Năm con trâu, bàn thêm về cách dịch thôn ngưu trong bài thơ ''Thuật hoài'' của Phạm Ngũ Lão

Thứ sáu - 05/02/2021 04:21 0

Hồ Sỹ Hùy

  Bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão từ lâu đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 10, Nxb. Giáo dục và được nhiều nhà giáo, học giả phân tích.

Nguyên văn chữ Hán: 述懷 

橫槊江山恰幾秋,
三軍貔虎氣吞牛。
男兒未了功名債
羞聽人間說武侯。

 Phiên âm: Thuật hoài

 Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,

Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu.

 Nam nhi vị liễu công danh trái,

 Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

 Dịch nghĩa: Tỏ nỗi lòng

Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,

Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.

Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,

Thì luống thẹn thùng khi nghe chuyện Vũ Hầu.

Dịch thơ: (Bùi Văn Nguyên dịch)

Múa giáo non sông trải mấy thu,

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Bản dịch nghĩa và dịch thơ trong Ngữ văn 10, NXB GD, 2006)

Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm trong sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII; Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm (CB) trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam… cũng dịch nghĩa tương tự. Tuy vậy, điều cần bàn là trong sách Văn học 10 (NXB Giáo dục, 1998) có bản dịch thơ khác:

 Vung giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh át sao Ngưu

Công danh trai trẻ còn vương nợ

Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu

Sau này khi chỉnh lí hợp nhất thì ở sách Văn học 10 (NXB Giáo dục, 2000) các soạn giả vẫn giữ lại cách hiểu trên.

Bản dịch nghĩa và dịch thơ trong Ngữ văn 10, NXB GD, 2006 là theo sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam T.II, Nxb Văn Học. H.1976 in lại lần 2 có sửa chữa. Sách do Đinh Gia Khánh chủ biên; Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc San sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn. Sách này chú thích: “Lâu nay nhiều người nhận nghĩa chữ ngưu trong thôn ngưu là sao Ngưu. Nhưng sách Từ nguyên chú thích hai chữ “thôn ngưu” có dẫn câu trong Thi tử: Hổ báo chi tử, nhi vị thành văn, hữu thực ngưu chi khí (nguyên văn chữ Hán虎豹之子而未成文有食牛之氣 - HSH chú thêm) nghĩa là giống hổ báo nhỏ khi chưa thành vằn đã có sức nuốt được cả trâu. Thơ Đỗ Phủ có câu: “Tiểu nhi ngũ tuế khí thôn ngưu” (nguyên văn chữ Hán: 小而五歲氣吞牛” -  HSH chú thêm) nghĩa là trẻ con mới 5 tuổi đã có khí mạnh có thể nuốt trâu. Bởi vậy chữ thôn ngưu ở bài này cũng có nghĩa là nuốt trâu. Chúng tôi chú cả 2 nghĩa để độc giả tham khảo” (Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. Sđd, tr. 147).  Sách này chú thế nhưng thầy cô giáo và học sinh khi phân tích đều giảng theo nghĩa thôn ngưu là nuốt trâu mà sách giáo khoa đã chọn, có lẽ đã làm giảm giá trị bài thơ!

Trong 2 nghĩa mà sách trên chú thích, chúng tôi cho rằng cách hiểu ngưu ở đây là sao Ngưu mới thật là thơ! Cách hiểu này đã được nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi như Trần Trọng Kim (trong Việt Nam sử lược tái bản nhiều lần), Trần Đình Sử (trong Đọc văn, học văn NXB Giáo dục, 2001), Phan Hữu Nghệ (trong Phân tích văn bản một số tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu, NXB Đại học Sư phạm, 2002) tán thành. Cách phân tích của GS. Trần Đình Sử khá thuyết phục: Có người dịch “hùng khí nuốt trôi trâu” thì cụ thể quá. Thật ra ở đây tác giả sử dụng thành ngữ “khí thôn Ngưu Đẩu” là chỉ khí thế chực nuốt sao Khiên Ngưu và sao Bắc Đẩu, tức chỉ chung cái khí thế nuốt cả sao trời, bầu trời ở trên cao, chứ không riêng gì sao Ngưu. Chúng tôi nghĩ rằng chuyển thành “hùng khí át trời sao” thì thích hợp và thi vị hơn là “nuốt trôi trâu”… (Sách đã dẫn, tr.34). Tôi muốn nghĩ thêm: Theo quan niệm của người phương Đông thì sao Ngưu, sao Đẩu là những ngôi sao sáng rực rỡ và thường được gắn cho những người có trí tuệ trác việt, nên ý nghĩa của thành ngữ “khí thôn Ngưu Đẩu” không chỉ đơn thuần như GS. Trần Đình Sử nói: “chỉ chung cái khí thế nuốt cả sao trời, bầu trời ở trên cao” mà đây hẳn là khí thế át hẳn các ngôi sao sáng nhất tượng trưng cho các tướng sĩ giỏi nhất! Khí thế đó mới chính là khí thế của danh tướng Phạm Ngũ Lão và “tam quân” Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Mông - Nguyên khét tiếng thế giới lúc bấy giờ!

Theo tôi, thơ vốn đa nghĩa, lại còn thi tại ngôn ngoại (ý ở ngoài lời) nên rất cần những khoảng lặng để bạn đọc tưởng tượng. Do vậy có thể dịch thôn ngưu thành nuốt Ngưu Đẩu như cách mà nhà thơ lớn Xuân Diệu (1916 - 1985) đã dịch thơ Bác trong bài thơ chữ Hán Đăng Sơn 登山 có lẽ là tốt nhất: Huề trượng đăng sơn quan trận địa/ Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân/ Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu/ Thệ diệt sài lang xâm lược quân.

攜杖登山觀陣地,
萬重山擁萬重雲.

義兵壯氣吞牛斗,

誓滅豺狼侵掠軍.

Bản dịch thơ của Xuân Diệu:

Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây.

Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.

(Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, NXB Văn học, Hà Nội, 1990).

Dịch như thế nghĩa vừa cụ thể vừa trừu tượng có lẽ là thơ hơn cả. Dịch mà như chưa dịch. Dĩ nhiên phải chú thích đầy đủ cả 2 cách hiểu và nói rõ vị thế của sao Khiên Ngưu, sao Bắc Đẩu để bạn đọc lựa chọn.

Cũng cần chú ý thêm: Khi nhắc đến tiểu sử Vũ hầu Gia Cát Lượng, thầy trò chỉ mới nhắc đến các chiến công trận mạc lừng lẫy của vị quân sư thiên tài này mà chưa chú ý đến chi tiết Trần Đình Sử đã chỉ ra: “Gia Cát cho biết ông xuất thân áo vải, cày ruộng kiếm ăn cho qua đời loạn. Thế mà Lưu Bị không hiềm ông địa vị hèn mọn, 3 lần đến lều cỏ mời ra, cái ơn tri ngộ ấy lớn lắm. Phạm Ngũ Lão vốn xuất thân trong một gia đình nông dân, sau đó là môn khách của Trần Hưng Đạo, không phải xuất thân quý tộc, mà cũng được Trần Hưng Đạo coi trọng, cho làm rể, đề bạt làm Điện soái thượng tướng quân, thì cái ơn này cũng không nhỏ. Cho nên ông nói “Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu”. Nói thế cũng còn có nghĩa là nói mình chưa báo đáp được cái ơn tri ngộ của chủ tướng như Gia Cát Lượng” (Sách trên, tr. 35).

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây