Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Thứ sáu - 10/11/2023 20:41 0

Các đại biểu quốc tế gợi ý Việt Nam cần tạo không gian ươm mầm và quỹ khởi nghiệp, định vị công nghệ và kết nối để khai thác tiềm năng của thanh niên sáng tạo khởi nghiệp.

"Người trẻ sẽ dám mạo hiểm hơn nếu họ biết rằng có một mạng lưới hỗ trợ xung quanh giúp họ tự tin thử nghiệm", bà Nedra Fu, Giám đốc trường sáng tạo tại Creative HQ (New Zealand), chia sẻ tại Diễn đàn quốc tế Chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên, chiều 10/11.

Bà Nedra Fu nhấn mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp là điều quan trọng để thúc đẩy sáng tạo của thanh niên, song cho rằng cần thời gian, đầu tư tài nguyên và nuôi dưỡng. Bà cho hay, Bộ Phát triển Thanh niên New Zealand đã tạo ra bản đồ hệ sinh thái gồm các tổ chức và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thanh niên trên toàn quốc. Bà dẫn chương trình thuộc Quỹ Doanh nghiệp trẻ dành cho học sinh trung học xây dựng kỹ năng kinh doanh, hiểu biết tài chính; chương trình của Creative HQ ươm mầm hỗ trợ các sáng lập trẻ khởi nghiệp trong độ tuổi từ 17-25 để phát triển ý tưởng kinh doanh hay sáng tạo thanh niên tập trung hỗ trợ giải quyết các thách thức doanh nghiệp.

Cách thức để phát triển hệ sinh thái này là sự hợp tác liên kết giữa nhiều bên để hỗ trợ môi trường phát triển mạnh mẽ nhất cho các nhà khởi nghiệp, thông qua hỗ trợ vốn, khả năng, kết nối và văn hóa. Ngoài nguồn tài trợ từ chính phủ New Zealand, các sáng kiến khởi nghiệp thanh niên còn nhận được tài trợ vốn từ tư nhân, tổ chức từ thiện. Mạng lưới cựu sinh viên, trung tâm sáng tạo là cách thức hiệu quả để củng cố kết nối và hỗ trợ các nhà khởi nghiệp trẻ.

"Để tạo một hệ sinh thái bền vững, các sáng kiến như chương trình tăng tốc, ươm mầm và quỹ khởi nghiệp sẽ giúp giảm thiểu các rào cản đối với các nhà khởi nghiệp trẻ", bà nói.

 
Sinh viên tham dự diễn đàn quốc tế Chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên. Ảnh: Quang Trường

Sinh viên tham dự diễn đàn quốc tế Chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên. Ảnh: Quang Trường

Bà Nedra Fu đánh giá Việt Nam với dân số trẻ và nền kinh tế đang phát triển nên có điểm mạnh để khai thác tiềm năng của thanh niên trong lĩnh vực sáng tạo và khởi nghiệp. Vì vậy cần khuyến khích sáng tạo thanh niên, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp mới có tiềm năng phát triển, trong đó tập trung vào các công nghệ mới nổi và kết nối với hệ sinh thái quốc tế để tăng hiệu quả các chính sách.

Từ điểm cầu Hà Lan, bà Helen Gjester, cho hay muốn thúc đẩy khởi nghiệp cần kết nối mạng lưới và đầu tư vào doanh nghiệp có khả năng mở rộng như nhóm đối tượng nhà khởi nghiệp tạo tiềm năng giá trị. Bà đơn cử chính sách hỗ trợ tài chính thúc đẩy khởi nghiệp học sinh sinh viên mang tên Stud-ent. Năm 2023, 22 công ty thành lập từ trường đại học đã được nhận 100.000 Euro từ quỹ này và tham gia các hoạt động pitching, chương trình mentor nhằm đào tạo kỹ năng khởi nghiệp. "Việc hình thành không gian ươm tạo tập trung cho các chương trình công nghệ sẽ cung cấp hướng dẫn định vị công nghệ, kết nối, khởi nghiệp thanh niên", bà nói.

Đại diện từ Singapore đồng tình, cho rằng học sinh cần sớm tiếp xúc với môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại quốc gia phát triển mạnh về khởi nghiệp, ông này cho biết việc tạo môi trường để duy trì kết nối mạng lưới hệ thống là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Singapore có nhiều chương trình hỗ trợ tiếp cận nguồn đầu tư vốn và mạng lưới mentor, hỗ trợ mô hình kinh doanh phù hợp dưới hình thức vốn tài trợ.

 
Đại biểu quốc tế tham gia từ các điểm cầu trực tuyến, trong ảnh là đại diện từ Trung Quốc. Ảnh: Quang Trường

Đại biểu quốc tế tham gia từ các điểm cầu trực tuyến, trong ảnh là đại diện từ Trung Quốc. Ảnh: Quang Trường

Còn bà Siti Rosmawati binti Abd Rafor, Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia, nhấn mạnh chính sách hình thành xã hội có tư duy khởi nghiệp là nền tảng để Maylaysia thực hiện mục tiêu trở thành một quốc gia đi đầu về khởi nghiệp vào năm 2030. Trong chính sách Thanh niên Malaysia, chỉ rõ những thách thức kinh tế mà họ đang phải đối mặt và đưa ra các phương án thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Bà Rafor cho hay xây dựng mô hình phát triển thanh niên Madani 2030 nhằm giải quyết các nhu cầu của thế hệ trẻ trong bối cảnh công nghệ và thời đại số. Một trong những mục tiêu chính của mô hình này là hỗ trợ người trẻ thông qua việc xây dựng hệ sinh thái việc làm và khởi nghiệp số, trong đó chiến lược cốt lõi là quá trình chuyển đổi số khởi nghiệp.

Nhiều đại biểu tại diễn đàn cũng chia sẻ mô hình, chính sách và gợi ý hướng phát triển cho Việt Nam. Ông Nguyễn Phúc Bình, nguyên Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Australia, dẫn mô hình về công nghệ Tài chính (Fintech) của Australia, trong đó nhấn mạnh chính sách khuyến khích và ưu đãi vốn và thuế, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục áp dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

 
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phatr biểu chỉ đạo tại diễn đàn chiều 10/11. Ảnh: Quang Trường

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại diễn đàn chiều 10/11. Ảnh: Quang Trường

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh vai trò của công nghệ số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang trở thành nguồn lực trong thúc đẩy phát triển của đất nước, ở đó gắn với vai trò của thế hệ thanh niên. Nhắc về các câu chuyện về khởi nghiệp sáng tạo, ông Việt đánh giá thế hệ thanh niên là lực lượng, nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo, mang các tinh thần đặc trưng dám đổi mới, dám trải nghiệm. Ông kỳ vọng diễn đàn sẽ tạo cảm hứng, lắng nghe nhu cầu, đề xuất trong hợp tác quốc tế đồng thời tận dụng xu thế mới nguồn lực mới, tìm giải pháp phát triển trong tương lai.

Từ kinh nghiệm của các nước sẽ giúp đề xuất cơ chế phối hợp trong xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên, thông qua đó đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên tại Việt Nam.

Diễn đàn quốc tế Chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên do Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Sự kiện diễn ra trực tiếp và trực tuyến, kết nối đại biểu từ điểm cầu 14 quốc gia gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Israel, Australia, New Zealand, Na Uy, Phần Lan cùng tham dự.

Như Quỳnh

Nguồn tin: vnexpress.net

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây