VẺ ĐẸP CÂU ĐỐI TẾT CỦA NỮ SĨ HỒ XUÂN HƯƠNG

Thứ ba - 24/01/2017 04:21 0

Trương Xuân Tiếu

Trong số những câu đối Nôm được truyền tụng của Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX) có một câu đối tết; câu đối ấy có hai vế như sau:

Tối ba mươi khép cánh kiền khôn, ních chặt lại kẻo ma vương bồng quỷ tới.

Sáng mồng một lỏng then tạo hoá, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào(1).

Bình luận về câu đối này, Nguyễn Lộc đã viết:

“Câu đối tết hình dung người chủ ngôi nhà (của nhân loại) ở đây là một cô gái và ngôi nhà là cả vũ trụ, cho nên tối ba mươi mới khép cánh kiền khôn để sáng mồng một lỏng then tạo hoá.

Trên các tờ lịch tết của ta ngày nay thường in ảnh những cô gái đẹp. Tôi không rõ ý niệm gắn liền mùa xuân với hình ảnh những cô gái đẹp ở ta có từ bao giờ? Phải chăng từ Hồ Xuân Hương? Nhà thơ thật là yêu đời. Tối ba mươi sợ ma vương bồng quỷ tới nên khép chặt cánh kiền khôn, không nói làm gì. Nhưng sáng mồng một Tết, ngày đầu của một năm mới với bao nhiêu hứa hẹn thì phải lỏng then tạo hoá, phải mở toang ra, mở hết cả các cánh cửa của ngôi nhà vũ trụ để “thiếu nữ đón xuân vào”. Thiếu nữ với mùa xuân. Đó là hình ảnh tượng trưng cho sự sống, cho cái đẹp của muôn đời”(2).

Trong truyền khẩu dân gian Việt Nam có hai giai thoại liên quan đến câu đối tết của Hồ Xuân Hương:

Giai thoại thứ nhất: Chiều ba mươi Tết nọ, Tổng Cóc được Hồ Xuân Hương mời đến “Cổ Nguyệt đường” (ngôi nhà lá của Hồ Xuân Hương ven hồ Tây - Hà Nội) dự bữa cơm tất niên. Khi kết thúc, tiễn Tổng Cóc ra về, Hồ Xuân Hương đưa cho chàng mảnh giấy hồng điều ghi vế xướng của nàng: Tối ba mươi khép cánh kiền khôn, ních chặt lại kẻo ma vương bồng quỷ tới với yêu cầu sáng mai ngày đầu năm mới, mời chàng đến “xông đất” kèm theo vế đối.

Sáng mồng một, Tổng Cóc và người nhà mang theo lễ vật đến đứng đợi ngoài ngõ rất sớm. Sau tiếng nổ giòn giã của tràng pháo tết, Tổng Cóc cùng mọi người bước vào sân “Cổ Nguyệt đường”. Hồ Xuân Hương và mẹ niềm nở ra chào đón Tổng Cóc. Khi cả hai bên chủ - khách thi lễ xong, Tổng Cóc bước lại gần Hồ Xuân Hương và trân trọng trao cho nàng vế đối viết trên giấy hồng điều: Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào. Đọc xong vế đối, Hồ Xuân Hương mỉm cười phấn khởi mời chàng vào nhà dự lễ cúng sáng mồng một (ngày đầu tiên của năm mới). Về sau, Hồ Xuân Hương đã thuận làm vợ lẽ Tổng Cóc.

Giai thoại thứ hai: Có một đám cưới, sau khi kết thúc, mọi người ra về và trời cũng đã tối. Bố mẹ chú rể tiễn đôi tân hôn đến buồng hạnh phúc, rồi sau đó trở lại nơi nghỉ của mình. Chỉ còn lại hai người trước cửa buồng. Bỗng, cô dâu đứng chắn ngang cửa buồng và đọc vế xướng rồi yêu cầu chú rể phải đối được mới nhập phòng; vế xướng như sau: Hang Thiên Thai khép khóa động Đào, ních chặt lại kẻo chàng Lưu quen lối cũ. Sau một thoáng suy nghĩ, chú rể liền đọc ngay vế đối: Cửa Hàm Cốc lỏng then tạo hoá, mở toang ra cho ông Bái dẫn quân vào (vế xướng của cô dâu có dùng những địa danh, nhân danh trong thần thoại Trung Quốc: Thiên Thai, động Đào, chàng Lưu; tức là Lưu Thần. Vế đối của chú rể có dùng những địa danh, nhân danh trong lịch sử Trung Quốc: cửa Hàm Cốc, ông Bái; Bái công - Lưu Bang, vị hoàng đế khai sáng nhà Hán; tức là Hán Cao Tổ). Cô dâu mỉm cười mãn nguyện, hân hoan đón chàng rể vào buồng hạnh phúc để thành vợ chồng.

Như vậy, qua hai giai thoại kể trên, chúng ta thấy câu đối tết của Hồ Xuân Hương không chỉ thể hiện vẻ đẹp “thiếu nữ với mùa xuân”, mà còn hàm ẩn cả vẻ đẹp tình yêu lứa đôi và vẻ đẹp hạnh phúc vợ chồng. Bởi thế, mỗi khi Tết đến xuân về, độc giả Việt Nam không thể không nhớ tới câu đối tết nổi tiếng của Hồ Xuân Hương - một tuyệt tác trong kho tàng câu đối Việt Nam.q

 

Chú thích

(1). Nguyễn Lộc tuyển và bình - Hồ Xuân Hương, thơ - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1986, Tr. 45.

(2). Nguyễn Lộc tuyển và bình, Sđd, Tr. 45.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây