Quản lý hoạt động tổ chuyên môn ở các trường THPT huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

Thứ tư - 09/09/2015 05:21 0

Trong nhiều năm thực hiện đổi mới giáo dục, ngoài những kết quả đạt được về quy mô, về đa dạng hoá các loại hình đào tạo, về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học… thì chất lượng giáo dục vẫn là một vấn đề làm cho chúng ta phải băn khoăn nhiều nhất. Vấn đề nâng cao hiệu quả công tác quản lý chuyên môn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục. Trong  nhà trường ở các cấp học, vai trò của tổ chuyên môn (TCM) có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cụ thể, là cấp quản lý cơ sở và trực tiếp trong quá trình chỉ đạo các hoạt động chuyên môn.

Hoạt động chuyên môn của Tổ chuyên môn là một hoạt động thiết yếu, chủ lực cho tất cả hoạt động giáo dục. Vai trò quản lý của tổ trưởng góp phần không ít vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi công tác chuyên môn được bàn bạc, thống nhất và đi đến việc thực hiện đều phải qua sinh hoạt giữa các thành viên trong tổ nhằm đảm bảo hiệu quả đúng theo mọi tiến độ của kế hoạch năm học đã được xây dựng. Tổ chuyên môn có nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ, hướng dẫn xây dựng và quản lý kế hoạch cá nhân của tổ viên theo kế hoạch giáo dục, phân phối chương trình môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch năm học của nhà trường; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ, tham gia đánh giá xếp loại các thành viên của tổ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên.

Quản lý hoạt động của tổ chuyên môn về bản chất là quản lý việc thực hiện mục tiêu, nội dung chương trình, quản lý việc thực hiện quy chế chuyên môn, quản lý sinh hoạt khoa học, đổi mới phương pháp giáo dục và dạy học, cũng như các giải pháp hỗ trợ khác nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ban giám hiệu, đặc biệt hiệu trưởng trong nhà trường THPT có vai trò to lớn trong quản lý, chỉ đạo hoạt động của các tổ chuyên môn, thông qua tổ trưởng và tập thể giáo viên để thúc đẩy các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục và dạy học trong nhà trường.

Huyện Diễn Châu là một địa bàn có kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội tương đối ổn định và phát triển mạnh mẽ. Các trường THPT huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hiện nay đã có nhiều đổi mới với thành tích đáng kể về lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, việc quản lý các tổ chuyên môn cũng có những thuận lợi và những khó khăn nhất định.

Tại các trường THPT huyện Diễn Châu, chúng tôi thấy việc quản lý hoạt động TCM có những mặt đã làm được như: Các nhà trường đã thực hiện nghiêm túc Luật giáo dục, Điều lệ trường THPT, các văn bản chỉ thị của ngành. Trong quá trình quản lý và chỉ đạo hoạt động của TCM, các trường đã luôn bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi vậy nhiều biện pháp quản lý TCM của các nhà trường đạt được hiệu quả cao. Hoạt động chuyên môn trong các nhà trường luôn bám sát nội dung, chương trình các môn học, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, vận dụng linh hoạt việc tích hợp các nội dung như kỹ năng sống, giáo dục môi trường. Các nhà trường đều thực hiện các phong trào thi đua như cuộc vận động "Hai không", cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về tự học và  sáng tạo'... Việc tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi, nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm được tổ quan tâm chỉ đạo sát sao. Nề nếp sinh hoạt TCM trong các nhà trường đã được cải thiện rõ rệt. Các TCM đều tiến hành sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Nội dung sinh hoạt chuyên môn dần chuyển từ sự vụ hành chính sang những nội dung mang tính đặc thù chuyên môn, sâu sát đến từng khối lớp, từng đơn vị kiến thức. Ý thức tự giác, tự học hỏi của giáo viên trong các nhà trường phát triển mạnh. Việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT trong dạy học được tiến hành thường xuyên. Đại bộ phận các thầy cô giáo đã thực sự trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Các nhà trường cũng đã tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy và học tập; đã tạo được sự thống nhất, đồng bộ giữa các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo hoạt động TCM.

Tuy nhiên trong công tác quản lý tổ chuyên môn vẫn còn có một số mặt chưa làm được. Việc lập kế  hoạch chuyên môn còn chưa chủ động (lý do khách quan là văn bản chỉ đạo chưa kịp thời, lý do chủ quan là năng lực tổ chức, điều hành của tổ  trưởng chuyên môn một số người còn hạn chế). Khi lập kế hoạch các tổ chuyên môn, các tổ chỉ tập trung vào nhiệm vụ công tác của tổ mình, chưa có cái nhìn tổng thể trong mối quan hệ với các tổ chuyên môn khác và với nhiệm vụ chung của nhà trường; một số TCM chưa coi trọng việc xây dựng nội dung sinh hoạt TCM nên nội dung sinh hoạt chuyên môn nghèo nàn, nặng về sự vụ hành chính, chưa có vai trò là hạt nhân thúc đẩy hiệu quả chuyên môn.         

Chúng tôi nhận thấy công tác thi đua khen thưởng còn chưa kịp thời, thỏa đáng, bởi vậy chưa tạo động lực cho công tác thi đua trong nhà trường. Mặt khác, khâu quản lý việc sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học trong các nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều giáo viên ngại sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã được triển khai nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh. Công tác bồi dưỡng đội ngũ, vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng dạy học chưa được quan tâm một cách đầy đủ.

Công tác chuyên môn là hoạt động quan trọng, chủ yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường. Tổ chuyên môn là nơi thực thi trực tiếp nhiệm vụ dạy học và giáo dục HS. Một nhà trường chỉ có thể thay đổi, phát triển bằng chính nội lực của mình. Đối với trường THPT động lực quan trọng để phát triển chính là do yếu tố tăng trưởng chất lượng giáo dục của đơn vị tổ quyết định. Nhưng trong thực tế, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, nên công tác này chưa được quan tâm đúng mức; chính vì vậy hoạt động của tổ chuyên môn không thực sự phát huy hết sức mạnh nội lực vốn có của mình để tạo ra những sản phẩm giáo dục nhiều về quy mô và tốt về chất lượng cho xã hội.

Để công tác quản lý hoạt động tổ chuyên môn ngày càng phát huy hiệu quả, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị một số giải pháp sau:

Giải pháp 1: Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về tầm quan trọng của tổ chuyên môn ở trường THPT.

Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho CBQL, GV nhân viên trong nhà trường. Hàng năm, vào đầu năm học, nhà trường cần duy trì việc tổ chức hội nghị học tập nhiệm vụ năm học cho cán bộ giáo viên. Quán triệt cho giáo viên về nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Điều lệ trường THPT và các nội quy của nhà trường đối với các hoạt động giáo dục trong và ngoài trường. Tổ chức cho CBQL và GV nghiên cứu tìm hiểu các nội dung, quy chế hoạt động và vai trò tổ chuyên môn trong nhà trường.

Giải pháp 2: Xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ về hoạt động của tổ chuyên môn và thực hiện dân chủ hóa trong quản lý các tổ chuyên môn.

Dân chủ trong việc xây dựng và quyết định những chủ trương, kế hoạch của nhà trường. Dân chủ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nếu dân chủ để xây dựng chủ trương và kế hoạch hoạt động của nhà trường là tập hợp ý kiến thì dân chủ trong quá trình thực thi nhiệm vụ là phát huy năng lực sáng tạo của mọi thành viên để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, sớm nhất và ít tốn kém nhất.

Giải pháp 3: Tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, đánh giá, giám sát.

Kiểm tra việc thực hiện chương trình qua sổ đầu bài, lịch báo giảng, phân phối chương trình giảng dạy. Kiểm tra việc thực hiện chương trình thông qua tổ trưởng chuyên môn.

Giải pháp 4: Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện điều kiện phục vụ cho tổ chuyên môn.

Sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học là nhu cầu không thể thiếu trong quá trình dạy học. Trong việc đổi mới phương pháp dạy học thì việc sử dụng thiết bị dạy học là rất cần thiết để làm cho bài học sinh động, trực quan giúp học sinh hiểu bài hơn, kết quả giảng dạy của giáo viên cao hơn.

Qua nghiên cứu cho thấy: công tác  quản lý hoạt động tổ chuyên môn trong các trường THPT ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thể hiện Hiệu trưởng các trường đã có nhận thức đúng về vai trò của mình trong việc quản lý hoạt động tổ chuyên môn và trong thực tế công tác quản lý đã đi vào nền nếp, đạt được những thành công nhất định. Hoạt động TCM của các nhà trường có hướng đi đúng đắn, góp phần quan trọng vào thành quả của các nhà trường.

Đậu Thị Thu Hà

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây