SỨ MỆNH CAO CẢ CỦA VĂN CHƯƠNG TRONG XÂY DỰNG NHÂN CÁCH CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Thứ ba - 16/02/2016 04:21 0

SỨ MỆNH CAO CẢ CỦA VĂN CHƯƠNG TRONG XÂY DỰNG NHÂN CÁCH CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

 Upload

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội thảo khoa học "Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng

nhân cách con người (tháng 10/2015) (Ảnh: M.T)

Không dấu gì quí vị độc giả, đặt xong nhan đề bài viết trên đây, tôi tự nhiên rơi vào tình trạng vừa muốn viết vừa không muốn viết. Không muốn viết là vì thấy vấn đề quá lớn, quá khó mà trong hoàn cảnh cuộc thế và văn chương hiện nay không chừng mình trở thành hậu duệ của Đông Ky Sốt. Nhưng sau những phút chao đảo lại thấy cần phải viết, dù được gì chưa biết, nhưng ít ra cũng là một chút lòng với đất nước một khi đã ở tuổi kém ba đầy chín chục. Mong được quí vị chiếu cố và cùng bàn bạc cho vui.

  1. Xây dựng nhân cách con người Việt Nam đã là một yêu cầu hàng đầu của sự sống Việt Nam trong đó có vai trò rất lớn của văn chương Việt Nam

Nước nào cũng vậy thôi. Họ có nhân cách quốc gia của họ. Cũng như Việt Nam ta có nhân cách Việt Nam ta. Nhân cách quốc gia là sản phẩm của cuộc sống quốc gia và lệ thuộc vào trình độ sống, chất lượng sống của quốc gia theo thời gian. Nói đến nhân cách của một quốc gia là nói đến những mặt tốt của quốc gia đó. Chẳng phải vì thế mà cuộc hội thảo khoa học này mới có nhan đề là “xây dựng nhân cách”. Khác với khái niệm dân tộc, tính của quốc gia thì gồm cả hai phía: tốt và chưa tốt. Mà điều tốt thì không phải ở quốc gia đó ai cũng có. Nó chủ yếu thuộc nhân dân nói chung và những phần tử ưu tú của quốc gia nhưng vẫn đủ tạo nên cốt cách tốt đẹp của quốc gia. Nội dung nhân cách rất phong phú và đa dạng. Thông thường được qui lại trong hai phạm trù: tư đức và công đức. Tư đức là những đạo đức thuộc phạm vi cá nhân và gia đình. Còn công đức là đạo đức thuộc phạm vi các quan hệ xã hội. Ấy là xác định nội hàm nhân cách trên bình diện đạo đức học, chứ xét trên bình diện triết học thì nội hàm của khái niệm nhân cách còn là tất cả những gì làm nên giá trị người trong đó có giá trị đạo đức đã đành nhưng còn những giá trị nằm ngoài đạo đức. Ví như thể chất, tài năng, trí tuệ… Còn với khoa tâm lý học thì tâm lý học nhân cách lại còn có nội hàm phong phú riêng. Nhân cách của một quốc gia vừa có tính truyền thống vừa có tính lịch sử cụ thể vốn có mối liên hệ tới đời sống chính trị của một thời đại mà thường có biến động này khác. Do đó khi nói đến nhân cách của một quốc gia thì dễ thường phải coi trọng hơn những gì đã thành truyền thống lâu đời của quốc gia.

Với Việt Nam như mọi người đã biết nhân cách quốc gia có nhiều thành tố đã thành truyền thống tốt đẹp để người Việt Nam bao đời nay quí trọng và ra sức bảo tồn. Về tư đức là lòng hiếu thảo biết ơn những bậc sinh thành dưỡng dục, biết ơn tổ tiên mà thành đạo thờ Tổ tiên như một tôn giáo thiêng liêng được đúc kết thành triết lý “vật bản hồ thiên nhân sinh do tổ” (muôn vật sinh ra là nhờ ở Trời, con người sinh ra là nhờ có Tổ tiên); là tình cảm gia đình sâu nặng, anh em như thể chân tay, chị ngã em nâng. Kính trưởng nhượng huynh; là nghĩa vợ chồng chung thủy; là ý thức bảo vệ gia phong gia đạo; là tinh thần hiếu học; là lòng tự trọng, thật thà, liêm khiết, “áo rách vẫn giữ lấy lề”, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”; là cần cù, không ngại khó khăn gian khổ… Về công đức, gần gũi nhất là tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương. Mở rộng và nâng cao là lòng yêu đất nước, tự hào dân tộc, là nghĩa đồng bào; dám xả thân thủ nghĩa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh một khi đất nước có họa xâm lăng; là ý chí đấu tranh, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”; là tình “thương người như thể thương thân”, “thấy người hoạn nạn thì thương”, “cứu một người phúc đẳng hà sa”; “làm ơn mà chẳng mong người trả ơn”, nhưng “ơn ai một chút trọn đời không quên”; là tinh thần đùm bọc nhau, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều; là biết quí trọng nhân dân vì “không dân thì không có gì”; biết kính trọng người già, “kính già già để tuổi cho”… Nhân cách con người Việt Nam cũng là sự thông minh và tài hoa trong điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước…

Nhân cách Việt Nam trong lịch sử đã hun đúc nên và thể hiện ở những mẫu người tinh hoa của đất nước về mặt này mặt khác. Đó là những bậc anh hùng dựng nước giữ nước và cứu nước; những bậc minh quân lương tướng; những hiền nhân quân tử; những liệt nữ anh thư; những bậc chân Nho nghĩa khí; những ẩn sĩ xuất xử hành tàng, những hàn Nho giàu phong vị; những lương y như từ mẫu; những ngư tiều canh mục dù nghèo khổ mà vẫn thảnh thơi giữa cuộc đời; những “dân ấp dân lân mến nghĩa làm quân chiêu mộ”…

Những nhân cách Việt Nam và những mẫu người Việt Nam đã có như thế là sản phẩm của Việt Nam xưa với các đặc điểm sau đây:

- Là một đất nước nông nghiệp thuộc văn minh lúa nước, dân số tuyệt đại đa số là nông dân sống với đồng ruộng nên rất thuần phác, cần cù, chân chất, chịu thương chịu khó, nặng nghĩa nặng tình với gia tộc với xóm làng.

- Là một đất nước phong kiến dĩ nhiên là lạc hậu ở nhiều phương diện nhưng là phong kiến đức trị khác nhiều phong kiến đơn thuần ở chỗ biết dựa trên nền tảng đạo đức tốt đẹp của nhân dân, được nâng cấp, được trí thức hóa, bác học hóa nhờ có sự du nhập của các triết thuyết nhân sinh cao diệu từ các nền văn hóa lớn trong khu vực để có được một nền văn hóa nhân bản vững chãi. Dưới chế độ phong kiến đức trị đó đã có một nền giáo dục đã là quốc sách hàng đầu, một đời sống tâm linh đậm đặc thuận cho việc xây dựng và bảo tồn truyền thống tốt đẹp của nhân cách con người Việt Nam xưa.

- Là một đất nước nhiều lần bị ngoại xâm và luôn luôn phải đề phòng ngoại xâm nên trong nhân cách Việt Nam xưa, tinh thần bất khuất trước kẻ thù, ý chí bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập dân tộc và tình yêu thương con người đã trở thành hai yếu tố đứng đầu trong bảng giá nhân cách Việt Nam.

Trong sự xây dựng và bảo tồn truyền thống nhân cách Việt Nam xưa. Văn chương vốn có lợi thế và cũng là đắc lực hơn bất cứ ngành nghệ thuật nào khác. Sứ mệnh của văn chương đã được thể hiện cả ở hai phương diện: quan niệm và sáng tác. Trong quan niệm, quan điểm, “văn dĩ tải đạo quán đạo minh đạo”, “thi dĩ ngôn chí”, “thối lỗ thi”,“văn bút tảo thiên quân chi trận” (Trần Thái Tông), “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn Đình Chiểu), “thơ không đuổi giặc ngâm vô ích/ Một giọng bi ca đọc chán phèo” (Lê Đại), “rộng xét năm châu, trải xem lịch sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy ngàn năm, từ Đông sang Tây, từ xưa tới nay, hễ nước nào, khi vận nước thịnh cường, tất là khi ấy trong nước chánh học sáng rệt. Nước nào khi vận nước suy đốn, tất là khi ấy trong nước tà thuyết lưu hành. Chánh học sáng rệt thì thế đạo nhân tâm phải tốt, mà vận nước theo chánh học mà nổi lên. Tà thuyết lưu hành thì nhân tâm thế đạo phải hư mà vận nước cũng theo tà thuyết mà đắm mất” (Ngô Đức Kế), “văn chương phải có bóng mây hơi nước đến dân xã” (Tản Đà), “một thầy thuốc sai lầm thì giết chết một người. Một thầy địa lý sai lầm thì giết chết một dòng họ. Một nhà văn sai lầm thì làm hại một thời đại” (Trương Tửu nhắc lại ý người xưa). Văn chương trung đại của nước nhà đã được sản sinh từ một hệ hình lý thuyết, có thể còn thiếu điều này điều khác so với hệ hình lý thuyết văn chương thời nay, nhưng vẫn đã chạm đúng những vấn đề gốc rễ cốt lõi nhất của văn chương chân chính trong muôn đời, hỏi sao mà không góp phần đắc lực vào việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam thành truyền thống vững bền.

Về sáng tác, văn chương trung đại Việt Nam đã kết tinh rực rỡ từ sứ mệnh xây dựng nhân cách Việt Nam. Nhân cách Việt Nam là tinh thần tự chủ của quốc gia thì Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt (?) chẳng phải là mở đầu và sáng chói tận hôm nay và mai sau sao! Yêu nước phải cứu nước khi có họa xâm lăng thì Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Đại vương chẳng phải là đỉnh cao nhất muôn đời trong văn chương Việt Nam sao! Sống là phải có triết lý nhân sinh thì “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Đệ nhất Trúc Lâm tam tổ Trần Nhân Tông chẳng phải là thượng đẳng tối ưu sao! Quyết chiến quyết thắng để rồi reo vui trong ngày đại thắng kẻ thù xâm lăng mà trở thành một bản “thiên cổ hùng văn” thuộc loại hiếm của văn chương thế giới loại chẳng phải là Bình Ngô đại cáo của Ức Trai tiên sinh đó sao! Yêu thương con người đau khổ, đặc biệt là cái “phận đàn bà” đi liền với sự căm phẫn những thế lực bạo tàn, quan trọng hơn còn là sự thăng hoa những giá trị người với một mật độ cao hơn đâu hết để rồi trở thành một kiệt tác có sức sống phi thường, bất chấp thời gian, bất chấp giai tầng xã hội, bất chấp chính kiến, vượt biên giới quốc gia, gia nhập ảnh hưởng và sự ngưỡng mộ của thế giới thì chẳng phải là Truyện Kiều của Nguyễn Du thiên tài đó sao!... Về tư đức thì đạo hiếu nghĩa của chàng trai Lục Vân Tiên, đạo tiết hạnh của cô gái Kiều Nguyệt Nga của Đồ Chiểu chẳng phải là đỉnh cao, tiêu biểu đó sao! Tư đức phải kết với công đức. Lục Vân Tiên là thế chứ sao! Rồi nữa, rồi nữa, tha hồ kể và dẫn chứng… để cuối cùng thấm thía một cách say sưa, ngây ngất rằng sứ mệnh của văn chương chân chính với thế đạo nhân tâm từng là thế trên đất nước thân yêu của chúng ta(1). Hậu thế cố mà học lấy, đừng bỏ phí.

Bước sang thời cận đại, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, với đất nước ta là “một phen thay đổi sơn hà” rất lớn nhưng cơ bản lại không chủ động. Trong hoàn cảnh đó, nhân cách Việt Nam truyền thống mà đẹp nhất là tinh thần, khí phách chống kẻ thù xâm lược giành độc lập dân tộc vẫn sừng sững nổi lên và có thêm yếu tố mới từ sự tiếp nhận ánh sáng mới tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản từ phương Tây dội tới. Trong hệ tư tưởng tư sản có mặt trong hoàn cảnh đó cũng đã xuất hiện cái Tôi cá thể (L’ individu) rõ nét hơn nhiều so với thời trung đại là một nhân tố mới, tiến bộ bổ sung cho nhân cách Việt Nam, vừa là một tác nhân làm suy suyển phần nào nhân cách truyền thống tốt đẹp. Tình trạng chạy theo tình yêu đơn thuần cảm xúc để rồi “Say đi em/ Say cho lơi lả ánh đèn/ Cho cung bực ngả nghiêng/ Cho điên rồ xác thịt” mà không nghĩ gì nữa đến đạo nghĩa, đến vai trò cần có của lý trí là một ví dụ. Ở hai mặt được thêm nhưng có mất ít nhiều trong nhân cách thời này hẳn là có vai trò của văn chương Tự lực văn đoàn Phong trào Thơ mới.

  1. Công cuộc xây dựng nhân cách con người Việt Nam sau ngày cách mạng thành công

Cách mạng tháng Tám thành công chấm dứt 80 năm nô lệ khổ đau. Cả nước reo vui, cả nước hân hoan. Nhưng chưa bao lâu thì đã phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược. Gian khổ đến cực độ. Nhưng hào khí của Cách mạng tháng Tám vẫn hừng hực, vẫn được tiếp nối và nâng cấp rất mực trong chín năm kháng chiến để có chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”. Trong bối cảnh lịch sử đó, nhân cách con người Việt Nam ở các vùng do lực lượng kháng chiến quản lý đã có sự thăng hoa tột độ. Tình yêu đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, lòng biết ơn cách mạng, đặc biệt là biết ơn Lãnh tụ Hồ Chí Minh, thái độ tôn trọng nhân dân, quí trọng anh bộ đội cụ Hồ, người dân công phục vụ chiến trường, các bà mẹ chiến sĩ,… quả là sự biểu hiện tăng trưởng vượt mực nhân cách Việt Nam. Ngày đó, mấy tiếng đồng bào đồng chí, nghe sao mà thấm thía, sâu đậm đến thế. Ngày đó ở những vùng đất này, nghèo khổ, thiếu thốn đủ thứ nhưng nét mặt ai ai cũng tươi vui. Không thấy người ăn xin. Không có trộm cắp. Đi đường xa tối đến cứ sà vào bất cứ nhà ai bên đường xin nhờ thổi cơm ăn, xin ngủ qua đêm thì sẽ được đón tiếp, giúp đỡ vô tư. Đặc biệt, tình quân dân cá nước là rất đẹp. Làng nào có bộ đội đóng quân là làng đó vui như ngày hội. Cứ đọc lại thơ của Hoàng Trung Thông hay nghe lại nhạc Văn Cao là hình dung được phần nào không khí ngày đó cũng là nhân cách con người Việt Nam ngày đó mà nay kể lại như kể chuyện cổ tích. Tất nhiên, cuộc sống chẳng bao giờ trọn vẹn. Sự thật về chuyện đảng tranh ít nhiều đã xảy ra trước ngày kháng chiến bùng nổ có liên quan nhất định đến bảng giá nhân cách con người Việt Nam thì cũng đã nhanh chóng qua đi. Nhưng sự thật về chuyện đấu tố trong cải cách ruộng đất sau đó đã làm hao hụt không kém nặng nề nhân cách ở một bộ phận người Việt Nam thì vẫn là một ám ảnh không dễ gì quên. Tất nhiên nhớ là để rút kinh nghiệm cho mai sau, không chỉ cho cuộc sống mà cho cả văn chương.

Năm 1954, kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Đất nước bị chia làm hai miền Bắc - Nam. Miền Bắc hân hoan đón nhận hòa bình và tiến hành song song hai nhiệm vụ: vừa chi viện miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một không khí hào hùng, lạc quan cách mạng phơi phới lại bùng lên phủ kín cả miền Bắc. Đọc lại thơ văn thời ấy đặc biệt là thơ Tố Hữu hay nghe chương trình âm nhạc Giai điệu tự hào trên Truyền hình Việt Nam gần đây cũng hình dung được phần nào nhân cách con người kháng chiến một thời rạo rực là thế. Miền Nam trực tiếp chống Mỹ, đi trước về sau, đau thương là thế nhưng khí thế anh hùng cũng rất mực phi thường. Đọc lại Từ tuyến đầu Tổ quốc, Sống như anh, Bất khuất, Người mẹ cầm súng, Hòn đất, Nhật ký của Đặng Thùy Trâm và của Nguyễn Văn Thạc… cũng đủ biết con người trên đất miền Nam anh dũng là thế nào trong những năm tháng trực tiếp chống Mỹ. Đúng là chủ nghĩa anh hùng cách mạng thuộc nhân cách con người Việt Nam chưa bao giờ tỏa sáng trên hai miền đất nước ta như thời chống Mỹ. Dĩ nhiên đây mới là sản phẩm nhân cách thể hiện chủ yếu trên phương diện chiến đấu thống nhất đất nước. Riêng ở miền Bắc, trong khi còn hướng theo mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đã có luận điểm muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Từ đó có chủ trương xây dựng con người mới, mẫu người anh hùng mới với một hệ thống tiêu chí này nọ mà trọng tâm là nhằm vào tuổi trẻ đặc biệt là tuổi trẻ học đường. Khẩu hiệu Sống theo gương những người cộng sản đã được treo ở nhiều nơi công cộng. Tại Đại hội thi đua toàn miền Bắc, diễn văn khai mạc do ông Lê Thanh Nghị đọc đã nêu lên 5 tiêu chuẩn của người anh hùng. Tác dụng thực tiễn của việc giáo dục chủ nghĩa anh hùng mới trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng đó là điều đã được khẳng định. Tuy thế vẫn cần có sự tổng kết, phân tích đánh giá nó một cách khách quan hơn, khoa học hơn, xem những gì sẽ là giá trị trường tồn, bất biến, những gì chỉ là giá trị nhất thời sẽ qua đi với thời gian. Riêng miền Nam thuộc chế độ Việt Nam cộng hòa trước 1975 là thế nào thì xin nhờ quí vị am hiểu bổ sung cho. Tôi chỉ nghĩ là vấn đề không đơn giản trong nhận thức đánh giá của hôm nay và có lẽ cả mai sau. Điều nói được là có khác nhau giữa hai miền Bắc Nam do khác nhau về chế độ chính trị đã đành mà còn do các nguồn ảnh hưởng ngoại lai cũng khác nhau. Ở đây hẳn đã phải gác lại cái chuyện vô duyên một thời là hễ nói đến văn hóa miền Nam trước 1975 thì gói gọn vào mấy từ văn hóa thực dân mới để rồi có vị là một nhà văn hóa sáng danh vào miền Nam thấy trẻ con khi có khách đến nhà thì vòng tay cúi chào mà cho đó là do sống trong môi trường nô lệ nên quen với lối giao tiếp khúm núm như thế. Cần nhớ rằng dưới chính thể nào thì người dân Việt Nam vẫn có nhân cách Việt Nam. Ảnh hưởng của chính thể có nhưng không quyết định.

III. Vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời đại hội nhập thế giới hiện nay và sứ mệnh cao cả của văn chương

Những gì được trình bày trên đây là chỉ để tham khảo. Điều cần thiết đặt ra là vấn đề làm thế nào để xây dựng được nhân cách con người Việt Nam trong thời hội nhập thế giới sôi động khẩn trương và toàn diện chưa từng có trong lịch sử dân tộc như hôm nay và sứ mệnh của văn chương nghệ thuật là gì trước vấn đề cốt yếu đó của đất nước.

  1. Phải từ thực tế đất nước hôm nay mà nghĩ mà bàn

Có nghĩa là không theo cách làm mang tính chất tiên nghiệm (à priori) chủ quan, tư biện, duy ý chí, muốn thế nào thì nói ra thế ấy, chẳng căn cứ gì vào thực tế cuộc sống. Cách làm này dĩ nhiên là để nói cho vui thôi, chẳng đi đến đâu. Phải từ thực tế cuộc sống mà nghĩ, mà bàn thì may gì có chút kết quả trước một vấn đề quá khó như thế. Vậy thực tế đất nước hôm nay là gì? Là:

- Hội nhập vào thế giới phẳng một cách đa diện, sôi động, khẩn trương chưa từng có trong lịch sử đất nước mà đó là điều tất yếu không thể khác nếu muốn giàu có hơn, văn minh hơn nhưng cũng phải chịu nhiều thử thách không dễ gì vượt qua một khi chưa có kinh nghiệm gì mấy trước nhiều phương diện mới lạ của cuộc sống so với nước này nước khác.

- Quy luật cạnh tranh sinh tồn thuộc học thuyết Tiến hóa luận của Darwin từng bị từ chối nhưng thực tế qui luật đó vẫn đã và đang diễn ra một cách sôi động ở hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống với hai mặt: cần thiết, không thế thì không phát triển sự sống nhưng lại khắc nghiệt, cá lớn nuốt cá bé, xâm phạm nhân cách.

- Sự trỗi dậy của đời sống tâm linh rất mực bề thế trong đó phần bồi bổ thêm cho nhân cách là điều cần hưởng ứng cần khuyến khích nhưng chuyện buôn thần bán thánh, phá hoại nhân cách con người cũng không ít. Chưa nói là tình hình tôn giáo tuy có tốt đẹp hơn nhưng không phải không còn vấn đề.

- Sự trỗi dậy của cái Tôi khá hào hứng là thuận theo qui luật phát triển xã hội nhưng lại chưa đủ chứng minh tính ưu việt của cái Tôi bởi lẽ chưa phân biệt được rạch ròi giữa hai cái Tôi: nhân bản và phi nhân bản. Chưa xử lý đúng mối quan hệ giữa cái Tôi và cái Ta.

- Sự trỗi dậy khát vọng tự do dân chủ vốn là khát vọng chính đáng của cá nhân và của nhân quần nhưng vẫn chưa xác lập được thật rõ ràng đâu là tự do chính đáng, đâu là tự do bừa bãi, vẫn chưa xử lý đúng mối quan hệ theo luật đối trọng giữa khát vọng tự do và tinh thần pháp lý để có được sự quân bình, sự thăng bằng (équilibre) cần cho sự phát triển cuộc sống một cách bền vững.

- Trong xu hướng chung của cuộc sống, chủ nghĩa duy tình đã nhường chỗ dần cho chủ nghĩa duy lý. Tư duy áp đặt bao cấp đã nhường chỗ dần cho tư duy phản biện, đối thoại. Tư duy so sánh lịch sử đã nhường chỗ dần cho tư duy so sánh đồng đại. Tư duy dân tộc khép kín đã nhường chỗ dần cho tư duy quốc tế rộng mở. Nếp sống thanh tao, nhẹ nhàng, kín đáo đã nhường chỗ dần cho nếp sống thô lộ, mạnh bạo, phơi bày. Con người thiên về thiết chế hóa để nâng cao nhân cách đã nhường chỗ dần cho con người bản năng, sinh học, bất lợi cho việc nhân cách hóa. Con người thiên về văn minh tĩnh (văn minh tinh thần) đã nhường chỗ dần cho con người thiên về văn minh động (văn minh vật chất). Ý niệm về Tổ quốc mang tính thiêng và từng gắn với thể chế chính trị đã nhường chỗ dần cho ý tưởng Tổ quốc thực dụng ngoài lãnh thổ, phi chính trị. Hiện tượng Bác bảo đi là đi/ Bác bảo đứng là đứng, trên bảo sao dưới nghe vậy - sản phẩm một thời vô tư hồn nhiên - cũng đã nhường chỗ dần cho hiện tượng phân tâm dẫn đến tính trạng kém tín nhiệm, ít phục tùng lãnh đạo của xã hội…

- Riêng về giới lãnh đạo đất nước thì đã không giữ được thanh danh bề thế, niềm tin vững chắc của người dân như trước vì đã có sự sa sút phẩm chất khá rõ mà có vị cao cấp đã phải nói thẳng ra trước muôn dân trăm họ: “Không phải một vài con sâu mà có cả một bầy sâu”. Quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo từng có cũng đang nhường chỗ dần cho một quan hệ khác thuộc mô hình xã hội dân sự cần có.

- Bao trùm lên cuộc sống nhân loại mà đất nước Việt Nam cũng không được trừ ra là một qui luật trần gian khắc nghiệt mà thi sĩ Tản Đà đã nói lên trong Giấc mộng con tập I cách đây 99 năm là: “Sự văn minh càng tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hóa bấy nhiêu. Sự công nghệ tiến hóa bao nhiêu thì sự giết người cũng tiến hóa bấy nhiêu. Sự nông tang tiến hóa bao nhiêu thì sự dâm đãng cũng tiến hóa bấy nhiêu”.

- v.v…

  1. Trước thực tế khắc nghiệt không thể chối cãi đó, công cuộc xây dựng nhân cách con người Việt Nam là thế nào?

Để trả lời câu hỏi trọng tâm này, trước hết phải trả lời câu hỏi: thực tế đất nước hôm nay là khác trước và phức tạp như thế, liệu có thể đặt vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam được không? Những người chủ trương và tham gia cuộc hội thảo khoa học này có phải là những người đang đấm vào cối xay gió không? Xin để mọi người Việt Nam ta trả lời. Riêng tôi rất muốn được quốc hội theo luật trưng cầu ý dân nêu vấn đề này ra để hỏi dân xem sao. Tôi hy vọng và tin rằng nếu hỏi dân thì nhất định tuyệt đại đa số dân sẽ hô to: Phải làm! Phải làm! Phải làm! Mà làm thì phải ra làm. Tôi tin thế vì nói gì thì nói, trên đất nước thân yêu của chúng ta, cái Thiện dù chưa đè bẹp được cái Ác nhưng cái Thiện vẫn là chủ công của cuộc sống. Bởi không thế thì lấy đâu ra sự sống nữa. Vậy là làm thì:

2.1. Trước hết hãy cố vận dụng tinh thần “Nữ Oa đội đá vá trời”, “Ngu Công dời núi” của văn hóa phương Đông thuở trước, ý thức phát huy vai trò chủ thể con người trong sự sống của học thuyết Mácxit, tư tưởng “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí cũng làm nên” của Hồ Chí Minh, … tìm mọi cách phát động một phong trào sâu rộng với mục tiêu củng cố, xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Đảng lãnh đạo cần có một nghị quyết hẳn hoi về việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời hội nhập có tầm cỡ là một cuộc cách mạng thực sự chứ không như lâu nay đã làm. Phải có “hổ phách phục linh mới cứu đặng”.

2.2. Hãy đặt vấn đề xây dựng nhân cách Việt Nam trên một nền tảng vững bền hơn những gì đã từng có trước đây. Nền tảng đó không gì khác là nh&ac

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây