CÓ NHỮNG KHUNG KHÔNG GIAN VIỆT TRONG TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU

Thứ hai - 16/11/2015 04:21 0

CÓ NHỮNG KHUNG KHÔNG GIAN VIỆT TRONG TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU

Bùi Thiết

Upload

Một sự thật hiển nhiên mà tất cả mọi người đều thừa nhận và không cần phải bàn luận gì từ xưa cho đến nay đó là Nguyễn Du, khi sáng tác Truyện Kiều (TK), đã dùng hầu như nguyên mẫu thời gian không gian, toàn bộ hệ thống nhân vật, sự kiện có sẵn từ Đoạn trường tân thanh (ĐTTT) của Thanh Tâm Tài Nhân, vào trong tác phẩm của mình. Với cái mẽ hình thức bề ngoài đó, khi đọc Truyện Kiều ai cũng tưởng rằng mình đang sống trên đất nước của Đoạn trường tân thanh từ đời Gia Tĩnh xa xưa, thậm chí đó là Bắc Kinh, là Lâm Truy, đó là Hàng Châu, đó là sông Tiền Đàng… thậm chí cả cái cảnh trẩy hội Thanh minh mà chị em Kiều tham gia, là cảnh ở ngoại vi Bắc Kinh; cảnh Kiều đi trốn theo Sở Khanh vào cái đêm hãi hùng kia, chắc là từ Lâm Truy của Tô Châu năm ấy! Cũng vì cái mẽ hình thức bề ngoài rất giống với Đoạn trường tân thanh đó, làm cho một số người đi đến nhận định chết người rằng, Nguyễn Du đã dịch từ Đoạn trường tân thanh sang Truyện Kiều, hay Nguyễn Du đã phóng tác ra Truyện Kiều từ Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân! Cho đến nay có lẽ vấn đề Nguyễn Du dịch hay phóng tác Truyện Kiều từ Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân, nên được khép lại một cách vĩnh viễn, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng, dù là báo viết, báo nói hay báo mạng… nên từ chối mọi thông tin dịch hay phóng tác Truyện Kiều từ Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân.

Những khung không gian Việt (hay thuần Việt, hoặc đã được Việt hóa) ở trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là vấn đề có thật, mà lâu nay giới nghiên cứu và đông đảo bạn đọc yêu mến Truyện Kiều đã vô tình làm ngơ hay lãng quên trong quá trình nhận chân và thưởng thức Truyện Kiều, và chưa chấp nhận có những không gian Việt đích thực trong kiệt tác bất hủ của Tố Như. Để khẳng định có những không gian Việt trong Truyện Kiều, trước hết cần làm sáng tỏ một số vấn đề có tính chất như là những điều kiện cần và đủ khi Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều:

Thứ nhất, thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều? Vấn đề này từng được thảo luận sôi nổi lâu nay, chung quy lại có hai loại ý kiến khác nhau: Một là, số đông những người nghiên cứu cho rằng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều trong vòng 15 năm, kể từ sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh tại Thăng Long, cũng là lúc kết thúc của vương triều Lê (năm 1789), kéo dài đến khi Gia Long đánh bại vương triều Tây Sơn (năm 1802); đó cũng là 15 năm lưu lạc của Nguyễn Du, được vận vào thân phận chìm nổi cũng đúng 15 năm của Thúy Kiều. Những 3 cái 15 năm: trên chính trường lịch sử đất nước, trên đường đời lưu lạc của Nguyễn Du và trên thân phận số kiếp nàng Kiều; như là những mách bảo cho hậu thế hay rằng, đó là lúc mà Tố Như thai nghén và thể nghiệm tài năng bất hủ của mình. Lịch sử nhân loại từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, đã chứng minh rằng, cũng chỉ có những giây phút thiêng liêng nhất nào đó con người mới có thể bộc lộ hết tài năng và tư chất cao cả của mình, có những giây phút lóe sáng trong những đêm trường lịch sử đen tối, để lại những giá trị siêu việt không có gì sánh được! Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với loại ý kiến này. Đó là khung không gian cần và đủ để Nguyễn Du thai nghén và hoàn tất Truyện Kiều. Hai là, một số ít người cho rằng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều từ sau khi được Gia Long mời ra làm quan cho vương triều Nguyễn (năm 1802); loại ý kiến này cũng có những lý do minh chứng như Nguyễn Du có dịp đi sứ sang Trung Quốc, được tiếp xúc với Đoạn trường tân thanh… Nhưng khó có thể chấp nhận nội dung phản ứng xã hội mãnh liệt như trong Truyện Kiều, được thể hiện nung nấu từ một viên quan mẫn cán của chế độ mà vương triều Nguyễn đại diện như Nguyễn Du. Mọi chứng cứ ngày càng lộ ra đều muốn khẳng định rằng Nguyễn Du làm nên Truyện Kiều trong vòng 15 năm lưu lạc của đời ông.

Thứ hai, Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở đâu? Nếu khẳng định được rằng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều trong vòng 15 năm như đã trình bày ở trên, thì chắc chắn rằng ông chỉ có thể viết Truyện Kiều trên quê hương của ông, từ Kinh Bắc đến Thái Bình và vào tận Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Không hẳn là dứt khoát và nêu chứng cứ rõ ràng, nhưng có người muốn cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều tại quê mẹ (Kinh Bắc), cũng có người nghiêng về phía quê vợ (Thái Bình), cũng có người muốn cho Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở quê cha (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh); những chứng cứ mà họ nêu ra chưa thuyết phục và chưa đủ để làm cơ sở khoa học cho lập luận của mình. Riêng bản thân chúng tôi (Bùi Thiết), trong bài: Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở Động Gián (Nghi Xuân)? đã được công bố trên một số tạp chí, như: Văn hóa Nghệ An; Biển và Bờ; Cương Gián Đất và Người: số 3-2012. Nguồn thông tin duy nhất để chúng tôi nêu ra nhận định đó, là lời kể của cụ Bùi Văn Chất, hiện đang sinh sống tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, cụ thông thạo chữ Hán, chữ Nôm và Pháp ngữ, cụ kể lại rằng khoảng đầu những năm 1950, cụ thường đến chơi với cụ nghè Nguyễn Mai (1876-1954), là cháu của Nguyễn Du, tại Tiên Điền; lúc đó tư liệu về Nguyễn Du vẫn còn nhiều, thường được cụ nghè Mai cho xem quyển nọ quyển kia, được cụ kể cho nghe nhiều chuyện liên quan đến Nguyễn Du. Đặc biệt được xem sổ tay ghi chép của cụ nghè Mai, trong đó có nhiều thông tin mới, nhưng cũng nghe và xem để mà biết, chưa có ý thức ghi chép hay lưu lại; trong những thông tin đáng chú ý, đó là câu mà cụ nghè Mai ghi trong Sổ tay rằng; Động Gián từng là nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Thông tin này không được làm sáng tỏ thêm bằng tư liệu, và cụ nghè Mai cũng không cung cấp những chứng cứ để xác nhận nguồn thông tin này làm tư liệu tin cậy cho những tìm kiếm nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều của giới Kiều học sau này. Sau khi cụ Nguyễn Mai qua đời (1954) với những lưu tán và mất mát vốn tài liệu trong văn khố dòng họ Nguyễn Tiên Điền, đến cả cuốn Sổ tay của cụ Nguyễn Mai cũng không còn nữa! Cũng vì vậy nên thông tin cô đọng như vừa dẫn, vẫn làm cho nhiều người hoài nghi, có thể đó là sự thêm bớt của người đưa tin? Ngay sau khi nhận thông tin từ cụ Bùi Văn Chất, tôi có hỏi lại cụ Chất rằng: Cụ có biết Động Gián ở đâu không? Và quả thật cụ Bùi Văn Chất cũng không biết có hay không Động Gián và hoàn toàn không biết Động Gián ở đâu nữa. Chính bản thân tôi, khi đó đang bắt tay biên soạn bộ Từ điển Hà Tĩnh, cũng chưa tường tận cái địa danh Động Gián này. Về sau tôi xác định Động Gián là một đơn vị hành chính cấp cơ sở, tức xã Động Gián, tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân từ trước năm 1945; sau năm 1945 Động Gián cùng với Cương Gián nhập lại thành một xã, lấy tên là xã Xuân Song, rồi Cương Gián, thuộc huyện Nghi Xuân, cách Tiên Điền về phía chếch Đông - Nam chừng 20 km theo đường chim bay; tên gọi Động Gián biến mất hẳn trong địa danh hành chính cũng như địa danh dân cư thuộc xã Cương Gián ngày nay; trên đất Động Gián cũ, nay được chia làm hai thôn dân cư mới lấy tên là Động Kèn và Nghi Lộc, vết tích của Động Gián trước năm 1945, chỉ còn lại là như vậy! Từ thông tin trong Sổ tay của cụ nghè Mai, được cụ Bùi Văn Chất lưu lại, tôi nảy ra ý tưởng đi tìm nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều theo hướng đã được mách bảo. Bài viết đã được công bố, chưa có thông tin phản hồi là công nhận hay không nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều là Động Gián. Nếu quả thật Động Gián là nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều, thì không gian Việt, hay nói cụ thể là không gian Động Gián là cấu thành những không gian Việt trong Truyện Kiều của Tố Như?

Làm sáng tỏ khung thời gian và khung không gian mà Nguyễn Du hoàn thành Truyện Kiều, có ý nghĩa quan trọng khi xác định không gian nào trong Truyện Kiều là không gian Việt hay không gian đã được Việt hóa hoàn toàn về nội dung, nhưng vẫn được bao bọc bên ngoài cái vỏ hình thức của Đoạn trường tân thanh! Công việc được bắt đầu từ việc xác định nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều, vì cái khung không gian thực nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều cũng là cái nền của khung cảnh ảo trong tác phẩm, cho dù địa danh đó được gọi là gì mặc lòng, miễn là giải mã được những khung cảnh Việt được phản ánh trong đó.

Thử bắt đầu tìm kiếm không gian Việt trong Truyện Kiều, từ tòa lầu xanh Ngưng Bích, tại thành cũ Lâm Truy, thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), nơi mà lần đầu tiên, Thúy Kiều bắt đầu dấn thân vào cõi lầu xanh, làm thân nô cho món đồ chơi giới tính ê chề. Như vị trí địa lý xác định thì Lâm Truy, nay thuộc huyện Lục Hạp, nằm về góc Tây - Nam của tỉnh Giang Tô, phía Đông - Bắc là thành phố Nam Kinh. Từ Lâm Truy ra tới biển của Giang Tô phải đến 200 km (Tỉnh Giang Tô có hình bầu dục, nằm chính hướng Bắc - Nam, rộng đến hơn 200.000 km2. Vậy mà trong Truyện Kiều, Lâm Truy lại ở kề gần bên biển, và khi đọc những câu sau đây trong Truyện Kiều, ai cũng tin rằng Lâm Truy rất gần với biển:

          Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

          Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

          Bẻ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

          Tưởng người trên nguyệt chén đồng

Tinh sương luống những rày trông mai chờ

          Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ mới phai…

Và 8 câu sau cũng nói về cảnh của Lâm Truy:

          Buồn trông cửa bể chiều hôm                     Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ nhàu nhàu           Chân mây mặt đất một màu thênh thênh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh                 Ấm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Cảnh mà Nguyễn Du vừa mô tả là cảnh sắc của một nơi gần kề bên cửa biển (hay bờ biển), cái câu: Bên trời góc bể bơ vơ, nếu như ở Lâm Truy là chỉ đúng được một nữa, Bên trời thì đã rõ ràng, còn góc bể ở Lâm Truy là không đúng (ngoại trừ trường hợp Nguyễn Du sử dụng như một thành ngữ, để chỉ cuộc sống phiêu bạt của Thúy Kiều ở nơi xa xăm đất khách quê người). Nhưng đến câu: Buồn trông cửa bể chiều hôm, và hai câu: Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi thì rõ ràng đây không phải là phong cảnh ở thành Lâm Truy nữa, mà đúng là một nơi nào đó nằm sát, hay nói chính xác là nằm ngay trên cửa biển, nơi có dòng chảy của một con sông đổ vào biển cả với cuồn cuộn như thác lũ.

Thành Lâm Truy nằm cách xa biển những 200 km, lại nghe thấy ầm ầm sóng biển dội quanh nơi ghế ngồi, cũng là hiện tượng khó mà có thể tin được. Đây thực là một bịa đặt ngoài sức tưởng tượng của chính ngay Nguyễn Du; cũng có lẽ khi Tố Như ngồi viết đoạn thơ này, bên tai ông đang như ồn ào - ầm ầm sóng biển, cái tiếng sóng biển sẽ không bao giờ vỗ đến thành Lâm Truy ấy, lại được gán cho Lâm Truy, âu cũng là sự bất hủ của Nguyễn Du vậy!

Đi tìm tiếng sóng biển vỗ ầm ầm ở thành Lâm Truy trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, có lẽ là thừa, vì biết đâu đó không phải là tiếng sóng biển mà là tiếng sóng lòng của người trong cuộc; nhưng ở một khía cạnh khác lại vô cùng cần thiết, để lý giải hiện tượng địa danh Hán mà phong cảnh Việt trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, như chúng tôi chủ trương, và đó là hiện tượng Việt hóa các nhân vật Hán vốn có trong Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân, thành ra các nhân vật mang tâm hồn, tư cách Việt (hay Việt hóa) trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Cũng cần nói thêm một tình tiết ở tại lầu Ngưng Bích thành Lâm Truy này, khi Thúy Kiều đã dan díu với Thúc Sinh, Thúy Kiều rất ngại ngần đi làm lẽ mọn, sợ Thúc Sinh không giám liều với cuộc tình, rằng: “Thương sao cho vẹn thì thương/ Tính sao cho trọn mọi đàng thì vâng”. Thì Thúc Sinh đã quả quyết: Sinh rằng: Hay nói dè chừng/ Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao?

Đàng xa chớ ngại Ngô - Lào/ Trăm đều hãy cứ trông vào một ta!

Đã gần chi có đều xa/ Đá vàng cũng quyết phong ba cũng liều

Ở đây chúng ta chú ý đến hai chữ Ngô - Lào. Có lẽ tại thành Lâm Truy, không có người dân nào ở đây có khái niệm Ngô - Lào; vì cái được gọi là Ngô - Lào, chỉ có thể là của người Việt; nước Lào, ở về phía Tây của Việt Nam, cũng là phía Tây của nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều; còn Ngô cũng là tên gọi một cách rất rõ ràng của người Việt để chỉ nước Trung Quốc, không bao giờ có một nước Ngô trong quan niệm của người Trung Hoa!

Trở lại với đất Động Gián từng là nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều, như cụ nghè Mai lưu bút, chúng tôi tìm về đây khá nhiều lần, mong tìm được những gì có dáng nét làm gợi lại cảnh sắc và không gian của thời Nguyễn Du. Rõ ràng đây là nơi đã từng một thời là cửa bể sôi động, đất thôn Động Kèn thuộc xã Cương Gián ngày nay, vốn là vùng cửa sông Mỹ Dương, cửa biển này có tên là cửa biển Mỹ Dương, về sau (cách đây gần 200 năm) khi sông Mỹ Dương cạn nguồn nước (vì núi Hồng Lĩnh bị trọc hóa, cạn kiệt nguồn nước, dòng sông cạn dần, cửa biển bị bồi lấp, dòng chảy chỉ còn như một con lạch, nên dân gọi là lạch Kèn, rồi dân khai phá mở làng xóm gọi là Động Kèn. Sông Mỹ Dương từng là một con sông lớn, nhận toàn bộ nguồn nước của vùng Đông - Bắc núi Hồng Lĩnh, tạo nên một cửa biển lớn, từng một thời thuyền bè tấp nập, hai bên vùng cửa sông Mỹ Dương là những làng chài sầm uất, chính làng Động Gián có nghề muối nước mắm nổi tiếng từ thời Trần, chính ông nội và bố đẻ của danh tướng Nguyễn Chích (?) là một doanh nhân kinh doanh nước mắm giàu có ở Động Gián, sau dời ra cư trú tại vùng mà ngày nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, và vẫn duy trì nghề nước mắm, cũng vì buôn bán nước mắm lên miền ngược giao du và nhập cuộc với Lê Lợi, và sớm trở thành đội ngũ tướng lĩnh chỉ huy cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược đầu thế kỷ XV, và trở thành công thần khai quốc của vương triều Lê. Chỉ có thể tìm thấy phong cảnh ở Lâm Truy, nơi có lầu Ngưng Bích thuở đó chính ngay tại vùng Động Gián, mới lý giải hiện tượng vì sao ở Lâm Truy lại vang vọng tiếng sóng biển ầm ầm!

Cũng tại Lâm Truy, với cái cảnh: Bốn bề bát ngát xa trông/ Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia, như mô tả của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, là hình ảnh quen thuộc của hệ thống các cồn cát ven biển miền Trung, mà vùng Tiên Điền - Nghi Xuân cũng là một điển hình, với cát vàng cồn nọbụi hồng dặm kia liên tiếp, liên tục mênh mông bao la như vậy cũng chỉ nhìn thấy trên quê hương của thi hào; tôi chưa được đến Lâm Truy và Tô Châu, nhưng có lẽ ở Lâm Truy, thuộc vùng khí hậu ôn đới, chắc không có những cảnh kiểu: cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia như ở Nghi Xuân, thuộc vùng nhiệt đới?

Tại lầu Ngưng Bích ở Lâm Truy, Thúy Kiều gặp khách làng chơi Thúc Sinh, hai người gắn bó với nhau, thề thốt với nhau, cũng hẹn non thề bể rằng: Đàng xa chớ ngại Ngô-Lào/ Trăm đều hãy cứ tin vào một ta! Ngô và Lào là những địa danh để chỉ nước Ngô trong ngôn ngữ Việt, rằng đó là Trung Quốc; và Lào là quốc gia láng giềng nằm về phía Tây nước Việt; không có chuyện ở Lâm Truy người ta lại thề thốt lên hai tiếng Ngô-Lào! Rõ ràng câu thề đó chỉ có thể được diễn ra không ở nơi nào khác ngoài đất Việt Nam.

Chỉ mới nêu lên một trường hợp là thành Lâm Truy, đã cho thấy rằng những khung cảnh thực ở Lâm Truy, chỉ là trên danh nghĩa mà thôi, còn màu sắc nền vẽ nên khung cảnh đó là biểu trưng của cảnh sắc rất Việt, hay nói cách khác không gian Việt chi phối dường như hầu hết phong cảnh (và sau đó là tâm tình) đã được phác vẽ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du về thành Lâm Truy.

Ngoài những khung cảnh vừa nêu, tại thành Lâm Truy, mang dáng dấp Việt một cách tiêu biểu, chúng ta còn thấy những khung cảnh khác, cũng tại Lâm Truy là những phản ánh của không gian Việt; chẳng hạn, khi Kiều đi trốn cùng với Sở Khanh: Đêm thâu khắc lậu canh tàn/ Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương/ Lối mòn cỏ lượt màu sương… giống như đường đêm đi vào ngàn Hống. Lâm Truy một thành phố ven sông hẳn không phải là một thành phố trung du hay gần kề với núi non hiểm trở, như trong mô tả của Nguyễn Du?

Rà soát lại các sự kiện xảy ra trên các địa danh xuyên suốt Truyện Kiều của Nguyễn Du, dường như đó đều là những nơi đâu đó mà chúng ta đã từng bắt gặp trên đất nước ta, không chỉ của thời Nguyễn Du, mà chính là cảnh sắc của thời đương đại. Nguyễn Du hoài niệm về quá khứ, nhưng đã diễn tả như đó là cảnh quan của muôn thuở, của chính thời đại ông và của cả mai sau; chính với điều đó, chúng ta không cảm thấy có khoảng cách thời gian giữa Nguyễn Du và chúng ta ngày nay, dù khoảng cách đó đã hơn 200 năm lẻ, có lẽ đó là khoảng thời gian đầy biến động nhất trong lịch sử đất nước và dân tộc!

Với khoảng thời gian và không gian để Nguyễn Du sáng tạo nên tác phẩm bất hủ của mình, như vừa trình bày và cảnh sắc Việt ken đầy trong những địa danh mang màu sắc Hán trong Đoạn trường tân thanh; để muốn chứng minh rằng, Nguyễn Du đã sáng tạo nên tuyệt tác Truyện Kiều, từ nguyên mẫu Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân. Sự giao lưu và tiếp thu của văn hóa Việt từ văn hóa Hán, là một tất yếu buộc phải thực thi và không bị chối bỏ; nhưng có điều là tiếp thu cái gì và không thể tiếp thu cái gì hoàn toàn tùy thuộc vào bản lĩnh và sức sống của văn hóa Việt. Nguyễn Du như là một điển hình chứng minh rằng văn hóa Việt có thể tiếp thu những nét trội của văn hóa Hán, dễ thích ứng và làm phong phú thêm cho văn hóa Việt, một hình thức Hán, mà trong đó bao chứa nội dung hoàn toàn Việt, như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, cho dù có nguồn gốc từ Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân, càng làm tôn vinh sức sống của văn hóa Việt, tồn tại và chung sống đàng hoàng với văn hóa Hán trong suốt trường tồn lịch sử của hai nền văn hóa láng giềng này; những mưu đồ thôn tính của văn hóa Hán đối với văn hóa Việt, như ai đó mong tưởng là những tính toan mang tính bệnh hoạn và luôn luôn chuốc lấy thất bại thảm hại, như lịch sử đã chứng minh.

Khung cảnh Việt trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là một sự thực cần được nhận chân khi thưởng ngoạn Truyện Kiều, đó không chỉ là cảnh quan Việt, mà còn là tâm tình Việt, nhân cách Việt, phong cách Việt và trí tuệ Việt… như là một hệ thống các giá trị Việt được Nguyễn Du hệ thống và khái quát một cách tài ba và cao siêu trong Truyện Kiều trường tồn.q

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây