Mấy bài học về phương pháp từ nhà văn hóa lớn Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984)

Thứ ba - 12/01/2021 04:21 0

Tô Ngọc Thanh

Học giả Nguyễn Đổng Chi, một người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ. Xuất thân từ Chi Gia Trang và Mộng Thương thư trai nổi tiếng ở làng quê Ích Hậu, huyện Can Lộc, (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) từ thế kỷ XIX, là con và cháu của hai nhà duy tân yêu nước, được coi là cừu gia tử đệ đối với chế độ bảo hộ Pháp ở Đông Dương. Riêng ông, chỉ xuất thân từ đệ tam trung học, thế mà với nỗ lực phi thường của bản thân, từ rất sớm đã thành danh trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội của cả nước. Ngay đợt đầu của Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 1996 Nguyễn Đổng Chi đã được nhất trí phong tặng không cần gia đình viết đơn, và Hội đồng Giải thưởng lúc bấy giờ còn trực thuộc Bộ Chính trị đã cân nhắc, dành cho Hội Văn nghệ Dân gian chúng tôi được đứng tên làm địa chỉ trực tiếp tiếp nhận giải thưởng danh giá này. Nhưng không chỉ thế, tên tuổi ông gắn liền với những bộ sách lừng danh của ông trước đó khá lâu đã gây được tiếng vang ra các nước, đầu tiên là Pháp rồi Nhật, và với thời gian ngày một có ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế, từ 2011 được lưu danh trong công trình Bách khoa thư Flolklore thế giới (Enzyklopädie des Märchens, Band 14 Lieferung 1) của nước Đức, đến năm 2016 lại được ghi nhận và đánh giá cao trong bộ Bách khoa thư truyện cổ tích thế giới (Folktales and Fairy Tales, Traditions and Texts From Around the World, Volume I) của Hoa Kỳ. Đó là điều không mấy người có được, là một vinh dự cho ngành folklore học Việt Nam và cũng là vinh dự cho quê hương xứ Nghệ chúng ta. Nói về Hội thảo khoa học thì từ trước đến nay, chúng ta đã tổ chức 3 cuộc hội thảo và Tọa đàm về Nguyễn Đổng Chi. Cuộc thứ nhất là hội thảo do Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) chủ trì nhân 80 năm ngày sinh học giả vào năm 1995, có đủ mặt các nhà khoa học đầu ngành tham dự với nhiều bài nghiêm túc, trong đó có sự góp mặt của đại biểu Nghệ An và Hà Tĩnh. Hội thảo thứ hai nhân 100 năm ngày sinh tác giả do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP Hồ Chí Minh cùng với Tập đoàn truyền thông Thanh niên Việt Nam và NXB Trẻ phối hợp chủ trì năm 2015 ở TP Hồ Chí Minh, cũng là một hội thảo rất sáng giá với sự tham gia của giới nghiên cứu chuyên ngành hầu như khắp cả nước. Giữa hai hội thảo đó là một cuộc tọa đàm do Chi hội Văn nghệ Dân gian TP Hồ Chí Minh tổ chức nhân 20 năm mất tác giả vào năm 2004, trong đó có bài hồi ký đặc sắc của GS Hoàng Như Mai mà nhiều người còn nhớ đến nay. Và gần đây nhất (tháng 3-2019), Chi hội Văn nghệ Dân gian Hà Tĩnh đã tổ chức Tọa đàm nhân kỷ niệm 35 năm năm mất Nguyễn Đổng Chi và Lễ Khánh thành tượng đài GS Nguyễn Đổng Chi tại trường THPT mang tên ông (trường đóng tại xã Ích Hậu, quê ông). Tôi nghĩ đây là một bước tiếp nối cần thiết, trước hết là đúng với nghĩa tình của quê hương đối với vị Giáo sư sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này, theo đúng cái đạo lý mà luận ở phía nào cũng đúng: uống nước nhớ nguồn. Những cuộc hội thảo và tọa đàm đó đã lật xới nhiều vấn đề của nhiều ngành nhiều giới, nhằm đi đến những đúc kết vững chắc về thành tựu khó lòng chối cãi của nhà khoa học Nguyễn Đổng Chi trên nhiều bình diện rất uyên bác mà ông đã đóng góp cho nền học thuật nước nhà. Năm nay, nhân kỷ niệm 105 năm năm sinh cố học giả Nguyễn Đổng Chi (1915-2020), bằng tri thức hạn hẹp của mình, qua tìm hiểu thành tựu của các cuộc hội thảo, tọa đàm nói trên cũng như toàn bộ sự nghiệp hoạt động khoa học của cố học giả, tôi xin nêu lên suy ngẫm của bản thân về những bài học lớn có ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ con người tài năng đa dạng này, nhằm hướng tới việc phát huy những giá trị truyền thống trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Điều đầu tiên là sự định danh đối tượng nghiên cứu của chúng ta. Tiêu đề Hội thảo 100 năm sinh (năm 2015) gọi Nguyễn Đổng Chi là “Học giả - nhà văn”. Đúng là có cả hai phương diện ấy, nhưng đó mới là nêu lên hai phương diện để các nhà nghiên cứu từ đó đào sâu - một cách định lượng chứ chưa định tính. Còn tiêu đề Hội thảo 80 năm sinh (năm 1995) thì gọi Nguyễn Đổng Chi là “người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc”. Tiêu đề này rất hay. Dù sao đấy cũng chỉ mới là nhấn mạnh được mặt “miệt mài tìm kiếm”, còn miệt mài mà có tìm ra cái gì hay không thì đọc xong tiêu đề vẫn cứ còn là câu hỏi. Trong các tham luận có tham luận của GS Phong Lê gọi Nguyễn Đổng Chi là “nhà văn hóa lớn xứ Nghệ thuộc một thế hệ vàng” trong lịch sử thế kỷ XX. Xác định ở Nguyễn Đổng Chi tư cách nhà văn hóa có lẽ có ý nghĩa khái quát hơn cách gọi “học giả - nhà văn”, vì học giả và nhà văn là sự cụ thể hóa chức nghiệp cầm bút của Nguyễn Đổng Chi nhưng lại chưa nói được tầm vóc của ông. Phải đặt ông trong phạm trù “nhà văn hóa” thì mới chính xác, và thêm cho ông một hình dung từ “lớn” vào danh hiệu “nhà văn hóa” lại càng chính xác. Rất nhiều người trong các tham luận trước đây gọi ông là “nhà văn hóa nổi tiếng”, “học giả nổi tiếng” cũng là những danh xưng tương tự, nhưng nổi tiếng thì có nhiều thứ nổi tiếng, nên thiết tưởng bản thân chữ “lớn” cũng bao hàm trong đó chữ “nổi tiếng” rồi. Còn nói ông là “nhà văn hóa lớn xứ Nghệ” thì với tư cách những người con xứ Nghệ, chắc nhiều người ở cuộc họp này rất đồng tình. Tuy nhiên, đó chỉ là nhằm nói rõ xuất thân sinh quán của Nguyễn Đổng Chi, còn những giá trị trong các công trình của ông thì đã vượt ra khỏi phạm vi xứ Nghệ từ lâu, trở thành sản phẩm của cả nước ngay khi mới xuất hiện; như Việt Nam cổ văn học sử năm 1942, được cả học giới Bắc và Nam cùng nhau bàn luận; như Lược khảo về thần thoại Việt Nam đã vượt vĩ tuyến 17 vào Nam từ năm 1956, được (hay bị) một vài học giả miền Nam “sao chép” toàn bộ khiến văn đàn miền Nam thuở ấy nổi lên nhiều luồng phê phán. Và như đã nói trên kia, không phải chỉ trong phạm vi đất nước mà thôi. Tên tuổi Nguyễn Đổng Chi còn đi ra khỏi biên giới Việt Nam rất sớm, từ 1964, TS Maurice Durand và TS Lê Văn Hảo đã cùng lúc bình luận về Tập I và Tập II Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam trên tờ Tập san Trường Viễn Đông bác cổ (Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient) ở Paris. Năm 1975, Thích Như Điển đã trích dịch Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam ra tiếng Nhật. Và gần đây thôi, như TS Ôn Thị Mỹ Linh cho biết, năm 2011 GS.TS Jörg Engelbert người Đức, còn đưa Nguyễn Đổng Chi vào bộ Bách khoa thư cổ tích học, coi Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam là một “bộ sách cổ tích phong phú nhất và hệ thống nhất của người Việt từ trước tới nay, với 200 truyện chính và hơn 1000 dị bản”, rồi vài năm sau đó thì các học giả hàng đầu của    Folklore học Hoa Kỳ đã mời TS Ôn Thị Mỹ Linh bấy giờ đang làm luận án về Nguyễn Đổng Chi tại Đức, đưa Nguyễn Đổng Chi vào bộ Bách khoa toàn thư truyện cổ tích thế giới do Hoa Kỳ in năm 2016 - và người Việt Nam hiện diện trong đó chỉ có mỗi mình ông. Vậy thì, ta hãy thử soi sáng thêm để xem trong các công trình của Nguyễn Đổng Chi, mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế diễn ra như thế nào về mặt lý thuyết. Ông tiếp thu lý thuyết bên ngoài đến đâu và ông đã khổ công nghiền ngẫm sáng tạo đến đâu để xây dựng nên những sản phẩm đặc thù, vừa theo kịp các lý thuyết tiên tiến mà lại không phải là giáo điều xơ cứng, vẫn mang đậm sắc thái dân tộc và phong cách sáng tạo của riêng mình, để được khoa học thế giới công nhận. Đó là một vấn đề lý thú và chúng ta có thể từ nhiều mặt, nhiều góc độ mà soi tỏ.

2. Đi sâu vào nội hàm của khái niệm nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi, đúng như nhiều tham luận trở về trước đã đề cập, có thể khẳng định ông là một con người đa dạng và uyên súc, với nhiều mặt sự nghiệp trước tác tuy chấm dứt ở thế kỷ XX nhưng vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh đến hôm nay: a. Vừa đi sâu khảo sát dân tộc học cùng với người anh là BS Nguyễn Kinh Chi để có tác phẩm Mọi Kontum từ năm mới 18 tuổi, mà như TS Andrew Hardy viết trong “Dẫn luận” cuốn sách được dịch ra tiếng Pháp và in song ngữ năm 2011, đây là công trình dân tộc học “đạt chất lượng cao nhất”, về phương pháp và sự tinh tế còn đứng trên cả một số công trình cùng đề tài của các nhà dân tộc học người Pháp đương thời như Dourisboure. b. Vừa gắn mình với sử học để có bản thảo Đào Duy Từ được giải thưởng Alexandre de Rhodes năm 1943 do học giả Nguyễn Văn Tố làm Chủ tịch Ban chấm giải; sau này lại có bộ Lịch sử phong trào nông dân thời Trung đại 2 quyển hiện chưa in mà Quyển I được GS Trần Huy Liệu duyệt thông qua từ năm 1968; và quan trọng hơn là quyển sách lý luận Góp phần tìm hiểu lịch sử đấu tranh của nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến được Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn duyệt và đề tựa từ 1978. c. Vừa là nhà khảo cổ học có công đầu trong việc phát hiện di chỉ sơ kỳ đồ đá cũ núi Đọ năm 1960, khiến Việt Nam bắt đầu được thế giới biết đến như một trong những cái nôi của loài người. d. Và nhất là nhà Folklore học, hay nói như Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số đặc san kỷ niệm Nguyễn Đổng Chi năm 2015, là “nhà cổ tích học lừng danh”, với hàng loạt công trình, nếu không kể Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam 5 tập là bộ sách quá nổi tiếng mà PGS Trần Hữu Tá, PGS Chu Xuân Diên, PGS Nguyễn Thị Huế và TS Hồ Quốc Hùng đều coi là sánh ngang với các bộ Truyện cổ tích Grimm, Truyện cổ tích Pourra, Truyện cổ tích Andersen,… thì vẫn còn rất nhiều công trình khác để lại ký ức không thể quên trong bạn đọc, như Hát giặm Nghệ Tĩnh 3 tập, tập đầu tiên được xuất bản từ năm 1944 chưa được tác giả coi là hoàn thiện, sau này ông sẽ viết lại năm 1963, vậy mà ngay từ sơ bản đã biết để ý đến thủ tục hát, giọng điệu hát và cá tính, bản sắc của từng khuôn mặt nghệ nhân, tức là biết nghiên cứu Folklore như một loại hình tổng hợp chứ không chỉ có văn chương. Hay như bộ Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, rất công phu, với nhiều kiến giải uyên thâm phi ông ra khó còn ai hiểu được về những loại hình văn hóa cổ truyền xứ Nghệ mà Thạc sĩ Phạm Quang Ái đã nêu ra nhiều dẫn chứng rất đắt. Ở đây, mỗi nhà nghiên cứu chúng ta sẽ trình bày một phương diện thành tựu của con người thuộc thế hệ có thể nói cái gì cũng am tường đến mức thâm căn cố đế đó, chứ không ai có thể nói hết mọi mặt kiến văn của Nguyễn Đổng Chi đã được trình bày qua sách vở. Tuy vậy, ta có thể nhân dịp này cùng nhau tìm hiểu xem, cái gì là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả những công trình của nhà học giả, nó tạo nên những đặc điểm khó lẫn lộn với bất kỳ ai. Và cái đó trước hết không phải là lập trường tư tưởng, tính đảng, tính giai cấp... như thế tục vẫn hay đem ra làm tiêu chuẩn để đánh giá vào một thời cũng chưa phải xa. Cái gì đó phải chăng là một phương pháp hiện đại, một nhãn quan tiên tiến, tạo nên sự thống nhất về đặc điểm cấu trúc, về quan điểm nhận định, về cách nhìn nhận nhuần nhuyễn và chừng mực của phần lớn các công trình của ông và nó làm thành từ sớm phong cách khoa học Nguyễn Đổng Chi hay không? Tìm được cái đó theo tôi, chính là tìm được chìa khóa them chốt để giải mã bí ẩn của một tài năng.

3. Như vậy, nói Nguyễn Đổng Chi là nhà văn hóa uyên bác là nói cái tầm kiến thức sâu rộng của một khoa học gia đích thực, đã đi vào lĩnh vực nào là đem hết tâm lực đào sâu đến nơi đến chốn để đạt được những thành quả cụ thể, có đóng góp thực sự cho ngành khoa học ấy, cắm được một cái mốc nào đó, chứ không phải uyên bác theo kiểu trình ra những lý thuyết suông. Tiếp nối hai đề dẫn ở trên, tôi muốn nhắc đến ý kiến của TS Hồ Quốc Hùng trong Hội thảo 100 năm sinh; anh cho rằng nhờ thông thạo Pháp ngữ và Hán ngữ cổ, Nguyễn Đổng Chi là người đọc rộng và tiếp cận sớm các hệ lý thuyết của nhiều trường phái nước ngoài, nhưng ông không vội sử dụng lý thuyết chay để quy nạp những vấn đề khoa học xã hội cụ thể được đặt ra từ trên mảnh đất đặc thù mà ông sinh trưởng. Kể từ ngày viết Mọi Kontum ông đã biết lấy khảo sát điền dã làm phương châm nền tảng. Lúc này rồi lúc khác, ông trở đi trở lại theo dõi sự chuyển động của các hiện tượng văn hóa ấy để tìm cho ra quy luật phát triển, sự va động và kết hợp đa dạng của chúng, kể cả sự suy tàn của chúng, biểu hiện của những hình thái tư duy dân gian đang vận động. Và sau khi sưu tập lại, đối chiếu, so sánh cẩn trọng, nhà học giả mới đề xuất những kiến giải thâm sâu. Những quan điểm lý thuyết của ông, tuy ở nhiều bộ môn như dân tộc học, hay cổ văn học sử, vốn xuất khởi từ cách đây hơn 70 năm, đến nay vẫn mang tính dự báo và tính hiện đại, và điều rất lạ là có nhiều luận điểm khá tương hợp với các trường phái lý thuyết hiện đại trên thế giới, tuy ông không hề bắt chước họ. Về cách diễn đạt thì bao giờ lý thuyết của ông cũng mềm dẻo, uẩn súc, ít khi phô bày những thuật ngữ tân kỳ cốt để kích thích những ai háo hức cái mới, nói như GS Nguyễn Xuân Kính là Nguyễn Đổng Chi “không biết làm hàng”. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm quý giá cho các nhà lý thuyết thuộc thế hệ trẻ sau này.

4. Một điều tưởng như mâu thuẫn là về thành tựu thì nổi bật như trên, con người học giả Nguyễn Đổng Chi là người thật uyên bác, kiến thức đa dạng và sâu rộng, nhưng xuất phát điểm học vấn của ông lại không phải cao. Ông học hết đệ tam trung học năm 1938, nhưng không thi Diplome. PGS Trần Hữu Tá xếp ông vào thế hệ tự học, lớp những Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Tố, Trương Tửu,... nhờ tự học mà làm nên sự nghiệp. Nhưng cũng vì vậy mà việc tự học thành công của các ông hẳn là những tấm gương sáng để nhiều học giả chúng ta hôm nay nhìn vào mà phấn đấu. Nói riêng Nguyễn Đổng Chi, sau khi thôi học ông đã nỗ lực suốt mấy năm dùi mài đọc sách đông tây kim cổ trong thư viện gia đình, nỗ lực học thêm chữ Hán với người chú họ, đến mức đang tuổi thanh niên đã cạo trọc đầu để tóc trái đào để khỏi phải rong chơi, nhằm dốc lòng đèn sách. Thử hỏi ngày nay mấy người có thể làm được như thế? Và từ nỗ lực một cách khác người, đến mức vừa học chữ Hán, vừa ngày đêm không rời quyển sách, chỉ trong vòng có mấy năm ông đã cho ra mắt liên tiếp nhiều công trình, ở những mức độ khác nhau, đều là loại công trình làm dậy sóng văn đàn; nào Việt Nam cổ văn học sử công bố 1942, được cả hai học giả tầm cỡ Nguyễn Văn Tố và Đặng Thai Mai cùng viết bài phê bình; nào Đào Duy Từ đoạt giải thưởng danh giá năm 1943; rồi Hát giặm Nghệ Tĩnh xuất bản 1944 làm cho người xứ Nghệ thuở ấy mừng vui vì không ngờ một thể loại hát vốn vẫn bị coi là tiếng hát nôm na nay bỗng nhiên lại được một nhà nghiên cứu đem ra trình làng, đặt một cách nghiêm túc lên bàn cân học thuật; rồi tiếp đấy ông lại có thêm cuốn sách dịch chung Thoái thực ký văn dịch của một nhà văn xứ Nghệ thuở trước là Trương Quốc Dụng, công bố năm 1944. Trong khi đó, không phải bó mình mãi trong thư phòng mà Nguyễn Đổng Chi còn làm nhiều việc xen kẽ, như ra Hà Nội đọc sách ở Trường Viễn Đông bác cổ gần suốt cả năm 1942, lại tham gia Việt Minh và xây dựng Đoàn thanh niên Cứu quốc và Đội vũ trang khởi nghĩa ở huyện nhà năm 1943, trốn tránh vào Huế khi phong trào bị đàn áp năm 1944, và trở về làm Thủ lĩnh thanh niên Phan Anh và phục hưng Đội vũ trang khởi nghĩa năm 1945 để chỉ huy giành chính quyền Can Lộc thành công ngày 15, nay theo lịch mới là ngày 16-8-1945, một ngày sớm nhất trong toàn quốc. Không có một nghị lực phi thường, nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi khó lòng hoàn thành một núi công việc trong vòng dăm năm như vậy. Tuy đây không phải là một vấn đề học thuật để trao đổi nhưng thiết nghĩ, khi chúng ta bàn luận đến các vấn đề học thuật của nhà văn hóa, cũng nên đặt trong tương quan với “con người hành động” Nguyễn Đổng Chi mà soi nhìn. Có thể biết đâu sẽ tìm thấy trong những phát kiến khoa học của học giả Nguyễn Đổng Chi có thêm nhiều mặt ý nghĩa mới.

5. Do đâu mà Nguyễn Đổng Chi có được những thành tựu được nhiều nhà khoa học dùng chữ “để đời” để đánh giá? Cuốn Mọi Kontum sở dĩ ngày nay còn được biết tới, được giới dân tộc học nhìn nhận như một “mẫu mực đi đầu”, vì như TS A. Hardy nói, hai tác giả không viết chuyện “phiêu lưu đường rừng”, cũng không kể những chuyện ly kỳ về “người Mọi” mà thuở bấy giờ người Việt nói chung đang đầy thành kiến và tò mò muốn biết. Các ông chỉ duy nhất muốn làm sáng tỏ dân tộc Ba-na vốn có một nền văn minh rất đáng coi trọng: “Tục lệ của họ chẳng những không mọi rợ chút nào mà trái lại có nhiều điều còn thuần túy hơn ta nữa kia”. Nghĩa là, cái làm nên hồn cốt của cuốn sách là tinh thần nhân văn trong sáng trong thẳm sâu tư tưởng của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi. Cũng vậy, vốn sẵn ấp ủ một tình yêu sâu nặng đối với làng thôn Việt Nam và người nông dân nghèo khổ quanh năm đầu tắt mặt tối trên ruộng đồng, nên như nhiều tham luận của các PGS Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thành Thi và những người khác, Nguyễn Đổng Chi đã viết phóng sự Túp lều nát phơi bày chế độ cường hào ở Nghệ Tĩnh còn sớm hơn và sử dụng một nghệ thuật “lộn trái sự thật bằng trào phúng và tiếng nhà quê - phương ngữ” trực diện hơn cả những phóng sự cùng đề tài của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao. Có thể nói bất kỳ công trình khoa học nào hay sáng tác văn học nào của Nguyễn Đổng Chi cũng là để gửi gắm tấm lòng yêu nước, thương dân, tinh thần dân tộc và chủ nghĩa nhân đạo vốn bắt nguồn từ truyền thống gia đình ông. Những nền tảng ăn sâu bén rễ này mới làm nên giá trị khoa học hay giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm của ông. Vậy nên trong con người Nguyễn Đổng Chi, ta không thể tách rời nhà yêu nước với nhà văn hóa, nhà văn. Sự thành công trong sự nghiệp to lớn của ông do nghị lực phi thường của chính ông, và cũng do chính sự bén nhạy với vận mệnh dân tộc trong ông thúc đẩy. Rất dễ hiểu nhà văn hóa lớn Nguyễn Đổng Chi sớm bắt gặp cách mạng và trở thành một người cách mạng từ năm 1939. Rất dễ hiểu khi ra công tác ở Hà Nội năm 1946, gặp lúc chiến sự nổ ra, ông đã không quay lui về khu IV mà hăng hái tham gia Đội tự vệ Bùi Quang Trinh để chiến đấu với giặc trong gần 3 tháng. Và cuộc chiến đấu này lại dẫn đến thành quả không nhỏ là cuốn truyện vừa Gặp lại một người bạn nhỏ hoàn thành năm 1949 và được in năm 1957. Đây cũng là một tấm gương khả ái để thế hệ học giả nhà văn ngày nay soi vào.

  Trở lên là 5 vấn đề và cũng là 5 bài học lớn mà bản thân tôi học được ở một bậc thức giả lớn, càng nghiền ngẫm càng thấy chúng gắn quyện dằng dịt với nhau, nói vấn đề này mà không chú ý đến vấn đề kia như một hệ quả hay một nguyên nhân, chúng tạo nên một học giả Nguyễn Đổng Chi như ta biết, thì đều là phiến diện. Đấy là những suy ngẫm của riêng tôi, có thể đúng và cũng có thể sai, nhưng đúng hay sai đều xuất phát từ ý nghĩ chân thành mà tôi muốn dùng làm một nén hương lòng dâng lên nhà học giả tiền bối nhân kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh của ông, một nhà văn hóa lớn mà càng tìm hiểu tôi càng thấy vĩ đại, một con người suốt đời khiêm tốn, xuất thân xứ Nghệ và là niềm tự hào trước tiên cho nhân dân Nghệ Tĩnh, nhưng cũng là niềm tự hào cho văn hóa văn nghệ của đất nước chúng ta, một con người luôn hành động theo ánh sáng của lương tri và không hề biết mệt mỏi khi đứng trước một quả núi sắp phải trèo lên, cũng không chịu dừng lại khi đã vượt qua một cái mốc mà mình vừa đạt được.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây