DẤU ẤN CÁ NHÂN, XỨ SỞ VÀ THỜI ĐẠI TRONG THƠ VĂN NGUYỄN XUÂN ÔN

Thứ ba - 30/08/2016 05:21 0

Không biết còn có đất nước nào trên trái đất này như đất nước Việt Nam chúng ta, từ xa xưa đã phải gánh chịu những cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài, liên tục và vô cùng ác liệt của những kẻ thù lớn mạnh? Đây có phải là một định mệnh với ý nghĩa là chúng ta ở một vị trí địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn khiến cho hiệu quả của việc thôn tính/nô dịch còn lớn hơn đối với thôn tính/nô dịch một đất nước? Và lịch sử đấu tranh kiên cường hàng ngàn năm để giữ gìn cương vực và giống nòi cũng chính là sự hiển hiện của khát vọng về cuộc sống trong độc lập tự do, bởi lẽ nếu các thế hệ người Việt Nam cam chịu thân phận nô lệ thì những thế lực đen tối kia cũng không phải từng ấy phen gây cơn binh lửa.

Là sản phẩm tinh thần của công cuộc chống kẻ thù bảo vệ đất nước, dòng văn học yêu nước chống ngoại xâm đã có lịch sử hàng nghìn năm. Bên cạnh nội dung cốt lõi như sợi chỉ hồng xuyên suốt là ý thức bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ giống nòi, thơ văn của những tác giả tài năng và tâm huyết còn in dấu ấn cá nhân, dấu ấn xứ sở và thời đại mình. Thơ văn của Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889) thuộc loại giá trị đó.

Nguyễn Xuân Ôn hiệu là Ngọc Đường, quê xã Lương Điền, tổng Thái Xá, huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, cha là học trò không đỗ đạt gì, mẹ mất sớm, bà nội phải nuôi từ bé, khi tuổi đã lớn mới có điều kiện đi học. Nguyễn Xuân Ôn đỗ tú tài năm 1844, đỗ cử nhân năm 1867 và đỗ tiến sĩ năm 1871.

Nguyễn Xuân Ôn làm quan lúc thực dân Pháp đang từng bước thôn tính nước ta và cùng với họa ngoại xâm đó là việc vua quan nhà Nguyễn từng bước nhượng bộ, đi đến hoàn toàn thúc thủ trước thực dân Pháp. Sau thời gian làm tri phủ Quảng Ninh (thuộc tỉnh Quảng Bình) và đốc học tỉnh Bình Định, Nguyễn Xuân Ôn được điều về làm quan ngự sử. Ngày nay nhìn lại chúng ta phần nào hình dung được tình thế nan giải, thậm chí vô kế khả thi với Nguyễn Xuân Ôn và những người có tài, tâm huyết với nước với dân như ông. Đọc thơ văn Nguyễn Xuân Ôn thấy ông nhắc đến không biết bao nhiêu người xưa việc cũ ở Trung Hoa và Việt Nam (về việc này tôi cho rằng Nguyễn Xuân Ôn đứng hàng đầu trong số tác giả của nghìn năm văn học Việt Nam trung đại). Điều đó cho thấy nhà chí sĩ luôn trăn trở về cách ứng xử, tìm đến người xưa mong tìm được hình mẫu để theo, chí ít cũng là những gợi ý hữu ích. Đời Tấn, Đào Tiềm từng khẳng khái: “Cớ sao ta vì năm đấu gạo mà khom lưng”(1). Tình cảnh thời bình trị còn như thế, còn khi xã hội suy vi, Nguyễn Du thấy làm quan giống như con vật trong lồng cũi(2). Thời của Nguyễn Xuân Ôn khác ở chỗ bên cạnh nội tình nham nhở còn hiện hữu một kẻ ngoại xâm mạnh, tham lam, độc địa. Sức lực, tâm trí một cá nhân thật nhỏ bé trước thời cuộc, nhưng Nguyễn Xuân Ôn vẫn làm nhiều việc theo ông là có ích. Đến Quảng Bình nhận chức, được biết bọn quan lại nơi đây nhũng nhiễu dân, ông thảo ngay sớ hạch tội chúng. Tính cách đó xem ra không hợp để làm quan ngự sử đương thời nên không lấy làm lạ khi ông bị đẩy đi làm án sát tỉnh Bình Thuận, nơi tiếp giáp với Nam kỳ đã bị Pháp chiếm đóng.

Những kẻ chuyển Nguyễn Xuân Ôn đến đây hẳn không xuất phát từ thiện ý nhưng hóa ra việc này càng có ích với ông với tư cách là một người dân yêu nước, do tận mắt thấy được bộ mặt kẻ thù. Có lần một giáo sĩ Pháp dùng lọng vàng - thứ đáng ra chỉ riêng vua dùng - để đi giảng đạo. Ông đã cho bắt viên giáo sĩ đó về hỏi tội và bắt hắn cam đoan không được phạm đến phong tục lễ nghi Việt Nam. Sự ngang ngược của kẻ thù diễn ra trên khắp đất nước ta và đâu phải chỉ tính bằng ngày tháng. Vậy mà đâu có nhiều kẻ chịu ơn vua, ăn lộc nước có đủ dũng khí hành động như chí sĩ Nguyễn Xuân Ôn?

Nguyễn Xuân Ôn hai lần dâng sớ, lần đầu xin kinh lý miền thượng du để có cơ sở kháng chiến lâu dài, lần sau đề xuất các việc nên làm. Tờ sớ thứ hai gián tiếp khẳng định chính sách từng bước nhượng bộ để mong hòa hảo với Pháp không thích hợp vì rằng “bọn mọi rợ như muông sói, lòng tham của chúng không khi nào thỏa mãn”. Ông còn mạnh bạo nhận định về đại cuộc mà không sợ vua mếch lòng: “Theo ý tôi thì ta tính việc chống nó rất chậm mà nó đánh ta rất gấp, nó phòng ngừa ta rất nghiêm ngặt mà ta phòng nó rất sơ sài”(3). Vua Tự Đức không thể nào dung nạp được một con người cương trực và yêu nước như Nguyễn Xuân Ôn. Ông trở về quê nhà Nghệ An dốc lòng cho công cuộc chống Pháp.

Hưởng ứng chiếu Cần vương do vua Hàm Nghi ban xuống, Nguyễn Xuân Ôn cùng một số sĩ phu văn thân trong vùng và lân cận như Nguyễn Nguyên Thành (Anh Sơn), Lê Doãn Nhã (Yên Thành), Trần Quang Diệu, Đinh Nhật Tân (Diễn Châu) tập hợp lực lượng ở vùng núi Yên Thành lập căn cứ kháng chiến. Trong một trận đánh, ông bị thương nặng. Giặc Pháp có tay sai chỉ điểm đã bắt ông ngay trên giường bệnh (25/7/1887). Tháng 6 năm 1888 chúng giải ông về Huế. Nguyễn Xuân Ôn ra tù được mấy tháng thì ốm nặng. Nhà chí sĩ mất ở Huế năm 1889, hưởng thọ 64 tuổi.

Về văn chương, Nguyễn Xuân Ôn có Ngọc Đường thi tập (311 bài thơ) và Ngọc Đường văn tập (22 bài văn xuôi và một số câu đối). Ngoài ra sau này sưu tập được 5 bài thơ Nôm chưa có trong hai tập trên.

Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn biểu hiện tư tưởng tình cảm của một trí thức Nho học yêu nước trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử đất nước ta. Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp là biến cố lớn nhất khiến cho nhiều chuẩn mực của đạo lý phong kiến tưởng như toàn thiện toàn mỹ thiên niên vạn đại, trước sự va đập của thực tế đã tỏ ra ngụy tạo và phiến diện dẫn đến vô số bi hài kịch. Đương thời người trí thức yêu nước phải tự mình mở lối để có cuộc đời hữu ích cho cộng đồng và như vậy đương nhiên sẽ đối diện với nhiều thế lực hữu hình và vô hình. Đọc thơ văn Nguyễn Xuân Ôn, người ta không chỉ thấy dấu ấn của một con người mà còn nghe âm vang của một xứ sở và một thời đại.

“Nét quán xuyến trong toàn bộ thơ văn Nguyễn Xuân Ôn là tinh thần yêu nước thiết tha, là ý chí bất khuất, không gì lay chuyển được”(4). Tinh thần yêu nước/chủ nghĩa yêu nước là giá trị có tính lịch sử, nghĩa là thuộc về chủ thể xác định, trong những thời gian và không gian nhất định. Bởi vậy quan điểm lịch sử là yêu cầu hàng đầu khi nghiên cứu đánh giá giá trị này.

Nguyễn Xuân Ôn là một trí thức Nho học, bởi vậy ông cũng nói đến hoài bão giúp đời như là bổn phận của kẻ làm trai:

Thử sinh vị liễu công danh trái,

Khủng phụ đương sơ lục xạ bồng.

Đông nhật cảm hoài

(Kiếp này chưa trả xong cái nợ công danh,

Sợ phụ khi xưa bắn sáu mũi tên bằng cỏ bồng.

          Mối xúc cảm trong ngày mùa đông)

Công danh trái (nợ công danh) và nam nhi chí (chí làm trai), những cụm từ thật quen thuộc với những ai đã theo học chữ nghĩa thánh hiền, nhưng hành động của người ta chứng tỏ những chữ ấy được hiểu rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Ở phương Bắc xưa biết bao nhiêu người theo chân những kẻ ôm mộng bá vương gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu để thôn tính lân bang, thậm chí triệt hạ đồng bào mình, mà vẫn đinh ninh là đang thực thi lý tưởng sống cao đẹp. Ở nước ta cũng có không ít kẻ có học, thậm chí là đỗ đạt cao, hết lòng phục vụ triều đình trong những cuộc đàn áp khởi nghĩa nông dân, hoặc theo gương triều đình cung phụng ngoại bang, giúp chúng giày xéo giang sơn mà vẫn lấy làm thanh thản, còn dùng cả văn chương để mỹ hóa việc làm của mình. Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Xuân Ôn cho thấy chí làm trai của ông hướng vào giải quyết những vấn đề hệ trọng của đất nước đương thời.

Nguyễn Xuân Ôn có nhiều năm tháng miệt mài tiếp thu học vấn Nho học - một nền học vấn mang tính kinh viện điển hình. Cùng với những tri thức đa dạng về chính trị học, sĩ tử đương thời còn được tiếp xúc với văn chương Trung Hoa cổ điển nói chung và làm quen với việc làm ra những văn bản thơ Đường luật nói riêng. Thơ Đường luật là loại thơ tính quy phạm điển hình bậc nhất. “Luật thơ nghiêm như luật hình” (Phạm Quỳnh) thì đã đành, mà những thi đề Ngẫu hứng, Ngẫu thành, Tức sự, Hữu cảm, Hoài cổ, Thuật hoài… đâu ra đó, vì mỗi thi đề đều có sự tổng hợp giữa đề tài chủ đề, cảm hứng riêng. Thơ Nguyễn Xuân Ôn, bên cạnh sự tuân thủ những quy phạm nghệ thuật đó, cũng có những dấu ấn riêng. Chẳng hạn thi đề Thuật hoài chủ yếu bộc lộ trực tiếp tư tưởng tình cảm của chủ thể trữ tình về bản thân. Nguyễn Xuân Ôn có nhiều bài thơ cùng có thi đề Thuật hoài và các bài đó đều có nội dung tái hiện thời cuộc:

Ngao nhung mạn giảng Tây biên hảo,

Côn đảng cam luân Bắc địa hòa.

(Thuật hoài V)

(Phương Tây thì giảng hòa với bọn Pháp,

Đất Bắc lại điều đình với bè đảng Ngô Côn).

Thuật hoài là một thi đề phi thời gian (được sử dụng trong hàng ngàn năm của vùng văn minh chữ Hán), phi không gian (vô vàn tác giả của các quốc gia Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam sử dụng), trong thơ Nguyễn Xuân Ôn đã mang dấu ấn thời gian và không gian rõ rệt.

Thơ Thuật hoài của Nguyễn Xuân Ôn khẳng định tiêu chí hệ trọng bậc nhất để đánh giá đế vương:

Tự cổ hưng bang bảo trị quân,

Tu tri cố bản tại ninh dân.

(Thuật hoài IV)

(Từ xưa những ông vua biết giữ gìn nước nhà trị an hưng thịnh,

Phải biết làm cho nhân dân yên ổn thì cõi gốc nước nhà mới bền vững).

Trong mấy thiên niên kỷ có đế vương, các nhà tư tưởng và các đế vương không biết bao nhiêu lần nói đến sứ mệnh bảo dân, nhưng nhìn từ quan điểm thực tiễn, những phát ngôn đó không ít khi chỉ là sự trang điểm, vì rằng trong xã hội lấy bất bình đẳng làm nguyên tắc nền tảng thì cái thực thể gọi là dân ấy, tuy vô cùng đông đảo nhưng có mấy quan trọng. Dân chỉ thực sự trở thành lực lượng xã hội quan trọng trong những phen biến đổi sơn hà. Câu thơ của Nguyễn Xuân Ôn gợi nhớ tuyên ngôn Nguyễn Trãi viết nhân danh Lê Lợi: Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân (Việc nhân nghĩa cốt để an dân - Bình Ngô đại cáo). Vua Đường Lý Thế Dân dặn con rằng “lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước” là truyền đạt một kinh nghiệm cai trị. Trong thơ chữ Hán, nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn Trãi dùng lại nguyên câu này thì đó là biểu hiện của lý tưởng thân dân vì nó là thành phần của một hệ thống tư tưởng chỉ đạo mọi hành động, thành tình cảm thấm thía Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày (thơ Nôm). Thời Nguyễn Xuân Ôn và thời Nguyễn Trãi tương đồng ở chỗ vận mệnh đất nước và số phận dân chúng được đặt ra một cách nghiêm trọng, không có nghĩa là đương nhiên tư tưởng tình cảm của Nguyễn Xuân Ôn gần gũi với người xưa, chứng cớ hiển nhiên là đương thời khối kẻ nghĩ khác, viết khác, làm khác.

Dấu ấn cá nhân, xứ sở và thời đại bộc lộ rõ nhất khi Nguyễn Xuân Ôn thể hiện nhận thức, tình cảm đối với những vấn đề hệ trọng và có tính thời sự:

Triều đình trù toán phân hòa cục,

… Khuynh bang khả nại hữu Uông, Hoàng.

Văn tứ trấn bất thủ, cảm tác      

(Triều đình tính toán rối bong vì cuộc bàn hòa,

… Khốn nỗi làm hại nước lại có họ Uông, họ Hoàng.

          Nghê bốn trấn thất thủ, cảm tác)

Khi đánh giá những con người, những sự việc không có ý nghĩa tích cực, sở học đã khiến cho diễn ngôn của nhà chí sĩ kín đáo, nhuần nhị hơn, đồng thời thâm thúy hơn. Ông dùng hai nhân vật Uông Bá Ngạn và Hoàng Tiềm Thiện - những gian thần đời Nam Tống chủ trương hòa hoãn với nhà Kim - để vạch rõ chân tướng của những kẻ hèn nhát ích kỷ đương thời không đếm xỉa đến số phận giang sơn và muôn dân.

Vấn đề có ý nghĩa to lớn nhất của thực tiễn đương thời là cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và đi liền với nó là thái độ của triều đình nhà Nguyễn. Thơ văn và hành động của Nguyễn Xuân Ôn cho thấy trước sau không bao giờ nhà chí sĩ mơ hồ về kẻ thù và luôn công khai phản đối tư tưởng cầu hòa của triều đình. Ông không cao đàm khoát luận mà luôn hướng đến những hành động thực tế. Ở phương diện này Ngọc Đường văn tập cho thấy rõ hơn. Nhà chí sĩ thông tỏ chiến lược “tằm ăn dâu” của lũ thực dân Pháp: “Tháng ba năm ngoái chúng đánh phá thành Hà Nội, lại giao trả ngay, đó là chúng sợ quân cứu viện của ta bốn bề tập hợp đến đánh, cho nên làm kế hoạch hoãn binh, chứ không phải ý tốt đâu”. Nguyễn Xuân Ôn cho rằng việc ta muốn hòa hoãn với Pháp là việc ảo tưởng, vô vọng: “Còn những người khác chuyên chủ hòa nghị, chưa từng đánh một trận, tiến một bước. Thế là muốn dẹp giặc bằng cách hòa bình, không nguy hiểm thì làm thế nào được” (Bài tâu điều trần các việc nên làm). Cũng trong văn bản này ông bàn bạc về bốn việc cụ thể: 1. Xin hợp các tỉnh nhỏ thành trấn lớn. 2. Xin dồn các tỉnh thành. 3. Xin bớt tiêu dùng để sung vào quân nhu. 4. Xin dứt việc hòa hảo để khích lệ lòng người.

Nguyễn Xuân Ôn can đảm đề xuất những việc mà những người quản lý quốc gia cần làm: “Xin hoàng thượng lấy cái chí hữu vi mà lo gấp trong khi vô sự. Trong triều thì dùng những người cương quyết để làm rường cột, bên ngoài thì chọn những người tài lược để giữ dậu phên. Đừng cho người chăm việc giấy mực nhỏ nhen là tận tâm, đừng cho người luật lệ tinh thông là đắc lực, đừng cho người cẩn nguyện là hay, đừng cho những người khắc nghiệt là giỏi, tiết kiệm của cải để quân nhu được dồi dào, bớt sưu thuế để sức dân được thư thái, đừng chỉ chăm bóc lột dân mà yếu sức bảo vệ, đừng chỉ cậy vàng lụa mà trễ nải việc giáp binh” (Bài tâu về việc trình bày mọi điều lợi hại bấy giờ).

Trong Bài tâu xin về quê nhà để tập hợp và vỗ về nhân dân, Nguyễn Xuân Ôn viết: “Bản quán của tôi là tỉnh Nghệ An, ở giữa con đường từ Nam ra Bắc, thật là một tỉnh làm phên dậu rất quan trọng. Đời xưa Trần Hưng Đạo chống nạn nhà Nguyên, Lê Thái Tổ đánh lui quân nhà Minh, thật là nhờ ở đấy. Theo như sự thể ngày nay thì Nghệ An cũng như đất Lạc Dương của nhà Chu, đất Hà Nội của nhà Hán vậy. Từ khi có việc ngoại xâm đến nay, mọi người đều ôm lòng trung nghĩa và căm giận giặc…”. Với Nguyễn Xuân Ôn, Nghệ An không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, mà còn là nơi có lịch sử lâu đời oanh liệt, không chỉ có quá khứ vẻ vang mà con người và địa thế nơi đây có tiềm năng lớn trong công cuộc kháng Pháp. Khi viết những dòng tâm huyết như vậy về quê nhà, hẳn trong ông còn vang vọng câu thơ của vị minh quân đời Trần khẳng định xứ Thanh Nghệ còn có của để dành quý báu cho quốc gia trong cơn nguy biến: Hoan Diễn do tồn thập vạn binh (Đất Hoan Diễn hãy còn mười vạn quân). Những vần thơ Nguyễn Xuân Ôn viết về Hoan Châu nhất quán ở cảm hứng ngợi ca địa linh nhân kiệt và luôn tự xác định bản thân và thế hệ mình phải có ý thức nối gót người xưa:

Hoan Châu phong thủy xuất Nam biên,

Địa sản trung thần thụ ngã tiên.

Hồng - Ngư hoài cổ  

(Phong thủy Hoan Châu hơn cả trong cõi Nam,

Đất sinh tôi trung nêu gương trước cho chúng ta.

Non Hồng biển Ngư nhớ xưa)  

Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn phong cách uyên áo mà thiết thực. Thơ văn của ông là thơ văn của một nhà nho xứng đáng với sự đánh giá là ngọn cờ đầu của phong trào văn thân yêu nước chống Pháp ở Nghệ Tĩnh cuối thế kỷ XIX. Nguyễn Xuân Ôn sống, hoạt động, sáng tạo và hy sinh vì nước trong một thời kỳ đau thương nhưng vĩ đại. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử. Lời thơ của một nhà thơ Xô viết thật đúng với những người như Nguyễn Xuân Ôn, những người vừa là nhân chứng vừa là đại diện xuất sắc cho xứ sở và một thời đại.

Chú thích

(1). Đương thời chức quan nhỏ được trả lương bằng lương thực.

(2). Bài Tân thu ngẫu hứng.

(3). Văn bản thơ văn Nguyễn Xuân Ôn sử dụng trong bài theo Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn, Nxb Văn học, 1977, tr.256

(4). Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976, tr.169

TS. Phạm Tuấn Vũ

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây