Hồ Sơ thiên di tài liệu Châu bản ra Hà Nội chụp ảnh

Thứ hai - 21/05/2018 05:21 0

 

Nguyễn Huy Khuyến

  Trong nhiều năm trở lại đây, tài liệu Châu bản được các nhà nghiên cứu giới thiệu nhiều đến độc giả trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều tư liệu quý giá về chủ quyền biển đảo của Việt Nam còn được lưu giữ nhiều trong Châu bản. Đây là loại hình tài liệu được sản sinh trong quá trình hoạt động của nhà nước phong kiến. Hiện nay, qua biết bao thăng trầm của lịch sử, khối tài liệu này cũng bị mất mát nhiều, song nhờ những nỗ lực của biết bao nhà sưu tầm, nhà lưu trữ đã cứu được một phần nào cho nước nhà những tư liệu văn hiến đặc biệt quý giá này.

Đôi nét về tài liệu Châu bản

Tài liệu Châu bản chỉ về các bản tấu sớ đã được nhà vua ngự phê (phê duyệt bằng mực son: châu – chu – son) hoặc ngự lãm (vua xem) là những tài liệu quan trọng được bảo quản trong các kho lưu trữ của cung đình. Bên cạnh đó, các tập Châu bản triều Nguyễn còn bao gồm cả những bản thượng dụ, chiếu chỉ và các loại công văn tương quan. Châu bản được sản sinh ra dưới triều Nguyễn là cơ sở để Nội các và Quốc sử quán tàng trữ, từ đó để làm sử liệu căn bản cho những bộ chính sử của nhà Nguyễn như: Đại Nam Thực lục Tiền biên, Đại Nam Thực lục Chính biên, Đại Nam Liệt truyện, Minh Mạng chính yếu, Khâm định Đại Nam hội điển…

Nhận thức được Châu bản là những tài liệu giàu tính sử liệu mà chúng ta đang có, nên Chính quyền Bảo hộ và Nhà Nguyễn đã có ý thức bảo vệ và giữ gìn tài liệu Châu bản từ khá sớm. Năm 1942, một Hội đồng chỉnh đốn Châu bản của Văn khố Nhà Nguyễn do Ngô Đình Nhu (khi đó là Chủ sự Văn khố Tòa Khâm sứ Huế) là chủ tịch đã bắt đầu chỉnh đốn và phân mục cho bộ Châu bản này.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1955, một phần lớn tài liệu Châu bản đã bị hư hỏng và mất mát do những lần di chuyển. Với một nguyện vọng muốn cứu vãn và giữ gìn các văn vật lịch sử của Việt Nam, Viện Đại học Huế và Ủy ban Kế hoạch Học thuật Đông Á đã cử đại diện và ủy nhiệm cho ông Trần Kinh Hòa phụ trách việc chỉnh đốn và làm mục lục, để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hiểu rõ giá trị và nội dung của toàn thể Châu bản. Ý nguyện này của Viện Đại học Huế đã được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm phê chuẩn. Năm 1959, Viện Đại học Huế đã tiếp nhận toàn thể Châu bản tàng trữ tại Viện Văn hóa Huế. Tháng 9 năm 1959, Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam đã làm xong việc chỉnh lý sơ bộ và bắt đầu làm mục lục cho Châu bản thuộc các triều đại.

Đến năm 1960 toàn bộ Mộc bản, các sách cổ, địa bạ và một số Châu bản được chuyển lên Đà Lạt theo chỉ thị của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Cuộc thiên di tài liệu này được thực hiện thành 3 đợt và có 02 cuộc khảo sát tài liệu. Sau 2 cuộc khảo sát, toàn bộ khối tài liệu lưu trữ tại Huế được chuyển lên Đà Lạt trong đó phần kiểm kê đến Châu bản: “Tất cả những Châu bản triều Nguyễn hiện đang lưu giữ ở Viện Đại Học Huế và đang khai thác. Loại này gồm có những tờ trình của Nội các và lục bộ đệ lên đức vua ngự duyệt có dấu son phê, những chỉ dụ, chiếu chỉ của nhà vua cùng những văn kiện linh tinh viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm dưới triều Nguyễn. Những tài liệu này đã đóng thành tập như những cuốn sách chữ Hán khổ 30x15cm, dày từ 6-10cm, đếm được 609 tập. Nay Viện Đại Học Huế đã khai thác xong 39 tập, sắp sửa in ra những bảng phân tích có phần chữ Hán, chữ Việt, cùng các tham chứng; công tác này nếu được tiếp tục, sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà học giả muốn khảo cứu về tình hình nội trị và ngoại giao nước ta trước hồi Pháp thuộc. Theo lời Linh mục Viện trưởng, cơ quan viện trợ văn hóa Mỹ rất để ý đến những tài liệu này, hứa sẽ giúp cho Viện những hộp sắt để đựng từng tập Châu bản, cùng các thứ hóa học hút khí ẩm và trừ sâu mọt. Linh mục Viện trưởng có thỉnh cầu giữ lại tất cả Châu bản, và hứa khi nào khai thác xong, sẽ lần lượt gửi lên Đà Lạt

Theo tác giả Nguyễn Hồng Trân cho biết: “năm 1958 tài liệu Châu bản đã được chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã cho chuyên gia của Mỹ chụp thành Microfilm và có tặng cho thư viện Kennedy ở Mỹ một bản. cũng theo tác giả cho biết một số thư viện lớn ở Mỹ đang có bộ Châu bản triều Nguyễn dưới dạng vi phim và vi cạc, với trên 500 ngàn bản. Như thư viện Đại học Tổng hợp Michigan có 100 hộp vi phim về tài liệu Châu bản…

Tuy nhiên, trước đó vào những năm 1950 có một hồ sơ về việc xin chuyển một số Châu bản ra Hà Nội theo ý nguyện của trường Bác cổ Viễn Đông xin chụp ảnh Hoàng triều Châu bản để bảo quản lâu dài tránh tình trạng thất lạc bản chính.

Hồ sơ về việc chuyển Châu bản triều Nguyễn ra Hà Nội chụp ảnh

Do nhận thức được tầm quan trọng cũng như ảnh hưởng của tài liệu Châu bản triều Nguyễn đối với việc nghiên cứu văn hóa, kinh tế, chính trị, an ninh…của đất nước, những nhà nghiên cứu của Viện Bác Cổ Viễn Đông đã đệ trình xin Viện Văn hóa cũng như với Đức Quốc trưởng về việc lựa chọn, chuyển Châu bản các triều Gia Long, Minh Mạng và một số tài liệu khác ra Hà Nội chụp ảnh. Từ đó, nhằm tránh cho tài liệu Châu bản không bị hư hỏng theo thời gian. Hồ sơ này có tiêu đề “về việc cho phép Viện Viễn Đông Bác Cổ được chuyển tài liệu Châu bản ra Hà Nội để nghiên cứu và chụp ảnh năm 1953 -1954”. Số kí hiệu hồ sơ 2487 thuộc Phông Lưu trữ Phủ Thủ hiến Trung Việt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang bảo quản.

Theo Tờ trình gửi ông Tổng trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam ngày 20-11-1953 cho biết: “văn võ phòng Đức Quốc Trưởng có tư cho Thiểm phủ hay rằng Đức Quốc Trưởng đã chuẩn y cho phép Trường Bác Cổ viễn Đông lựa chọn rồi chở ra Hà Nội để chụp ảnh những tài liệu quý giá trước kia tàng trữ tại Nội các (Ngự tiền Văn phòng cũ) và yêu cầu Thiểm phủ thương đồng với phái viên Trường ấy mà sắp đặt việc lựa chọn văn thư, nhất là việc chuyên chở đi, về, hầu được có bảo đảm đầy đủ ”.

    Theo đánh giá khảo sát, Châu bản là một dạng tài liệu quý, để tránh hư hỏng và thất lạc trong quá trình vận chuyển nên Tờ trình còn nhấn mạnh: “Thiểm phủ thiết nghĩ, một ít văn kiện còn sót lại sau cuộc biến cố và hiện tàng trữ tại Viện Văn Hóa Trung Việt là những tài liệu rất có giá trị, không nên đem đi xa, cần phòng tránh sự bất trắc, thất lạc, vì đó là những tài liệu độc nhất, nếu thất thoát thì không kiếm đâu ra được nữa, nên Thiểm phủ có đề nghị cùng văn võ phòng Đức Quốc Trưởng để trường Bác Cổ Viễn Đông phái nhân viên chuyên môn vào Huế để chụp ảnh tại chỗ; như thế vấn đề này sẽ được giải quyết ổn thỏa. Văn võ phòng vừa phúc đáp vẫn đồng ý với Thiểm phủ về điểm nêu trên, nhưng Đức Quốc Trưởng đã ban phép rồi, khó mà trở lại được nữa, chỉ nên buộc Trường Bác Cổ Viễn Đông làm cam đoan phải chở trả lại ngay về Huế những tài liệu sau khi đã chụp ảnh xong”.

Theo Tờ trình số 400 – VH của Viện Văn hóa ngày 16 tháng 12 năm 1953 gửi ông Quyền Thủ Hiến Trung Việt của ông Tôn Thất Đào (Chủ sự Viện Văn hóa Trung Việt) cho biết: “Viện chúng tôi sẽ tuân hành chỉ thị của quý phủ về việc Viện Bác Cổ Viễn Đông xin lựa chọn để chụp ảnh những giấy tờ quý báu tàng trữ tại các Ngự tiền Văn phòng cũ. Trong thư số 3089 – DQT-VVP/3A ngày 20/11/1953 Văn võ văn phòng Đức Quốc Trưởng có định rõ rằng sau khi đem tài liệu ra Hà Nội và chụp ảnh xong thì Viện Bác Cổ Viễn Đông phải trả lại ngay”.

Song theo ông Tôn Thất Đào thì việc chuyển những tài liệu này vẫn còn những chỗ không an toàn, đặc biệt là ông sợ hư hỏng, mất mát tài liệu, vì thế trong tờ trình ông cũng đã đề nghị: “Viện chúng tôi thiết tưởng theo nguyên tắc thì một ít tài liệu quý giá còn lại sau cuộc biến cố tàng trữ tại Viện Văn hóa không nên mang đi xa, hầu tránh sự bất trắc thất lạc, vì không có thể kiểm lại được nữa. Viện chúng tôi có bổn phận trình quý phủ xem xét, theo thiển ý của chúng tôi thì sau khi đại diện Viện Bác Cổ Viễn Đông đã lựa được những tài liệu đáng chụp ảnh thì Viện này sẽ, nếu không có gì trở ngại, cho người mang máy đến chụp ảnh tại Huế, như thế sẽ tránh được khỏi sự bất trắc thất lạc tài liệu mà lại khỏi phí tổn chuyên chở đi về”.  

Cũng trong Tờ trình gửi ông Giám đốc Nha học Chánh Trung Việt về việc đón tiếp ông  DURAND (đại diện Viện Bác Cổ Viễn Đông) tại phi trường Phú Bài vào Huế để làm giấy cam đoan sẽ trả lại toàn bộ tài liệu sau khi đã chụp ảnh xong.

Ngày 7/1/1953, vào khoảng 10 giờ 30 phút sẽ cho xe qua Quý Viện và yêu cầu Quý Viện xuống đón ông DURAND tại phi trường Phú Bài. Bản phủ rất đồng ý với Quý Viện về những điểm mà Quý viện đã nêu trong tư văn số 400 – VH ngày 16/12/1953. Nhưng đây là sự đã rồi và Đức Quốc Trưởng đã cho phép Viện Bác Cổ Viễn Đông đến lựa chọn những tài liệu quý báu để chở ra Hà Nội chụp ảnh. Vậy cụ Đổng Lý Văn võ phòng Đức Quốc Trưởng và Bản phủ cũng vậy, thiết tưởng quý viện nên thương đồng với ông DURAND để ông này làm một giấy cam đoan sẽ trả lại ngay tại Huế những tài liệu sẽ mượn. Trong giấy quý viện nên kê rõ từng tài liệu”.

Theo Tờ trình này, ông DURAND sẽ làm việc với Viện Văn hóa để kiểm kê, lựa chọn những tài liệu Châu bản để chở ra Hà Nội chụp. Trong Tờ trình số 16 – VH của Viện Văn hóa  ngày 15 tháng 1 năm 1954 gửi ông Phủ Thủ Hiến Trung Việt: “chúng tôi trân trọng kính trình Quý phủ rõ ông DURAND đại diện Viện Bác Cổ Viễn Đông đã đến Huế và hiện nay đang lựa chọn tại Thư Viện Văn Hóa những tài liệu để chở ra Hà Nội chụp bóng rồi gửi hoàn lại. Ông DURAND đã lựa chọn được một ít tài liệu Châu bản về triều Gia Long, Minh Mạng và tiếp tục lựa chọn thêm. Chúng tôi có phái một nhân viên Văn Hóa ngồi cạnh ông DURAND và lâm thời giúp đỡ ông ấy. chúng tôi đã lập kỹ lưỡng danh sách các tài liệu định chở ra Bắc Việt, với những đặc điểm của mỗi tài liệu. Thêm nữa, chúng tôi sẽ gắng hết sức tìm mọi cách và dùng mọi thể thức thích hợp hầu có thể tránh sự hư hỏng và thất lạc trong khi chuyên chở, và chúng tôi sẽ nói với ông DURAND làm giấy cam đoan sẽ hoàn lại những tài liệu chở ra Hà Nội, sau khi đã chụp ảnh xong”.

Theo đó, ông DURAND đã đến Huế và lựa chọn sơ lược 66 tập Châu bản triều Gia Long, Minh Mạng định sau lễ tết Nguyên đán sẽ chở ra Hà Nội và sau đó sẽ tiếp tục lựa thêm.

Tuy nhiên, theo nhận xét của Viện Văn hóa thì tài liệu Châu bản là tài liệu quý có giá trị về kinh tế, chính trị, lịch sử, ngoại giao… Vì vậy, trong quá trình xem xét, kiểm kê và lựa chọn những tập tài liệu nào quan trọng mà nếu tiết lộ ra ngoài làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh quốc gia thì giữ lại. Những tài liệu này cần bảo mật tránh tiết lộ ra bên ngoài, trước khi cho chở những tài liệu này ra Hà Nội.

Trước khi chở ra Hà Nội thì những tài liệu này sẽ được kê vào bản mục lục một cách tỉ mỉ và đầy đủ, sự chuyên chở đi, về sẽ đảm bảo cần thiết và có nhân viên hộ tống, sự giao nhận sẽ có giấy tờ phân minh.

Tiếp theo Tờ trình số 67 -VH của Viện Văn hóa gửi ông Thủ Hiến Trung Việt về việc định dạng đánh máy 7 tập dạng bản Hoàng triều Châu bản.

Dưới đây là mẫu Mục lục kiểm kê Châu bản:

 

Triều

Tháng

Số, tập Châu bản

Phiến, Chiếu…

Bí chú

Số

Ngày tháng

Bộ Nha

Toát yếu

Trang

                 

 

Trong dạng bản mục lục có ghi số tập Châu bản. Xin đánh theo từng tập Châu bản một, để tiện cho viện tôi sắp theo thứ tự từng triều và từng tập Châu bản.

Ví dụ: Trong dạng bản mục lục (tập 7) chẳng hạn có tập Châu bản số 11, số 12, số 13 và số 14, vậy xin đánh tập Châu bản số 11 cho hết, xin đừng đánh tiếp ngay số 12, cũng xin đánh máy Châu bản số 12 như một bản mục lục khác, như riêng biệt với bản mục lục số 11. Nói cách khác, mỗi tập Hoàng triều Châu bản có một mục lục riêng biệt.

Tuy vậy, trong khi đang chờ vận chuyển khối tài liệu này ra Hà Nội thì ông DURAND được lệnh gọi về Bắc ngay khi ông lựa chọn gần xong những tài liệu định chụp ảnh. Trước khi ra Bắc ông DURAND cho biết ông chưa tiện đem những tài liệu này ra Hà Nội, những tài liệu đã được lựa ông đều để lại và cất riêng một chỗ.

Cũng theo ông DURAND việc cho người vào Huế chụp ảnh những tài liệu ấy thì không thể được, vì sở chụp ảnh của Viện Bác Cổ Viễn Đông là một tổ chức phức tạp và đầy đủ với những máy móc nặng nề, kềnh càng, với số nhân viên chuyên môn đông đúc, khó mà dời đi xa được, dẫu có đi được cũng rất tốn kém.

Sau khi lập kỹ lưỡng danh mục các tài liệu cần chuyển ra Hà Nội chụp ảnh, toàn bộ Châu bản của Hoàng triều được bỏ vào thùng gỗ, đóng nắp cẩn thận, niêm phong, ràng giây thép, gắn trám có dấu Viện Văn hóa, một nhân viên của Viện sẽ đem các thùng tài liệu ấy ra Hà Nội giao Trường Bác Cổ Viễn Đông chụp ảnh. Nhân viên ấy sẽ ở lại Hà Nội độ 15 ngày để chụp ảnh xong, nhận tài liệu và đem về với những cách thức đủ bảo đảm như lúc đem đi. Ông DURAND còn nhấn mạnh rằng phí tổn chuyên chở đi, về sẽ do Trường Bác Cổ Viễn Đông đài thọ, còn phí tổn cư trú của nhân viên hộ tống tài liệu thì ngân sách Trung Việt chịu.

Cuối cùng ông Tôn Thất Đào nhận xét: “…Viện Bác Cổ Viễn Đông đã sẵn lòng chụp ảnh những tài liệu lịch sử quý giá của nước nhà, đó là một dịp rất hay, vì cuốn phim lưu trữ dễ dàng hơn tài liệu chánh bản. Chắc chắn rằng sau này cũng cần dùng đến, khỏi lo các chánh bản bị hư hỏng và thất lạc”.

Tiếp tục công việc phân loại chỉnh lý làm mục lục cho Châu bản, thì đến năm 1959, thông qua một cuộc kiểm kê lên phương án di dời toàn bộ khối tài liệu lịch sử ở Huế lên Đà Lạt, trong đó có tài liệu Châu bản. Thông qua cuộc kiểm kê và đánh giá sơ bộ ban đầu, về Châu bản có những đánh giá cụ thể như sau:

Châu bản xin tạm giao cho Viện Đại Học Huế gìn giữ để khai thác, tới khi phần nào xong hẳn sẽ gửi ngay lên Đà Lạt. Hiện thời ở Viện này có một ban chuyên dịch sử liệu, một xưởng mấy in, như thế có đủ phương tiện về nhân viên và vật liệu để khai thác những Châu bản.

Tuy nhiên, qua bảng kiểm kê những tài liệu di chuyển từ Huế lên Chi nhánh Nha Văn Khố Đà Lạt do chuyến xe hỏa ngày 17/12/1960, tài liệu Châu bản được chuyển 11 thùng. Tiếp đến vào ngày 21 tháng 1 năm 1960, thông qua bảng kê của ông Phạm như Phiên thì số Châu bản từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại cộng lại gồm 528 quyển, trong đó không có quyển nào của triều Minh Mệnh. Trong lần di chuyển thứ hai ngày 22/12/1960, số tài liệu Châu bản chuyển lên Đà Lạt là 636 tập.

     Ngày nay, toàn bộ Châu bản đã và đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tại Hà Nội. Đây là một dạng tài liệu quý hiếm đã và đang được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu./.

Một số hình ảnh Châu bản được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Hà Nội

Upload

Bên trong kho bảo quản Châu bản triều Nguyễn

Upload

  Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang bảo quản hơn 30km giá tài liệu

Upload

Châu bản triều Nguyễn đang được lưu trữ, bảo quản cẩn thận

 

Tài liệu tham khảo

  1.   Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Nha văn khố Quốc gia, hồ sơ số 1055, Tờ trình về việc công cán tại Huế từ 7/4 – 11/4/1960, tr 6.
  2. Nguyễn Hồng Chân (bài viết trong kỷ yếu hội thảo tại Huế), (2003), Mục lục Châu bản triều Nguyễn – Một tài liệu Hán – Việt quý hiếm đáng được quan tâm và phát huy tác dụng, tr 6.
  3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Hồ sơ số 2487, Phông Lưu trữ Phủ Thủ Hiến Trung Việt.
  4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, hồ sơ số 1055 Phông Lưu trữ Nha Văn khố Quốc gia.
  5. Ủy ban Phiên dịch – Sử liệu Việt Nam Đại học Huế (1960): Mục lục Châu bản triều Nguyễn.

 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây