Tiềm năng và lợi thế phát triển vùng Tây Nam Nghệ An

Thứ hai - 04/12/2023 04:21 0
Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 19 xác định Nghệ An phát triển 03 vùng kinh tế trọng điểm: Phát triển thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam; Phát triển vùng Quỳnh Lưu - Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An trở thành vùng kinh tế động lực phía Bắc; Phát triển bền vững kinh tế xã hội vùng miền Tây Nghệ An. 
Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp cho vùng miền Tây như: Tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, trong đó có: Hành lang kinh tế đường mòn Hồ Chí Minh với trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái. Hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với trọng tâm phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng. Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa. 
Vùng Tây Nam Nghệ An gồm 5 huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Với đường biên giáp với tỉnh Xiêng Khoảng và Bôlikhămxay nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. 5 huyện đều nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KSQTG) miền Tây Nghệ An (vùng lõi là Vườn quốc gia Pù Mát và 2 khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận vào ngày 18/9/2007 là Khu sinh quyển thế giới được công nhận thứ 6 của Việt Nam và là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất khu vực Đông Nam Á; Các đặc trưng về sự giàu có, phong phú của đa dạng sinh học và tính đa dạng, độc đáo về văn hoá là nguồn lực tự nhiên, văn hoá nổi bật nhất của Khu SQTG miền Tây Nghệ An và có tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, cộng đồng. Vườn Quốc gia Pù Mát, trái tim của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây xứ Nghệ, giàu trữ lượng rừng, hệ sinh thái đa dạng, đây là cơ hội phát triển kinh tế dưới tán rừng rất lớn.
Diện tích vùng Tây Nam khoảng 837.741ha (8.377 km2) chiếm 50,7% diện tích của cả tỉnh, chiếm 60,9% diện tích các huyện miền Tây Nghệ An. Dân số vùng năm 2020 là 602.680 người, chiếm khoảng 17,9% dân số tỉnh, khoảng 48,7% dân số miền Tây Nghệ An. Diện tích đất lâm nghiệp của vùng 693.411 ha, chiếm 68% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. 
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm/động lực và liên kết vùng của tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập từ công tác quy hoạch; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách và thực hiện liên kết nội vùng cũng như liên vùng.
1. Tiềm năng và lợi thế vùng Tây Nam 
Về địa hình, các huyện đều có các đỉnh núi cao trên 1000 m và cao nhất là đỉnh Pu xai lai leng (Kỳ Sơn) với độ cao 2720 m. Về đất đai là vùng có đất phù sa, đất vàng, đất Feralit,..
Vùng có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau như Na Ngoi, Mường Lống (Kỳ Sơn), Tam Hợp (Tương Dương), Cao Vều (Anh Sơn) và Mường Lống - Kỳ Sơn được ví như “Sapa trong lòng xứ Nghệ”.
Vùng có kết nối các tuyến đường giao thông thuận lợi: Đường quốc lộ 7 xuyên sang Lào; đường mòn Hồ Chí Minh đi một số huyện trong vùng; sông Lam chảy qua 5 huyện. Gần đây nhất, Chính phủ đưa dự án cao tốc Vinh - Thanh Thủy vào danh mục đầu tư giai đoạn 2026-2030, là dự án thành phần có chiều dài 61km, thuộc dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn với tổng chiều dài 688km. Đây là lợi thế trong liên kết phát triển trong vùng và với nước bạn Lào.
Vùng có 4 cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn - Kỳ Sơn; Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy - Thanh Chương; 2 cửa khẩu khác: Tam Hợp - Tương Dương và Cao Vều - Anh Sơn. Là tiềm năng trong phát triển kinh tế cửa khẩu.
Vùng là nơi định cư nhiều đồng bào các dân tộc: Thái, Mông, Khơ mú, Thổ, Ơ Đu,... đã làm nên sự đa dạng văn hóa rất độc đáo của Nghệ An. Tiềm năng phát triển du lịch với bản sắc riêng vùng Tây Nam.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285ha; là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học. Nơi đây hiện đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động, thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ (rừng thưa, rừng kín, cây bụi và cây thảo). Hệ sinh thái tự nhiên có độ đa dạng sinh học cao, được coi là khu sinh quyển quan trọng. Vườn Quốc gia Pù Mát hiện tại đã xác định được 2.494 loài thực vật, 931 chi thuộc 202 họ, có 70 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt; chiếm 2,81% tổng số loài của khu hệ. Trong đó có gần 1000 loài dược liệu quý như: Sâm Puxailaileng (Tam thất hoang lá tròn), Hà Thủ ô đỏ, Sâm bảy lá một hoa, Trà Hoa vàng, Lan Kim tuyến, Sâm Thổ Hào, Đẳng sâm, Nấm Linh chi đỏ,...

Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng ở vùng Tây Nam Nghệ An
Lợi thế phát triển kinh tế rừng (cây lâm nghiệp phục vụ chế biến gỗ, đồ gỗ,...), cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày (mía, chè, cao su,...), cây ăn quả, cây dược liệu (chú trọng phát triển các loại dược liệu có giá trị cao ở một số vùng sinh thái đặc thù, dược liệu dưới tán rừng,...), chăn nuôi gia súc (bò thịt, bò sữa, lợn,..), các sản phẩm đặc sản, đặc hữu khác,... trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Đây là vùng có địa hình đa dạng, núi non hùng vĩ, sông suối mật độ dày với nhiều thác ghềnh tạo nên sự đa dạng về cảnh vật thiên nhiên; có đỉnh Pu xai lai leng (2720 m) ở Na Ngoi (Kỳ Sơn) là điểm săn mây kỳ thú; có nhiều thác đẹp như: thác Khe Kèm (Con Cuông), Thác Rồng (Kỳ Sơn)…; có nhiều hang động đẹp nổi tiếng, gắn liền với những huyền tích như: Hang Dơi, Hang Thẳm Tàu (Tương Dương), Hang Thẳm Nàng Màn (Con Cuông)… Ngoài ra, còn có nhiều sông suối, hồ đập như: Sông Giăng với đập Phà Lài, Khe Nước Mọc (Con Cuông), Nậm Càn, Nậm Típ (Kỳ Sơn), Khe Thơi, Hồ Khe Bố, Hồ Bản Vẽ (Tương Dương)… không chỉ tham quan mà nhiều điểm có thể tổ chức bơi thuyền rất lý tưởng. Có nhiều điểm đến gắn với cây cối đặc thù: rừng Săng lẻ (Tương Dương), rừng Sa mu (Kỳ Sơn), Cổng Trời, Rừng Hoa mơ, Hoa mận (Mường Lống, Kỳ Sơn), cây Phong lá đỏ (Keng Đu, Kỳ Sơn), Hoa Anh đào (Phà Nọi Mường Típ, Kỳ Sơn)... 
Vùng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá cảnh quan gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc: Vùng có đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc với tri thức bản địa rất phong phú trong dân ca dân vũ, tri thức ẩm thực, y dược, thủ công mỹ nghệ (đan lát, dệt thổ cẩm…). Nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc. Đây là những lợi thế phát triển du lịch từ khai thác giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Vùng có nhiều đặc sản rất phong phú đa dạng như: Trà Hoa vàng, cam Con Cuông, xoài Tương Dương, mận Tam hoa Mường Lống, gà Mông, lợn đen, nếp Khao Cày nọi, bò Mông, thịt bò giàng, lạp xường, măng rừng, khoai sọ, các loại dược liệu, các bài thuốc quý, các sản phẩm thổ cẩm, đan lát, dao Mông,… Nhiều sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Vùng Tây Nam có lợi thế phát triển sản xuất sản phẩm đặc sản và các loại dược liệu đặc hữu.
2. Những thách thức và tồn tại
Địa bàn thường xuyên chịu nhiều tác động của thiên tai, lũ lụt, sạt lở.
Phương thức sản xuất chủ yếu là kinh tế hộ tiểu nông, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán.
Hiệu quả khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng chưa cao.
Thiếu hoặc thiếu đồng bộ về chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý, như quy hoạch phát triển, chính sách về đất đai, tín dụng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng KH&CN...
Chưa có chương trình liên kết phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nam.
Thiếu hụt 3 loại tri thức cơ bản gồm: (1) Tri thức kinh tế và thông tin thị trường. (2) Tri thức KH&CN, các trào lưu phát triển nông nghiệp mới trên thế giới: nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp công nghiệp 4.0; các thành tựu mới của công nghệ sinh học; các tri thức về đối tượng sản xuất (cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật) và các công nghệ sản xuất phù hợp; các công cụ quan sát, thu thập thông tin mới qua các sensors, GPS,...; các phương pháp phân tích thông tin để quản lý và điều khiển hệ thống sản xuất theo chuẩn quốc tế (Global GAP, EURO GAP,...) và liên kết thị trường toàn cầu. (3) Tri thức kinh tế đối ngoại.

Phát triển kinh tế rừng đang được chú trọng tại các huyện miền Tây Nghệ An
Có ưu thế mạnh trong phát triển kinh tế rừng và dược liệu dưới tán rừng nhưng chưa có Chương trình phát triển dược liệu của tỉnh (vùng nguyên liệu, chế biến và thu hút, liên kết doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ dược liệu…).
Thiếu hụt nguồn nhân lực: Đội ngũ cán bộ kỹ thuật am hiểu về kỹ thuật sản xuất giống và canh tác cây dược liệu; Đội ngũ nhân lực du lịch; Đội ngũ doanh nhân…
Thiếu lực lượng doanh nghiệp  đầu tư vùng Tây Nam.
Có tiềm năng phát triển du lịch nhưng: các sản phẩm của từng loại hình du lịch trong mỗi địa phương và giữa các địa phương trong vùng chưa đa dạng, phong phú; trùng lặp. Các điểm du lịch đa số còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng. Chưa liên kết vùng trong phát triển du lịch. Quảng bá, truyền thông chưa chuyên nghiệp.
3. Một số đề xuất phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nam Nghệ An
3.1. Giải pháp liên kết phát triển kinh tế vùng
Quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội. Nâng cấp các tuyến tỉnh lộ và hệ thống giao thông vùng nguyên liệu. Tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ, triển khai xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của vùng, liên huyện, hệ thống giao thông vùng nguyên liệu, phục vụ du lịch. 
Các địa phương trong vùng cần có chương trình ký kết hợp tác các lĩnh vực có lợi thế và phát triển vùng nguyên liệu cũng như kêu gọi doanh nghiệp để chế biến. Đề xuất một số dự án liên kết trong đó huy động và lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện. Các địa phương trong vùng có thống nhất trong quy hoạch các điểm du lịch vùng để có liên kết đầu tư cơ sở hạ tầng, chọn loại hình du lịch, sản phẩm du lịch… Ví dụ như trong lĩnh vực cụ thể du lịch có thể kể đến cách kết nối của Trung tâm điều phối du lịch miền Tây xứ Nghệ TNT là một hình thức doanh nghiệp tổ chức liên kết với các điểm du lịch Tây Nghệ hiệu quả. Trung tâm này được thành lập để thực hiện liên kết phát triển du lịch và họ đã liên kết được các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân địa phương để cùng nhau phát triển du lịch. Trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương để xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp, không có sự trùng lặp và tổ chức tuyên truyền, quảng bá các hoạt động trải nghiệm du lịch để thu hút du khách. Và chỉ khi chính người dân là chủ thể trong hoạt động du lịch thì mới bền vững.
Xây dựng được các tổ hợp nông nghiệp theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, liên hoàn về cấu trúc sinh thái và kinh tế, tăng cường an sinh xã hội và an ninh quốc phòng và sinh thái bền vững trên xa lộ Hồ Chí Minh.
Xây dựng được mô hình liên kết theo chuỗi và theo chức năng: Nông nghiệp tiên tiến thời đại - kinh tế - an ninh quốc phòng bền vững.
Sớm lập quy hoạch/ chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao hành lang đường Hồ Chí Minh.
3.2. Rừng là tài nguyên quan trọng và tập trung phát triển kinh tế rừng ở Tây Nam Nghệ An góp phần đa giá trị dưới tán rừng
Tuyên truyền vận động cho dân hiểu về quyền và lợi ích của mô hình kinh tế dưới tán rừng. Chuyển đổi tư duy sản xuất sang giá trị kinh tế dưới tán rừng và người dân cùng làm kinh tế dưới tán rừng. 
Rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp để phát huy hiệu quả kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Quy hoạch vùng nguyên liệu. Đẩy nhanh lộ trình giao đất giao rừng cho dân. Quy hoạch phát triển rừng lồng ghép với chủ trương quy hoạch phát triển cây dược liệu; chủ trương trồng rừng hỗn giao dần thay cho trồng rừng thuần cây nguyên liệu hiện nay.
Rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách, như chính sách ruộng đất, chính sách hỗ trợ khuyến khích, chính sách khoa học công nghệ, chính sách đầu tư và chính sách thu hút đầu tư, chính sách đào tạo nguồn nhân lực... liên quan đến kinh tế rừng.
Tại Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa; tăng khả năng chống chịu trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” trong đó “phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ các bon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu” - Đây là một trong những nội dung ưu tiên cho phát triển miền Tây nói chung và vùng Tây Nam nói riêng. Hiện thực hóa Nghị quyết này vào trong cuộc sống cần có chương trình đầu tư để khai thác lợi thế kinh tế dưới tán rừng và phải lấy con người làm trung tâm. Và cần có sự đầu tư cả về nguồn vốn kinh tế và nguồn vốn xã hội, chính bà con dân tộc đã sống và gắn bó với rừng và chính bà con có ý thức giữ rừng, họ dùng tri thức bản địa trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Xây dựng chương trình phát triển dược liệu vùng Tây Nam Nghệ An: Với Chương trình dược liệu không phải nhằm xóa đói giảm nghèo, mà trở thành trung tâm phát triển và chế biến dược liệu vùng Tây Nam; ưu tiên các giống cây dược liệu đã được khảo nghiệm trên địa bàn và đang có thị trường. Cần tập trung hỗ trợ sản xuất giống, trồng khảo nghiệm, phân tích dược tính, chế biến, ứng dụng và đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo tồn phát triển nguồn gen,... để hỗ trợ chương trình dược liệu. Lưu ý các đề tài/dự án về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực dược liệu, dược phẩm.
Nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ lâm sản ngoài gỗ gắn với doanh nghiệp như chuỗi giá trị dược liệu, chuỗi giá trị gỗ và lâm sản ngoài gỗ, chuỗi giá trị tre nứa các loại. Cần có các doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân, cộng đồng dân tộc tham gia thực hiện chuỗi giá trị, đồng bào dân tộc đưa tri thức bản địa, các yếu tố văn hóa dân tộc vào sản phẩm. Tập trung ưu tiên và hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương phát triển dược liệu (như mô hình Công ty dược liệu Pù Mát) thay đổi cách tiếp cận theo chuỗi sản phẩm từ khâu tạo vùng nguyên liệu cho đến khai thác, chế biến tiêu thụ sản phẩm cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển nghề rừng bền vững.
Hỗ trợ hướng dẫn các chủ rừng xây dựng đủ điều kiện để cấp chứng chỉ rừng FSC (Muốn cấp chứng chỉ rừng thì hồ sơ pháp lý phải rõ ràng, có chủ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguồn cung cây giống cũng phải lấy từ cơ sở hợp pháp. Chăm sóc rừng phải theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn lao động…). Rừng được cấp chứng chỉ FSC là đầu ra cho sản phẩm luôn được đảm bảo, giá ổn định.
Nghiên cứu chọn tạo giống cây lâm nghiệp nhập nội (keo, bạch đàn, thông) và bản địa (mỡ, sa mộc, vối thuốc, dầu rái, sao đen, huỷnh…) chủ lực làm gỗ lớn; cây lâm sản ngoài gỗ (quế, hồi, sâm ngọc linh, thảo quả, mây nếp, song mật, lùng...) có năng suất, chất lượng, lợi thế cạnh tranh cao cho một số vùng kinh tế lâm nghiệp trọng điểm.
Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn và cây lâm sản ngoài gỗ đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng trồng rừng trọng điểm.
Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ, thiết kế chế tạo thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
3.3. Phát triển các loại hình du lịch ở vùng Tây Nam: Ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái
Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là những khu vực sở hữu đa dạng các hệ sinh thái động vật và các thảm thực vật quý, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng nhiệt đới. Khu dự trữ sinh quyển chứa nhiều thắng cảnh thiên nhiên, lại có đời sống văn hoá phong phú của đồng bào dân tộc địa phương, là địa bàn lý tưởng cho hoạt động du lịch và phát triển kinh tế xanh. Tây Nam Nghệ An phải tận dụng triệt để lợi thế này để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch văn hoá. 
Xây dựng các mô hình du lịch bền vững cho các loại hình du lịch có tiềm năng vùng Tây Nam.

Du lịch trên sông Giăng ở miền Tây Nam Nghệ An

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc gắn với du lịch văn hóa, tri thức bản địa; Phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác với cộng đồng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Puxailaileng, trải nghiệm làng nghề dệt thổ cẩm của người Thái, rèn đúc người Mông, đan lát người Khơ Mú...; Đồng thời bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa  dân tộc thông qua các mô hình câu lạc bộ Khắc luống - cồng chiêng - nhảy sạp, hát dân ca ví giặm, hương ước, quy ước..., Ưu tiên đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn.
Phát triển du lịch nông lâm nghiệp là một trong những nền kinh tế tạo nhiều việc làm và sinh kế cho cộng đồng. Du lịch nông - lâm cần sự chung tay, vào cuộc của các ngành và chính cộng đồng dân tộc. Với địa hình vùng Tây Nam là tiềm năng cho phát triển du lịch mạo hiểm, cảnh quan, môi trường tự nhiên và dược liệu dưới tán rừng thu hút cho du lịch chăm sóc sức khỏe.
Các huyện có kết nối để xây dựng các gói sản phẩm du lịch khác biệt và độc đáo theo đặc trưng từng địa phương (Du lịch kết nối Việt Lào Thái, Du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Pu xai lai leng, Du lịch chèo thuyền vượt thác, Lễ hội Hoa Anh đào,...).
Có chiến lược và kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp ở tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và ở tất cả các khách sạn lớn, và kết nối truyền thông ở cấp quốc gia, quốc tế… Kết hợp quảng bá, giới thiệu và bán dược liệu, sản phẩm chế biến cũng như các bài thuốc cổ truyền.
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch, nhất là số hóa công nghệ 3D/360 trải nghiệm du lịch thực ảo trên nền tảng mạng.
3.4. Phát triển kinh tế cửa khẩu
Xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy để hình thành khu kinh tế.
Nghiên cứu cơ chế đầu tư đặc thù vào phát triển hạ tầng thương mại biên giới.
Phát triển khu kinh tế cửa khẩu gắn với cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy (Thanh Chương).
3.5. Thu hút doanh nghiệp 
Thu hút có trọng điểm các doanh nghiệp: chế biến dược liệu và dược phẩm về đầu tư ở Nghệ An để thúc đẩy ngành dược liệu phát triển. Doanh nghiệp chế biến gỗ. 
Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở vùng Tây Nam, phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Tập trung chỉ đạo xây dựng các HTX nông nghiệp kiểu mới đối với địa bàn sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực. 
Thu hút nhà máy chế biến gỗ nguyên liệu, chế biến dăm nguyên liệu, ván ép MDF, sản phẩm viên nén sinh khối (thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc có nhu cầu lớn)…
Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, từng bước mở rộng thị trường, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại và tìm kiếm các đối tác kinh doanh mới trong và ngoài nước.
Kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng du lịch để thu hút khách du lịch, lấy Con Cuông là trung tâm.
Khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng các cơ sở chế biến vừa và nhỏ ở các địa phương để thu gom sơ chế, làm vệ tinh cho các nhà máy chế biến trong vùng.
3.6. Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng các sản phẩm đặc sản của địa phương thành hàng hóa
Đối với vùng Tây Nam Nghệ An hiện một số các sản phẩm đã xây dựng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Chỉ dẫn địa lý Gừng Kỳ Sơn (2019), Nhãn hiệu trám đen Thanh Chương, chè gay Anh Sơn, bò giàng,… Đối với các sản phẩm này cần tiếp tục hoàn thiện công nghệ liên quan chế biến để đa dạng hóa sản phẩm; đối với một số sản phẩm xây dựng chiến lược tiếp cận đến một số các thị trường nước ngoài để gia tăng giá trị của sản phẩm. Ví dụ như gừng Kỳ Sơn với hàm lượng tinh dầu cao, thơm nồng cần ứng dụng KH&CN để đa dạng hóa sản phẩm như tinh dầu gừng, bột gừng… và có chiến lược tiếp cận vào các thị trường để xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm phù hợp. 
Đối với các sản phẩm đặc sản vùng Tây Nam tác động KH&CN tập trung ứng dụng kỹ thuật nhân giống, tạo giống, khai thác và phát triển các nguồn gen quý bản địa. Từ đó xây dựng vùng nguyên liệu có ứng dụng KH&CN đi kèm với tập huấn, đào tạo. Ứng dụng KH&CN trong các khâu sản xuất và nhất là chế biến. Và để sản phẩm ra thị trường có quản lý về chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và có nhãn hiệu. Đồng thời đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
Cần có hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm các huyện vùng Tây Nam, thành lập các HTX trong đó mô hình DN nằm trong HTX để thực hiện liên minh sản xuất với nông dân và DN vừa thu mua, vừa chế biến và quảng bá sản phẩm. Cần có sự liên kết sản xuất đối với các sản phẩm cùng loại, ví dụ như dược liệu đối với các huyện vùng Tây Nam, không nên mỗi huyện đều sản xuất cùng một loại sản phẩm.
Để trở thành hàng hóa thì cần xây dựng và phát triển thương hiệu một cách bài bản, khoa học và đúng quy định pháp luật. Đối các sản phẩm cần được sự hỗ trợ để đăng ký bảo hộ dưới các hình thức: Nhãn hiệu hàng hóa, Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Khi xây dựng bộ nhận diện cần đưa các yếu tố văn hóa, hoa văn, nét đặc trưng sản phẩm mà có sự liên kết.
Xây dựng chương trình, chiến lược quảng bá sản phẩm để đưa thương hiệu sản phẩm đến với thị trường trong và ngoài nước. Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm và hàng hóa của địa phương.
3.7. Huy động nguồn lực
Các huyện trong vùng cần có kế hoạch để cùng tập trung nguồn lực từ một số chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực, dự án liên kết vùng.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư và hợp tác các đối tác có nhu cầu và thế mạnh về công nghệ trong mảng dược liệu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.... 
Thu hút hợp tác với các đối tác liên quan đến sản phẩm từ gỗ như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Đề xuất đầu tư đường cao tốc nhằm thúc đẩy phát triển miền Tây Nghệ An.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây