Thử nhìn xa hơn đến cải cách giáo dục lần sau

Thứ tư - 09/09/2015 05:21 0

(Phỏng vấn GS.VS. Nguyễn Cảnh Toàn)

PV: Nghe nói GS đương suy nghĩ về cải cách giáo dục lần sau. Tại sao lại phải đốt cháy giai đoạn như vậy?

GS: Ta hay nói khoa học tiến như vũ bão nhưng theo tôi, nói như vậy chưa đúng, vì vũ bão dù có mạnh đến mấy thì sau vài ngày sẽ tan, còn vũ bão khoa học thì không những không tan mà còn mạnh lên theo quy luật số mũ giống như "lãi kép"- lãi bao nhiêu lại đập vào vốn bấy nhiêu.

PV: Nếu quả có như vậy thì GS nên trình bày với nhà nước để có giải pháp.

GS: Nếu lôi kéo một vài người suy nghĩ thì được nhưng nếu lôi kéo cả triệu giáo viên, học sinh thì phải chuẩn bị cẩn thận lắm. Cho nên tôi cũng chỉ dám đề xuất một số ý kiến để các thầy, các chuyên gia cùng nhau bàn bạc.

Theo tôi, có hai cách làm giáo dục, một cách là lọc ra từ vốn kiến thức của nhân loại những gì cần cho học sinh để làm chương trình và sách giáo khoa mà truyền cho họ. Để truyền được, phải chia chương trình ra làm nhiều mảng, thích hợp với nhiều lớp, từ lớp một cho đến lớp cuối đại học. Tôi sẽ gọi cách làm giáo dục đó là làm giáo dục tuyến tính. Cách làm giáo dục tuyến tính đã tồn tại từ lâu trong xã hội loài người vì người ta cho rằng sáng tạo là do bẩm sinh chứ không phải từ giáo dục mà nên. Nên quan niệm truyền thụ kiến thức từ thế hệ trước sang thế hệ sau chứ không đòi hỏi sáng tạo gì cả, mặc dù càng về sau càng tiếp xúc với sự phát triển như vũ bão của khoa học, người ta đã phải uốn nắn cách dạy, cách học bằng cách lên án lối dạy truyền thụ một chiều, học tiếp thu thụ động, nhà trường đóng cửa xa rời cuộc sống. Về căn bản, các cuộc cải cách giáo dục vẫn đương đi theo cách này. Nhiều yêu cầu cao hơn phải chờ thời gian, nhưng phải có những người lo chuẩn bị dần. Chính vì vậy, mà tôi suy nghĩ đến cải cách giáo dục lần sau. Theo tôi, nếu giáo dục kiểu như bây giờ được gọi là giáo dục tuyến tính, thì giáo dục mười năm sau sẽ phải đổi mới thành giáo dục số mũ. Vì lẽ, người học phải đóng góp phần sáng tạo của mình chứ không đơn thuần là tiếp thu kiến thức của thế hệ trước. Nói "số mũ" là bởi vì khoa học tiến theo luật lãi kép.

PV: Vậy thì bước đầu nên làm cái gì?

GS: Trong nhà trường chúng ta hiện nay có hai loại tư duy rất quan trọng đó là tư duy logic hình thức và tư duy logic biện chứng. Tư duy logic hình thức không được học thành một bộ môn nhưng được học qua sự vận dụng vào bài tập. Tư duy logic biện chứng thì chỉ lên đại học mới học, còn phổ thông thì chưa. Tư duy logic hình thức là tư duy hướng nội: Nó xuất phát từ A thì sẽ dẫn tới một cái B nằm trong A chứ không thể ra ngoài A được, nên nó không dẫn tới cái mới. Người ta nói rằng tư duy logic hình thức chấp nhận luật bài trung, tức là không chấp nhận vừa là A, vừa là B (A, B khác nhau). Còn tư duy biện chứng thì chấp nhận luật phi bài trung, nghĩa là có thể chấp nhận A, B cùng tồn tại. Như vậy, tư duy logic biện chứng có khả năng dẫn dắt ta đến cái mới, còn tư duy logic hình thức thì không. Bởi lẽ cái mới không từ trên trời rơi xuống mà nó nảy sinh khi cái cũ không còn đáp ứng được yêu cầu, và cái mới bao giờ cũng xuất hiện ở trong cái cũ như là một mầm mống, rồi qua sự đấu tranh lẫn nhau mà cái mới lớn lên dần dần lấn át cái cũ, rồi cuối cùng phủ nhận cái cũ để có cái mới. Bởi vậy, người ta còn gọi tư duy logic hình thức là tư duy của sự đứng yên còn tư duy logic biện chứng là tư duy của sự vận động. Nói như vậy thì rất khó hiểu đối với học sinh phổ thông và ngay cả đối với các thầy. Bởi vậy, cần phải có thì giờ để huấn luyện các thầy, làm cho họ thấy bản chất của hai loại tư duy nói trên qua những ví dụ cụ thể được chọn thích hợp với trình độ của học trò. Cho nên, trước hết phải lập ra các câu lạc bộ để các thầy tranh luận với nhau, tìm tòi ra các ví dụ. Có dạy Triết học duy vật biện chứng cho học sinh thì phải tránh việc đưa ra nhiều danh từ Triết học làm học trò khó hiểu mà phải đưa ra được những ví dụ thích hợp với trình độ, với tâm lý của người học, như vậy học trò dễ hiểu và họ cảm thấy triết học này thật hay, nó ở quanh ta chứ không phải ở đâu xa. Việc sợ học sinh khó hiểu rồi không cho học sinh học Triết học duy vật biện chứng là một sai lầm. Phải vận dụng Triết học duy vật biện chứng vào mọi việc gần gũi đã, rồi dần dần mới ứng dụng vào những việc xa xôi, hoặc ở trên cao. Ví dụ nêu về phép cộng 7+9 chứng tỏ rằng ở trình độ nào cũng có thể học Triết học duy vật biện chứng được nếu thầy giáo giỏi tìm được những ví dụ thích hợp để cho học trò hiểu rồi dần dần thấm. Nhưng ta lại né tránh việc học Triết học duy vật biện chứng cho học sinh khi còn học ở bậc học phổ thông. Đó là một thiệt thòi lớn cho việc dạy và học môn này. Một môn học có tính chất định hướng cho sự suy nghĩ đúng đắn của con người hướng tới sự tìm tòi, sáng tạo.

Những việc chuẩn bị trước như vậy là phải chuẩn bị từ bây giờ nếu muốn đưa Triết học duy vật biện chứng vào nhà trường phổ thông và phải chuẩn bị cho giáo viên trước qua hình thức câu lạc bộ. Tốt nhất là vận dụng được vào các môn học khác nhau để học sinh cũng thấy rằng cách suy nghĩ về Triết học duy vật biện chứng là một cách suy nghĩ chung cho tất cả các môn học chứ không riêng một môn nào, và người đã suy nghĩ chín theo hướng đó thì thường có sáng tạo mới dù làm nghề gì, dù học môn gì.

PV GS đã làm gì để thí nghiệm cách chuẩn bị như vậy?

GS: Tôi mới làm việc viết báo, viết sách thôi, trong những bài báo, những cuốn sách tôi viết để làm cho học sinh phổ thông thấy rõ vai trò của tư duy logic biện chứng đối với Toán học và đối với giáo dục. Rất tiếc rằng những sách báo của tôi nói trên chưa rõ tác dụng như thế nào trừ những bài viết cho báo "Toán học và tuổi trẻ".

PV: GS có thể cho một vài ví dụ cụ thể?

GS: Tôi xin lấy hai ví dụ là một ví dụ từ thời tôi còn học phổ thông và một ví dụ cách đây 60 năm khi tôi làm luận án Tiến sĩ.

Ví dụ thứ nhất: năm học lớp sáu, lần đầu tiên tôi được đi tàu hỏa, tôi tò mò muốn biết tốc độ tàu hỏa mình đang đi là bao nhiêu. Cũng chả khó gì, cần một cái đồng hồ rồi nhìn các cột kilomet bên đường là biết được, nhưng rồi trời sắp tối và tôi sắp gặp một khó khăn là không nhìn được các cột kilomet bên đường, vậy phải làm thế nào? Tôi suy nghĩ mãi và cuối cùng nhận xét rằng tàu hỏa chạy có tiếng động và tiếng động ấy có nhịp. Quan sát và suy nghĩ tôi nhận thấy rằng tiếng động ấy là do các bánh xe lăn qua khớp nối giữa hai thanh ray, đếm các thanh ray sẽ biết được quãng đường đi được, như vậy là giải quyết được vấn đề vì ban đêm vẫn nghe được các nhịp ấy. Lúc đó tôi chưa hiểu gì về Triết học, sau này trở thành giáo viên tôi lục lại trí nhớ và xem xét lại chuyện đi tàu hỏa thì tôi mới hiểu ra sâu sắc hơn rằng tôi đã có sáng tạo nhờ biết thay hình thức. Vì hình thức lúc đầu là dãy các cột kilomet bên đường và lúc sau là dãy các thanh ray và đã thay thế sự bất lực của đôi mắt bằng hiệu lực của đôi tai, đó cũng là một cách học Triết học của tôi.

Ví dụ hai: năm 1958, tôi bảo vệ luận án Tiến sĩ, nhiều người hỏi tôi có bí quyết gì mà làm luận án nhanh thế? Người ta được nghỉ đi làm nghiên cứu sinh thì cũng mất 3, 4 năm mới làm xong luận án. Còn anh chả thấy làm luận án bao giờ, đùng một cái nói bảo về xong luận án là sao? Lúc đầu tôi cũng không hiểu, nhưng sau sang Liên Xô, có dịp ngồi xem các bài báo đăng những công trình gần với công trình của tôi thì mới thấy rằng những đóng góp của tôi trong lĩnh vực ấy phong phú hơn so với những đóng góp trong lĩnh vực ấy trên thế giới. Tôi không biết tại sao, chả nhẽ mình lại giỏi hơn những nhà Toán học trên thế giới trong lĩnh vực đó? Lần trở lên đến phương pháp luận, tôi mới thấy ra rằng sở dĩ tôi ra kết quả nhanh và nhiều hơn người ta là vì tôi không phủ nhận luật bài trung. Người ta thì nghiên cứu cái gì thì cứ nhằm thẳng vào cái đó mà nghiên cứu, còn tôi chấp nhận luật bài trung để dẫn đến cái mình nghiên cứu một cách thuận lợi hơn nhiều, cụ thể ở đây là tôi vận dụng mâu thuẫn và thống nhất giữa hình học eliptic và hình học Ơclit. Và sở dĩ tôi làm được như vậy là vì tôi được học triết học duy vật biện chứng, còn những người khác họ ở các chế độ khác nên họ không thấy được.

PV: Xin cảm ơn GS!

PV (thực hiện)

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây