NỀN TẢNG NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT ĐẾN VIỆC TIẾP CẬN VÀ THANH ĐIỆU TIẾNG THÁI

Thứ ba - 26/07/2016 05:21 0
  1. Nền tảng ngữ âm tiếng Việt

Trong “Từ điển tiếng Việt” của Ủy ban Khoa học Xã hội - Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1988 có định nghĩa từ “ngữ âm” như sau: “ngữ âm d. 1 Hệ thống các âm của một ngôn ngữ. 2 Bộ phận của ngôn ngữ liên quan tới các âm, các quy tắc kết hợp âm. 3 Ngữ âm học (nói tắt)”. Phần trình bày trong bài viết này chủ yếu chỉ liên quan đến phần 1 2 của định nghĩa trên đây.

Theo cách hiểu này, có thể vận dụng những đặc trưng nhất định của nền tảng ngữ âm của tiếng Việt, vốn là một ngôn ngữ đơn âm tiết và mang tính đại diện cũng như sự bao hàm đối với một vài ngôn ngữ thuộc nhóm đơn âm tiết của các dân tộc thiểu số Việt Nam như Thái, Tày, Mường… Với một ngôn ngữ cụ thể sẽ được xét ở đây là tiếng Thái, đặc biệt là tiếng Thái của nhóm Tay - Mương (cũng được gọi là Hàng Tổng) ở miền núi Nghệ An, những đặc trưng này sẽ là phụ âm và thanh điệu.

Mặc dù, khi nhắc lại định nghĩa vừa nêu thì “ngữ âm là hệ thống các âm của một ngôn ngữ; là bộ phận của ngôn ngữ liên quan tới các âm, các quy tắc kết hợp âm” bao gồm từ phụ âm, nguyên âm, vần, cho đến dấu thanh điệu nhưng do sự tương đồng nhất định giữa tiếng Thái và tiếng Việt, cùng với giới hạn của yêu cầu đặt ra nên ở đây chỉ cần xét 2 đặc trưng là phụ âm và thanh điệu sẽ có được kết quả thỏa mãn yêu cầu. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp nhất định, việc đối chiếu so sánh đối với các nguyên âm và vần vẫn sẽ được thực hiện để làm rõ thêm cho vấn đề đang xét.

Về phụ âm, người học tiếng Việt được biết tới các dạng thức phụ âm gồm phụ âm đơn và phụ âm kép (hoặc cũng gọi là phụ âm ghép). Hiểu nôm na, các phụ âm đơn chỉ được thể hiện thông qua 1 ký tự, như các phụ âm C, B, N, H, M, G, K…, còn các phụ âm kép được thể hiện thông qua 2 hoặc 3 ký tự (được ghép từ 2 hay 3 phụ âm đơn) như CH, GH, KH, PH, NGH v.v… Quy tắc kết hợp phụ âm với nguyên âm trong ngữ âm tiếng Việt có nêu rõ rằng các vần được bắt đầu bằng nguyên âm E, Ê và I sẽ đi với các phụ âm K, GH và NGH thay cho C, G và NG… Trong tất cả các phụ âm, trường hợp của việc sử dụng hai phụ âm D và GI đã gây nhiều khó khăn cho người học tiếng Việt. Theo cảm quan, nghe âm đọc của các cặp từ GIÀY DÉP, GIÁO DỤC, GIẬN DỮ… thì người nghe chẳng có bất kỳ một thông tin gì để có thể viết đúng phụ âm GI hay D cho các trường hợp này. Thỉnh thoảng vẫn bắt gặp trường hợp báo chí, truyền hình cũng mắc lỗi trong các trường hợp này…

Điểm đặc biệt đối với phụ âm trong tiếng Việt là rất ít khi người ta nhắc đến phụ âm vần, tức là những phụ âm đứng cuối vần. Trong tiếng Việt chỉ có thể liệt kê được 8 phụ âm vần, đó là các phụ âm C, CH, M, N, NG, NH, P, T. Các phụ âm này giữ vai trò quan trọng khi so sánh với ngữ âm tiếng Thái (sẽ nói thêm ở phần sau).

Về vấn đề của nguyên âm, cho đến nay trong tiếng Việt vẫn chưa ngã ngũ cách sử dụng nguyên âm I hay y trong các vần đơn, ví như đối với các từ VẬT LÍ/ VẬT LÝ, KĨ THUẬT/ KỸ THUẬT, THẨM MĨ/ THẨM MỸ… Điều này cũng gây ra khó khăn cho người học tiếng Việt…

Về thanh điệu, người học tiếng Việt được biết tới 6 thanh điệu trong tiếng Việt, ứng với đó là các dấu hiệu mang tên KHÔNG DẤU, SẮC, HUYỀN, HỎI, NGÃ, NẶNG. Các dấu thanh điệu này chỉ được phát âm “gần với chuẩn” bởi một số lượng cư dân khá khiêm tốn sinh sống ở các tỉnh thuộc vùng Bắc bộ của Việt Nam. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là, tên gọi của các dấu thanh đó, kể cả thanh KHÔNG DẤU, tại sao lại là những tên DẤU SẮC, DẤU HUYỀN, DẤU HỎI… mà không phải là những tên khác? Nếu gọi chệch đi với những tên dấu thanh khác thì có được không? Vấn đề này cũng sẽ được nói ở phần sau…

  1. Tiếng Thái, chữ Thái và việc phiên âm tiếng Thái

Tiếng Thái cũng nằm trong nhóm ngôn ngữ đơn âm tiết như tiếng Việt. Ngoài khu vực Tây Bắc của Việt Nam, tiếng Thái còn được sử dụng làm ngôn ngữ chính thức ở Thái Lan, hoặc là ngôn ngữ không chính thức ở Lào, vùng Xíp-xoong -pan-na (Vân Nam, Trung Quốc), ở Myanma… Việc diễn giải ngữ âm tiếng Thái, chữ Thái đối với đối tượng tiếp thu nằm trong nhóm ngôn ngữ Thái là rất khó trọn vẹn, cũng như việc diễn giải ngữ âm Việt đối với đối tượng người Việt vậy.

Năm 1980, Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) đã tập hợp một số chuyên gia trong đó chỉ có 3 người là người Thái, biết chữ và tiếng Thái để xây dựng bộ chữ Thái la-tinh, đây là việc dùng chữ Quốc ngữ để qui ước lại trong phiên âm riêng tiếng nhóm Thái Đen ở Tây Bắc. Viện Ngôn ngữ học, cơ quan chủ trì cho rằng, đây là chữ dùng để “bắc cầu” sang học chữ Quốc ngữ cho dễ. Sau đó ông Hoàng Xuyên đã thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ký Quyết định công nhận bộ chữ la - tinh này. Năm 1989 - 1990, Viện Ngôn ngữ học và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã cho ra đời cuốn Từ điển Thái - Việt do hai tác giả Hoàng Trần Nghịch và Tòng Kim Ân biên soạn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội - Hà Nội phát hành năm 1990. Đây là tác phẩm duy nhất viết bằng bộ chữ Thái phiên âm hay la - tinh. Một thời gian sau đó, việc sử dụng bộ chữ phiên âm la - tinh đã dần dần “rơi vào im lặng”. Theo ý kiến cá nhân của tác giả bài viết này, sở dĩ bộ chữ phiên âm la - tinh nêu trên bị “rơi vào im lặng” là bởi một vài lý do như sau:

- Trong quá trình học phổ thông và sau này nữa là phổ cập giáo dục ở các cấp học, các học sinh người dân tộc Thái được tiếp xúc và học tập chủ yếu trong môi trường ngữ âm tiếng Việt. Nền tảng ngữ âm tiếng Việt hình thành trong tư duy của các thế hệ học sinh đã vô tình làm cho bộ chữ phiên âm la - tinh trở nên “xa lạ”. Ví dụ như, bộ chữ phiên âm la - tinh phiên âm các từ VIỆC là VIẠK, MÀU ĐỎ là ĐENG,   QUẢ   DƯA   là MÁK TENG, hoặc sau này trong cộng đồng     người Thái có trường hợp phiên âm từ CON TRÂU là TÔ QUOAI. Bản thân các vần   -IAK,   - AK,   -ENG, - UOAI hoàn toàn không có trong ngữ âm tiếng Việt, điều này khiến cho những người Thái đã có một quá trình học tiếng Việt và quen với ngữ âm tiếng Việt cảm thấy như phiên âm la - tinh của tiếng Thái giống như là một văn bản “ngoại ngữ”.

- Tiếng Thái truyền thống có một số vần khác với vần tiếng Việt. Với các vần tiếng Việt là ANH, ACH, INH, ơ thì tiếng Thái truyền thống sẽ có âm đọc chệch đi hoặc nặng lên tương đương là ENG, EC, ING, AƯ. Nếu dùng đúng các kí tự này để ghi phiên âm cho các vần này thì cũng tạo ra cảm giác “xa lạ”, như đã nói ở phần trên đây.

Việc sử dụng “nguyên vẹn” các dấu thanh điệu tiếng Việt trong phiên âm tiếng Thái khiến cho việc đọc tiếng Thái qua phiên âm không chính xác gây khó khăn cho cả người đọc và người nghe.

Nhóm Thái Tay - Mương ở Nghệ An chiếm số lượng khá đông đảo trong cộng đồng người Thái ở Việt Nam. Tỉnh Nghệ An là tỉnh có số lượng người Thái cư trú đông thứ hai, chỉ xếp sau tỉnh Sơn La. Tiếng Thái hiện đang sử dụng của nhóm Thái Tay - Mương ở Nghệ An cũng có những đặc điểm khác biệt với ngữ âm tiếng Việt như đã nêu trên đây, tuy vậy đã có một điểm quan trọng là tiếng Thái Nghệ An phát âm vần ơ giống hoàn toàn như trong vần tiếng Việt (chứ không phát âm nặng lên thành Aư như người Thái vùng Tây Bắc). Mặt   khác, người Thái ở Nghệ An không bị cách trở quá nhiều về điều kiện địa lý nên có nhiều cơ hội tiếp xúc với người Kinh, với ngữ âm tiếng Việt. Thực tế cho thấy, trong quá trình làm quen với ngữ âm tiếng Việt, các vần “khác biệt” giữa hai ngữ âm Thái - Việt đã dần dần biến đổi sang hướng gần với ngữ âm tiếng Việt hơn. Lấy xuất phát điểm từ tiếng Thái của nhóm Tay - Mương ở Nghệ An, mấy năm gần đây chúng tôi đã đi từ sự vận dụng nền tảng ngữ âm tiếng Việt để tiếp cận với quy luật ngữ âm, bao gồm cả vần và thanh điệu trong tiếng Thái, để đưa ra một giải pháp hoàn thiện cho quy luật ghép vần và thanh điệu tiếng Thái Nghệ An thông qua chữ Việt la - tinh…

  1. Tạo cơ sở cho phiên âm tiếng Thái

Việc tạo cơ sở phiên âm cho tiếng Thái nhằm mục đích cho cả người viết, người đọc và người nghe nắm bắt được hoàn toàn chính xác đặc trưng ngữ âm của từ vựng tiếng Thái, ngoài ra cũng hỗ trợ đắc lực cho việc học chữ Thái thông qua quy luật rút ra từ nền tảng ngữ âm tiếng Việt. Như đã nói, việc tạo cơ sở này lấy xuất phát điểm từ tiếng Thái của nhóm Tay - Mương ở Nghệ An nên việc sử dụng của người Thái trong nhóm này sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

Như đã có dịp trình bày, khi bước vào những buổi học đầu tiên, mỗi người trong chúng ta đều được giáo viên dạy rằng trong tiếng Việt có 6 thanh, gồm các thanh ứng với dấu sắc (/), dấu huyền (\), dấu hỏi (?), dấu ngã (~), dấu nặng (.) và không dấu ( ). Vậy, dấu thanh của tiếng Việt đã được hiểu như thế nào?

Thực chất, những cái tên “dấu sắc”, “dấu huyền”, “dấu ngã”… chỉ là những “quy ước” đơn thuần. Theo đó, tất cả những từ được mang “dấu huyền” (\) thì bắt buộc phải được đọc lên đúng theo thanh điệu của từ huyền (ví dụ các từ là, mà, người, thì, còn, và…). Tương tự như thế, tất cả những từ được mang “dấu nặng” (.) thì phải đọc đúng theo thanh điệu của từ nặng (ví dụ: lợi hại, đọc, lục lọi, được dịp…). Với dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã và không dấu cũng tương tự như vậy (không dấu thì đọc theo thanh điệu của từ không).

Theo lý giải trên đây, các tên dấu thanh như dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng nếu theo một quy ước khác hoàn toàn có thể mang tên là dấu cá, dấu mèo, dấu thỏ, dấu muỗi, dấu nhện… mà vẫn không làm thay đổi bản chất trong việc hình thành ngữ âm tiếng Việt.

Những dấu hiệu đó (/ \ ? ~ .) được gọi là dấu sắc, dấu huyền… chỉ ở trong tiếng Việt mà thôi. Ví như trong tiếng Pháp cũng có những dấu như (/ \ ~) nhưng người ta quy ước cách gọi khác. Tiếng Trung Quốc (Quan Thoại) cũng sử dụng chữ la - tinh làm phiên âm, họ cũng sử dụng các dấu (/\ -) nhưng quy ước thì cũng khác với tiếng Việt (ngữ âm tiếng Việt)…

Tiếng Thái của nhóm Tay - Mương ở Nghệ An (cũng được gọi là tiếng Thái Quỳ Châu) có 5 thanh. Theo cách quy ước đã trình bày, nay tạm quy ước đại loại như sau:

  • Thanh 1 được dùng trong các từ: ho (cong), pay (đi), hên (thấy), xam (số 3), xong (số 2), nưa (trên)... Vì xem như chưa có dấu nên hãy tạm viết là ho1, pay1, hên1, xam1, xong1, nưa1, v.v.
  • Thanh 2 được dùng trong các từ: cay2 (gà), đon2 (trắng), pay2 (chưa), nhang2 (bước đi), tăm2 (thấp), v.v…
-   Thanh 3 được dùng trong các từ: bo3 (không), cau3 (số 9), khăm3 (sắp, sắp sửa), heo3 (răng), na3 (mặt), xôm3 (chua), v.v.
  • Thanh 4 được dùng trong các từ: mi4 (có), côn4 (người), tang4 (đường), chêt4 (số 7), hôc4 (số 6), xip4 (số 10), meo4 (con mèo), pêt4 (con vịt)
  • Thanh 5 được dùng trong các từ: pha5 (trời), hoi5 (100), xăm5 (hết), nôc5 (chim), pet5 (số 8), chut5 (đốt), đet5 (nắng), v.v.

Từ dấu, đánh dấu trong tiếng Thái được đọc là “mai1”. Vậy nên từ dấu thanh trong tiếng Thái ta cũng gọi là mai1. Theo đó:

  • Thanh 1 được gọi là “mai1 ho1” (dấu cong) và gán ký hiệu này [?] cho nó (gần giống dấu hỏi). Như vậy tên của thanh 1 vừa được đặt là mải hỏ (dấu cong) và tất cả các từ phiên âm trong tiếng Thái Tay - Mương khi được mang dấu (?) đều phải được đọc theo thanh điệu của từ hỏ (cong). Ví dụ như các từ: hển (thấy), phỏm (gầy), phổm (tóc), thảy (cày), nảm (gai), v.v.
  • Thanh 2 đặt là mải xừ [\] (gần giống dấu huyền). Ví dụ cho “mải xừ” có các từ như sau: cày đòn (gà trắng), nằng (ngồi), xày (trứng), v.v.
  • Thanh 3 đặt là mải bo và không có ký hiệu nào được gán (như không dấu trong tiếng Việt). Các từ: bo (không), coi (trói, buộc), noi (ít), huôi (suối), hay (khóc), đay (được), mo (nồi) v.v.

- Thanh 4 gọi là mải pắc [/] (gần giống dấu sắc). Các từ:   cốn (người), nhám (mùa), pết (vịt), lốm (gió), hướn (nhà),   tốc (rơi), ná (ruộng), quái (trâu), ngúa (bò), v.v.

- Thanh 5 gọi là mải pạy [x] (sử dụng dấu nặng để thay cho ký hiệu này). Ta có các từ: phạ họn (trời nóng), nọng (em), nặm (nước), nộc pịt (chim ri), một (con kiến), chạng (con voi) v.v.

Xét về vần, trong chữ Thái hệ Lai - Tay (ứng với ngữ âm của tiếng Thái Quỳ Châu), “vần đơn” là vần chỉ được viết bởi 1 ký tự, “vần kép” là vần có 2 ký tự trở lên… Vậy nên, một số vần có 2 đến 3 ký tự như vần -au, -ăng… trong phiên âm tiếng Việt nhưng xét trong chữ Thái Lai - Tay vẫn là một vần đơn.

Để tạo được một vần kép, ta phải sử dụng đến phụ âm vần. Ví dụ, trong tiếng Việt thì từ VIỆT NAM có các vần là -IÊT và -AM. Phụ âm T là phụ âm vần trong vần -IÊT, còn M là phụ âm vần trong vần -AM. Như vậy, trong tiếng Việt có 8 phụ âm vần, đó là: C, CH, M, N, NG, NH, P, T như đã trình bày ở phần trên.

Trong chữ Thái Lai - Tay cũng có 8 phụ âm vần như trong tiếng Việt, nhưng có vài sự khác biệt cơ bản. Các phụ âm vần trong chữ Thái hệ Lai - Tay được liệt kê gồm C, B, Đ, M, N, NG, NH, V. Trong số các phụ âm vần này, cách sử dụng của các phụ âm vần B, Đ, NH, V là khác hẳn với trong ngữ âm tiếng Việt. Tuy nhiên điều này liên quan đến quy luật ghép vần cho chữ Thái trong việc học chữ Thái nên không xét ở đây.

* Tóm lược kết quả:

1/ Việc sử dụng phiên âm trong tiếng Thái Nghệ An là hoàn toàn tương đồng với việc sử dụng quy luật ngữ âm của tiếng Việt (gồm phụ âm, phụ âm vần, vần, dấu thanh), những khác biệt liên quan đến hai ngôn ngữ được điều chỉnh thông qua quy ước nên không ảnh hưởng gì đến độ chính xác của từ vựng.

2/ Theo quy ước, các phụ âm vần trong phiên âm tiếng Thái sẽ khác với các phụ âm vần tương ứng trong cách viết chữ Thái.

3/ Cơ sở ngữ âm trong phiên âm tiếng Thái hoàn toàn xuất phát từ nền tảng ngữ âm tiếng Việt nên không tạo ra bất kỳ cảm giác “xa lạ” nào.

4/ Việc đưa được ngữ âm tiếng Việt vào phiên âm tiếng Thái một cách gần như là “đương nhiên” tạo ra và tăng cường mối quan hệ gắn bó trong văn hóa, ngôn ngữ giữa hai dân tộc Thái - Kinh… Cơ sở ngữ âm này đồng thời cũng làm cho người Thái thêm tự hào về bản sắc riêng trong tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình…

Cho đến nay, cách thức phiên âm tiếng Thái Nghệ An theo cơ sở này đang được sử dụng trong các tác phẩm của một số tác giả dân tộc Thái như Quán Vi Miên, Lô Khánh Xuyên, Sầm Văn Bình (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An); sử dụng trong các sách tài liệu, giáo trình dạy về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái Nghệ An; sử dụng trong một số bài viết đăng tải trên báo Nghệ An, Tạp chí Văn hóa Nghệ An….

Tài liệu tham khảo
  1. Cầm Trọng, Chữ Thái ở Việt Nam; http://locaonhum.vnweblogs.com/post/15841/228093.
  2. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội,
  3. William J. Gedney’s, Sơuthwestern Tai Dialects, Center for South and Southeast Asian Stud- ies, The University of

Sầm Văn Bình

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây