Nghệ An cần phải xây dựng và phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hướng tới ba mục tiêu ''khối lượng lớn, chất lượng cao và thương hiệu mạnh''

Thứ hai - 12/08/2019 05:21 0

 

Đó là giải pháp đầu tiên mà ông Phạm Xuân Cần - Nguyên Phó Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Công ty TNHH Faxuca đưa ra tại Hội thảo khoa học “Phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống thành hàng hóa” tại huyện Nghĩa Đàn vào chiều ngày 8/9.

Upload

Theo ông Pham Xuân Cần, Nghệ An đất rộng, người đông, địa lý tự nhiên đa dạng, văn hóa phong phú, độc đáo, nên sản vật và sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, phong phú, trong đó có một số có danh tiếng từ lâu đời. Tuy nhiên, các sản vật của Nghệ An đang phát triển theo kiểu “hữu xã tự nhiên hương”, chưa được quan tâm đúng mức về xây dựng và phát triển thương hiệu theo hướng hiện đại. Một số sản vật của Nghệ An có danh tiếng, có thương hiệu trong dân gian, nhưng vẫn chỉ là những đặc sản, chưa trở thành hàng hóa.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Phạm Xuân Cần cho biết: Tại Nghệ An hiện chỉ có khoảng 900 đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) được bảo hộ với 10 sáng chế, 53 kiểu dáng, 7 giải pháp hữu ích và gần 700 nhãn hiệu hàng hóa. Con số đó rất ít ỏi so với 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Báo cáo điều tra thực trạng doanh nghiệp Nghệ An trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế của Sở KH&CN Nghệ An (tháng 6/2016) cho biết, qua điều tra 544 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, chỉ có 27,4% DN trả lời cho biết họ có biết và thực hiện một số công việc liên quan đến sở hữu trí tuệ. Trong đó, có khoảng gần 40 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu về: Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể và Nhãn hiệu thông thường.

Tuy nhiên đó là con số khiêm tốn, không nói là ít ỏi trong tổng số hàng hóa, bên cạnh đó, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu còn nhiều bất cấp như: Sử dụng và khai thác nhãn hiệu yếu, quản lý thiếu chặt chẽ, hiệu quả kinh tế xã hội của nhãn hiệu thấp; Việc xác lập nhãn hiệu với một số sản phẩm có sai sót, hoặc thiếu hợp lý; Có tình trạng tranh chấp, hoặc vi phạm nhãn hiệu.

Upload

Sản phẩm bơ của HTX Dịch vụ Nông nghiệp 19/5 

Nguyên PGĐ Sở KH&CN cho biết nguyên nhân của tình trạng đó là do: Nhận thức, kiến thức và kĩ năng của doanh nghiệp và người dân về sở hữu trí tuệ rất thấp; Tổ chức sở hữu, quản lý nhãn hiệu thiếu tâm huyết, trách nhiệm và năng lực quản lý nhãn hiệu; Nhu cầu của người dân chưa cao và cũng chưa nhận thấy lợi ích  khi sử dụng nhãn hiệu chung; Nhiều làng nghề, một số cơ sở có nhãn hiệu riêng, đã có danh tiếng nhất định trên thị trường, nên không muốn sử dụng nhãn hiệu chung; Ngoài ra, lâu nay nhà nước mới hỗ trợ cho các làng nghề, HTX, hội xây dựng, xác lập, bảo hộ nhãn hiệu, nhưng chưa quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ việc khai thác, quản lý và phát triển nhãn hiệu; Chính sách của nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp chủ yếu mới tập trung cho khâu sản xuất (trồng và nuôi), mà chưa hỗ trợ, đầu tư đúng mức về chế biến, nên chưa có nhiều sản phẩm để xác lập nhãn hiệu;…

Upload

Gian hàng đặc sản, sản phẩm được trưng bày tại Hội thảo

“Nghệ An cần phải xây dựng và phát triển được một số sản phẩm nông nghiệp mang tính chủ lực, hướng tới ba mục tiêu: Khối lượng lớn, Chất lượng cao và Thương hiệu mạnh”, để thực hiện giải pháp mang tính đồng bộ đó, theo ông Phạm Xuân Cần trong thời gian tới Nghệ An cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Giải pháp quản lý đồng bộ sản phẩm nông nghiệp với “Ba có”: Có nhãn hiệu, có quản lý chất lượng và có khả năng truy xuất nguồn gốc.

Tập trung đầu tư phát triển một số đặc sản, sản phẩm truyền thống thành hàng hóa, trong đó cần phải tác động đến các đặc sản và sản phẩm truyền thống một cách đồng bộ từ khoa học công nghệ (để giải quyết các vấn đề giống; kĩ thuật nuôi, trồng; công nghệ chế biến), đến tổ chức sản xuất, chế biến, đến xây dựng thương hiệu, tổ chức thị trường.

Giải pháp khai thác, quản lý, phát triển các nhãn hiệu nông sản ở Nghệ An: Để thực hiện giải pháp này hiệu quả, cần củng cố, kiện toàn các tổ chức sở hữu, quản lý nhãn hiệu; Xây dựng một số mô hình quản lý và phát triển nhãn hiệu; Thiết kế đồng bộ bộ nhận diện thương hiệu, tổ chức sản xuất, in ấn để sử dụng đồng bộ trong tập thể; Phát huy vai trò của doanh  nghiệp trong xác lập, khai thác và quản lý, phát triển nhãn hiệu.

“Muốn đặc sản biến thành hàng hóa, không thể chỉ biết đầu tư cho sản xuất. Cần phải biết xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, chăm chút về chất lượng mới có thể bảo vệ được danh tiếng của thương hiệu đặc sản vốn có, trên cơ sở đó phát triển thương hiệu lên một đẳng cấp mới”, ông Phạm Xuân Cần khẳng định.

Hồ Thủy - Hồng Bắc

 

 

         

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây