Tự học

Thứ hai - 05/10/2015 05:21 0

TỰ HỌC

GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn

Bác Hồ đã nói về việc phải lấy tự học làm cốt. Tại sao vậy? Vì mấy lý do sau đây. Một người học có thể có người dạy, ta gọi người dạy ấy là thầy ngoài. Trong lúc đó thì bộ óc của người học cũng ra sức làm việc, ta gọi là thầy trong. Thầy ngoài thì gặp học trò ở những giờ lên lớp, còn thầy trong thì gần gũi với học trò hết 24 tiếng đồng hồ kể cả lúc ngủ, vì rằng trong lúc ngủ cũng đã có những trường hợp tìm được kiến thức hay qua giấc chiêm bao. Như vậy, vì so với số giờ làm việc của thầy trong và thầy ngoài đã thấy một sự chênh lệch lớn giữa hai bên. Đó là chưa nói đến những ngày nghỉ kéo dài hàng tháng của thầy ngoài. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng học có thầy (tức thầy ngoài) thì có gì không hiểu thầy giải đáp cho, còn học không có thầy, tự học lấy thì có khi xoay xở mãi không ra. Nghĩ như vậy thì thật quá đơn giản. Thử tưởng tượng một lớp có 40 học sinh thì được mấy học sinh hỏi thầy, giỏi lắm được 4 em, không thể nhiều hơn; vì nếu nhiều hơn thì hết tiết học, còn thầy trong thì có thể làm việc liên tục và do làm việc nhiều thì khả năng của bộ óc cũng được rèn luyện và trưởng thành. Đó là chưa nói tâm lý ngại hỏi thầy ngoài của học trò, trong lúc họ chẳng bao giờ ngại hỏi thầy trong. So sánh sơ qua như vậy thì thấy tầm quan trọng của tự học, nhưng thấy trong ngành giáo dục nước ta điều ngược lại đã xảy ra thể hiện rõ nhất ở những lớp luyện thi, dạy thêm, học thêm tràn lan. Cũng có một vài tổ chức thực nghiệm lấy tự học của học sinh làm chính và đã dẫn đến thắng lợi, nhưng tiếc rằng những thắng lợi ấy cuối cùng đã bị bỏ rơi khi thay đổi người cầm cờ. Xin kể ra mấy ví dụ:

Ví dụ thứ 1: Cuộc cải cách giáo dục năm 1950. Trong điều kiện chiến tranh, các thầy đều phải dạy ép học sinh phổ thông rút xuống còn 9 năm; ấy thế mà khi chiến tranh kết thúc trở về thành phố, học sinh học 9 năm phổ thông vào trường đại học, học không kém gì học sinh học 12 năm phổ thông (ở vùng tạm chiếm). Điều kiện chiến tranh mà tại sao học sinh học 9 năm lại theo kịp học sinh 12 năm? Nhất định có vai trò của các thầy trong.

Ví dụ thứ 2: Trong 11 năm từ năm 1977 đến năm 1988, Bộ Giáo dục có mở ra cải cách đào tạo giáo viên từ xa và giành được thắng lợi; Các giáo sinh từ xa này ở xa trường đại học, ở gần trường phổ thông và phải thi tốt nghiệp sư phạm chung với giáo sinh chính quy và kết quả không thua kém, mặc dù họ được tuyển từ những thí sinh đã hỏng ở kỳ thi tuyển sinh đại học. Lúc mới công bố chủ trương tuyển sinh này thì đến 99% số người được hỏi có ý kiến rằng học chính quy còn chẳng ăn ai nữa là học từ xa. Nhưng cái lò từ xa đó đã cung cấp được 2 nghìn giáo viên có chất lượng chẳng kém gì hệ đào tạo chính quy. Rất tiếc rằng sau 11 năm (1977-1988) có một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long muốn xin Bộ mở hệ đào tạo này nhưng Bộ trưởng mới không cho. Kết cục, qua 11 năm đã đào tạo thêm được 2.000 giáo viên mà không phải xây thêm ký túc xá cho số giáo sinh này vì họ không tập trung về trường để học.

Hai ví dụ trên chứng tỏ rằng việc đào tạo từ xa nói rộng ra là việc đào tạo không chính quy cũng có thể đưa đến chất lượng nếu tiến hành đào tạo nghiêm túc không để tiêu cực lọt vào mà phải nói thêm rằng đào tạo nghiêm túc thì rất tiết kiệm; như ở ví dụ 2.000 giáo sinh không còn chỗ ở ký túc xá vẫn đào tạo có kết quả tốt được. So sánh cái lợi này với cái lợi của việc cải tiến tổ chức tuyển sinh đại học vừa rồi thì càng thấy một sự tiết kiệm tiền của khá lớn nếu ta coi trọng việc đào tạo xa thầy ngoài, chủ yếu với thầy trong nếu người ta chỉ đạo thật nghiêm túc giáo dục phi chính quy thì thắng lợi lớn biết bao nhiêu.

Nước ta là nước đang lạc hậu về giáo dục và khoa học so với nhiều nước trong vùng, nếu mở rộng và củng cố giáo dục phi chính quy thì ta nhanh chóng đuổi kịp các nước đó cả về số lượng và chất lượng. Cách thi tuyển quốc gia vào đại học vừa rồi là một sự tiết kiệm, nhưng cách làm như vậy liệu có đạt mục tiêu không? Mục tiêu ở đây là cái gì? Là có một nền giáo dục phổ thông tốt và một sự tuyển sinh tốt cho các trường đại học. Hiện nay chưa có thực tế để khẳng định nhưng đã có những nỗi lo sau đây: Mục tiêu “phổ thông” sẽ khó mà đạt khi kỳ thi chỉ có 4 môn mà trong 2 chữ phổ thông có ẩn nhiều bộ môn rất phổ thông mà ta đã bỏ từ lâu không dạy hoặc dạy rất kém như thiên văn, như lịch sử để đến nỗi có những chuyện như thầy giáo thạc sỹ mà không biết tại sao mà có nhật thực. Có những chuyện như vậy là bởi vì đã lâu lắm rồi ta không theo chỉ thị của Bác Hồ: Lấy tự học làm cốt, ta vứt bỏ dễ dàng những thắng lợi mà không nhân được nó ra.

Chẳng hạn ta đã chỉ đạo việc tự học trong các trường học như thế nào mà chúng ta nêu cao khẩu hiệu phải học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, nhưng lại để cho các lớp luyện thi, dạy thêm, học thêm mở ra tràn lan, không biết cách ngăn chặn lại để lái vào con đường đúng. Chẳng hạn ta chỉ kêu tự học mà không có chính sách nào khuyến khích người tự học giỏi. Trong lúc đó thì để cho những chê bai giáo dục phi chính quy tràn lan không gì ngăn cản nổi như: Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức; Tại chức là cái chợ mua bằng, bán điểm. Muốn cho giáo dục ở nước còn nghèo mà phát triển nhanh thì phải rất coi trọng giáo dục phi chính quy. Cải cách giáo dục ở nước ta mà không bàn cách chấn chỉnh lại giáo dục phi chính quy là một sai lầm. Có như thế mới thực hiện được lời khuyên của Bác Hồ: Lấy tự học làm nòng cốt.

Ta đang bàn chuyện xây dựng xã hội học tập trong đó ai cũng học và học suốt đời, khi đó lấy trường đâu cho đủ mọi người học tập suốt đời; tất nhiên không có giáo dục phi chính quy mạnh thì không xong. Đáng lẽ ra phải chuẩn bị từ lâu, nay mới lo là đã chậm. Phải lo khi người học còn ngồi trên ghế nhà trường, nghĩa là phải luyện cho học sinh chính quy cũng phải quen dần với tự học, không phải chỉ bằng những lời kêu gọi mà bằng những hệ thống chính sách trong đó có việc đổi mới mạnh mẽ về thi cử dù cho vừa qua đã có cố gắng nhất định.

Xin nói thêm rằng hơi một tí đã đi hỏi thầy là dở, nhưng phải luyện cho học trò biết cách hỏi; không chỉ hỏi thầy và hỏi bất cứ cái gì. Chính các nhà bác học là những người rất giỏi đi hỏi, ví dụ như Einstein đã biết hỏi một con tàu vũ trụ tưởng tượng bay nhanh gần bằng ánh sáng để khám phá ra thuyết tương đối ẩn mình trong thí nghiệm của Michelfon. Biết hỏi kiểu các nhà bác học thì lại rất nên luyện dần cho học sinh; Cải cách giáo dục mà luyện được học sinh như vậy thì tốt quá. Nhưng hiện nay trong nhà trường phổ thông lại không có khoa học tư duy.q    

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây