Đôi điều về hiện trạng giáo dục của người Khơ mú ở miền Tây Nghệ An hiện nay

Thứ tư - 09/09/2015 05:21 0
  1. Miền núi Tây Nghệ An gồm 11 huyện, thị miền núi, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh với 419 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào. Đây là địa bàn sinh sống cộng cư đan xen từ hàng trăm năm nay của đồng bào các dân tộc: Khơ Mú, Thái, Mông. Người Khơ Mú di cư đến miền núi Tây Nghệ An từ vùng Luông Pha Băng của Lào(1).  Họ bắt đầu đến Nghệ An cách đây khoảng hai trăm năm nay và sau đó tiếp tục di cư đến Nghệ An làm 3 đợt vào nửa đầu thế kỷ XX(2). Lâu nay, người Khơ Mú ở Nghệ An có mối quan hệ đồng tộc với bà con họ hàng ở bên Lào khá mật thiết. Chính lối sống du canh và những biến động lịch sử làm cho nhóm dân tộc này thường xuyên di chuyển đa chiều trong vùng và khu vực.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân số Khơ Mú ở Nghệ An có 35.670 người, chiếm 49 % dân số Khơ Mú cả nước, phân bố tập trung tại ba huyện miền núi, vùng cao ở miền Tây Nghệ An là: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; trong đó, dân số Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn có 23.915 người, cư trú ở 16/21 xã, chiếm 67% dân số Khơ Mú trong tỉnh và 32,8% toàn quốc.

 Từ bao đời nay, do cư trú ở vùng giữa và rẻo cao miền núi Tây Nghệ An nên trong kinh tế truyền thống, người Khơ Mú là những cư dân canh tác thuần nương rẫy. Họ là một trong những đại diện tiêu biểu của cư dân nương rẫy du canh ở nước ta. Nơi cư trú của đồng bào có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở và bị chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Kể từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhờ chính sách định canh định cư của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Khơ Mú ở Tây Nghệ An đã có nhiều thay đổi, nhất là công tác giáo dục. Bài viết này chủ yếu dựa trên kết quả phân tính tình hình giáo dục ở huyện Kỳ Sơn - nơi cư trú tập trung của người Khơ Mú và kết quả khảo sát sâu ở hai bản Khơ Mú là Na Nhu và Bình Sơn 1, xã Tà Cạ.

  1. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, người dân Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An hầu như bị mù chữ và không biết tiếng phổ thông. Sau khi cách mạng thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chế độ mới đã mở ra bước ngoặt không chỉ làm thay đổi thân phận phụ thuộc của người Khơ Mú mà còn mở ra một chương mới về giáo dục đối với bà con dân tộc này. Một trong những thành tựu lớn nhất mà Đảng và Nhà nước ta đã làm được ở khu vực miền núi nói chung và vùng cao Tây Nghệ An nói riêng sau năm 1954 đến nay là tạo ra một hệ thống giáo dục phổ thông rộng khắp đến các bản làng dân tộc thiểu số.

Từ năm 1956, huyện Kỳ Sơn đã mở các lớp bình dân học vụ đến 13/15 xã trong huyện. Cùng với thực hiện chương trình định canh định cư, công tác giáo dục được chính quyền địa phương quan tâm và có điều kiện triển khai đến các bản làng. Năm 1965, huyện đã có 18/159 giáo viên là người Khơ Mú(3).

Sau năm 1975, nhất là trong thời kỳ Đổi mới, tình hình giáo dục ở Kỳ Sơn nói chung và đối với người Khơ Mú nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới trường tiểu học, trung học cơ sở đã có ở hầu hết các xã trong huyện. Trong giai đoạn 1986 - 1994, mỗi bản làng Khơ Mú định cư đều có lớp 1 và lớp 2, các xã có trường tiểu học bán trú, thị trấn huyện có trường trung học phổ thông nội trú; số học sinh tiểu học người Khơ Mú có 3.020 em, trung học cơ sở có 30 em; giáo viên người Khơ Mú có 66/584 tổng số giáo viên toàn huyện. Từ năm 2003, các bản làng được đầu tư xây dựng trường tiểu học hoặc cụm trường tiểu học để học sinh không phải đi học xa nhà(4). Cơ sở vật chất cho giáo dục ở các làng bản đã được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa. Các xã đều có trường trung học cơ sở hoặc cụm trường trung học cơ sở. Số lượng học sinh đến trường gia tăng hàng năm. Các giáo viên tiểu học được nhà trường phân công "cắm bản" để vận động học sinh Khơ Mú đến trường. Ngoài giáo dục chính quy, trung tâm giáo dục cộng đồng của huyện đã mở được nhiều lớp, khóa học để bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm cho người dân. Hiện nay, hàng năm, 98% trẻ em Khơ Mú trong độ tuổi đi học đã đến trường. Nhờ cuộc sống định canh định cư, đồng bào Khơ Mú đã nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục. Họ quan tâm hơn đến việc học tập của con em. Vì thế, cùng với những thay đổi về kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác giáo dục đã làm cho trình độ dân trí của đồng bào Khơ Mú tại địa phương được nâng lên rõ rệt, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể.

Có thể nói, những thành tựu nói trên không chỉ thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển công tác giáo dục đối với các dân tộc thiểu số vùng cao mà còn là nỗ lực vượt bậc của ngành giáo dục và chính quyền địa phương, của đồng bào Khơ Mú trong huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh việc cải thiện lớn tình trạng giáo dục đối với người Khơ Mú trên địa bàn, kết quả công tác giáo dục đối với nhóm dân tộc này vẫn còn không ít hạn chế và chưa được như mong đợi.

Về chất lượng giáo dục hiện nay, qua kết quả thống kê từ các nhà trường, Phòng giáo dục huyện Kỳ Sơn và đánh giá của các thầy cô giáo đứng lớp đều cho thấy, chất lượng học sinh người Khơ Mú thấp hơn nhiều so với các dân tộc khác trên địa bàn. Chẳng hạn, trong năm học 2010 - 2011, theo Báo cáo Tổng kết của trường Phổ thông cơ sở bán trú Tà Cạ (Kỳ Sơn), học sinh Khơ Mú đạt loại khá giỏi là 9,5%, yếu kém là 21% so với tỷ lệ chung toàn trường lần lượt là 21,8% và 15,3%. Tại trường Phổ thông trung học nội trú huyện Kỳ Sơn, số học sinh Khơ Mú chiếm 16,6% (trong khi dân số chiếm 34,4% toàn huyện); tỷ lệ học khá là 4,4%, yếu kém là 35,7% so với tỷ lệ chung toàn trường là 15,8% và 14,7%. Như vậy, kết quả học tập của học sinh Khơ Mú tại địa phương đạt rất thấp, nhất là tỷ lệ học sinh xếp loại yếu kém.

Năm 2012, kết quả điều tra về tình hình giáo dục tại các hộ gia đình Khơ Mú của chúng tôi tại hai bản Na Nhu và Bình Sơn 1 (xã Tà Cạ) gồm 146 hộ/420 khẩu cho thấy: Học sinh tiểu học là 108 em, trung học cơ sở: 50 em, trung học phổ thông: 10 em, cao đẳng: 1 em. Có thể thấy, càng lên cấp học cao hơn, số lượng học sinh Khơ Mú càng giảm đi nhiều, trong khi tỷ lệ học sinh yếu kém càng tăng lên rõ rệt.

Kết quả điều tra xã hội học tại 62 hộ gia đình ở hai bản định cư Khơ Mú nói trên như sau: số người trong độ tuổi phổ cập giáo dục từ 6 - 14 tuổi đi học đạt 94,7%; trong độ tuổi lao động từ 15 - 40 tuổi đã từng đi học đạt 78%, số người mù chữ là 22%. So với tỷ lệ dân số, số người đã và đang học bậc tiểu học đạt 37,2%, trung học cơ sở đạt 24,6%, trung học phổ thông là 4,8%, không có người đi học nghề và giáo dục chuyên nghiệp; số người tham gia các hình thức đào tạo khác (bồi dưỡng chính trị, tập huấn nông lâm,…) là 2,9%. Số chủ hộ học đến phổ thông cơ sở là 18,7%, còn lại là cấp tiểu học hoặc mù chữ. Thời điểm năm 2004, cả 3 huyện miền Tây Nghệ An (Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong) chỉ có 30 người Khơ Mú có trình độ đại học, cao đẳng(5). Tuy nhiên, chúng tôi không thấy mối tương quan nào giữa những gia đình mà chủ hộ có học vấn cao hơn với sự cải thiện đói nghèo bởi số hộ tỷ lệ hộ nghèo ở hai bản được khảo sát lên tới 98%.

Kết quả phỏng vấn các chủ hộ cho thấy, một số khó khăn trong công tác giáo dục cho người Khơ Mú ở vùng cao Kỳ Sơn đang gặp phải là: nhiều hộ gia đình khó khăn kinh tế không có điều kiện cho con em tiếp tục học lên cao, tiếng phổ thông của học sinh hạn chế, trường ở xa bản, thiếu sách giáo khoa và đồ dùng dạy học... Tại nhiều bản Khơ Mú, hiện tượng mù chữ và tái mù chữ còn cao. Qua phỏng vấn Ban quản lý bản và một số giáo viên tiểu học, trung học cơ sở được biết, phần lớn học sinh Khơ Mú học hết tiểu học là bỏ học vì nhà nghèo đông con, không có tiền nuôi học bán trú nên số lượng học sinh giảm dần ở các bậc học. Nguyên nhân bỏ học của các em trước hết là do rào cản ngôn ngữ. Mặt khác, theo các hộ dân, việc học hành vất vả và tốn kém trong khi gia đình không đủ sức lo chi phí, đồng thời các hộ gia đình cần có nhân lực để phụ giúp gia đình lao động sản xuất. Cha mẹ thường phó mặc việc học tập của con cái cho nhà trường vì họ phải đi làm rẫy xa nhà. Có khi đến mùa rẫy, hàng tháng người ta mới trở về bản. Cho nên, việc phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục cho người Khơ Mú vẫn đang là một thách thức ở vùng cao.

  1. Thực trạng giáo dục trên chỉ ra, trình độ học vấn của người Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An còn thấp; trong khi, tỷ lệ mù chữ cao hơn các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào và là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và chậm phát triển của cộng đồng này, cản trở sự hội nhập và thích ứng của đồng bào trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Để nâng cao công tác giáo dục trong cộng đồng Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An hiện nay, cần tập trung vào một số nội dung sau đây:

Trước hết, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp ở địa phương cần đánh giá đúng thực trạng giáo dục hiện nay trong cộng đồng người Khơ Mú; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành giáo dục và ban ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp và thiết bị đồ dùng dạy học; đổi mới hình thức, phương pháp dạy học cho học sinh Khơ Mú.

Thứ hai, ngành giáo dục cần phối, kết hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, ban quản lý các bản Khơ Mú để tích cực tuyên truyền vận động công tác giáo dục trong nhân dân; nâng cao nhận thức của người dân đối với giáo dục. Cần phát huy tốt vai trò của các giáo viên "cắm bản", cùng với ban quản lý bản nắm chắc số lượng các em trong độ tuổi đi học, vận động từng gia đình tạo mọi điều kiện cho con em đến trường, kịp thời nhận biết những khó khăn của các gia đình để động viên họ quan tâm đến việc học hành của con cái.

Thứ ba, cơ quan giáo dục các cấp và ban giám hiệu các trường ở địa phương thường xuyên có đánh giá tình hình giáo dục đối với học sinh Khơ Mú hàng năm nhằm tìm ra các nguyên nhân tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, ngành giáo dục và các trường kịp thời đề ra các biện pháp tháo gỡ tình trạng bỏ học nhiều, chất lượng học tập còn thấp ở học sinh Khơ Mú.

Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở địa phương, phát huy hơn nữa vai trò của các thầy cô giáo, nhất là giáo viên tiểu học và trung học cơ sở. Đây là những bậc học đầu tiên, có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác giáo dục. Do đó, một mặt, phải nâng cao trình độ nhận thức, trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần nhiệt huyết công tác và tay nghề cho họ; mặt khác, chú ý quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên là người Khơ Mú. Chính quyền và ngành giáo dục phải có cơ chế động viên, khuyến khích giáo viên trau dồi tiếng Khơ Mú, áp dụng vào hoạt động giảng dạy. Hơn nữa, các thầy cô giáo cần nắm vững phong tục tập quán và truyền thống văn hóa của người Khơ Mú để tiến hành tuyên truyền vận động và nâng cao chất lượng dạy học.

Như vây, việc đẩy mạnh công tác giáo dục và nâng cao dân trí trong cộng đồng Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An hiện nay đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục địa phương, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn.

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây