Mô hình lớp học thông minh chuyển đổi số tại Việt Nam

Thứ ba - 14/11/2023 20:37 0

Trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục trở thành chủ trương quan trọng, nhiều nơi đã và đang triển khai lớp học thông minh theo hướng chuyển đổi số với chi phí khoảng 200-300 triệu đồng, một mô hình giáo dục mới hứa hẹn đem lại sự hiệu quả và sự tiện ích trong quá trình giảng dạy và học tập.

Chuyển đổi số giáo dục nhằm thay đổi phương pháp dạy và học truyền thống bằng cách ứng dụng nhiều công nghệ số. Chính sách này đã chứng minh hiệu quả trong đại dịch Covid-19, khi các lớp học trực tuyến giúp duy trì quá trình học tập mà không làm gián đoạn.

Nền tảng học tập "Make in Vietnam" theo hướng EduTech đã và đang thay đổi cách giáo dục được triển khai tại Việt Nam. Mô hình lớp học thông minh là một bước tiến mới, sử dụng công nghệ để hỗ trợ quá trình học tập và giảng dạy.

Mỗi học sinh sẽ được trang bị một thiết bị học tập, như máy tính bảng, chứa nội dung học tập số hóa. Giáo viên có thể tương tác với học sinh qua máy tính hoặc bảng tương tác thông minh. Hệ thống này bao gồm cả phần cứng và phần mềm, cùng với hệ thống quản lý chung theo khung của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Theo ông Đinh Trung Đức, Phó Giám đốc điều hành Nexta - công ty triển khai mô hình này, chi phí đầu tư cho một lớp học thông minh là khoảng từ 200-300 triệu đồng, phục vụ cho khoảng 40 học sinh. So với chi phí đầu tư truyền thống, đây là một chi phí hợp lý và giảm gấp 3 lần so với các hãng nước ngoài.

W-lop-hoc-thong-minh-chuyen-doi-so-giao-duc-4-3.jpg
Trong lớp học chuyển đổi số, giáo viên sẽ tương tác với học sinh thông qua bảng thông minh. Nội dung bài làm của học sinh trên tablet sẽ được đồng bộ dữ liệu với bảng. Ảnh: Trọng Đạt

Nexta đã triển khai mô hình lớp học thông minh tại hơn 20 trường ở nhiều địa phương, từ Hà Nội, Thái Bình, Nam Định đến Hà Tĩnh, Nghệ An và Hải Phòng.

Mỗi lớp học thông minh có thiết bị học tập cho học sinh, thiết bị giảng dạy cho giáo viên và bảng tương tác thông minh. Trong quá trình học, giáo viên có thể tạo đề bài, sử dụng hệ thống học liệu, và theo dõi tiến độ học tập của từng học sinh trên bảng tương tác thông minh.

Ngoài việc tăng cường tương tác và sự thú vị trong học tập, mô hình lớp học thông minh giúp giảm thời gian soạn giáo án của giáo viên. Hệ thống tự động đồng bộ câu trả lời của học sinh lên bảng tương tác, giúp giáo viên nắm bắt được tiến độ và chất lượng câu trả lời của cả lớp.

Khảo sát của Nexta tại một số trường đã triển khai mô hình này cho thấy sự hứng thú của học sinh tăng cao, sự sáng tạo trong học tập gia tăng, và khối lượng luyện tập tăng gấp 3 lần so với lớp học thông thường.

Theo ông Đức, lớp học thông minh chuyển đổi số sẽ trở thành xu hướng tại Việt Nam, nhưng vẫn còn thách thức là thiếu định nghĩa cụ thể về khái niệm này, dẫn đến sự hiểu lầm ở một số địa phương về cách triển khai. Ông hy vọng trong tương lai, có thêm nhiều nhà trường nghiên cứu và ứng dụng mô hình lớp học thông minh chuyển đổi số để đổi mới giáo dục./.
Bảo Tùng (TH)  theo https://vietnamnet.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây