Từ góc nhìn câu chuyện tình yêu – hiểu thêm Vợ nhặt của Kim Lân

Thứ tư - 09/09/2015 05:21 0

1, Khai thác các yếu tố văn hóa đã tạo nên cái duyên riêng của tác phẩm, chủ yếu từ góc độ văn hóa tình yêu, một vấn đề đang được quan tâm hiện nay.

2, Góp phần xác lập hướng khai thác văn bản văn học từ tính văn hóa của tác phẩm, giúp người đọc, người học cảm thấy thú vị hơn trong quá trình học và dạy tác phẩm này và văn học nói chung.

Vợ nhặt từng được đề cập đến từ nhiều phương diện, chẳng hạn về nhân vật Tràng, về tình huống truyện, về bà cụ Tứ,... nhưng rõ ràng trong Vợ nhặt có một câu chuyện tình yêu, không mùi mẫn, éo le, ướt át như nhiều câu chuyện tình yêu đại chúng khác, nhưng in đậm dấu ấn cảm thức yêu đương của người Việt mà chỉ có thể nhận ra bằng đặc trưng văn hóa Việt trong quan niệm tình yêu. Tình (yêu) gắn liền với duyên, không tách rời khỏi duyên (tình duyên). Sự xúc động từ thẳm sâu tâm hồn của Kiều khi lần đầu gặp Kim Trọng đã cho thấy tính chất này: Người đâu gặp gỡ làm chiTrăm năm biết có duyên gì hay không. Tràng và người đàn bà mà anh gặp một cách tình cờ trở thành vợ chồng của nhau, chính là nhờ họ có duyên với nhau. Cái duyên vừa thực vì nó tồn tại, vừa hư ảo vì không ai thấy nó hiện hình, nhưng chắc chắn nó trở thành nguyên tắc ứng xử trong tình yêu chân chính, để không làm “cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng”.

Một câu chuyện tình yêu thường có ba bước: gặp gỡ - xung đột và giải quyết xung đột - kết thúc (hôn nhân). Câu chuyện tình yêu của Tràng không vượt ra ngoài ba thời đoạn nối tiếp nhau biện chứng này. Trước hết là gặp gỡ. Trong tình yêu bước gặp gỡ quan trọng vô cùng và bao giờ cũng đi liền với một không gian đặc biệt, không gian của đôi lứa, không gian của trời xui đất khiến. Có thể không gian không có tên, mơ hồ, rộng mênh mông mà hẹp vô cùng: Tiện đây mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? Một không gian như thế không ai biết nó ở đâu vì thực ra nó có ở mọi nơi. Khi người ta đã có duyên với nhau thì sẽ xuất hiện không gian ấy và họ xuất hiện đồng thời trong không gian ấy.

Kiểu không gian gặp gỡ của tình yêu thường gặp là không gian thử thách với nhiều cản trở khác nhau. Mỗi cản trở lại tạo ra một kiểu chuyện tình. Ta gặp kiểu không gian này trong Vợ nhặt. Nơi họ gặp nhau là một cái dốc, không cao lắm nhưng là một thử thách, nơi đó khi lên đỉnh dốc người ta thường phải nghỉ lại. Nơi đó cũng là nơi người đợi người chờ, nơi kẻ đón người đưa, nơi nỗi mệt nhọc vơi đi, nơi niềm vui thức dậy bằng những câu đùa, những truyện kể pha màu tiếu lâm... Nhưng người chờ người đợi ấy có phải của mình không thì phải đánh tiếng, phải thăm dò, phải thể hiện hành động giao duyên. Cái dốc trở thành không gian để thể hiện hành động giao duyên, gắn với hình thức giao duyên rất phổ biến của người Việt: đó là hát, là hò, là một nghi thức lời nói đặc biệt, giản dị, dân dã mà hàm súc vô cùng. Kiểu giao duyên này có thể xuất hiện theo kiểu giãi bày: Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin...; có thể theo kiểu tấn công, táo bạo: Cô kia tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi? Nhân vật Tràng đã thực hiện hành động giao duyên của mình bằng câu hò: Muốn ăn cơm trắng với giò/ Ra đây mà đẩy xe bò với anh. Câu hò mang trong nó thông điệp ngỏ lời gắn kết, là hỏi trực tiếp vừa là lời mời gián tiếp. Câu hò ấy có thể tách ra thành một câu hỏi để ngỏ nhưng đóng vai trò nguyên nhân: Muốn đẩy xe bò với anh không? Và một kết quả tương ứng với nguyên nhân ấy: Ra đây mà ăn cơm trắng với giò. Người được mời luôn luôn có lợi. Đó chính là sự bộc lộ tình cảm theo chiều sâu. Cách phân tích theo hình thức suy diễn kí hiệu học này cho thấy trong nhân vật Tràng tiềm ẩn những phẩm chất khác mà khi phân tích ta thường bỏ qua. Một người biết hò, biết hát, lại tự sáng tác nữa thì người đó không phải là người ngớ ngẩn, cho dù Tràng “hay cười một mình”.

Như vậy, tại cái dốc, thông điệp ngỏ lời - chào mời đã được phát đi. Ở con dốc lúc đó không chỉ có một mà vài ba người, đùn đẩy và đương nhiên chỉ một người ra, vì đây là lúc “có phải duyên nhau thì thắm lại” (Hồ Xuân Hương). Một người kéo, một người đẩy, họ tạo ra một cặp, tạo ra sự gắn bó không chỉ tạm thời mà sẽ là vĩnh viễn. Từ đây, ta càng trân trọng hơn từ cặp trong thơ Xuân Diệu, với tần số xuất hiện khá nhiều. Cặp bao giờ cũng có hai, nhưng lại luôn luôn là một. Như vậy, trong họ đã có nhau. Cái hai thì hay xung đột, còn cái một thì không.

Vì thế, cặp tạm thời này được đưa vào xung đột mà xung đột ở đây là sự chất vấn của người đàn bà, có thể hơi chanh chua, hay “chao chát chỏng lỏn” nhưng rất thật: “Người thế mà điêu!”. Đại từ “người” ở đây có giá trị biểu đạt rất lớn, mang đậm dấu ấn của văn hóa “người ơi, người ở đừng về”, đã thế còn hàm chứa sự so sánh “người - thế”, nghĩa là người như anh, nghĩa là chính anh, cũng hàm chứa sự hồ nghi và cũng sẽ là điều mà Tràng phải giải đáp sau này. Đại từ “người” ở đây không thể thay thế bằng một từ nào khác được, bởi đây là sự đáp lại thông điệp của Tràng, bởi vì trong từ để chỉ trích, để phê bình, để tỏ bày hờn dỗi, mà đã yêu nhau chân chính không thể không hờn không dỗi, không thể không nũng nịu nhau. Vì thế, từ “điêu” đã chứa sẵn mầm “iêu” rồi.

Xung đột nhanh chóng được giải quyết, bằng bốn bát bánh đúc, bằng sự sòng phẳng mà sòng phẳng rạch ròi là phẩm chất cao thượng cần có trong tình yêu và cũng thể hiện phẩm chất “thật như đếm” của Tràng, để đi tới thống nhất quan điểm. Những gì người đàn bà hỏi, những gì Tràng đáp lại, bởi lẽ, “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem họ” là nguyên tắc để tạo sinh chồng vợ, dẫn tới kết thúc, bởi lẽ họ chẳng còn khúc mắc gì với nhau nữa, giữa họ lúc này chỉ có niềm tin thật sự vào nhau vì họ cần phải có nhau, họ là của nhau. Quan hệ yêu đương một khi đã đi vào chiều sâu thì phải gắn với trách nhiệm. Tràng thể hiện trách nhiệm người chồng của mình bằng việc sắm cho “thị” chiếc thúng con và không quên mua “hai hào dầu” vì “chết trống kèn, sống đèn lửa” hơn nữa lại là “vợ mới”, phải đàng hoàng. Suy nghĩ của Tràng thật đúng tư cách đàn ông. Mặt khác, đã là vợ chồng thì phải được công nhận về mặt pháp lí. Pháp lí ở đây là pháp lí của nhân dân, thể hiện qua điệp khúc đón dâu của lũ trẻ, điệp khúc “chông vợ hài”, cách nói lái dí dỏm, hài hước mà rất minh triết của người Việt. Một mặt nó là chứng nhận hôn nhân cấp cho hai người, mặt khác nó cho thấy tính chất đặc biệt của thời buổi đói kém, thời buổi sự sống và cái chết đối mặt với nhau mà ở đó vấn đề tình người phải được đặt lên hàng đầu. Tính chất thứ hai này tường minh ý nghĩa của từ “nhặt”, mà đứng riêng ra thì nó là động từ chỉ một hành động phải dùng bằng tay, chí ít cũng hàm nghĩa nâng niu, trân trọng; còn trong cụm từ “vợ nhặt” thì “nhặt” bổ sung cho nội hàm của từ “vợ”, cho thấy tính chất đặc biệt của quan hệ tình yêu này.

Ở đây phải trở lại với một vấn đề vốn đã được nhiều người nhắc tới, đó là người đàn bà này không có tên, hay đúng hơn là không ai biết người đàn bà này tên gì. Thật ra, nhà văn muốn đặt cho nhân vật tên nào hay bao nhiêu tên mà chả được, nhưng cái hay là trong văn hóa Việt, khi người vợ đã cưới chồng, đã có chồng, người ta không gọi tên người vợ ấy nữa, mà gọi người vợ theo tên người chồng. Vì thế, vợ anh Dậu, dứt khoát phải là chị Dậu, phải tên là Dậu, không khác được. Cũng như vậy, trong trường hợp của Tràng, khi Tràng đã chấp nhận người đàn bà ấy là vợ, thì đương nhiên tên của chị ta sẽ là chị Tràng, không khác được. Mặt khác, khi chấp nhận người đàn bà ấy là vợ, Tràng đã cấp cho chị ta một danh phận, một địa vị, đó là vợ. Từ vợ và danh phận này đã làm thay đổi hoàn toàn bản chất xã hội của người đàn bà, nâng chị ta lên một phẩm cấp mới trong xã hội.

Tuy nhiên, cái “chông vợ hài” đã công nhận về mặt pháp lí mối tình của Tràng, nhưng quan hệ này còn phải được công nhận về mặt gia đình nữa, mà gia đình bà cụ Tứ về mặt nguyên tắc là gia đình gia giáo. Tính chất gia giáo này thể hiện qua chính cái tên của bà, qua những lời phàn nàn gia cảnh của bà, qua triết lí “không ai giàu ba họ không ai khó ba đời”, qua món chè cám chào mừng con dâu của bà. Sự chấp nhận người con dâu của bà cụ Tứ là sự chấp nhận một “sự đã rồi”, thể hiện một tấm lòng nhân hậu, biết cưu mang, biết đùm bọc, biết đặt tình thương đúng lúc, đúng chỗ, bởi vì việc làm của Tràng là việc làm đúng, là việc làm đạo nghĩa, bởi theo giáo lí nhà Phật thì “cứu một người phúc đẳng hà sa” hay “cứu một người còn hơn xây bảy tòa tháp phù đồ”. Trong văn hóa Việt việc “dựng vợ gả chồng” là trọng đại, bà không trực tiếp làm nhưng con bà, khi đã thay bà làm việc đó, thì bà hết sức độ lượng, cảm thông và hết lòng ủng hộ. Câu chuyện tình yêu của Tràng được kết thúc một cách có hậu như câu chuyện cổ tích, theo kiểu “ở hiền gặp lành”. Cái kết thúc này được kết hợp với kiểu kết thúc của truyền thống văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa qua hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng ở cuối tác phẩm, tạo nên cái kết thúc kép, khẳng định sức mạnh của tình người, đậm tính nhân văn.

Xét về bản chất, văn hóa là sức sống của một dân tộc, còn văn hóa dân tộc thì còn tồn tại dân tộc. Văn hóa là toàn bộ các giá trị vật chất mà con người tạo ra trong suốt trường kì lịch sử của nó để duy trì và đảm bảo sự tồn tại và phát triển của con người. Văn hóa là của con nguười, do con người và cho con người. Cũng như thế không có văn hóa phi dân tộc, văn hóa phải mang tính dân tộc. Người Việt phải mang đặc trưng văn hóa Việt. Tác phẩm văn học càng có nhiều phẩm chất văn hóa thì tác phẩm đó càng có sức sống bền lâu. Tính văn hóa trong tác phẩm văn học được hiện qua lối nói, cách nói, qua hệ thống châm ngôn, cách ngôn, qua truyền thống ứng xử kiểu “người ta là hoa đất”, v.v... và qua hệ thống từ ngữ tưởng chừng giản dị nhưng lại chất chứa nhiều hàm nghĩa mà một vài thao tác bình phẩm trên đây theo cách nhìn kí hiệu học cũng minh chứng điều đó. Thực tế văn chương trong và ngoài nước đều cho thấy rõ cái hay, cái độc đáo của tác phẩm văn chương không tách rời tính văn hóa được thể hiện trong tác phẩm. Văn hóa là một phạm trù rất rộng, nhưng chắc chắn trong mỗi nền văn hóa thì tác phẩm văn học là một trong các kết tinh cao nhất của nền văn hóa đó. Giảng dạy tác phẩm văn học chính là phải chỉ ra phẩm chất văn hóa mà tác giả dùng để chuyển tải các thông tin, để xây dựng quan niệm sống, quan niệm làm người trong tác phẩm đó. Thấm thía câu chuyện tình yêu, cho dù giản đơn, có thể là sơ lược trong Vợ nhặt, ta cần trân trọng và bảo vệ cho tình yêu chân thành, trung thực. Hơn nữa, đọc tác phẩm từ góc độ văn hóa, sẽ có được cái nhìn liên văn bản (l‘intertextualité), theo đúng nghĩa của từ này. Đồng thời cũng qua đó thấy thêm được tính đa trị của văn bản văn học đích thực, thấy được và hiểu đúng cái số nhiều (le pluriel) hay tính số nhiều (la pluralité) của văn bản văn học theo cách nói của Roland Barthes.

Lê Nguyên Cẩn

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây