Nam Đàn đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản

Thứ sáu - 03/09/2021 06:36 0
Ngày 04/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án thí điểm "Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025". Sau 04 năm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện,  tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông lâm thủy sản giai đoạn 2017 - 2020 đạt 4,05%. Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, thủy sản 1.117 tỷ đồng. Tổng sản lượng các sản phẩm chủ lực của huyện gồm, sản lượng lương thực bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt 93.766 tấn/ năm, năm 2020 đạt 95.067 tấn.Tổng sản lượng thịt hơi xuất bán bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt 14.480 tấn/ năm. Trong đó năm 2020 đạt 14.925 tấn, tăng 13,9% so với năm 2016. Xây dựng và triển khai đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, gắn sản xuất với chế biến các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP phục vụ du lịch, đến nay toàn huyện đã có 23 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
http://chanhnamdan.com/images/news/chanhnamdan2.jpg

Trong 4 năm qua, UBND huyện cũng như các xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, liên kết sản xuất với người dân, cũng như liên kết HTX DVNN giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Huyện đã xây dựng thành công các vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng VietGAP như: HTX rau an toàn Thanh Niên Nam Đàn, HTX rau củ quả Nam Anh, HTX rau củ quả Hùng Tiến, HTX nông nghiệp Nam An, HTX rau an toàn Nam Thanh, Vân Diên; Vùng sản xuất lạc giống tại Thượng Tân Lộc (So với trước khi thực hiện Nghị quyết 06 thì trên địa bàn huyện chưa có mô hình sản xuất rau màu tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP). Song song với hình thành các vùng rau màu VietGAP là phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Ngoài các mô hình nhà lưới có liên kết bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện có THT riềng Nam Hưng, vùng sản xuất ớt, trồng dâu nuôi tằm tại Khánh Sơn, nhiều mô hình duy trì hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiều năm liền tạo điều kiện cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Kết quả nổi bật trong tái cơ cấu đối với lĩnh vực trồng trọt là sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Cụ thể đã chuyển đổi 96,7 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu 15,6ha, trồng cây ăn quả 5,7 ha, trồng sen 25,6 ha và nuôi trồng thủy sản 49, 8ha; Chuyển đổi 73,2 ha đất màu sang trồng cây ăn quả 72,7ha và trồng cây dược liệu 0,5ha; Chuyển đổi diện tích đất vườn ở, đất màu sang trồng hoa hàng hóa 27,2ha. Trên địa bàn huyện có 615 hacây ăn quả tập trung, trong đó có 39,8 ha ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt
Trên cây lúa, huyện đã sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa,trên địa bàn huyện đã xây dựng các cánh đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp như: Công ty Giống cây trồng Trung ương, Tổng Công ty VTNN Nghệ An, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An... Đặc biệt các mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao: Bắc Thịnh, VNR20, Phú ưu 978... cho năng suất bình quân 66 - 68 tạ/ha cao hơn so với năng suất đại trà khoảng 04 tạ/ha, giá bán tăng từ 1,2-1,5 triệu/ tấn.
Đối với rau màu, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào địa bàn có hiệu quả, đưa vào sản xuất các giống rau có năng suất, chất lượng cao như hoa lý, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, dưa lưới… Tiếp tục duy trì được vùng sản xuất Bí Xanh tại khối Trường Long thị trấn Nam Đàn của HTX rau an toàn Vân Diên với diện tích 3,2ha, năng suất 20 tạ/ha, với thu nhập 200 triệu đồng/ha, Mô hình sản xuất dưa chuột tại Xuân Lâm. Hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng VietGAP như tại HTX rau an toàn Xuân Hòa, Nam Thanh, Vân Diên, HTX rau an toàn Thanh Niên Nam Đàn, HTX rau củ quả Nam Anh; HTX rau củ quả an toàn Hùng Tiến. 
Toàn huyện đã xây dựng và nhân rộng được 17.000m2 nhà lưới, nhà màng sản sản xuất rau củ quả tại Nam Anh, Kim Liên, Trung Phúc Cường, Hùng Tiến, Xuân Hòa, Nam Nghĩa, Nam Giang...; mô hình trồng nấm tại Thượng Tân Lộc.
Đối với cây ăn quả, trên các vùng đất đồi, đất bãi cao đã triển khai xây dựng một số mô hình chuyển đổi từ trồng màu không hiệu quả sang trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, tiết kiệm nước tại các xã Nam Hưng, Nam Thái, Nam Nghĩa, Nam Thanh, Hồng Long, Thượng Tân Lộc....
Đối với cây Hoa, ngoài việc duy trì sản xuất hoa thời vụ tại các xã như Hùng Tiến, Xuân Hòa, Thị trấn, đã hình thành được một số vùng trồng hoa quanh năm tại Kim Liên, Xuân Hòa, Hùng Tiến, Nam Giang cung cấp hoa cho khu di tích Kim Liên cũng như đầu tư thâm canh để nhân trồng các loại hoa có giá trị như Ly, Hồng, Lay ơn ... Ngoài ra những năm qua, trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ diện tích trồng Sen. Đặc biệt là tại các vùng sâu trũng, sình lầy và một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng sen đã và đang khẳng định hiệu quả kinh tế. Hiện nay, toàn huyện có gần 100ha sen tạo cảnh quan đẹp, phục vụ nhu cầu ngày tuần, ngày lễ và cung cấp nguyên liệu làm sản phẩm OCOP cho HTX Sen Quê Bác, bước đầu cho thu nhập khá…
Trong chăn nuôi, những năm gần đây đã định hướng và chỉ đạo phát triển mạnh đàn dê tại các xã vùng bán sơn địa, hình thành một số trang trại nuôi dê với tổng đàn lớn. Điển hình có trang trại ở xã Nam Nghĩa nuôi hơn 1.400 con. Tổng đàn dê toàn huyện năm 2020 là 8.195 con, tăng 4.749 con so với cùng kỳ năm 2016, tăng 84%. Bên cạnh đó đã hình thành và nhân rộng một số mô hình nuôi con đặc sản có hiệu quả kinh tế cao như nuôi dế thương phẩm, nuôi ong mật, nuôi gà Ác, gà Ri, nuôi gà Tiến vua, gà Chọi, nuôi Ba Ba tại Kim Liên…
Kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi là sự chuyển dịch về quy mô chăn nuôi. Tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ giảm (giảm mạnh nhất là chăn nuôi lợn nông hộ, giảm hơn 10.000 hộ chăn nuôi lợn trong khu dân cư). Đồng thời phát triển hình thức chăn nuôi tập trung. Ngoài phát triển trang trại mới, một số trang trại chăn nuôi kém hiệu quả, bỏ trống chuồng thì trong những năm gần đây đã kêu gọi được doanh nghiệp liên kết để tái sản xuất. Để ổn định sản xuất và đảm bảo ổn định đầu ra, các cơ sở chăn nuôi ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi. Năm 2016 toàn huyện chỉ có 3 cơ sở chăn nuôi lợn nái liên kết của công ty CP thì đến năm 2020 toàn huyện có 14 cơ sở liên kết từ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm, ngoài liên kết trong chăn nuôi lợn thì được mở rộng thêm liên kết chăn nuôi gia cầm và dê. Song song với phát triển chăn nuôi thì vấn đề xử lý chất thải được quan tâm và khắc phục đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do hoạt động chăn nuôi gây ra với sự phát triển nhanh số lượng bể Biogas. Năm 2020 toàn huyện có 7.867 bể Biogas và hầm xử lý chất thải, tăng  4.440 bể so với năm 2016.
Như vậy chăn nuôi có sự chuyển dịch theo đúng định hướng của Nghị quyết đặt ra là thu hẹp hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tích cực kêu gọi doanh nghiệp liên kết, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung tại các vùng được quy hoạch, bảo đảm tổng sản lượng vật nuôi chủ lực và phát triển con đặc sản có thế mạnh.
Hướng chăn nuôi theo quy trình VietGAP được các trang trại quan tâm. Hiện tại toàn huyện có 04 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và 02 cơ sở được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ tại tại các xã Nam Anh, Nam Xuân, Hùng Tiến, Nam Thanh, Nam Nghĩa, Nam Hưng, Nam Lĩnh chỉ đạo thực hiện mô hình VietGAP nông hộvới hơn 400 hộ chăn nuôi tham gia. Một số trang trại và nông hộ VietGAP ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với các nhà hàng, siêu thị tại thành phố Vinh và các bếp ăn tập thể của các công ty, trường học… Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện xây dựng nhiều cơ sở chăn nuôi con đặc sản quy mô lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP, là những mô hình hiệu quả cao, nhiều địa phương trong tỉnh tham quan, học tập. Một số mô hình nổi bật như mô hình gà Ác (quy mô 2.000 con), mô hình gà Ri (5.000 con) tại xã Nam Nghĩa; mô hình Lai Chọi (30.000 con) tại Nam Thái; mô hình Dê lai Bách Thảo nuôi nhốt (300 con) tại xã Nam Hưng…Đây là các mô hình áp dụng khoa học trong chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh đồng thời tạo sản phẩm chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển con đặc sản có thế mạnh trên địa bàn huyện.
Về ứng dụng máy móc, cơ giới vào sản xuất, đặc biệt là trong trồng trọt đã cơ giới hóa phần lớn các khâu từ làm đất đến thu hoạch bằng máy cày, máy gặt đập liên hợp, toàn huyện hiện gần 150 cái máy nông nghiệp các loại. Trong chăn nuôi có hệ thống máng ăn, máng uống tự động, có máy phối trộn, ủ và hoàn viên thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra tại các trang trại lớn đầu tư máy phun hóa chất tự động, máy sấy tia UV… để phòng chống dịch bệnh.
Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bảo đảm ổn định sản lượng lương thực, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nông sản; Tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng đất đai; Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng vùng sản xuất VietGAP, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện.
                                                                                                                               Trần Mạnh Hồng




 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2511
  • Hôm nay132,763
  • Tháng hiện tại923,687
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây