Hiện tượng lạm dụng ngôn ngữ ngoại lai trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay

Thứ hai - 04/12/2017 04:21 0

Trần Văn Dũng - Trần Thị Tú

 Upload

1. Đặt vấn đề

Là ngôn ngữ thống nhất quốc gia của dân tộc Việt Nam, tiếng Việt đã có hàng ngàn năm lịch sử. Trải qua bao chặng đường phát triển, tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của dân tộc ta đã vượt qua mọi trở lực: chính sách đồng hóa của các tập đoàn phong kiến Trung Hoa, chính sách phản dân tộc của một số triều đại phong kiến Việt Nam, chính sách ngu dân của thực dân Pháp... để trở thành một ngôn ngữ giàu và đẹp, có bản sắc, đầy tiềm năng. Đặc biệt từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, tiếng Việt xứng đáng là công cụ giao tiếp và công cụ tư duy quan trọng nhất và đắc lực nhất của mọi người dân Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật. Trên trường quốc tế, trong mọi lĩnh vực hoạt động, tiếng Việt có địa vị bình đẳng với tất cả các ngôn ngữ khác. Chúng ta tự hào chính đáng về điều này, để từ đó có ý thức cao hơn trong việc giữ gìn sự trong sáng và vẻ đẹp, sự giàu có của tiếng mẹ đẻ “thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý giá của nhân dân ta” (Hồ Chí Minh).

Quá trình hội nhập và phát triển tất yếu sẽ kéo theo sự tiếp xúc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, trong đó có ngôn ngữ. Đây cũng là hiện tượng mang tính phổ biến mà Việt Nam chúng ta cũng không phải và không thể là trường hợp ngoại lệ. Mặt tích cực là đã góp phần làm phong phú thêm cho kho từ vựng của ngôn ngữ dân tộc, đặc biệt là những thuật ngữ mới trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật; làm đa dạng hơn các hình thức giao tiếp, và về phương diện nào đó, nó giúp chúng ta có điều kiện tiếp cận nhanh với những nền văn hóa và văn minh phát triển hơn. Bên cạnh đó, về văn hóa nói chung, nó cũng có thể gây nên những tác động tiêu cực, đó là sự xô bồ, lai căng, thậm chí chủ nhân văn hóa còn quay lưng lại với văn hóa truyền thống nếu chủ thể tiếp nhận chưa có được sự chuẩn bị đầy đủ khả năng lựa chọn; về ngôn ngữ nói riêng, những biểu hiện trong cách nói, cách viết “khác lạ” đã làm mất đi bản sắc vốn có của tiếng Việt. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những giá trị của văn hóa truyền thống, mà cụ thể là văn hóa ngôn ngữ không bị phủ định bởi sự phát triển của văn minh và ngược lại, nó không trở thành lực cản cho sự phát triển ấy; chúng phải trở thành điểm tựa và thúc đẩy lẫn nhau trên con đường phát triển của xã hội.

  1. Vấn đề ngôn ngữ ngoại lai và ảnh hưởng của nó đến ngôn ngữ dân tộc

2.1. Ngôn ngữ ngoại lai

Trong quá trình hình thành và phát triển, bất kì ngôn ngữ nào cũng thu hút nhiều yếu tố của các ngôn ngữ khác, do đó có nhiều từ ngữ giống hoặc tương tự với các từ ngữ của các ngôn ngữ khác. Tiếng Việt của chúng ta ngày nay chứa đựng nhiều từ ngữ tương tự với các từ ngữ trong nhiều thứ tiếng khác. Tiếng Việt hiện đại còn ảnh hưởng và tiếp nhận nhiều yếu tố của các ngôn ngữ châu Á và các châu lục khác cũng như các dòng ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Nhật... Nếu không nhìn nhận vấn đề một cách biện chứng trên cơ sở thực tiễn lịch sử, văn hóa... thì rất khó xác định đâu là từ bản ngữ, đâu là từ ngoại lai. Có người cho rằng chỉ có thể gọi một cách hợp lí từ ngoại lai trong một ngôn ngữ nhất định là những yếu tố đã thâm nhập sau cái thời kì đánh dấu một cách quy ước giai đoạn đầu của ngôn ngữ ấy. Thực tế, vấn đề xác định thời gian hình thành của một ngôn ngữ dân tộc nào đó là rất phức tạp và không phải bao giờ cũng cho một câu trả lời thỏa đáng. Vì vậy, chúng ta vẫn gặp phải khó khăn trong phân biệt từ bản ngữ và từ ngoại lai. Nội dung của hai khái niệm này chỉ có thể xác định một cách tương đối khi xét chúng trong những giai đoạn lịch sử cụ thể nhất định. Các ngôn ngữ thường có các giai đoạn phát triển kế tiếp nhau, và mỗi giai đoạn thường bao gồm những kiểu loại các yếu tố: (1) Những yếu tố cũ từ giai đoạn trước để lại; (2) Những yếu tố mới được tạo ra trên cơ sở yếu tố cũ và yếu tố mới du nhập vào; (3) Những yếu tố mới du nhập vào từ các ngôn ngữ khác trong giai đoạn ấy.

2.2. Thực trạng sử dụng ngôn ngữ ngoại lai trong giới trẻ hiện nay

Sự giao thoa văn hóa, xã hội đòi hỏi ngôn ngữ có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Cùng với sự giao lưu, hội nhập, ngôn ngữ nước ta cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Những từ ngữ mới, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm, thậm chí cả cấu trúc và phong cách mà trong vốn tiếng Việt trước đấy còn thiếu vắng, chẳng hạn trong lĩnh vực tin học, kỹ thuật số, sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thị trường… Đồng hành với mặt tích cực ấy, không ít hiện tượng tiêu cực cũng thâm nhập với những cách nói, cách viết khác lạ.

Quá trình phát triển và hội nhập với các nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế thì việc sử dụng ngoại ngữ là rất quan trọng và cần thiết, bởi nó là phương tiện giúp chúng ta có thể hội nhập với thế giới. Bên cạnh việc tiếp nhận, sử dụng tiếng nước ngoài một cách khoa học, có hệ thống, chúng ta còn thể hiện cho bạn bè quốc tế thấy được sự giàu có, sự chuẩn mực và vị trí của ngôn ngữ nước nhà. Mặc dù phải đối diện với nhiều thử thách bởi đặc thù của lịch sử dân tộc, tiếng Việt chúng ta đã là ngôn ngữ có một hệ thống các quy tắc chung về phát âm và chữ viết, cách dùng từ, đặt câu, có phong cách diễn đạt phong phú, đa dạng. Nói cách khác, tiếng Việt ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ giàu và đẹp, có bản sắc, đầy tiềm năng. Vì vậy, nói và viết đúng quy tắc của tiếng Việt chuẩn mực sẽ đảm bảo được sự trong sáng của lời nói. Sự giàu có và trong sáng của tiếng Việt không cho phép dung nạp một cách tùy tiện các yếu tố ngoại lai. Sự tùy tiện và phần nào là sự kém hiểu biết trong vay mượn các yếu tố ngôn ngữ nước ngoài trong các hoạt động giao tiếp sẽ tạo nên sự pha tạp, lai căng, thậm chí lố bịch. Hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người, mà phần lớn là giới trẻ có những lối diễn đạt kết hợp cách nói hay viết giữa tiếng ta với tiếng nước ngoài theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ”. Có thể dẫn ra một số trường hợp sau:

  1. a) Sử dụng ngôn ngữ ngoại lai có nguồn gốc châu Âu

   Không ít thanh thiếu niên chúng ta đang có tình trạng sử dụng tùy hứng các ngôn ngữ có nguồn gốc châu Âu trong giao tiếp bằng tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Pháp. Có thể nói, gần đây nó đã trở thành trào lưu trong giới trẻ. Sự tùy tiện, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, trong nhiều trường hợp đã không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp mà tạo ra một sự phản cảm. Giới trẻ thường sử dụng tiếng lóng lai căng, pha giữa tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) và tiếng Việt. Hành vi này không những thể hiện “tài năng” ngoại ngữ không đúng lúc mà còn làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, gây cảm giác khó chịu cho người tham gia giao tiếp. Họ không ngần ngại nói với tất cả các đối tượng tham gia hội thoại bằng các dạng cấu trúc như:“ok thầy”,“thank-kiu cô”,“sorry bạn”. Trường hợp cấu trúc phức hợp hoặc nhiều yếu tố tham gia như câu chẳng hạn, họ thường chọn một yếu tố nước ngoài được cho là trọng điểm thông báo xen vào cấu trúc Việt ngữ. Chẳng hạn, “trông con bé kute quá”; “anh ấy handsome thật!”, “mình là fan của anh ấy”, “nhóm ấy toàn bọn chuẩn men”; “các superstar thích xài mobile loại xịn”, “Idol của tao kìa”, rồi nào là hotboy, hotgirl, hay có người còn lên facebook đăng dòng tin nhắn: “cô ấy là Idol của tao đấy”, kèm với hình chụp. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, họ còn kết hợp giữa ngoại ngữ và biệt ngữ nhóm (tiếng lóng) trong cấu trúc lời thoại. Chẳng hạn, “Con nghiện (điện thoại) lại viêm dạ dày (sắp hết tiền) rồi làm sao gọi cho honey đây”… Hiện tượng này không còn ở phạm vi giới trẻ mà đã trở thành “hội chứng” của xã hội. Việc sử dụng từ ngữ ngoại lai theo kiểu vô thức cũng làm cho nhiều đối tượng “quen” đến mức quên mất cả từ tiếng Việt tương ứng. Chẳng hạn, thay vì nói “tạm biệt” sẽ là “bye” hoặc “bye bye”; lời xin lỗi đơn giản là “sorry nha!”; cảm ơn cũng ngắn gọn “thanks”… Ngoài ra, còn xuất hiện một số “biến chứng” như là hậu phát minh của song ngữ Anh-Việt. Chẳng hạn việc biến đổi cách phát âm như đe-le-te (delete), ai-lái-kịt (I like it), cơm-pờ-le-te (complete), thăng-sờ-kiều (thank you),… hay cách ghép từ có một không hai know just die (biết chết liền), like is afternoon (thích thì chiều), no four go (vô tư đi) hay độc đáo hơn là sugar sugar ajinomoto ajinomoto (đường đường chính chính)…

Hơn 80 năm bị người Pháp đô hộ, tiếng Việt đã vay mượn nhiều từ gốc Pháp, đại bộ phận lớp từ này là tên gọi các đối tượng từ Pháp thâm nhập vào mà thường thì trong tiếng Việt chưa có. Phần lớn các từ đó đã bị thay đổi cả về cách đọc lẫn chữ viết để phù hợp với đặc trưng của tiếng Việt (ngôn ngữ đơn lập; không biến hình). Các từ mượn tiếng Pháp được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như: ăn uống → cacao (ca cao), café (cà phê), crème (kem), carotte (cà rốt), gâteau (ga tô), salade (xa lát), cerise (sơ ri), fromage (pho mát), jambon (giăm bông), moutarde, (mù tạc), saussisse (xúc xích), vin (vang);... trang phục → maillot (may ô), chemise (sơ mi), veston (vét tông), gilet (gi lê), blouse (bờ lu), manchette (măng sét);... y dược → acide (axít), lipide (lipit), péniciline (pênixilin), vaccin (vắc xin), vitamine (vitamin),... và nhiều lĩnh vực khác. Các lớp từ này đã dần đi vào kho từ vựng tiếng Việt, và cơ bản được người Việt sử dụng một cách phù hợp trong các hoàn cảnh giao tiếp. Mặc dù không có tính chất phổ biến như sử dụng tiếng Anh do giới trẻ ít tiếp cận ngôn ngữ này, vả lại, nhiều từ ngữ của tiếng Pháp đã được người Việt đặt trám vào chỗ tiếng Việt còn thiếu và lâu ngày được người Việt sử dụng như chính của ngôn ngữ mình (như một số ví dụ kể trên). Tuy nhiên, cũng như với tiếng Anh, không ít người đã chọn một vài yếu tố Pháp ngữ được cho là trọng điểm thông báo xen vào cấu trúc Việt ngữ. Chẳng hạn, “thằng ấy bị ocgio (việt vị) rồi” (ý nói là tùy tiện, vượt khỏi phạm vi được phép và bị phát hiện, bị thổi còi); “tưởng chừng hắn nuốt trôi, ai ngờ bị penalty” (sự việc bị phanh phui và bị phạt đền); “muốn vào vườn hồng thì phải húc đổ hai cái blockhaus (lô cốt) kia đã” (muốn đến với con gái người ta thì phải được sự đồng ý của cha mẹ cô ấy); “anh em, chị em kiểu nhà nó canon (súng đại bác) bắn bảy ngày không tới” (chúng nó chẳng là anh em, chị em gì cả); “không được đâu, “xếp”nhà tao culasse (quy lát) lắm”,… Một số trường hợp tiếng Nga cũng được các “chuyên gia” chế tác theo kiểu; “Hắn ta tỏ ra bôn (bônsêvic) để được cái tặc lưỡi của mấy ông mấy bà ở Hội búa liềm thôi. Cuối cùng rồi cái đuôi men (mensêvic) của hắn cũng sẽ lòi ra”.v.v…

  1. b) Sử dụng ngôn ngữ ngoại lai có nguồn gốc tiếng Hán

Trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, nước ta chịu ảnh hưởng sâu văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa là điều dễ nhận thấy. Theo thống kê của H. Maspero, 1972 thì có 60% từ Việt có gốc Hán. Lớp từ gốc Hán có mặt ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực, trong mọi hoạt động của đời sống ngôn ngữ tiếng Việt. Cho đến nay, vẫn chưa có một điều tra ngôn ngữ nào để có một số liệu chính xác về tỷ lệ các yếu tố gốc Hán trong kho từ vựng của chúng ta. Trong thực tế, do cùng một loại hình ngôn ngữ, cùng với đó là có khá nhiều từ Hán được thâm nhập vào nước ta ở thời kỳ đầu, đã chịu sự chi phối bởi ngữ âm tương đồng giữa hai ngôn ngữ thời kỳ ấy nên dễ dàng được coi như những từ thuần Việt (xe, ngựa, cá, cởi, cả, chén, chém, thuyền, buồm, buồng…). Bởi vậy, một bộ phận không nhỏ, ranh giới giữa chúng là không thật sự rõ ràng. Và cũng chính vì thế, việc đánh giá về cách sử dụng phối hợp các yếu tố giữa hai ngôn ngữ này là không mấy giản đơn. Chẳng hạn, chúng ta thường chấp nhận một số không ít các trường hợp không thực sự hợp lí, kiểu: sông Hồng Hà, cánh chim đại bàng, thuở thiếu thời, nhà đại gia, ngày sinh nhật,…Tuy nhiên, không vì vậy mà có thể sử dụng một cách tùy tiện khi tiếp nhận một số lượng không nhỏ loại nguyên liệu ngôn ngữ này. Mặc dù trong nhiều lĩnh vực hoạt động như hành chính, kinh tế, pháp luật,… thì đại bộ phận từ ngữ được sử dụng đều là từ gốc Hán, nhưng vẫn dễ dàng nhận thấy ở tiếng Việt có những quy tắc và quy luật riêng, đặc biệt là cấu tạo từ và cấu trúc cú pháp. Việc sử dụng các yếu tố vay mượn phải chịu sự chi phối của các quy tắc và quy luật hoạt động của tiếng Việt. Với phạm vi bài viết này, chúng tôi không tham vọng có thể bàn đến những vấn đề quá lớn về mối quan hệ giữa tiếng Việt và tiếng Hán trong suốt tiến trình lịch sử của nó, mà chỉ sơ bộ đề cập đến vấn đề sử dụng tùy tiện ngôn ngữ gốc Hán trong giao tiếp tiếng Việt do hạn chế về sự hiểu biết hoặc lạm dụng chúng trong nhiều hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Khá nhiều trường hợp do không phân biệt được nguồn gốc ngôn ngữ đã dẫn tới việc sử dụng không phù hợp với cấu trúc. Chẳng hạn, không phân biệt được chủ nghĩa xã hội và xã hội chủ nghĩa, đa phần và phần đa, khuyến mãi và khuyến mại, kiểm sát và kiểm soát, luật pháp và pháp luật, quản lí và quản trị, tiền và tiền tệ, quyền và quyền lợi, quyết nghị và nghị quyết;… hoặc không hiểu nghĩa của từ ngữ mình đang dùng nên ngay cả một số người làm du lịch, làm truyền thông cũng không hiểu được thế nào là danh lam, thế nào là thắng cảnh, cứ thấy cảnh đẹp thì đều nói là danh lam thắng cảnh… Cũng vì lí do trên nên nhiều trường hợp sử dụng thừa các yếu tố trong tổ hợp từ, như: lúc sinh thời, tái lập lại, tái khẳng định lại, tận mắt mục sở thị, tên địa danh, tên nhân danh…Ví dụ: “Cơn bão Linda sẽ được tái hiện lại trong bộ phim “Nỗi ám ảnh mang tên Linda”(Chương trình thời sự VTV, 19 h ngày 28/10/2017). Lại có trường hợp kết hợp một yếu tố đơn tiết gốc Hán với một yếu tố đơn tiết gốc Việt, như cát tặc. Họ dựa vào hệ thống các từ như lâm tặc, thủy tặc,…Tuy nhiên đây là một sự nhầm lẫn các từ đồng âm. Từ có âm cát trong tiếng Hán không mang nghĩa thuật ngữ là một loại sa khoáng được sử dụng trong xây dựng như trong tiếng Việt, mà từ này thường mang nghĩa của một động từ. Vì vậy, về cơ bản, các yếu tố đơn tiết của Hán ngữ thường khó kết hợp với một yếu tố đơn tiết tiếng Việt mà phải kết hợp các yếu tố Hán ngữ với nhau. Chẳng hạn, không nói tân nhà mà phải là tân gia; không nói nhà đình mà phải nói là gia đình; không nói thủy cuối mà phải nói thủy chung; không nói sau phương mà phải nói hậu phương,…Ngay cả những trường hợp từ gốc Hán nhưng đã được Việt hóa đến mức khó phân biệt được nguồn gốc của chúng thì khi kết hợp khó có thể chấp nhận đi cùng với một yếu tố Hán -Việt. Chẳng hạn, không thể nói là thuyền phàm mà phải nói là thuyền buồm; không thể nói là ngựa đáo mà phải nói là mã đáo,…Việc không hiểu một cách thấu đáo về bản chất của hai ngôn ngữ này và mối quan hệ giữa chúng trong bối cảnh số từ ngữ gốc Hán chiếm tỷ lệ lớn hơn từ ngữ bản địa sẽ rất dễ dẫn tới những nhầm lẫn và sai lệch đáng tiếc. Nhiều người cho rằng, tiếng Hán trang trọng và súc tích về nghĩa nên thường lạm dụng chúng trong giao tiếp. Điều đó dẫn tới việc trong nhiều trường hợp người tham gia hội thoại cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm. Những từ như soái ca, đại ca, tỷ muội, huynh đệ, sư phụ,… được nhiều người trong giới trẻ xưng hô với mọi người, với mọi lứa tuổi và các vai giao tiếp khác nhau.

Gần đây, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ Việt Nam. Nhiều người trong số họ đang phát cuồng với những thần tượng Hàn Quốc bởi ngoại hình đẹp, giọng hát hay; những bộ phim tình cảm lãng mạn; những ca khúc “Kpop” sôi động cùng những vũ đạo cuốn hút. Và cũng vì thế mà ngôn ngữ Hàn cũng bắt đầu đi vào trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của các bạn trẻ, chẳng hạn như: oppa, omani, appa, salanghae, aniyo,…

2.3. Nguyên nhân của hiện tượng trên

  1. a) Nguyên nhân khách quan

Giới trẻ chúng ta, đặc biệt là học sinh, sinh viên là những người tiếp xúc với khoa học, công nghệ nhiều và có điều kiện tiếp nhận nhanh, nhất là trong thời kì công nghệ thông tin; internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần vài phút, thông tin về một vụ việc nào đó có thể phát tán tràn lan trên các trang mạng, trong lúc giới trẻ ngày nay, đại bộ phận đều có điện thoại đời mới. Mỗi lúc rảnh rỗi lại lôi ra lướt facebook, xem phim... và thứ “ngôn ngữ mạng” ấy rất dễ thâm nhập vào các đối tượng này. Mở cửa hội nhập cũng đồng nghĩa với việc những phong cách sống và văn hóa của các nước khác sẽ thâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, mà giới trẻ lại là lứa tuổi thích cái mới, cái lạ, thích học hỏi và tiếp thu những thứ đó và tạo ra cái của riêng mình, dần dần nó xuất hiện trong lời nói, câu chữ. Khách quan mà nói, ngôn ngữ của giới trẻ giống như mốt thời trang. Nó được sử dụng nhằm thể hiện cá tính, tâm lý thích đổi mới, ưa cái lạ, chuộng cái hay của giới trẻ. Điều này thấy rõ ở ngôn ngữ mạng, một kiểu ngôn ngữ cá nhân nhưng lại nằm trên mạng xã hội, có sức lan tỏa rất lớn. Ngôn ngữ trên mạng đôi lúc không câu nệ một sự chuẩn mực nào mà nó đã trở thành một phong cách. Tuy nhiên, nếu dùng mãi sẽ trở thành quen, có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản. Xa hơn nữa, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy.

  1. b) Nguyên nhân chủ quan

 Giới trẻ là những người thích khẳng định mình và muốn thể hiện mình. Họ muốn cho người khác biết mình là một con người rất hiện đại, rất lạ và khác biệt trong cách sống, cách ăn mặc và nói năng; có tri thức và vốn ngôn ngữ phong phú. Bởi vậy, có người đã chạy theo một thứ thị hiếu mang tính cực đoan, cho rằng tiếng Việt không đủ sức diễn đạt ngữ cảnh của lời nói. Thậm chí có người tỏ ra đề cao quá mức các ngôn ngữ ngoại. Họ cho rằng phải dùng tiếng nước ngoài thì lời nói mới “sang”, mới “hiện đại”, mới “đẳng cấp”, mới “hợp mốt”. Quan niệm này đã khiến không ít các bạn trẻ tìm đến và sử dụng kiểu ngôn ngữ “lai tạp” nửa tây nửa ta một cách thản nhiên như vậy.

Nhận thức và trách nhiệm của gia đình cũng chưa theo kịp với những xu hướng của lớp trẻ. Nhiều bậc phụ huynh còn cổ súy cho lối đua đòi vô lối của con cái. Một đứa trẻ tiểu học cũng được sử dụng điện thoại, thậm chí dùng được cả facebook. Một bộ phận không nhỏ tỏ ra thời thượng, chiều con không đúng cách đã vô tình đẩy lớp trẻ vào thế giới ảo không thể kiểm soát.

Nhà trường và các tổ chức xã hội thường không để ý đến những khía cạnh mang tính cực đoan của xu hướng này. Các nội dung giáo dục hầu như chưa hề đả động đến một giải pháp cụ thể mà chỉ mới dừng lại ở “khẩu hiệu” hô hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà thôi. Thậm chí một số cá nhân hoặc cơ quan báo chí, truyền thông cũng vô tình “vạch đường cho hươu chạy”. Nhiều từ ngữ (có thể là từ vay mượn) đã được dân ta sử dụng từ bao đời, đã hiểu rất rõ về nghĩa và cả chức năng ngữ pháp, cách biểu hiện trong các tình huống giao tiếp khác nhau… lại được những người làm truyền thông đưa ra những thuật ngữ mới. Có thể những người lao động thành thị cũng như nông thôn chúng ta nghe khái niệm khởi nghiệp sẽ dễ hiểu hơn là startup hoặc start-up. Thay vì nói “Báo Lao động hôm nay chạy hàng tít: muốn đổi mới chính sách tiền lương thì phải giảm biên chế” (như trên mục điểm báo), có thể nói “Báo Lao động hôm nay có bài viết…”, hoặc “Báo Lao động hôm nay có bài viết, với tiêu đề...”. Thay vì nói “Báo Thanh niên chạy hàng tít ấn tượng “sổ hộ khẩu sắp hết thời” (Báo chí toàn cảnh 29/10/2017) có thể nói “Báo Thanh niên có bài viết…”. Hay, thay vì nói “… sắp tới đội ngũ dresser sẽ có nhiều việc phải làm” (chương trình chuyển động 24h), ta có thể nói “… sắp tới đội ngũ phục trang sẽ có nhiều việc phải làm”.v.v…Thậm chí có người làm truyền thông còn dùng kết hợp từ ngoại lai với từ tiếng Việt một cách khá lạ (vừa Tây, vừa Tàu, vừa Ta), ví dụ: “Giải quần vợt Việt Nam open” (Thời sự trưa 28/10/2017-mục thể thao). Có thể thanh niên bây giờ rất thích những “tác phẩm bom tấn” như nhiều chương trình truyền hình giới thiệu. Thậm chí có biên tập viên truyền hình Việt Nam còn quả quyết rằng trong tháng này chúng ta sẽ được thưởng thức hai bom tấn… trong lúc vừa đưa tin lực lượng đồng minh của Mĩ đã ném một quả bom siêu trọng (2,7 tấn) xuống một khu vực ở Apganistan. Có lẽ những ai từng đi qua cuộc chiến tranh của dân tộc những thập niên 60, 70 thế kỷ trước hay người dân đang ở Trung Đông hôm nay sẽ cảm thấy không mấy dễ chịu khi nghe lối diễn đạt và dùng từ như vậy. Một số trường hợp sai kiến thức về từ ngữ cũng được đưa lên mạng xã hội đã dẫn tới định hướng sai cho người tiếp nhận. Chẳng hạn, về tổ hợp từ “tứ chứng nan y” (4 thứ bệnh mà y học xưa gần như bất lực là phong, lao, cổ, lại), đã được một số tác giả (chúng tôi không tiện nêu tên) giải thích trên báo mạng như sau: “phong là bệnh hủi, hay còn gọi là bệnh cùi, bệnh phung; lao là bệnh lao; cổ là bệnh xơ gan cổ trướng; lại là bệnh ung thư”. Có người giải thích lại là bệnh lỵ. Giải thích như vậy thì thật oan cho người xưa, vì tổ tiên ta (cả người Trung Hoa nữa) trước đây đâu đã được biết đến cái thứ bệnh gọi là “xơ gan cổ trướng” hay bệnh “ung thư”. Những lỗi kiến thức về từ ngữ hay lối diễn đạt quá lạm dụng tiếng nước ngoài được thể hiện trên phương tiện truyền thông như vậy đã ảnh

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây