Phát triển vùng kinh tế động lực và gợi ý đối với vùng Tây Nam Nghệ An

Thứ ba - 09/01/2024 04:21 0
Hội nghị lần thứ 2 BCH Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra phương hướng đổi mới mô hình tăng trưởng trong đó có đề cập đến vấn đề phát triển vùng là “Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng đồng thời ưu tiên phát triển vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác”. Định hướng phát triển vùng trong giai đoạn này nhấn mạnh ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực được thể hiện trong các nghị quyết Trung ương như Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. 
Theo Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ ban hành có đề ra một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển quốc gia là “Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao”.
Định hướng ưu tiên phát triển vùng động lực được nhiều địa phương trong đó có Nghệ An quan tâm thực hiện. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tiếp tục phát triển 03 vùng kinh tế trọng điểm bao gồm: Phát triển thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; phát triển vùng Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; phát triển vùng miền Tây Nghệ An, trọng tâm là Thái Hòa - Nghĩa Đàn - Đô Lương - Tân Kỳ - Con Cuông - Quỳ Hợp. Nghị quyết cũng đề ra yêu cầu bổ sung cơ chế chính sách và ưu tiên nguồn lực cho sự phát triển các vùng trọng điểm này.


Tây Nam Nghệ An là vùng bao gồm 5 huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn với tổng diện tích chiếm hơn ½ diện tích toàn tỉnh nhưng dân số chưa đến 20% dân số của tỉnh. Đây là vùng có nhiều lợi thế tiềm năng cho phát triển nông lâm nghiệp và du lịch với hệ sinh thái cảnh quan đa dạng và nền văn hóa độc đáo gắn với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Do đó cần có những nghiên cứu đánh giá đề tìm ra giải pháp cho sự phát triển của vùng. Phát triển vùng động lực với mục đích dành sự ưu tiên phát triển vùng có tiềm năng hơn sau đó lan tỏa sang các vùng khác là chiến lược được nhiều nơi áp dụng và mang lại hiệu quả. Bài viết này tìm hiểu lý luận cũng như kinh nghiệm phát triển vùng động lực từ đó đưa ra gợi ý cho sự phát triển của vùng Tây Nam Nghệ An.
1. Cơ sở lý luận về vùng kinh tế động lực
Trong khoa học vùng, vấn đề phát triển vùng kinh tế động lực đã và đang được quan tâm nghiên cứu cả trong và ngoài nước trên khía cạnh lý thuyết cũng như thực tiễn để làm cơ sở xây dựng quy hoạch và chính sách. Vùng kinh tế động lực hay còn được gọi bởi nhiều tên gọi khác như vùng kinh tế trọng điểm, cực tăng trưởng, trung tâm tăng trưởng… là vùng kinh tế có nhiều tiềm năng và lợi thế đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng cũng như lan tỏa sự phát triển kinh tế các vùng lân cận. 
Ở cấp độ vùng thuộc quốc gia, Mustătea (2013) định nghĩa vùng kinh tế động lực là “những thành phố có sự liên kết chặt chẽ về kinh tế - xã hội với những khu vực lân cận, có vai trò là những trung tâm tăng trưởng, có khả năng có tác động phát triển lan tỏa tới khu vực xung quanh”. Còn ở cấp độ vùng trực thuộc tỉnh Dawkins (2003) cho rằng vùng kinh tế động lực hay còn gọi là cực tăng trưởng vùng là “một khu vực tập trung công nghiệp hay một không gian đóng vai trò là công xưởng của vùng có khả năng lan tỏa sự phát triển trong các khu vực lân cận”. 
Cho dù theo cấp độ nào thì việc phát triển vùng động lực đều xuất phát từ lý thuyết “cực tăng trưởng”. Đây là lý thuyết được khởi xướng bởi Perroux (1955). Ông cho rằng, cực tăng trưởng của vùng bao gồm các vùng có các ngành với các doanh nghiệp lớn có sức hút mạnh, tức là tập trung các hoạt động kinh tế ở những khu vực năng động nhất. Các cực tăng trưởng này có sức lan tỏa, và sức hút dòng hàng hóa nguyên liệu và lao động trong các khu vực khác của vùng và ngoài vùng. Sự tác động lan tỏa này sẽ thúc đẩy hình thành không gian liên kết kinh tế và mạng lưới buôn bán, và hình thành một tập hợp các liên kết kinh tế giữa cực tăng trưởng và các vùng xung quanh. Mỗi cực tăng trưởng như vậy có một vai trò nhất định, dần dần sẽ phát triển và lan tỏa kéo theo các khu vực khác theo vết dầu loang. Theo Perroux (1955), tăng trưởng và phát triển không thể xuất hiện đồng đều ở mọi nơi với nguồn lực hạn chế mà trước hết tập trung ở một số điểm có lợi thế phát triển hơn và sau đó sẽ lan tỏa qua các kênh khác nhau với những hiệu ứng khác nhau đối với nền kinh tế.
Đồng tình với quan điểm này, Krugman (1992) cho rằng, để phát triển kinh tế thì cần phải có một số vùng phát triển hơn các vùng khác nhằm tạo động lực cho tăng trưởng nhanh để từ đó tạo sự lan tỏa đến các khu vực lân cận. Ở nhiều nước đang phát triển do không đủ nguồn lực nên thường thực hiện chiến lược cực tăng trưởng để tập trung phát triển một vài vùng trung tâm đô thị trước. Cực tăng trưởng có thể thực hiện thông qua việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hay tập trung cụm/ ngành công nghiệp để tạo nên lợi thế về quy mô. Việc tạo ra các vùng phát triển hơn các vùng khác dựa vào việc tập trung nguồn lực sau đó sẽ lan tỏa sang các vùng lân cận chính là tạo điều kiện để phát triển các vùng động lực.
Có 2 loại vùng kinh tế động lực chính là: (1) Vùng KTĐL tự nhiên được hình thành chủ yếu nhờ tập trung không gian do mật độ tập trung kinh tế và năng suất vốn cận biên cao chứ phông phải hoặc ít có từ việc lập kế hoạch của chính quyền; (2) vùng KTĐL được lập kế hoạch từ kết quả của các chính sách hay những can thiệp của chính quyền TW/địa phương.
Tại Việt Nam, quan niệm về vùng kinh tế trọng điểm hay còn gọi là vùng kinh tế động lực được đề cập đến theo Điều 3, Nghị định 92/2006/NĐ-CP là “một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, hội tụ được các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò động lực, đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước”. Theo Nguyễn Văn Nam và Ngô Thắng Lợi (2010), vùng kinh tế động lực là vùng hội tụ tốt nhất các điều kiện để phát triển, có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh, làm đầu tàu tăng trưởng để đẩy mạnh quá trình phát triển cho các vùng đó và tiến tới đảm nhận vai trò chi phối tăng trưởng đối với nền kinh tế cả nước. Các quốc gia trên thế giới thường lựa chọn một số vùng, địa phương có những lợi thế cạnh tranh vượt trội để phát triển trước, từ đó tạo động lực đầu tàu nhằm thúc đẩy lôi kéo sự phát triển của các vùng khác và của cả nền kinh tế (Hoàng Hồng Hiệp và cộng sự, 2020).
Mặc dù được hiểu theo những góc nhìn khác nhau nhưng về cơ bản vùng kinh tế động lực đều có chung 4 đặc điểm gồm: (1) Là một khu vực địa lý xác định (ranh giới có thể thay đổi theo thời gian); (2) Đã hoặc có tiềm năng hội tụ đầy đủ thế mạnh, tập trung tiềm lực kinh tế, hấp dẫn nhà đầu tư; (3) Đã hoặc có khả năng thu hút, phát triển các ngành mới về công nghiệp và dịch vụ; và (4) Đã hoặc có khả năng tạo ra tốc độ phát triển nhanh và thực hiện tốt vai trò đầu tàu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho toàn tỉnh/toàn vùng hay cả nước (Trần Thị Thu Hương và cộng sự, 2018).
2. Kinh nghiệm phát triển vùng kinh tế động lực
Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, mô hình phát triển vùng kinh tế động lực đã được triển khai thực hiện ở nhiều nước từ những năm 1960 nhưng kết quả thực hiện không giống nhau. Có những địa phương thành công bởi những chính sách phát triển vùng động lực đã giúp phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng giúp cho sự phát triển chung toàn vùng. Tuy nhiên cũng có nhiều nước không thành công trong việc áp dụng mô hình này (Crockatt, 2000). Trên thực tế hiện nay, với bối cảnh hạn chế về nguồn lực thì việc tập trung ưu tiên về cơ chế chính sách cũng như ngân sách cho phát triển một địa bàn cụ thể nhằm kéo theo sự phát triển của toàn địa phương/vùng là cần thiết.
Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển vùng kinh tế động lực trên thế giới, Trần Thị Thu Hương (2018) cho rằng nhiều nghiên cứu vẫn khẳng định vai trò tích cực của mô hình vùng KTĐL. Địa điểm đầu tư tốt nhất vào vùng KTĐL chính là củng cố các vùng tăng trưởng tự nhiên và cần có sự nghiêm túc và minh bạch trong việc lựa chọn vùng KTĐL. Bên cạnh việc lựa chọn và ban hành chính sách vùng KTĐL phù hợp cần chú ý tới việc nhất quán và đồng bộ trong thực thi chính sách và một bộ máy điều phối hoạt động hiệu quả. Chính sách phát triển vùng KTĐL ở nhiều nước trên thế giới được xây dựng với các mục tiêu khác nhau nhưng về cơ bản đều có những đặc điểm chung như:
+ Thường chỉ tập trung vào một số khu vực/vùng với số lượng giới hạn (đây luôn được coi là một phần trong nỗ lực điều chỉnh cơ cấu không gian vùng) và chính sách thường đa dạng. Việc giới hạn các vùng KTĐL thường liên quan tới loại hình hoạt động kinh tế tập trung trong vùng. Kinh nghiệm cho thấy, càng có nhiều vùng KTĐL thì càng làm chậm quá trình phát triển của vùng và sẽ càng kéo dài giai đoạn “cất cánh” của mỗi vùng KTĐL (Crockatt, 2000).
+ Khi thành lập vùng KTĐL đòi hỏi phải có sự chọn lọc giữa các khu vực. Sự chọn lọc không gian thường liên quan tới việc nhận diện các trung tâm/vùng có tiềm năng phát triển bền vững các hoạt động kinh tế, và dựa trên các nhân tố liên quan tới lợi thế vùng và liên vùng, mức độ phân cấp trong hệ thống đô thị hoặc quá khứ tăng trưởng (Parr, 1999).
+ Thường quan tâm đến tập trung đầu tư sản xuất trực tiếp và gắn với khai thác nền kinh tế tập trung. Tập trung kinh tế rõ ràng là rất quan trọng nhằm tận dụng lợi thế về quy mô kinh tế sản xuất nội địa. Trong nhiều trường hợp, việc chia tách năng lực sản xuất ở một số khu vực trong vùng có thể làm gia tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh vùng.
+ Thường quan tâm tới tập trung phát triển cơ sở hạ tầng - một nhân tố hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế. Việc tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ nên áp dụng cho những vùng có hệ thống hạ tầng yếu kém nhưng vùng này đang sở hữu hoặc kỳ vọng sở hữu nhiều lợi thế như: dễ dàng tiếp cận với nguyên vật liệu thô, nguồn cung năng lượng, chi phí lao động thấp hoặc thị trường nội vùng phát triển. Nếu không có đầy đủ các yếu tố này thì việc chỉ tập trung vào phát triển hạ tầng cơ sở ở những khu vực đặc biệt trong vùng có thể dẫn tới thất bại trong việc đạt được mục tiêu đề ra.
+ Đối với vùng KTĐL lập kế hoạch: vùng được tập trung đầu tư (bằng nguồn công hoặc tư) và đầu tư vào ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành công nghiệp phức hợp hoặc nhóm các ngành kinh tế thay thế.
+ Thường áp dụng chính sách ưu đãi, có tính chất thúc đẩy phát triển kinh tế (như: miễn/giảm thuế, dễ dàng trong tiếp cận nguồn lực…).
Để phát triển vùng động lực thì yếu tố không thể thiếu đó là sự liên kết nội vùng và liên vùng. Liên kết, đặc biệt là liên kết kinh tế, đang trở thành một phần quan trọng và không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Trong quá trình này, các nguồn lực như lao động, vốn, tài nguyên, khoa học kỹ thuật, công nghệ... tại từng địa phương và tổng thể từng vùng thường đều có hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu phải nối kết với nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy phát triển. Nói một cách khác, để địa phương và vùng kinh tế phát triển, không thể chỉ dựa vào nguồn lực nội tại mà còn cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tăng cường liên kết giữa các vùng trở thành một chiến lược quan trọng trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia, nhằm tận dụng cả năng lực nội bộ và những nguồn lực bên ngoài từ các địa phương khác.
3. Gợi ý đối với phát triển vùng Tây Nam Nghệ An
Nghệ An là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh của vùng Bắc Trung bộ và của cả nước. Khu vực miền Tây Nghệ an với 2/3 diện tích của toàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh cũng như của vùng. Các huyện miền Tây có nhiều tiềm năng để hình thành các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả. Khu dự trữ sinh quyển. Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển Thế giới với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về môi trường sinh thái và đồng thời có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch khám phá.
Để phát triển vùng Tây Nam Nghệ An cần chú trọng một số vấn đề như sau:
Trước hết là công tác quy hoạch: Muốn hình thành và phát triển vùng kinh tế động lực thì cần có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết của vùng. Hiện tại Quy hoạch tỉnh Nghệ An đã được phê duyệt theo Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023, là căn cứ quan trọng để tỉnh xây dựng và thực hiện quy hoạch chi tiết của từng vùng, địa phương. Cần xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, trung và dài hạn để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, gắn kết phát triển các ngành, các tiểu vùng và liên vùng. Cần tiến hành tái cơ cấu ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của vùng và các địa phương trong vùng; phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết bài toán nguồn lao động, một mặt giải quyết được công ăn việc làm phù hợp với trình độ lao động đồng thời phát huy được lợi thế về tính linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề.
Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ an đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định định hướng phát triển của khu vực phía Tây Nghệ an là Hành lanh kinh tế đường mòn Hồ Chí Minh với trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, CN chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái. Hành lang kinh tế Quốc lộ. Hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với trọng tâm phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triền các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng. Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa. Do đó cần cụ thể hóa thành các chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện các chương trình phát triển KT-XH trên địa bàn vùng theo đúng định hướng đã được Bộ Chính trị phê duyệt.
Theo quy hoạch Tỉnh, trong giai đoạn tới sẽ Thành lập Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy với quy mô dự kiến khoảng 25.831 ha tại huyện Thanh Chương nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng hợp tác với nước CHDCND Lào sau khi được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy hình thành và đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của huyện Thanh Chương nói riêng, tỉnh Nghệ an và cả nước nói chung đồng thời là động lực lan tỏa sự phát triển vùng Tây Nam và các khu vực lân cận.
Tiếp theo là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng: Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm giải quyết vấn đề giao thông giữa các vùng, địa phương được thuận lợi hơn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm để phát triển đô thị theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng. Do đó, việc phân bổ nguồn lực cần có sự ưu tiên cho các vùng động lực để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối.
Hệ thống giao thông trong vùng hiện nay đã có các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 7 sang Lào, đường mòn Hồ Chí Minh nối liền các huyện và khu vực miền Tây. Trong thời gian tới, khi dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn được xây dựng trong đó có đoạn cao tốc nối Vinh - Thanh Thủy (Thanh Chương) sẽ tăng thêm lợi thế cho sự phát triển của vùng.
Thứ ba, cần có cơ chế chính sách rõ ràng trong việc thu hút vốn đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm của vùng. Đặc biệt, cần chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn, ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật tiên tiến từ đó sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh theo cụm/ngành. Cần xây dựng cơ cấu đầu tư hợp lý để phát huy tính lan tỏa và động lực thúc đẩy tăng trưởng đối với nền kinh tế của vùng và các khu vực lân cận.
Thế mạnh của vùng được xác định là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, phát triển lâm nghiệp, dịch vụ du lịch. Do đó cần có các cơ chế chính sách ưu tiên vào các ngành kinh tế theo định hướng phát triển của vùng. Tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ trong việc tìm kiếm, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đầu tư vào vùng theo các ngành kinh tế đã được xác định.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc tập trung ưu tiên đầu tư vào phát triển vùng động lực sẽ tạo tiền đề phát triển lan tỏa toàn diện, do vậy cần thiết kế và thực thi chính sách theo hướng có ưu cho phát triển ngành có thế mạnh để kéo theo sự phát triển các ngành đi kèm và tạo điều kiện công ăn việc làm, tăng thu nhập và mức sống cho người dân trong vùng.
Thứ tư, phát triểnnguồn nhân lực chất lượng cao: Các vùng kinh tế động lực cần có chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực. Các địa phương cần có sự đột phá trong tư duy và giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng mở rộng về số lượng, nâng cao về chất lượng, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng kinh tế động lực. Việc đào tạo nguồn nhân lực cần gắn trực tiếp với nhu cầu việc làm, định hướng lựa chọn ngành nghề đào tạo và tìm kiếm việc làm cho người dân địa phương.
Hiện nay, lao động trong vùng đang có xu hướng dịch chuyển sang các vùng khác và đi đến các trung tâm đô thị lớn làm ăn sinh sống. Do đó nguồn lao động tại địa phương gặp nhiều khó khăn cả về số lượng và chất lượng. Cần có chính sách để giữ chân và thu hút nguồn lao động phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của phát triển vùng.
Thứ năm, cần thúc đẩy đầu tư, phát huy lợi thế và tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và liên vùng. Sự phát triển của vùng Tây Nam Nghệ An cần gắn với các trục phát triển phía Tây của tỉnh và có sự gắn kết với các vùng động lực khác như vùng đô thị Vinh và vùng Nam Thanh Bắc Nghệ. 
Quy hoạch tỉnh Nghệ An đưa ra các đột phá phát triển trong thời gian tới là Hình thành và phát triển 04 hành lang kinh tế, trong đó có 2 Hành lang thuộc khu vực phía Tây của tỉnh là Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; và Hành lang kinh tế Quốc lộ 7A. Do đó cần có sự liên kết giữa các địa phương có hành lang đi qua để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cả trên các trục hành lang và lan tỏa sang các vùng lân cận.
Cần có sự liên kết giữa các địa phương để sớm hình thành các chuỗi sản phẩm theo các lĩnh vực: nông nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, chuỗi sản phẩm du lịch gắn kết các điểm đến thành các tour tuyến du lịch gắn với khu vực miền Tây; khai thác và bảo vệ rừng bền vững.
Tài liệu tham khảo
1. Dawkins, C.J. (2003). Regional development theory: conceptual foundations, classic works, and recent developments. Journal of Planning Literature, Vol. 18 (2).
2. Hoàng Hồng Hiệp, Châu Ngọc Hòe và Hoàng Thị Thu Hương (2020). Phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, số 01(63).
3. Parr, J.B. (1999). Growth pole strategies in regional economic planning: A retrospective view. Part 1: Origins and advocacy. Urban Studies, Vol 36 (7), pp. 1195-1215.
4. Krugman, P. (1992). A dynamic spatial model. NBER Working paper series, No. 4219.
5. Crockatt, M.A. (2000). Airport infrastructure and regional development: a case for resurrecting the growth pole concept. Thesis submitted to the Faculty of the graduate studies.
6. Nguyễn Văn Nam và Ngô Thắng Lợi (2010). Chính sách phát triển bền vững các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam. NXB Thông tin và Truyền thông.
7. Mustătea, N.M. (2013). Growth poles - an alterntive to reduce regional disparitites. Case study - Iasi growth pole. Romanian Review of Regional Studies, Vol. IX (1).
8. Perroux, F. (1955). Note sur la notion de pole de croissance?. Economic Appliqee, 8, pp. 307-320. (Translated in English as Perroux, F. (1970). Note on the Concept of Growth Poles. In McKee, D., Dean, R. and Leahy, W., (Eds.). Regional Economics: Theory and Practice. The Free Press, New York, pp. 93-104).
9. Trần Thị Thu Hương và cộng sự (2018). Chính sách phát triển vùng kinh tế động lực trong điều kiện ở Việt Nam. Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2018. Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây