Phát huy vai trò của trí thức, bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta trong giai đoạn hiện nay

Thứ ba - 15/05/2018 05:21 0

 

PGS.TSKH. Lương Đình Hải

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người,

Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

           Xem xét nguồn nhân lực chất lượng cao, hay nói đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết phải nói đến đội ngũ trí thức, tầng lớp chính khách và doanh nhân là ba bộ phận quan trọng nhất, quyết định chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng phát triển của đất nướcĐội ngũ trí thức ở đây bao gồm cả lực lượng lao động có tay nghề cao - có người gọi là tầng lớp kỹ nghệ gia. Tầng lớp chính khách bao gồm cả các chính khách lẫn các nhà quản lý bậc trung và cao cấp, hay còn gọi là tầng lớp quản lý gia. Tầng lớp doanh nhân gồm các doanh nhân hạng vừa và lớn. Bộ ba tầng lớp này chính là nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội hiện đại. Một quốc gia hiện đại không thể phát triển được nếu thiếu một trong ba đỉnh của tam giác nhân lực này. Chỉ khi có được tam giác nhân lực này thì các nguồn lực khác mới được khai thác tốt, mới phát huy được vai trò của chúng, khả năng phát triển nhanh của đất nước mới trở thành khả thi[1].

          Cho đến nay, khái niệm trí thức ở nước ta vẫn chưa có cách hiểu thống nhất. Cuộc thảo luận về trí thức diễn ra khá sôi nổi nhưng vẫn chưa thể kết thúc và cũng chưa thể đưa ra được một cách hiểu về trí thức Việt Nam có thể được chấp nhận rộng rãi. “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài”[2].

          “Trí thức là một tầng lớp xã hội bao gồm những người lao động trí óc phức tạp, có trình độ học vấn và chuyên môn cao, có khả năng sáng tạo tri thức khoa học mới, đồng thời truyền bá và ứng dụng tri thức này vào thực tiễn, góp phần to lớn vào sự phát triển và trình độ văn minh của nhân loại”[3]. “Người trí thức không phải là người có kiến thức đại học hay sau đại học, mà là người có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm tiếp xúc. Thực ra điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức mà là thái độ trí thức đối với các vốn kiến thức ấy và, nhất là đối với các vấn đề của cuộc sống trước mặt đặt ra”[4].

          Quan niệm về trí thức của các nhà tư tưởng, các học giả xưa nay đều có những nội dung hợp lý, phản ánh những đặc điểm căn bản, chung, phổ quát của tầng lớp xã hội này từ các góc nhìn khác nhau. Trí thức là những người lao động trí tuệ, sáng tạo, có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn các tầng lớp khác, bằng lao động và các sản phẩm lao động có khả năng tạo ra sự thay đổi, phát triển của lĩnh vực chuyên môn của mình, từ đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trí thức là một tầng lớp mang tri thức, trí tuệ của xã hội, có tư duy độc lập, sáng tạo trong công việc chuyên môn, có thái độ độc lập dựa trên sự hiểu biết của họ đối với các vấn đề của tự nhiên, xã hội; Trí thức sáng tạo, phổ biến, truyền bá và chỉ ra cách vận dụng tri thức để thúc đẩy sự phát triển các mặt, lĩnh vực, phạm vi nhất định của xã hội.

Xét trên phương diện lịch sử, trí thức ra đời khi xã hội có sự phân công lao động thành lao động trí óc và lao động chân tay. Tầng lớp lao động trí tuệ này chỉ xuất hiện khi xã hội đã phát triển đến một mức độ nhất định, khi có đủ điều kiện để tách lao động thành lao động nhận thức trở thành một dạng lao động độc lập ở một tầng lớp xã hội. Sự xuất hiện trí thức không gắn liền với sở hữu mà gắn với phân công lao động. Chính vì vậy, đặc trưng đầu tiên của trí thức là một tầng lớp xã hội. Trong các xã hội trước đây, tầng lớp này không sở hữu riêng tư liệu sản xuất. Nhưng họ là lực lượng chủ lực, tiên phong trong sáng tạo tri thức, họ sở hữu trí tuệ, tri thức. Trong thời đại cách mạng khoa học - công nghệ (KHCN) hiện nay thì trí tuệ, tri thức khoa học là công cụ lao động rất quan trọng, là lực lượng sản xuất trực tiếp. Vì vậy vai trò của trí thức đang thay đổi rất mạnh mẽ. Nền sản xuất và đời sống xã hội biến đổi theo xu hướng, quy mô, tốc độ nào phụ thuộc ngày càng nhiều vào các thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ, do lực lượng chủ lực, tiên phong là trí thức tạo ra. Tuy vậy họ cũng không trở thành giai cấp độc lập, sở hữu các tư liệu sản xuất xã hội, dùng nó để thu lợi nhuận, giá trị thặng dư, để trở thành giai cấp thống trị.

          Trí thức là những người lao động trí tuệ, sáng tạo, dựa trên nền tảng học vấn và kiến thức chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp. Đây chính là đặc trưng thứ hai của trí thức. Lao động trí óc có ở một số giai tầng xã hội khác nhau. Thực hiện việc lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội cũng bao chứa lao động trí óc, nhiều dạng hoạt động lao động khác trong xã hội hiện đại cũng không thể không có lao động trí óc. Nhưng với trí thức, nhất là trí thức trong thời đại cách mạng KHCN, lao động trí óc của họ là lao động trí óc chuyên nghiệp, gắn với sáng tạo, tích lũy, truyền bá tri thức. Do vậy, không thể xếp vào tầng lớp trí thức tất cả các quan lại có bằng cấp cao như một số người hiện nay quan niệm. Cũng không thể xem toàn bộ những người có bằng cấp cao sau đại học, hoặc từ đại học trở lên là trí thức. Họ lao động ở các lĩnh vực khác, không tạo ra sản phẩm trí tuệ, tri thức mà là các sản phẩm dưới các dạng thức khác (chỉ đạo, điều hành, quản lý, sản phẩm tiêu dùng cụ thể,…). Vấn đề là lao động trí óc tạo ra sản phẩm trí tuệ, bằng trí tuệ và lao động ấy là lao động chuyên nghiệp.

          Trí thức là những người mang trí tuệ xã hội, có tư duy độc lập và sáng tạo. Khác với các tầng lớp khác, họ lưu giữ một cách sống động, hiểu biết các kiến thức, đại biểu cho trí tuệ mà xã hội đã tạo ra được. Đây là đặc trưng thứ ba. Dân gian thường nói giới trí thức là đại diện cho trí khôn của xã hội là theo nghĩa này. Nhờ mang, giữ và hiểu biết các kiến thức tích lũy được của xã hội mà họ có tư duy độc lập, có nhận định, đánh giá riêng một cách có căn cứ, nên họ có khả năng sáng tạo ra tri thức mới một cách chủ động, nhanh chóng, chuyên nghiệp. Đây chính là thái độ tích cực của tầng lớp xã hội này đối với tri thức và các vấn đề được xã hội đặt ra. Bằng cách đó, họ thể hiện tính tích cực xã hội của mình không chỉ bằng việc tạo ra kiến thức mới, mà bằng cả ý thức trách nhiệm, bằng việc tạo ra tư duy, tư tưởng, củng cố và phát triển hệ giá trị xã hội - nền tảng tinh thần cho xã hội vận động và phát triển. Họ là tầng lớp trí tuệ của xã hội, lao động trí tuệ, nên phải có trách nhiệm xã hội, phải có sáng tạo như là điều kiện tất yếu. Sáng tạo có trong nhiều hình thái lao động, nhưng ở tầng lớp trí thức thì sáng tạo là sáng tạo trí tuệ, tạo ra tri thức, giá trị cho xã hội.

          Trí thức chủ yếu là những người có trình độ học vấn và trình độ chuyên môn cao. Đây là đặc trưng thứ tư, nhưng cần lưu ý thêm: có trình độ học vấn và chuyên môn cao trong xã hội, nhưng không phải cứ có bằng cấp cao thì là trí thức. Bằng cấp cao chỉ là một trong những biểu hiện, dù là biểu hiện đầu tiên. Không phải ai có bằng cấp cao sau đại học hay cử nhân đều được xem là trí thức. Ngược lại, không phải cứ không có bằng cấp cao thì không phải là trí thức. Có những người, do những điều kiện khác nhau, không có bằng cấp cao, nhưng lao động của họ là lao động trí óc, sáng tạo, chuyên nghiệp. Bởi thế, trong lịch sử có những người có bằng cấp cao, nhưng không được xã hội xem là trí thức, có những người không có bằng cấp cao vẫn được tôn vinh là trí thức. Nhưng, điều này thì ngày càng ít. Xã hội càng phát triển, khoa học, kỹ thuật và công nghệ càng phát triển với tốc độ vũ bão như hiện nay thì ngày càng hiếm khả năng không được đào tạo bài bản, hệ thống mà trở thành người có kiến thức sâu, rộng, chuyên nghiệp và trở thành trí thức được. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn cao phải gắn liền với tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp trong lao động. Tính chuyên nghiệp càng làm cho trình độ học vấn và chuyên môn không ngừng được nâng cao.

          Đặc trưng thứ năm, trí thức là những người sáng tạo, truyền bá và áp dụng tri thức vào thực tiễn. Trong thực chất, trí thức bao giờ cũng phải là những người nắm chắc, hiểu biết rõ ràng những kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực xác định. Họ nắm giữ, có vai trò chuyển giao kiến thức cho những nguời khác và thế hệ khác, họ chỉ ra cách lưu giữ, chuyển giao và phương thức vận dụng, phát triển các kiến thức ấy trong những điều kiện và phạm vi xác định. Trong thời đại cách mạng KHCN, việc sáng tạo ra kiến thức vẫn rất quan trọng như trước đây, nhưng việc chỉ ra và chuyển giao phương thức sử dụng kiến thức, sử dụng công nghệ trở nên có vai trò nổi bật trong nội dung cấu thành đặc trưng của giới trí thức hiện đại. Đây là một đặc trưng rất quan trọng, thể hiện lao động chuyên môn, trí tuệ sáng tạo, chuyên nghiệp. Thiếu nó, xã hội sẽ không phát triển nhanh được, thế hệ sau không thể tiếp thu các thành tựu trí tuệ của các thế hệ trước, không thể đứng trên vai thế hệ trước để phát triển.

          Trong lịch sử dân tộc, trong tiềm thức và ý thức xã hội, trí thức nhiều lúc đã được đặt ở vị trí hàng đầu, vai trò quan trọng của trí thức đối với sự tồn vong hay hưng thịnh của đất nước được nói đến từ rất sớm: “nhất sĩ, nhì nông”, “sĩ, nông, công, thương”. Năm 1484, Thân Nhân Trung đã viết trên bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí”. Lê Quý Đôn cũng đã nhấn mạnh: “Phi trí tắc vong” - không có trí thức (hoặc không biết sử dụng trí thức), thì chắc chắn sẽ mất nước. Hồ Chủ tịch đã rất chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng trí thức, những người tài, đức. Sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Người đã viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”[5].

          Đội ngũ trí thức nước ta, với tính cách là một bộ phận của nguồn nhân lực chất lượng cao, những thập kỷ qua đã có vai trò quan trọng và tích cực trong việc cung cấp những luận cứ khoa học để hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Điều này đã được khẳng định và đánh giá cao: Nhiều năm qua, đội ngũ trí thức đã góp phần tích cực vào việc xây dựng các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới6. Hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước ngày càng sâu, rộng, nhanh, mạnh, bền vững, hàng loạt vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách đầy đủ, thấu đáo để mở đường cho sự phát triển. Những nghiên cứu, kết luận, kiến nghị, tư vấn từ việc “tổng kiết thực tiễn và nghiên cứu lý luận”[7] của đội ngũ trí thức đã và sẽ trở thành những căn cứ, luận chứng khoa học quan trọng để Đảng và Nhà nước ta hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Đội ngũ trí thức nước ta hiện nay đóng vai trò đặc biệt to lớn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không ai ngoài trí thức có thể đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như tầng lớp trí thức, mặc dù trí thức không thể độc lập, tự thân có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được, mà phải phối hợp và cùng với các nhóm, tầng lớp, cộng đồng xã hội khác. Nhưng đây là lực lượng quan trọng nhất, tinh nhuệ và chủ lực, có vai trò to lớn nhất mà không ai có thể thay thế. Sự phát triển của cách mạng KHCN, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế càng mạnh mẽ thì nguồn nhân lực chất lượng cao càng là “nhân tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của mọi nền kinh tế; quyết định vận mệnh của các dân tộc và tương lai phát triển của nhân loại”[8]. “Mọi nguồn lực tự nhiên đều có thể bị khai thác cạn kiệt, chỉ có tri thức con người là không bao giờ cạn kiệt, bởi tri thức có tính chất lấy không bao giờ hết”[9]. Quá trình CNH, HĐH rất cần số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao. Không có nguồn nhân lực chất lượng cao không thể CNH, HĐH thành công. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành yêu cầu cấp thiết. Không ai có thể, ngoài đội ngũ trí thức, có thể trang bị tri thức, nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực chất lượng cao, cả về phương diện chuyên môn, tính chuyên nghiệp, lẫn trình độ hiểu biết và năng lực tư duy, vốn văn hóa.

          Đội ngũ trí thức nước ta hiện nay có vai trò quyết định trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN, giúp đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, góp phần quyết định thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để KHCN trở thành động lực phát triển đất nước cần phải có các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao KHCN của đội ngũ trí thức. Cuộc cách mạng KHCN trên thế giới phát triển như vũ bão đang biến kinh tế công nghiệp thành kinh tế tri thức, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ. Nó là cứu cánh, phương tiện, phương thức để các nước đang phát triển như nước ta, có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn, phát triển nhanh, mạnh, bền vững, đuổi kịp trình độ kinh tế - công nghệ của các nước phát triển cao trên thế giới. Cả quốc gia cũng như mỗi tỉnh, thành, do vậy, phải đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KHCN phục vụ quá trình CNH, HĐH đất nước. Không ai khác ngoài đội ngũ trí thức đã và đang đóng vai trò là lực lượng tiên phong, chủ lực trong công tác này.

          Đội ngũ trí thức hiện có vai trò không thể thay thế trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam khoa học, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc“Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”[10]. Không ai khác, trí thức có vai trò đặc biệt mà các lực lượng khác trong xã hội không thể thay thế, trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trí thức, bằng lao động của mình, là lực lượng xã hội thực hiện tốt nhất sự “kiểm duyệt”, nhận diện, phân định, định hướng, tiếp nhận những giá trị văn hóa tích cực, tiến bộ, phù hợp với truyền thống của dân tộc; gạt bỏ những yếu tố văn hóa lai căng, lạc hậu, có ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa và con người Việt Nam. Đội ngũ trí thức là lực lượng chính thực hiện các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các vùng miền trong nước, giữa nước ta với các vùng miền lãnh thổ và các nước trên thế giới, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam đến với bạn bè trong cả nước và quốc tế. Không ai khác, trí thức Việt Nam là lực lượng chủ lực và tiên phong trong việc xây dựng nền văn hóa bác học. Không một tầng lớp xã hội nào có thể làm được việc này ngoài đội ngũ trí thức. Nhưng, họ phải đủ mạnh, đủ tài, đủ tầm, đủ điều kiện và thời cơ mới có thể tạo dựng được một nền văn hóa bác học ngang tầm với sự đòi hỏi của đất nước. Không có được một nền văn hóa bác học đủ tầm cao, dân tộc không thể phát triển nhanh, mạnh được.

          Trí thức nước ta có vai trò to lớn trong việc nâng cao dân trí, định hướng giá trị, giải đáp nhiều vấn đề của xã hội đang phát triển đặt ra một cách khoa học, đúng đắn, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của xã hội. Không chỉ trí thức nước ta hiện nay mà việc nâng cao dân trí trong mọi giai đoạn đều do trí thức thực hiện, thậm chí khởi xướng các phong trào nâng cao dân trí dưới các hình thức khác nhau. Đây là một trong những sứ mệnh cao cả và là đóng góp quan trọng của trí thức đối với dân tộc. Trong thời đại ngày nay, vai trò này càng trở nên có ý nghĩa to lớn hơn. Cùng với việc nâng cao dân trí, những vấn đề do sự phát triển xã hội đặt ra trên các phương diện khác nhau từ kinh tế đến tư tưởng, từ đối nội đến đối ngoại, từ các vấn đề văn hóa đến những vấn đề của quản lý xã hội,… trí thức đều có vai trò to lớn, giúp xã hội nhận thức vấn đề rõ ràng hơn, đầy đủ, đúng đắn hơn, tìm ra các giải pháp giải quyết khoa học và thích hợp hơn, định hướng dư luận và hình thành ý thức xã hội đúng đắn, kịp thời, thông qua đó giúp xã hội định hướng nhận thức và định hướng giá trị đúng đắn, làm cho xã hội ổn định và phát triển đúng hướng, đúng quy luật khách quan.

          Trí thức đương đại không chỉ có những vai trò trên đây mà còn có các vai trò khác, thể hiện trong các lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế đến văn hóa, từ chính trị đến ngoại giao, từ giáo dục, đào tạo đến văn hóa, tư tưởng,… Xã hội càng phát triển thì vai trò của trí thức càng gia tăng, ảnh hưởng của nó trong xã hội càng lớn.

          Hiện nay, dù rằng trên phạm vi cả nước, đội ngũ trí thức đã đào tạo được một số lượng khá lớn nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng trước yêu cầu phát triển của đất nước, nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thiếu và yếu so với nhu cầu phát triển xã hội. Hệ thống giáo dục, dạy nghề còn lạc hậu, nhất là ở bậc đại học và sau đại học còn bất cập, chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, dẫn đến tình trạng sản phẩm đào tạo vừa thừa, vừa thiếu, vừa yếu, vừa không đồng bộ, không sát với nhu cầu xã hội. Tính chuyên nghiệp, trình độ và năng lực tư duy, vốn văn hóa của nguồn nhân lực chất lượng cao cũng chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi mới của sự phát triển của các địa phương và cả nước, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý, chưa thể hiện và phát huy được tính tích cực, sáng tạo của chính lực lượng này.

          Số lượng và chất lượng hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao KHCN chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống xã hội. Đội ngũ trí thức hiện nay chủ yếu tập trung ở các trường đại học, học viện, viện/trung tâm nghiên cứu, bệnh viện, Bên cạnh đó, một số có học vị, học hàm làm công tác quản lý trong các cơ quan và các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội. Số người trực tiếp làm nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao KHCN ít, tỉ lệ rất thấp. Tâm lý và cơ chế không lôi cuốn được trí thức đi vào lĩnh vực này. Do vậy, tác động của KHCN đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước còn thấp, yếu, thiếu.

          Những đóng góp trong việc nghiên cứu, sáng tạo, vận dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật và KHCN cũng như đóng góp của khoa học xã hội trong việc xây dựng các luận cứ khoa học và tổng kết thực tiễn làm cơ sở cho đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước dù to lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Sự lạc hậu của lý luận, của khoa học so với thực tiễn chưa được khắc phục, nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được khoa học giải quyết kịp thời. Rõ ràng vai trò của trí thức còn bị hạn chế ngay trong lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ.

          Các nghiên cứu sáng tạo và phát triển các sản phẩm văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Số lượng, chất lượng các công trình nghiên cứu, sáng tạo văn hóa c

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây