Nhà thơ Xuân Diệu nói về giảng văn

Thứ ba - 23/05/2017 05:21 0

Tháng 3 năm 1973, tại hội trường trường Cán bộ quản lý Bộ Giáo dục, nhà thơ lớn Xuân Diệu đã có buổi nói chuyện về giảng văn cho lớp cốt cán Ngữ văn ở các tỉnh miền Bắc. Chúng tôi xin ghi lại những ý kiến quan trọng của nhà thơ để bạn đọc tham khảo.

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục, hôm nay tôi xin trao đổi với các cô giáo, thầy giáo về vấn đề nên giảng văn như thế nào?

Vinh quang nào cũng có đau khổ. Giảng văn tốn nhiều “xương máu” lắm. Nói học sinh không yêu văn là nói xô bồ. Có thể các cháu không yêu văn dạy trong nhà trường vì ta dạy chưa hay đó thôi. Còn văn hay thì các cháu vẫn rất thích.

Ta có lúc lẫn lộn các phạm trù: đúng, tốt, hay. Đúng là chân lý: Không sai. Tốt là đạo đức: Không sai. Nhưng dạy đúng, dạy tốt vẫn làm trò ngủ gật.

Phải dạy hay tức là dạy cho học sinh mê ly, có thế các cháu mới yêu văn.

Cuộc sống rất cũ và cũng rất mới. Đứa trẻ đã có từ lâu đời nhưng đứa trẻ mới sinh, cha mẹ vẫn cho là kỳ quan của vũ trụ. Tác phẩm văn chương cũng thế. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũ mà cũng rất mới. Mỗi lần đọc, ta lại phát hiện ra bao nhiêu điều kỳ diệu. Giảng văn phải thấy điều đó.

- Trước hết phải chuẩn bị “chiến trường”.

Ai cũng phải khôn trong nghề của mình, còn có dại là ở chỗ khác. Thanh niên yêu nhau phải trò chuyện lúc chiều tà hay đêm trăng, đi giữa thanh thiên bạch nhật thì không tỏ tình yêu được. Giảng văn cũng phải tinh tế như trai gái yêu nhau.

Cô giáo trẻ mới ra nghề đọc văn là cứ muốn giảng ngay. Thế là thất bại, phải chuẩn bị “chiến trường” cho trận đánh của mình đã. Ví dụ dạy bài Bầm của Tố Hữu: Phải tìm hiểu nhà thơ viết trong hoàn cảnh nào? Năm 1947, lên chiến khu, anh Tố Hữu thương quần chúng rét. Anh làm bài thơ này ở đất Phú Thọ, nơi có nhiều lá cọ. Anh muốn cầm một tàu lá cọ che cho bà cụ trong mưa gió.

Nhà thơ muốn nâng bà mẹ hiền thành bà mẹ Tổ quốc. Bà mẹ sống 59 tuổi trong chế độ cũ, một năm trong chế độ dân chủ cộng hòa.

Phải cho học sinh đi tìm hiểu những bà mẹ từng sống qua hai chế độ để xem ngày xưa bà sống ra sao? Bà cảm ơn cháu lắm, có thể nói khổ chìm đầu, chìm óc. Từ đó mới thấm thía những câu thơ khi đem ra giảng.

Phải xem trình tự của bài:

Đi đâu mà vội mà vàng

Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây?

Dạy văn đừng có nôn nóng như chạy việt dã. Phải xem trình tự của bài để phân tích cho ra cái hay của tác phẩm. Ví dụ đoạn Tú Bà đánh đập Kiều kết thúc bằng hai câu:

Thương ôi! Tài sắc bậc này

Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần!

Thanh dấu huyền (yếu tố hình thức) của từ trần xét riêng ở từ trần không có nội dung ý nghĩa gì cả. Đặt vào hai câu lục bát ở trên vẫn chưa nói lên điều gì. Cần phải xem nó trong trình tự của đoạn thơ:

Màu hồ đã mất đi rồi

Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma

Con kia gả bán cho ta

Nhập gia cứ phải phép nhà tao đây

Lão kia có dở bài bây

Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe

Cớ sao chịu tốt một bề

Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao

Phải làm cho biết phép tao

Chập bì tiên, rắp sấn vào ra tay

Nàng rằng: “Trời thẳm đất dày

Thân này đã bỏ những ngày ra đi

Thôi thì thôi có tiếc gì”

Sẵn dao tay áo tức thì giở ra

Sợ gan nát ngọc liều hoa

Mụ còn trông mặt, nàng đà quá tay

Thương ôi! Tài sắc bậc nầy

Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần!

Xét cả đoạn sẽ thấy một loạt từ cuối câu bát đều có thanh không dấu.

Nhưng đến câu bát cuối cùng, thanh dấu huyền bỗng hạ xuống như để khóc òa: Nàng Kiều chết thật rồi!

Sách “Trích giảng văn học” lớp 6 có dạy bài Mẹ Suốt của Tố Hữu. Người soạn sách đã quên trình tự của bài. Mở đầu là hai câu:

Lặng nghe mẹ kể ngày xưa

Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình

Và kết là hai câu:

Vui sao câu chuyện ân tình

Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say

Vậy mở đầu và kết thúc có hô ứng với nhau qua hình ảnh “cồn cát nắng trưa Quảng Bình”. Thế mà Ban Tu thư lại bỏ đi hai câu đầu. Vậy thì ai mà hiểu được cái hay của hai câu kết?

- Hình tượng nghệ thuật: Làm văn chương là phải sáng tạo cho được những hình tượng. Hình tượng Hoàng hạc lâu, hình tượng nàng Kiều,… sống mãi với thời gian. Giảng văn là giảng hình tượng nghệ thuật. Phải lấy sự sống kiểm tra để làm cho học sinh thấy cái hay, cái đẹp của hình tượng. Như dạy Truyện Kiều:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng

Dẫu lìa ngõ ý, còn vương tơ lòng

Kiều nói với Kim Trọng: đôi ta lìa nhau như ngó sen bẻ ra, vì em phải làm vợ người ta hai lần rồi. Ngó sen bẻ ra, giữa hai khúc còn những sợi tơ. Ai nỡ bẻ phựt cho đứt mối tình. Như vậy là hình tượng nghệ thuật của Nguyễn Du qua chi tiết này muốn nói cái quy luật của muôn đời: Tình yêu thứ nhất không ai quên nổi. Nguyễn Du hiểu lòng người đến thế! Thầy giáo, cô giáo phải giảng cho ra cái ẩn ý đó của nhà thi hào thì học sinh mới mê ly thơ Kiều. Sau này, Thế Lữ cũng lại viết:

Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm chưa dễ đã ai quên!

- Nhạc điệu: Giảng văn, nhất là giảng thơ ca, phải rất chú trọng nhạc điệu. Một nhà thơ Pháp nói: Thơ là sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa. Những thi sĩ tài hoa đều rất giỏi trong việc sử dụng nhạc điệu.

Ví dụ trong bài “Tiếng hát đi đày”, Tố Hữu viết:

Thông reo bờ suối rì rào

Chim chiều chiu chít ai nào kêu ai

Nhà thơ qua đèo An Khê, lên Tây Nguyên, ngồi trong xe hơi chờ tù cách mạng bịt kín. Anh yêu cuộc sống quá, quyến luyến quê hương đất nước quá.

Chim chiều chiu chít. Những thanh “ch” quyến luyến lạ thường! Chim ơi chim ta luyến nhà, luyến nước!

Có thể khi viết Tố Hữu vô tâm nhưng cầm bằng như hữu ý.

- Từ ngữ: Sợ nhất trong giảng văn là chuyện đọc phiên phiến, đọc ẩu, đọc vội rồi từ đó giảng sai. Nhà xuất bản Giáo dục có một tuyển thơ cho học sinh trong đó có bài “Bà cụ mù lòa” của Xuân Diệu. Ba chữ “đèo nợ non” được người soạn sách giải thích rằng: Nợ cao như núi, nợ chồng như non! Có nguy hiểm không? Đâu có phải, đây là mua lúa non, bán lúa non vì nghèo khổ mà. Sách báo ta in sai nhiều lắm.

- Bài thơ “Tiếng hát đi đày” của Tố Hữu có câu:

Người đi quần áo chen chân

Ở sao như lại quen thân từ nào

Bản in “Thơ Tố Hữu” năm 1946 in như thế. Có cháu học sinh hỏi tôi:

Quần áo chen chân là vô lý. Tôi nghĩ Tố Hữu có là nhà thơ hạng tư mới đi viết như thế; người đi giày, dép, cớ sao quần áo lại chen chân?

Tôi hỏi tác giả mới vỡ lẽ: Quấn áo, chen chân. Có ghê không? Mấy chục năm không chữa nổi cái sai của một từ. Nếu in vào giáo khoa, các cô, các thầy giảng ra làm sao?

Trong kháng chiến chống Pháp, anh Kinh Kha có bài thơ nói về chuyện gặt lúa. Bài này cũng được đem dạy trong các trường trung học hồi đó. Nhiều người ghi:

Lúa thơm, thơm ngát cánh đồng

Lúa sây hạt nặng, lúa cong mây chiều

Dựa vào đó, thầy cứ tán lúa cong mây chiều thì đẹp biết mấy, nhà thơ tài hoa biết mấy? Đến khi hỏi tác giả thì không phải như thế mà là:

Lúa sây hạt nặng, lúa cong mấy chiều.

Chỉ sai một cái dấu mà làm cho câu thơ vô nghĩa.

Các đồng chí hỏi tôi giảng ca dao thì có khác gì giảng thơ không? Tôi nghĩ ca dao là thơ dân gian, có nhiều câu rất hay. Vậy thì về cơ bản cũng như giảng thơ thôi, có khác chăng là chú ý tính dị bản.

Tóm lại, muốn giảng văn cho hay phải dạy từ trái tim dạy ra. Phải phát hiện cái ẩn ý tinh vi của tác giả. Tính tư tưởng hài hòa với tính nghệ thuật, nằm trong tính nghệ thuật. Thầy cô phải đọc rộng, biết nhiều. Phải hiểu cuộc sống.

Càng ngày công chúng càng đòi hỏi cao về văn chương. Cơm không ngon còn có thể ăn nhưng thơ không hay, không ai đọc. Hưởng thụ văn hóa cao hơn, khó hơn hưởng thụ vật chất. Ta đánh B 52 rất giỏi nhưng thơ viết về đánh B 52 chưa hay. Vậy thì quần chúng sẽ quên thơ thôi.

Xin chúc các cô, các thầy dồi dào sức khỏe và giảng văn thật hay, thật mê ly.

Phan Bá Hàm

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây