Xuân Diệu - Nhà thơ của thân phận con người

Thứ năm - 07/09/2017 05:21 0

Phan Thị Thanh Vân

Th.S Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

 1. Từ lâu Xuân Diệu được đánh giá “là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại” (Hoài Thanh), là “ông hoàng của thơ tình”, “là hiện thân của Thơ mới”, “là nhà thơ số một của Thơ mới”. Và, “nếu bây giờ chỉ cần gọi tên một nhà thơ trong thơ mới thôi thì gần như tất cả sẽ gọi Xuân Diệu”(1). Những cách nói có phần cực đoan ấy mặc nhiên được thừa nhận rộng rãi, đặt Xuân Diệu vào một vị thế rõ ràng hơn trong tiến trình thơ ca hiện đại Việt Nam. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Xuân Diệu (2/2/1916 - 2/2/2016), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về “Thơ Xuân Diệu và những đóng góp của Xuân Diệu trong tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại”. Nhiều tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị, sức sống của thơ Xuân Diệu, nhất là thơ tình trước 1945. Có thể nói đây là điều không mới, khi cảm hứng khẳng định, ngợi ca thơ tình Xuân Diệu đã trở thành dòng mạch chủ lưu trong các bài viết, các công trình nghiên cứu trước đó, mặc dù sự khảo cứu, luận giải có thể khác nhau. Trong bối cảnh đó, ý kiến sau đây của Vũ Quần Phương thể hiện một cái nhìn chừng mực, gợi mở nhiều vấn đề cần nghĩ tiếp, nghĩ khác về con người và thơ Xuân Diệu. Theo ông, “bắt đầu năm thứ 100 của ông, có lẽ chúng ta nên mạnh dạn đi tìm một Xuân Diệu toàn diện hơn, xem Xuân Diệu có cái gì lớn và cái gì chưa phải lợi thế”(2). Vậy “cái lớn” và cái “chưa phải lợi thế” của Xuân Diệu là gì?

Nhìn lại di sản thơ của mình, Xuân Diệu cho rằng, ông làm thơ đấu tranh thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng dở như Huy Cận, Chế Lan Viên, nhưng ông “còn có đặc sản là thơ tình”. Với ông, loại thơ phục vụ xã hội chỉ là một thứ “thuế thân” mà ông luôn tự giác đóng nộp. Phải chăng, đó là cái “chưa phải lợi thế” của Xuân Diệu? Nói cách khác lợi thế của Xuân Diệu chính là thơ tình, nhất là thơ tình trước 1945. Trong thơ tình, tài năng, hồn cốt con người - thơ Xuân Diệu phát lộ, thăng hoa. Ông viết về tình yêu, nói về tình yêu nhưng đâu chỉ vì tình yêu mà là những ẩn ức, ám ảnh về phận người trong kiếp hiện sinh. Theo chúng tôi đó là “cái lớn” trong thơ Xuân Diệu, là sự khác biệt giữa ông với các nhà thơ tình trong Thơ mới. Đó là hệ quy chiếu cho mọi tiếng nói trữ tình trong thơ tình Xuân Diệu. Nhận thức đúng điều này sẽ tránh được những khiên cưỡng, phiến diện, mơ hồ trong việc tiếp nhận thơ tình Xuân Diệu, trong đó có những định hướng dạy học thơ tình Xuân Diệu trong nhà trường trung học phổ thông.

2. Tháng 12 năm 1938, Nhà xuất bản Đời nay của Tự Lực văn đoàn xuất bản tập Thơ thơ của Xuân Diệu, với lời giới thiệu rất trân trọng của “vua thơ” thời đó là nhà thơ Thế Lữ. Tập Thơ thơ ra đời đã thành một sự kiện văn học lớn, được lớp trẻ Tây học nồng nhiệt đón nhận. Thơ tình Xuân Diệu lập tức làm cuộc “đổ bộ” vào sổ tay, vào lưu bút học sinh, sinh viên, thanh niên thời đó, khiến Xuân Diệu trở thành thần tượng cho tuổi trẻ của một thời. Dư chấn mà Thơ thơ tạo ra trong đời sống văn học bấy giờ rất lớn. Có được tập Thơ thơ là niềm ao ước, khát khao của đông đảo bạn đọc trẻ và những trí thức Tây học đam mê văn chương. Điều này lý giải, vì sao chỉ sau hai năm xuất bản Thơ thơ đã được tái bản với một số lượng phát hành khá lớn. Năm 1944, Nhà xuất bản Thời đại đã ấn hành một số tác phẩm của Xuân Diệu, trong đó có tập thơ tình Gửi hương cho gió. Tuy nhiên hiệu ứng công chúng của Gửi hương cho gió không bằng tập Thơ thơ. Điều này có nhiều lý do, mà một trong số đó là hơi nóng của cuộc thế chiến đã phả vào Việt Nam, khi phát xít Nhật đã tràn vào Đông Dương. Thêm vào đó, cái mới, cái lạ trong lối biểu đạt, ngôn từ của Xuân Diệu đã không còn tạo nên được yếu tố bất ngờ trong tâm lý hiếu kỳ của đám đông công chúng. Nói điều này để thấy, hiểu thơ và yêu thơ là hai điều khác biệt, nhất là với sáng tác của những tài năng như Xuân Diệu. Ngay sau khi ra đời, Thơ thơGửi hương cho gió đã nhận được những ý kiến trái chiều của đông đảo công chúng, trong đó có cả những nhà thơ, nhà phê bình khả kính. Không ít người chê bai, phê phán khi cho rằng, thơ Xuân Diệu Tây quá, không dính gì với truyền thống dân tộc. Theo Xuân Diệu, “một số đông độc giả quen thuộc với thơ cổ điển, đã bất bình trước lời văn quá Âu hoá của Xuân Diệu, không còn đặc tính dân tộc, thi vị kín đáo của phương Ðông; một số người xấu miệng còn cho rằng một số câu thơ của Xuân Diệu làm người ta phải đỏ mặt vì tính suồng sã của nó”(3). Ngẫm kỹ, điều đó cũng hết sức tự nhiên. Niềm kiêu hãnh tự hào về truyền thống thường gắn liền với những dị ứng trước cái mới và nỗi lo lắng mất đi cái cũ, cho dù nó đã trở nên lỗi thời. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, người từng cho “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà Thơ mới” cũng đã tỉnh táo nhận xét, thơ tình Xuân Diệu cơ bản vẫn là hồn dân tộc. Ông viết: “Ngày một ngày hai cơ hồ ta không còn để ý đến những lối dùng chữ đặt câu quá Tây của Xuân Diệu, ta quên cả những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp. Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta”. Đó là nhận xét tinh tế, sâu sắc của một nhà phê bình tinh anh, mẫn tiệp. Tuy nhiên, là người phê bình thơ theo lối tri âm, “đem hồn ta để hiểu hồn người”, Hoài Thanh chưa chỉ ra sự thống nhất giữa cái “mới nhất” với “một cái gì rất Việt Nam” trong Thơ thơGửi hương cho gió. Phải chăng cái mới nhất của Xuân Diệu là ở ý thức, tâm thế trữ tình và cách biểu đạt tiếng nói trữ tình của nhà thơ? Theo khảo cứu của Nguyễn Phú Phong, phần ảnh hưởng thơ lãng mạn, thơ tượng trưng Pháp ở Xuân Diệu là không nhiều. Những câu thơ, ví như: “Yêu là chết trong lòng một ít”, “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi, tình non đã già rồi...”, hay lối biểu đạt: “Hơn một loài hoa đã rụng cành(4) là rất hiếm gặp trong thơ Xuân Diệu. Điều này không chỉ riêng ở Xuân Diệu mà ở phần đông các nhà Thơ mới. Trong cuộc đối thoại với Trần Đăng Khoa và Trần Anh Thái, Huy Cận đã từng cho rằng: “Người ta đã bàn khá nhiều về nguồn gốc, giá trị của Thơ mới. Đó là cuộc cách mạng lớn của thơ ca Việt Nam ở thế kỷ 20, sự ảnh hưởng của nó sẽ còn phát sáng sang đầu thế kỷ 21. Về nguồn gốc Thơ mới, ai đó cho rằng nó chủ yếu chịu ảnh hưởng của thơ Pháp là sai, là xuyên tạc. Thơ mới trước hết nhận ảnh hưởng trực tiếp thơ ca dân tộc, thấm đẫm văn hóa Việt Nam, sau đó là văn hóa cổ Á Đông: Trung Quốc, Ấn Độ và sau nữa mới đến ảnh hưởng thơ Pháp, Anh, Đức với những tác giả như Shakespeare, Gớt, Ranh-bo, Véc-len, Bô-đờ-le...(5). Theo đó, việc đi tìm cái “quyến rũ ta”, “cái mới nhất”, cái khác biệt ở thơ tình Xuân Diệu không thể dừng lại ở những ký hiệu, lớp vỏ ngôn từ, mà phải lặn sâu vào nguồn cội cảm xúc, nơi dồn nén, làm thăng hoa cảm xúc của nhà thơ. Hay nói cách khác là phải đi tìm “cái tôi bề sâu” (Bergson) của nhà thơ.

3. Chưa bao giờ con người trong thơ ca Việt Nam lại năng động, náo nhiệt, điên cuồng, yêu đương một cách nhục dục, hết mình, hết cỡ như con người trong hai tập Thơ thơGửi hương cho gió của Xuân Diệu. Con người ấy từng có cả nghìn năm hòa mình với thiên nhiên để hưởng nhàn, để tìm thấy bản ngã trong không gian lồng với thời gian một cách dịu êm, tĩnh lặng, theo kiểu “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nhàn). Giã từ thi pháp “vắng vẻ - thiên địa nhân hợp nhất” của thi ca xưa (cái thi pháp vẫn còn ít nhiều lưu lại trong thơ mới Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Nguyễn Bính…), Xuân Diệu đưa con người quá khổ của thời hiện đại vượt qua không gian thực tại cổ xưa, nhảy bổ vào thi pháp “lao xao”, nhảy bổ vào vũ trụ, làm cuộc rượt đuổi đứt hơi với thời gian, tham lam dùng tình yêu mình mà chiếm hữu cả cõi mộng và cõi thực. Xuân Diệu bằng thi ca, đã mang con người tinh thần Việt Nam vượt thoát mọi rào cản xã hội, tìm đến tự do mà yêu đời, yêu người, yêu mình một cách nghiến ngấu, cắn xé cuồng điên: “Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực/ Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài/ Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai/ Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt/ Hãy khăng khít những làn môi gắn chặt/ Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng/ Trong say mê anh sẽ bảo em rằng/ Gần chút nữa thế hãy còn xa lắm” (Xa cách).

Nhưng nhục cảm không phải là tất cả. Tinh thần mới là cái đích cao hơn của nguồn thụ hưởng, cái tôi thèm “uống tình yêu dập cả môi” ấy còn muốn uống nguồn hạnh phúc tận cùng: “Nên lúc môi ta kề miệng thắm/ Trời ơi ta muốn uống hồn em”. Và: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” (Vội vàng). Có lẽ “xuân hồng” - đối tượng được yêu (người và cảnh vật) chắc sẽ chết khiếp vì cách yêu khủng khiếp của con người trong thơ Xuân Diệu chợt vùng lên sau nghìn năm bị cấm đoán? Dùng thi pháp thi ca “cắn vào ngươi” Xuân Diệu đưa con người vào cuộc yêu vô độ với thế giới tự nhiên: “Tôi kẻ đưa răng bấu mặt trời” (Hư vô). Hiếm có ở đâu tình yêu trong thi ca lại nhục dục đến thế, điên cuồng đến thế, “bạo dâm” đến thế như con người yêu trong thơ Xuân Diệu “Kẻ uống tình yêu dập cả môi” (Hư vô). Không khó để nhận ra trong hai tập thơ tình của Xuân Diệu xuất hiện với tần số cao những từ ngữ sex, như: “cắn”, “hôn”, “lả lơi”... Tuy nhiên, đó không phải là bản chất trong tiếng nói trữ tình của nhà thơ, mà chỉ là những biểu hiện của một tình yêu phi thể xác, phi nhục dục. Nói cách khác, đó chỉ một thứ ký hiệu, lớp vỏ ngôn từ thể hiện sự dồn nén những ẩn ức tính dục, làm nên sự thăng hoa nghệ thuật qua những hình tượng “độc sáng” chỉ có ở Xuân Diệu. Không thấy được điều này, dễ dẫn tới sự ngộ nhận, lạc lối trong việc tiếp nhận thơ tình Xuân Diệu.

Quả thật, yếu tố thân xác trong tình yêu lứa đôi nơi thi ca trung đại đã bị quan niệm phong kiến trói buộc, giam cầm trong thơ thất ngôn bát cú suốt cả nghìn năm, chợt được Xuân Diệu “cởi trói” để tự do bước vào thi ca như bước vào phòng the của cái đẹp.  Điều này góp phần lý giải vì sao thanh niên, học sinh, sinh viên thời Thơ mới đón chào thơ Xuân Diệu như đón chào “ông hoàng tình yêu” đến giải phóng cho cái đẹp nhục thể của con người khi yêu (dù ngay cả với tình kỹ nữ). Con người trong thơ tình Xuân Diệu đã bay, đã nhảy, đã chạy ra khỏi hồn mình mà gian díu, mà ngoại tình với cả thế gian, thiên hạ “Bạ kẻ nào đâu anh cũng mê” (Giới thiệu). Hay:

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!    

(Vội vàng)

Vồ vập sự sống đến đắm đuối, đam mê, cuồng nhiệt, nhưng với Xuân Diệu cái hiện tại ấy, tuy thực, nhưng rất mỏng manh. Đó là một nghịch lý của con người - thơ Xuân Diệu.

Song hành với niềm hoan hỉ, điên cuồng là băn khoăn dằn vặt và ám ảnh. Ám ảnh thời gian, ám ảnh sinh diệt là nỗi sợ hãi đến vong thân của con người trong thơ  tình Xuân Diệu. Ông ý thức một cách sâu sắc sự mất mát thời gian, sự hữu hạn, ngắn ngủi của kiếp người. Bởi thế, với ông, mất thời gian là mất tất cả. Sự thay đổi của con người, từng phút, từng phút, sẽ làm nó mất tuổi trẻ và cuối cùng, là cái chết. Ông vội vàng, lo sợ từng nhịp đập của tình yêu - nghĩa là vội vàng, lo sợ với chính cái “cứu cánh” duy nhất trong nỗi ám ảnh thời gian của mình. Xuân Diệu quý trọng, nâng niu mỗi Sadna trong kiếp nhân sinh.

Bi kịch con người - thơ Xuân Diệu là ở chỗ, ông ý thức được trong kiếp hiện sinh, mình chỉ là cây kim bé nhỏ, bị khối nam châm là ngoại cảnh hút về muôn phía, như lông chim bị bầu trời hút mất... Từ đó, ông muốn dùng cái hữu hạn (cây kim) để chặn bắt khối nam châm vĩ đại của ngoại cảnh: “Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ/ Mà vạn vật là muôn đá nam châm” (Nguyệt cầm).

Yêu điên cuồng đến thế nên con người trong thơ tình Xuân Diệu bất chấp hoàn cảnh, dù biết rằng trước sau “cây kim bé nhỏ” kia sẽ bị một trời nam châm nuốt mất! Xuân Diệu tung ra từ hồn mình rất nhiều cái tôi để hòng chống lại sự rượt đuổi của lẽ sinh diệt, của thời gian mong nương theo ngọn gió mà bay, nương theo dòng nước mà trôi, để hi vọng những - cái - tôi trong ông không biến mất trong hồn: “Cái bay không đợi cái trôi/ Từ tôi phút trước sang tôi phút này…” (Đi thuyền).

Hóa ra con người trong thơ tình Xuân Diệu là con người vong thân với bao nhiêu cái tôi khác nơi hồn ông xuất hiện trong chớp mắt rồi rụng rơi theo chồng chất phút giây nằm lại thành những nấm mồ thời gian. Nhà thơ giống như con tằm rút hết ruột nuôi các tình yêu vô vọng; như con ốc bể moi ruột gan mình nuôi mối tình sóng gió, chỉ còn chiếc vỏ thi ca gió thổi vào hồn rỗng không thành tiếng kèn u u của vong thân, tha hóa. Bởi vậy, tình yêu trong thơ tình Xuân Diệu là tình yêu để chết chứ không phải để sống: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Có thể nói, ám ảnh thời gian, ám ảnh sinh diệt là hồn cốt của con người - thơ Xuân Diệu, làm nên một khuôn mặt thi ca “mới nhất” và cũng “thấm đẫm văn hóa Việt Nam”, “văn hóa cổ Á Đông”.

4. Xuân Diệu trải qua những cơn khát tình yêu như người hành hương qua sa mạc khát thèm nguồn nước mát. Những cơn khát tình yêu giày vò đưa ông vào một miền cõi riêng, mênh mang, rợn ngợp. Ở đó, bầu trời xanh đã hóa thành chiếc chén:

Trời cao trêu nhử chén xanh êm

Biển đắng không nguôi nỗi khát thèm;

Nên lúc môi ta kề miệng thắm

Trời ơi, ta muốn uống hồn em!                 

                                             (Vô biên)

Nhưng càng yêu, càng say đắm, càng đánh mất mình. Con người - thơ Xuân Diệu cô đơn, bơ vơ trong cõi đời: “Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá/ Hai người nhưng chẳng hết bơ vơ” (Trăng). Hóa ra, dưới gầm trời này, trong kiếp nhân sinh, tình yêu cũng không có phép mầu nhiệm để hóa giải bi kịch phận người, không phá bỏ được vỏ bọc nỗi cô đơn muôn thuở của con người. Với Xuân Diệu, nỗi cô đơn của thân phận con người đã trở thành ám ảnh, ẩn ức trong miền cõi thẳm sâu, thăng hoa thành lời thơ, ý nhạc. Bởi thế mới có nghịch lý càng gần nhau lại càng xa cách thăm thẳm, nghìn trùng: 

Dầu tin tưởng chung một đời một mộng

Em là em, anh vẫn cứ là anh

Có thể nào qua vạn lý trường thành

Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật…

                                         (Xa cách)

Công cuộc giải phóng con người tự do yêu đương trong thơ do Xuân Diệu dẫn đầu với yêu cuồng sống vội, với khát vọng chiếm hữu cả càn khôn vũ trụ, tưởng đi hết cá nhân sẽ gặp con người, rút cuộc lại rơi vào vực thẳm cô đơn thăm thẳm :

Giơ tay muốn ôm cả trái đất

Ghì trước trái tim ghì trước ngực

Cho đầy trước mặt khoảng cô đơn

Bao la muôn trời, sâu vạn vực…

              (Bài thơ tuổi nhỏ)

Con người tình ái trong thơ Xuân Diệu làm cuộc ra đi miên viễn, càng đi càng bị dồn vào chân tường, càng chết vì yêu đương vô giới hạn. Phải chăng đó là bi kịch của phận người trong kiếp hiện sinh: “Ôm mặt khóc rưng rức/ Ra đi là hết rồi” (Viễn khách). Có thể nói trong Thơ thơGửi hương cho gió, con người - thơ Xuân Diệu đã trải nghiệm hết thân phận kiếp người trong điên cuồng tình ái, tung hồn mình ra khắp nơi mong chiếm đoạt tình nhân, tâm và thân không còn khả năng hòa làm một, con người bị vong thân hoàn toàn nên không còn nơi nào yên ổn để tồn tại, sống đấy mà vô hồn vô tướng, mà rơi vào bể khổ vô biên:

 Tôi là một kẻ điên cuồng

Yêu những ái tình ngây dại

Tôi cứ bắt lòng tôi đau đớn mãi

Đau vô duyên, đau không để làm gì

Ôi tình si

Không có một giờ yên ổn…

                                              (Thở than)

Lẽ nào sự tự do luyến ái vô bờ bến trong thơ Xuân Diệu rút cuộc lại trở về nỗi ngậm ngùi như Nguyễn Du xưa: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”?  Chàng thanh niên tân thời, phóng vào đời mà yêu đến “dập môi”, đến “cắn” xé tình nhân cuồng si như mất trí kia đã bị tình yêu đánh lưới, giam cầm, trói buộc. Cố vẫy vùng mà không thoát nổi: “Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối” (Khi chiều giăng lưới). Thương thay con nai tình ái đi tìm tự do lại bị tự do đánh lưới. Cuối cùng hỏa diệm sơn yêu đương kia đã bị bóng đêm đánh lưới! Phải chăng toàn bộ tinh thần yêu cuồng sống vội “giục giã”, “vội vàng” kia đều rơi vào cái lưới có tên là bể khổ của kiếp nhân sinh? Và phải chăng tự do cũng lại chính là một nhà tù lớn giam hồn thơ yêu Xuân Diệu trong nỗi sầu vạn kỷ: “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…” (Chiều).

Trong bài thơ Hi Mã Lạp Sơn, Xuân Diệu ngầm cho ta biết chính tinh thần tự do thái quá đã làm con người tân thời yêu cuồng, sống vội kia thành ích kỷ tới mức có một cái tôi bọc thép, dù tia lửa hàn tình ái nóng ngàn độ cũng không thể nào xuyên thủng được: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta”. Càng yêu càng cô độc, con người đam mê tột cùng này không cách gì phá nổi cái lô cốt chính mình để hòa với tha nhân. Và bởi thế, trong các nhà Thơ mới, Xuân Diệu có lẽ là người buồn nhất, cô đơn nhất mà cũng yêu đương điên cuồng nhất. Với Thơ thơGửi hương cho gió, Xuân Diệu đã thể hiện nỗi day dứt, ám ảnh về thân phận con người trước thách đố khôn cùng của tạo hóa, và sự hữu hạn, mong manh của kiếp người. Bàn về thơ tình của Xuân Diệu, Hoài Thanh đã có lý khi cho rằng, “Người thanh niên Việt Nam được dịp ngó trời cao đất rộng, nhưng cũng nhân đó mà cảm thấy cái thê lương của vũ trụ, cái bi đát của kiếp người”. Con người đã nhận ra mình quá bé nhỏ, quá phù du trước tạo hóa sinh diệt, lúc nào cũng bơ vơ, buồn khổ với thân phận của mình. Xuân Diệu yêu đến đánh mất chính mình, yêu đến vong thân, nên tình yêu con người trong thơ Xuân Diệu là tình cô đơn tuyệt đối. Ông như một thiên sứ sống mãi với nỗi niềm ấy để sẻ chia, an ủi làm vợi đi bi kịch của phận người bằng những b

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây