trình: Ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển Nông Lâm Nghiệp.
Sau khi điều tra và khảo sát địa hình, dự án đã lựa chọn triển khai xây dựng mô hình trồng lan thạch hộc tía trong nhà lưới ở huyện Kỳ Sơn quy mô 500m2 với 5.000 cây giống và xã Châu Kim – Quế Phong 500m2 với 5.000 cây giống. Tuy nhiên, sau khi trồng thử nghiệm tại 2 mô hình trên đã gặp nhiều bất lợi nên dự án đã chuyển mô hình trồng đến xã Liên Hợp - Quỳ Hợp 1.000m2 với 10.000 cây giống.
Các mô hình được xây dựng nhà lưới chắn côn trùng, có hệ thống dàn trồng cây cách mặt đất 80cm. Tại mô hình trồng ở xã Na Ngoi và xã Châu Kim: Rải giá thể lên dàn độ dày 8 -10 cm theo thứ thự vỏ thông bên dưới đáy dàn, rồi rải xơ dừa lên, đặt cây sau đó phủ kín xơ dừa xung quanh gốc cây. Tại Trại NCTN&DVKHCN: Sau khi cây ra ngôi, rút kinh nghiệm từ 2 mô hình trên cây được chuyển sang cốc có đường kính 8cm , chiều cao 8 -10 cm nhằm tạo độ thoáng cho giá thể và đảm bảo độ ẩm giá thể đồng nhất.
Dự án đã hoàn thiện quy trình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và quy trình trồng, chăm sóc lan thạch hộc tía trong điều kiện Nghệ An góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm trên địa bàn tỉnh. Góp phần sản xuất được nguồn giống lan thạch hộc đúng giống, đồng đều và sạch bệnh. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để người dân sản xuất được nguồn nguyên liệu đảm bảo yêu cầu. Giúp bà con nông dân tiếp cận với phương thức sản xuất ứng dụng các biện pháp khoa học công nghệ đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp. Vì sản phẩm mô hình trồng thử nghiệm mới bắt đầu cho thu hoạch nên dự án chưa khẳng định được hiệu quả kinh tế do sản lượng cây trồng nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố ngoại cảnh. Do đó, dự án chỉ xin phép dừng lại ở đánh giá hiệu quả xã hội.
Cho đến nay, thạch hộc tía được sử dụng trong nhiều bài thuốc khác nhau như “Bài thuốc điều trị suy nhược thần kinh, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó ngủ”, “Bài thuốc trị di tinh, mộng tinh”, “Bài thuốc trị viêm bàng quang mạn tính”. Mặc dù cây lan thạch hộc tía mới cho thu hoạch 2 đợt, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ trên thị trường là rất lớn, đặc biệt là thị trường dược liệu Trung Quốc. Trong quá trình thực hiện dự án, sản phẩm lan thạch hộc tía đã được các Công ty Dược OPC và Công ty Cp nông dược Nghệ An sử dụng và chế biến thành các dạng thuốc bổ cho sức khỏe như: Trà hoa thạch hộc tía, trà túi lọc…
Trên cơ sở nhưng hoạt động mà dự án triển khai, Trung tâm Ứng dụng TBKHCN đã đề xuất: Để cây lan thạch hộc tía có thể duy trì và được phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cần thực hiện một số giải pháp như sau: UBND huyện Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Hợp cần tập trung nhiều nguồn lực gắn với các doanh nghiệp dược trên địa bàn để xây dựng được đề án phát triển dược liệu trên địa bàn toàn huyện. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc xây dựng Nhãn hiệu tập thể để các sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ H&CN Nghệ An sẽ định hướng chiến lược phát triển theo hướng sẽ trở thành Trung tâm để cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng lan thạch hộc tía.  Đối với chính quyền các xã cần quan tâm tuyên truyền vận động, lồng ghép các chương trình để người dân tham gia một cách chủ động vào các dự án./.
 

Hồng Minh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1185
  • Hôm nay22,729
  • Tháng hiện tại125,159
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây