Chế tạo thành công máy gieo sạ lúa kết hợp bón phân theo hàng

Thứ hai - 15/07/2024 23:18 0
Gieo sạ lúa có nhiều ưu điểm so với phương pháp cấy lúa truyền thống, như năng suất cao và đảm bảo thời vụ. Tuy nhiên, các phương pháp sạ thủ công hoặc sạ hàng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, như hạt gieo dễ bị nổi trên mặt ruộng, bị chim chuột phá hoại, sạ không đều và chi phí nhân công cao. Mức độ cơ giới hóa trong khâu gieo cấy ở Việt Nam vẫn còn rất thấp. Các máy gieo sạ phổ biến hiện nay chủ yếu là công cụ kéo tay hoặc liên hợp với máy kéo nhưng vẫn không đảm bảo yêu cầu nông học. Trong khi đó, các nước tiên tiến đã sử dụng các máy gieo hiện đại, có năng suất cao và đảm bảo yêu cầu nông học.
Nhằm giải quyết các vấn đề trên, từ năm 2019 đến năm 2021, TS. Nguyễn Thanh Hải cùng các cộng sự tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy gieo sạ lúa kết hợp bón phân theo hàng với sự trợ giúp của khí nén”. Mục tiêu của đề tài là làm chủ thiết kế và quy trình công nghệ chế tạo máy gieo sạ lúa kết hợp bón phân theo hàng, phù hợp với điều kiện canh tác lúa của Việt Nam.
https://www.vista.gov.vn/vn-uploads/news/2024/7-2024/17-7-2024/14.jpg
Sau hai năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thiết kế và chế tạo thành công máy gieo sạ lúa kết hợp bón phân theo hàng với sự trợ giúp của khí nén. Máy đã được khảo nghiệm thực tế với các thông số kỹ thuật như sau: Kích thước phủ bì (D×R×C): 1500x5700x2183 mm. Số lượng hàng gieo: 24 hàng. Số hàng dúi phân: 12 hàng. Khoảng cách hàng gieo có thể điều chỉnh: 200-250 mm. Mật độ gieo sạ hạt: 100-150 hạt/m2. Độ sâu vùi hạt: 3-15 mm. Mật độ bón phân: 60-70 viên phân/m2. Độ sâu viên phân: 10-30 mm. Động lực liên hợp: Máy kéo L4508VN
Mô hình sử dụng máy gieo sạ kết hợp bón phân theo hàng đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tiền lãi thu được so với sạ thủ công (sạ lan) cao hơn 9.590.000 đồng/ha (tăng 47,4%) và so với sạ hàng tăng 15,4%.
Quy trình kỹ thuật canh tác lúa sử dụng máy gieo sạ kết hợp bón phân theo hàng với sự trợ giúp của khí nén có thể áp dụng cho canh tác giống lúa thuần tại các tỉnh phía Bắc. Kết quả nghiên cứu góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn. Nhóm nghiên cứu dự kiến tiếp tục cải tiến máy để gọn nhẹ hơn và tích hợp thêm các chức năng khác như phun thuốc trừ cỏ và ốc bươu vàng.
Đề tài nghiên cứu của TS. Nguyễn Thanh Hải và các cộng sự đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam. Kết quả này mở ra triển vọng ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, giúp nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất cho nông dân./.
Hải Hà (TH)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập447
  • Hôm nay30,110
  • Tháng hiện tại321,727
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây