Tiểu luận phê bình văn học: "Mùa cổ điển" (Quách Tấn) gặp gỡ, giao lưu với Đường thi và phong trào Thơ mới

Thứ sáu - 12/01/2024 04:21 0
Nếu "Thi Nhân Việt Nam" là tập sách nghiên cứu, giới thiệu và tuyển thơ của hơn 40 nhà thơ nổi trội của phong trào Thơ mới, thì tập thơ tiếp nối cái cũ và hội nhập cái mới, vinh dự thuộc về "Mùa cổ điển", tác phẩm "khép lại" (chữ dùng của tác giả "Thi Nhân Việt Nam", Nxb Văn Học, Hà Nội, 1994, tr.28) một thời thơ.
Một thời thơ được hiểu là "một thời đại trong thi ca", có thể trên mười năm hoặc một thời đại chẵn mười năm - như hai tác giả "Thi Nhân Việt Nam" nhận định - mà đặc điểm là: "Trong mười mấy năm ấy, thơ mới đã đấu tranh gắt gao với thơ cũ, một bên giành quyền sống, một bên giữ quyền sống. Cuộc đấu tranh kéo dài cho đến ngày thơ mới toàn thắng".
Thơ ca là nơi ký thác tâm hồn. Trước hết, mạch chảy bắt nguồn từ tư tưởng nhân văn trong văn học Việt Nam cố vùng vẫy để thoát khỏi ràng buộc của tính phi ngã, gặp trào lưu nhân văn mới về tư tưởng giải phóng cá nhân và giải phóng cá tính sáng tạo. Trong "Thi Nhân Việt Nam", khi luận về "một thời đại trong thi ca", Hoài Thanh nhận xét: "Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ". Nơi gặp gỡ, giao lưu này dưới ánh sáng nhân văn mới, các thế hệ thi nhân chối bỏ kiểu tư duy nghệ thuật giáo điều, khuôn sáo hóa, không có sinh khí, đưa thi ca vươn mình đến một cuộc cách mạng, để lại trong lịch sử thi ca những chứng tích giữa cuộc đấu tranh thơ cũ và thơ mới.


Lịch sử phát sinh Thơ mới sự thật là đã có mầm móng từ trước. Trước năm 1932, Tản Đà đã có bài "Cảm thu, tiễn thu" hình thức cũng mới.
        Từ vào thu đến nay
         Gió thu hiu hắt
         Sương thu lạnh
         Trăng thu bạch
       Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu gành
Sương thu tiễn lá bao ngành biệt ly.
Hoặc bài "Tống biệt" sau đây:
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi
        Nửa năm tiên cảnh
          Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
          Đá mòn, rêu nhạt
        Nước chảy, huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
                  Cửa động
                   Đầu non
                Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Với giọng điệu phóng túng riêng của những bài thơ trên, phải chăng "tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa"?
Nếu từ năm 1917 là thời kỳ thai nghén thì năm 1932 là thời kỳ thoát thai của phong trào Thơ mới. Tiếng khóc chào đời đầu tiên là tiếng khóc "Tình già" của đứa con Phan Khôi. Bài thơ này được ra mắt bạn đọc trên báo "Phụ Nữ Tân Văn" số 122 ngày 10/3/1932 cùng với bài giới thiệu lấy tên: Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ.
                Tình già
                               (Phan Khôi)
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ.
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- "Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng. Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!"
- "Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ? Thương được chừng nào hay chừng ấy, chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy. Ta là nhân ngãi đâu có phải vợ chồng mà tính chuyện thủy chung!"
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau. 
Đôi cái đầu đều bạc. 
Nếu chẳng quen lung đó, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi con mắt còn có đuôi.

Đứa con "Tình già" của Nhà báo Phan Khôi có thể coi là tên lính xung phong vào thành trì thơ cũ, mạnh dạn đoạn tuyệt với tình xưa. Trong "Thi Nhân Việt Nam", Hoài Thanh viết: "Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong tâm hồn ta. Ta không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu ghét giận hờn nhất nhất như ngày trước. Đã đành ta chỉ có chừng ấy mối tình như con người muôn nơi và muôn thuở. Nhưng sống trên đất nước Việt Nam ở đầu thế kỷ 20 những mối tình của ta không khỏi có cái màu sắc riêng, cái dáng dấp riêng của thời đại (...) Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm u uất, cái khát vọng được thành thật". Nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau lòng! Ông Lưu Trọng Lưu đã viết trong quyển "Người Sơn Nhân" hồi tháng 5/1933: "Người thanh niên Việt Nam ngày nay đương bơ vơ đi tìm người thi nhân của mình như người đi tìm mẹ" ("Thi Nhân Việt Nam", Sđd, tr.17). Bơ vơ như hình ảnh "con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô". Bơ vơ đứng giữa ngã ba đường với tâm trạng thổn thức...rạo rực "Em không nghe mùa thu dưới trăng mờ thổn thức? - Em không nghe rạo rực hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ?" (Tiếng thu - Lưu Trọng Lư).
Do đó, sẽ là thiếu sót nghiêm trọng trong khảo luận về Thơ mới, nếu không đề cập đến thế hệ thi nhân mới.
Như chúng ta biết, Thơ mới với sự chối bỏ mạnh mẽ kiểu tư duy nghệ thuật giáo điều, mang tính phi ngã, sáo rỗng của lối thơ cũ tai hại đang ngự trị trên thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ, và hướng thi ca vào con người cá nhân và cảm xúc mới đã mở đường cho sự giải phóng cá tính sáng tạo, góp phần quyết định đem lại sinh khí văn học nói chung, cho thi ca nói riêng.
Trước hết, xin đề cập đến khía cạnh: Thế hệ thi nhân mới với việc ngày càng định rõ phạm vi chống cái cũ trong thi ca lúc bấy giờ.
Có thể nói, trước yêu cầu lịch sử khẩn thiết về sự vận động đổi mới trong thi ca, thế hệ thi nhân mới cần phải chống lại lối thơ cũ tai hại không có sắc thái cá tính sáng tạo (một lối thơ rất thịnh hành trong vài ba mươi năm trước đó). Trong "Thi Nhân Việt Nam", Hoài Thanh viết: "Vẫn biết trong lối thơ ấy cũng đã sản xuất ít bài có giá trị, song những bài ấy thưa thớt quá không che được cái tầm thường mong manh, cái trống rỗng đồ sộ đương ngự trị trên thi đàn Việt Nam. Tinh thần lối thơ ấy đã chết, họ phải thoát ly ra khỏi xác chết để tìm một con đường sống. Không biết gọi xác chết ấy thế nào, họ đặt liều cho cái tên: Thơ cũ. Chữ dùng có thể sai nhưng nguyện vọng của họ rất chính đáng. Có bao giờ họ xâm phạm đến các thi hào ngày xưa đâu, mà họ phải bênh vực. Họ chỉ công kích một lối thơ gần đây, một lối thơ tai hại, nó vẫn giống thơ Lý, Đỗ như cái nhăn mặt của Đông Thi vẫn giống cái nhăn mặt của Tây Thi vậy! Họ không muốn nhăn mặt, sợ mang cái dại của Đông Thi. Họ tìm những vẻ đẹp khác. Thơ mới đã ra đời." ("Thi Nhân Việt Nam, Sđd, tr. 40, 41).
Trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 27, tháng 12/1934, Lưu Trọng Lư quả quyết "Thơ ca ta ngày nay đang ngắc ngoải, không còn một chút sinh khí, đang triền miên trong cõi chết. Rặt những câu trần ngôn sáo ngữ, đúc đi đúc lại từ xưa đến nay, không thêm bớt, không sứt mẻ". Năm 1935 Thế Lữ phê bình tập thơ "Những bông hoa cuối mùa" nhân đó bài xích thơ cũ: "Cái tài của các ông là cái tài xào nấu lại các món ăn cũ. Các ông lấy lời văn, ý tưởng, tình cảm của người khác làm của mình. Trong thơ các ông đầy rẫy những cảnh tuyết, mai, thông, cúc, chỉ quanh quẩn ở những điển tích mà đã thấy nghìn lần người ta nhắc đến nghe quen tai quá". Đó là những hồi chuông báo động khẩn thiết cảnh tỉnh làng thơ giữa lúc "đang triền miên trong cõi chết" mà nguyên nhân trước tiên là sự tê liệt cảm xúc. Vì vậy cũng trong phần phê bình tập thơ trên, Thế Lữ viết: "Các ông khen âm điệu thơ cũ thánh thót, thâm trầm như tiếng đàn năm cung. Không ai cãi lại hai ông, nhưng tiếc rằng khi nghĩ đến đàn, các ông lại nghĩ đến tính tình của người khác xúc động bằng tâm hồn của người khác, vì trong lòng các ông không có một cảm xúc riêng nào". Đây là một tai hại lớn giết chết thơ ca. Bởi tiếng thơ không xuất phát từ tiếng lòng, bởi tiếng thơ không quay về với tiếng nói độc bạch nội tâm. Bởi không xuất phát từ quy luật tình cảm với tư cách là một quy luật đặc thù của hoạt động văn học, nghệ thuật. Và bởi không có sắc thái cá tính sáng tạo độc đáo, riêng biệt.
Tóm lại, thế hệ thi nhân mới không hề có chủ trương chống lại các thi hào đời xưa, không cắt đứt với quá khứ, mà chỉ chống cái sáo cũ mang tính phi ngã, không có sắc thái cá tính sáng tạo trong thi ca lúc bấy giờ.
Kế tiếp, xin đề cập đến khía cạnh thứ hai: Thế hệ thi nhân mới với cảm xúc mới trong sáng tạo.
Như chúng ta biết, thế hệ thi nhân mới là thế hệ của lớp người trẻ, có tài, không ít người có trình độ học vấn cao. Có thể nói, một nguyên nhân về sự ra đời và trưởng thành của thế hệ thi nhân mới này là vấn đề giao lưu, hội nhập. Tại đây - nơi giao lưu, gặp gỡ này - ngọn gió lành đi qua miền sa mạc, những dòng sông gặp những dòng sông. Tại đây, chủ nghĩa nhân văn mới mang hơi thở thời đại, là nơi gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại, chuyển lưu thành cảm xúc mới - hướng nội trong sáng tạo. Tại đây, thế hệ thi nhân mới ít nhiều có ảnh hưởng Pháp. Trong "Thi Nhân Việt Nam", Hoài Thanh viết: "Thơ Việt đã diễn lại trong mười năm cái lịch sử một trăm năm của thơ Pháp từ lãng mạn đến Thi Sơn, tượng trưng và những nhà thơ sau tượng trưng (...) Thơ tượng trưng được người ta thích hơn, nhất là Baudelaire, người đầu tiên đã khơi nguồn thơ ấy. Có thể nói hầu hết các nhà thơ (...) không nhiều thì ít đều bị ám ảnh vì Baudelaire" ("Thi Nhân Việt Nam", Sđd, tr.15). Xuân Diệu nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới cũng là người chịu ảnh hưởng Baudelaire sâu sắc nhất. Tác giả "Thi Nhân Việt Nam" hình như đã phần nào nhận ra lý do, khi nhận xét: "Hai lối thơ (thơ Đường và thơ tượng trưng Pháp) có chỗ giống nhau, hai lối thơ đều ghét lý luận, ghét kể chuyện, ghét tả chân".
Cần nói thêm rằng, trong bài viết "Kế thừa truyền thống dân tộc trong đổi mới thơ ca qua kinh nghiệm lịch sử của phong trào Thơ mới" (Tạp chí Văn Học, tháng 11/1994) GS. Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: "Hai lối thơ đều muốn đi tìm và diễn tả những gì thật sâu xa có tính khái quát triết lý nhưng vô hình ẩn đằng sau những tương quan hữu hình của thế giới này. Hai lối thơ đều đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thi ca nhờ ngôn ngữ tinh luyện, hàm súc, có khả năng diễn tả được những biến thái (nuances) hết sức tinh vi của tạo vật và con người".
Vậy là Thơ mới đã tìm đến trường phái thơ tượng trưng của Pháp (tượng trưng Baudelaire, Verlaine hơn là tượng trưng Mallarme) nhất là tìm đến nơi hội ngộ tuyệt vời giữa tư duy thơ truyền thống nghìn xưa của phương Đông với tư duy thơ hiện đại của phương Tây. Tại đây nhận ra một điều có tính quy luật: "Mọi đổi mới đều không thể cắt đứt với quá khứ, dù quá khứ hết sức xa xưa".
Tại đây, xuất hiện vấn đề cảm xúc mới trong sáng tạo của thi phẩm phong trào Thơ mới. Khác với lối thơ cũ đang ngự trị trên thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ chuyên vay mượn cảm xúc của người khác, chẳng khác nào như hình xác con bướm ép trên trang sách. Ngược lại, thi phẩm của.,..... phong trào Thơ mới ít nhiều đều chứa đựng cảm xúc riêng và ý thức mới về con người cá nhân. Riêng ý thức mới về con người cá nhân, một vấn đề thuộc hệ tư tưởng của Thơ mới, giữ vai trò quyết định việc Thơ mới có mới hay không. Đó là nói đến hệ tư tưởng, ý thức triết học của Thơ mới. Còn cảm xúc mới nói đến ở đây với tư cách là một đặc trưng của hoạt động sáng tạo văn học và là văn học mới - Thơ mới, được xem là phần nền của cá tính sáng tạo trong thi phẩm của phong trào Thơ mới. Vì Thơ mới ở nước ta chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng và những nhà thơ sau tượng trưng nên tính chất của cảm xúc mới trong sáng tạo thường có: tính chân thật, lãng mạn, phân thân tự bạch, đặc biệt tính hướng nội với trọng lực nghiêng về chủ thể là một đặc trưng mang tính khác biệt đặc thù để nhận diện cảm xúc mới của Thơ mới.
Với ý nghĩa đó, bắt gặp đâu đây cảm xúc mới trong hình ảnh"Những luồng run rẩy rung rinh lá - Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh" trong "Đây mùa thu tới" (Xuân Diệu).
Ở đây, "những luồng run rẩy rung rinh lá ..." là cảm xúc riêng, rất Xuân Diệu "thiết tha rạo rực lẽ yêu đời" mà mạch cảm xúc bắt nguồn từ bên trong chủ thể trữ tình lan tỏa, tương hợp với thiên nhiên, vạn vật, đất trời mùa thu.
Biểu hiện mang tính chủ thể, ở chỗ này là liễu rủ buồn:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới - Mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Ở chỗ kia, hơn một loài hoa tả tơi rơi rụng:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Và xa xa trong sương mờ:
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò.
Kết thúc bài thơ với giọng điệu buồn ("tôi buồn không biết vì sao tôi buồn"):
Mây vẩn tầng không chim bay đi
Khí trời u uất hận chia ly
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.
Trở lại cảm xúc mới trong hình ảnh "Những luồng run rẩy rung rinh lá - Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh". Đối với Thơ mới điều quan trọng không phải là thế giới hiện ra cho chúng ta, mà là thế giới nghiệm sinh của chúng ta. Do đó, điều quan tâm lớn nhất của trào lưu Thơ mới là tính hướng nội với trọng lực nghiêng về chủ thể. Vì vậy sẽ là phi lý nếu duy nhất nghĩ rằng "những luồng run rẩy rung rinh lá..." là hình thể giới hiện ra cho chúng ta, thế giới của thiên nhiên, vạn vật, đất trời mùa thu. Mà không nghĩ rằng hình ảnh "những luồng run rẩy rung rinh lá..." là cảm xúc riêng mang tính tâm trạng, hoàn toàn cá nhân. Đó là cảm xúc - hướng nội.
Đến cuối "một thời đại trong thi ca", nhà Thơ mới Chế Lan Viên trân trọng giới thiệu, viết Tựa cho "Mùa cổ điển". Một vinh dự đến với tập thơ này: "Làng thơ mới tự mình mở cửa đón mời một người cũ. Họ không nói chuyện hơn thua nữa. Thực hành một ý kiến phát biểu ra từ trước, họ nhã nhặn bỏ luôn cái danh hiệu Thơ mới, từ nay thơ họ chỉ gọi là Thơ" ("Thi Nhân Việt Nam", Sđd, tr.29, 30).

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây