NGHỆ AN VỚI HƯỚNG NGHIỆP PHÂN LUỒNG HỌC SINH SAU THCS VÀ THPT

Thứ ba - 10/05/2016 05:21 0

NGHỆ AN VỚI HƯỚNG NGHIỆP PHÂN LUỒNG HỌC SINH SAU THCS VÀ THPT

 

Hướng nghiệp cho học sinh sau THCS và THPT là một bước khởi đầu quan trọng của quá trình phát triển nguồn nhân lực, gồm một hệ thống những biện pháp kỹ năng để các em có thể sẵn sàng đi vào lao động hoặc tự tạo việc làm ở các ngành nghề mà xã hội cần phát triển, đồng thời phù hợp với hứng thú và năng lực cá nhân cũng như hoàn cảnh gia đình. Hướng nghiệp là một quá trình giáo dục liên tục từ những năm học ở trường phổ thông đến quá trình học nghề và hành nghề của con người. Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, nguyện vọng nghề nghiệp, năng lực, các yếu tố tâm lý có khả năng biến đổi lớn với tác động của quá trình giáo dục và rèn luyện. Do vậy quá trình định hướng nghề nghiệp cho các em phải là một quá trình giáo dục liên tục, quá trình theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng tri thức, kỹ năng và thái độ cần thiết định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Upload

Học sinh Tp Vinh tham gia đặt câu hỏi tại ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2016; Ảnh: baonghean.vn

Phân luồng cho học sinh sau THCS và THPT là công việc của cơ quan quản lý giáo dục các cấp và nhà trường. Căn cứ vào năng lực sở trường hiệu quả học tập và rèn luyện của học sinh giúp các em bước vào cuộc sống lao động để thời gian sau tiếp tục học lên THPT khi không có điều kiện học tập sau THCS. Phân luồng sau THCS và THPT là trách nhiệm của ngành GD&ĐT nhưng đồng thời cũng là con đường để từng cá nhân khi không có điều kiện học lên tự giác, tự nguyện giải quyết:

Phân luồng sau THCS có các hướng sau:

- Tiếp tục học lên THPT đối với học sinh khá, giỏi.

- Học tiếp Bổ túc THPT (BTGDTX).

- Học TCCN hoặc Trung cấp nghề (TCN).

- Học nghề ngắn hạn, học nghề của các nghệ nhân.

- Trở về địa phương lao động sản xuất.

Phân luồng cho học sinh sau THPT có các hướng:

- Thi vào đại học với những ngành nghề phù hợp với năng lực sở thích của bản thân.

- Những em học lực trung bình khá hoặc trung bình khá trở xuống, những học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đăng ký vào học TCCN, TCN sau này có điều kiện và cơ hội sẽ học lên CĐ, ĐH.

- Chọn những ngành học ở đại học mà sau khi ra trường có cơ hội tìm kiếm được việc làm.

- Đi học đại học ở nước ngoài.

Từ lâu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) được tuyển vào học hệ trung cấp chuyên nghiệp 3 năm. Ngay cả thời điểm những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn ban hành chương trình mới kết hợp dạy văn hóa phổ thông trung học với dạy nghề gọi là chương trình “Trung cấp nghề”. Với chương trình này, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS sẽ được tuyển vào học trung học nghề. Với khả năng của mình học sinh có thể chọn học trung học nghề để vừa học văn hóa vừa được học một nghề. Ngoài 3 môn bắt buộc Ngữ văn, Ngoại ngữ và Tin học, học sinh có thể chọn một trong các tổ hợp các môn học sau với một nghề: Toán, Hóa, Sinh, Kỹ thuật Nông nghiệp và học 1 nghề có liên quan tới kiến thức văn hóa của các môn học trên; Toán, Lý, Kỹ thuật Công nghiệp và một nghề liên quan tới việc vận dụng kiến thức các môn văn hóa vừa được học. Học xong chương trình trung học nghề học sinh sẽ được cấp bằng tốt nghiệp trung học nghề tương đương bằng tốt nghiệp THPT và trình độ nghề bậc 2/7 (hiện nay theo Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD và ĐT học sinh có bằng tốt nghiệp trung học nghề vẫn được đăng ký dự thi đại học, cao đẳng như người có bằng tốt nghiệp THPT). Tại thời điểm năm 1998 Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo các trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật (nay là Trường ĐH Kinh tế Nghệ An), trung cấp Sư phạm Kỹ thuật (nay là ĐHSPKT Vinh), Trường dạy nghề Việt - Đức (nay là CĐN Việt - Đức ) và một số trung tâm dạy nghề của các huyện phối hợp với 3 trường trung cấp và dạy nghề nói trên để tuyển sinh đào tạo nghề. Năm đầu tiên tỉnh giao chỉ tiêu tuyển 1.000 học sinh các đơn vị trên đã tuyển đủ. Năm tiếp theo Sở GD&ĐT đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tuyển 10.000 học sinh. Đông đảo phụ huynh và các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề ở tỉnh ta rất hào hứng ủng hộ loại hình đào tạo này. Trung học nghề tồn tại được ít năm thì tạm ngừng. Đồng thời do có một thời gian khá dài chúng ta mở rộng hệ thống trường THPT nên số lượng học sinh tốt nghiệp THPT ngày càng tăng vì thế các trường CĐ, TCCN đã chọn nguồn tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) chứ không chọn học sinh tốt nghiệp THCS như trước đây nữa mặc dầu học sinh tốt nghiệp THCS vẫn được phép tuyển sinh vào học TCCN. Chính vì thực tế đó mà một tâm lý đã hình thành và nó đã trở thành một quan niệm khó gỡ bỏ trong mấy thập kỷ qua của phụ huynh và học sinh là phải gắng học xong THPT thi vào đại học, cao đẳng. Khi không đậu ĐH, CĐ mới nghĩ tới đi học TCCN và học nghề. Đó là chưa nói đến cũng trên cơ sở truyền thống hiếu học của người Việt Nam các bậc làm cha làm mẹ đều mong muốn và đã quyết tâm dù khó khăn mấy cũng cho con em mình học hết THPT để hy vọng vào được đại học. Với hy vọng học xong đại học mới tìm được việc làm.

Nhưng trong thực tế không phải ai mong muốn vào đại học cũng thi đỗ. Hàng năm số học sinh đỗ vào đại học tính bình quân chung của cả nước chỉ xấp xỉ trên dưới 30 %. Còn lại 70% hoặc là chờ năm sau thi lại, một bộ phận lao động thủ công kiếm sống, phần lớn trong số đó vào học TCCN và trường nghề. Nếu làm một bài toán đơn giản thì ai cũng nhận ra hàng năm dân ta đã lãng phí một lượng lớn tiền của cho việc học lên THPT và việc thi cử của học sinh sau THPT. Một câu hỏi đặt ra là tại sao bộ phận học sinh không thể đậu đại học lại không vào TCCN ngay khi vừa học xong THCS mà lại phải chờ xong THPT mới vào TCCN?

Ở Nghệ An do sớm nhận ra sự lãng phí đó và rào cản về tâm lý của phụ huynh trong quan niệm về việc học hành của con cái và để có đầy đủ căn cứ khoa học cho việc đưa ra một chủ trương đúng đắn, quyết liệt để tránh lãng phí cho phụ huynh, năm 2009 Sở Giáo dục và Đào tạo đã đăng ký và được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh “Thực trạng và giải pháp để tổ chức hướng nghiệp phân luồng cho học sinh sau THCS và THPT ở Nghệ An”.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy từ trước năm 2009, hàng năm ở Nghệ An có xấp xỉ 100.000 hồ sơ của học sinh đăng ký dự thi vào đại học (trong đó có cả số học sinh tốt nghiệp những năm trước chưa đậu đại học đăng ký thi lại). Với số học sinh thực sự đến trường để dự thi đại học xấp xỉ 70.000 em (số học sinh đến làm thủ tục dự thi đại học, cao đẳng thường chỉ đạt 70% so với số học sinh đăng ký dự thi). Số học sinh đậu đại học, cao đẳng hàng năm từ 20.000 đến 21.000 em. Còn lại một số lượng lớn học sinh hỏng thi đại học, cao đẳng chuyển sang học TCCN và DN. Nếu số học sinh trên được phân luồng sớm từ sau khi tốt nghiệp THCS các em vào học TCCN và DN sẽ giảm rất lớn ngân sách cho nhà nước và tiền của phụ huynh. Số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu đề tài cho thấy ngay các huyện miền núi số học sinh có nguyện vọng thi vào đại học cũng chiếm tỷ lệ cao, số có nguyện vọng thi vào cao đẳng và TCCN hầu như không có. Điều đó chứng tỏ tâm lý chuộng bằng cấp của phụ huynh và học sinh nặng nề đến mức nào. Nếu như trước đây phụ huynh còn phân vân liệu chúng ta có đủ các trường DN và TCCN đào tạo có chất lượng để tiếp nhận số học sinh tốt nghiệp không học tiếp THPT vào học nghề thì đến thời điểm đó trên địa bàn Nghệ An số lượng trường ĐH, CĐ, TCCN có tuyển sinh đào tạo trình độ TCCN cho số tốt nghiệp THCS đã có số lượng lớn. Các trường đã được đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc nâng chất lượng đào tạo. Cả nước có trên 500 cơ sở tuyển sinh đào tạo TCCN trong đó có 200 cơ sở tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN hệ 3 năm. Tại Nghệ An điều kiện tiếp nhận học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN đã khẳng định Nghệ An đến năm 2009 đã có 30 cơ sở tiếp nhận học sinh tốt nghiệp THCS vào TCCN. Trường có nỗ lực lớn nhất để tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN là Trường Trung cấp Hồng Lam, mỗi năm trường này đã tuyển xấp xỉ 2.000 học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN.

Biết rõ tâm lý “sính” bằng cấp của học sinh và phụ huynh đang mâu thuẫn với yêu cầu nhân lực của xã hội cho nên hàng năm ngành GD&ĐT Nghệ An phải phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS bằng việc chỉ tuyển 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT. Căn cứ vào điều kiện về mạng lưới trường có đào tạo TCCN tuyển học sinh THCS vào học TCCN hệ 3 năm, căn cứ vào những hành lang pháp lý mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo liên thông (Quyết định số 06/2008/ QĐBGDĐT quy định về đào tạo liên thông từ trình độ TCCN lên CĐ, ĐH. Quyết định này tạo điều kiện cho số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào được học TCCN có điều kiện sau khi học xong TCCN vào học CĐ, ĐH); ngày 8 tháng 4 năm 2010, căn cứ vào kết quả đã được nghiệm thu của đề tài khoa học nói trên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ban hành Công văn số 670/SGDĐT-GDCN gửi UBND, trưởng phòng GD&ĐT của các huyện thị và thành phố Vinh và hiệu trưởng các trường THPT, TCCN, CĐ, ĐH trong tỉnh để chỉ đạo việc triển khai mạnh mẽ công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT. Công văn số 670/ SGDĐT-GDCN đã chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể cho các trường CĐ, TCCN trong tỉnh: khẩn trương xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo TCCN cho đối tượng tuyển sinh sau THCS vào học TCCN. Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN từ năm 2010 và những năm tiếp theo. Đối với các phòng GD&ĐT thành lập Ban chỉ đạo Công tác hướng nghiệp phân luồng cho học sinh sau THCS cấp huyện. Giao cho hiệu trưởng các trường THCS tổ chức tuyên truyền tới tận phụ huynh và học sinh cuối cấp THCS về hướng nghiệp phân luồng sau tốt nghiệp THCS, giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ nếu phân luồng ngay sau THCS cho số học sinh xếp học lực dưới mức trung bình khá thì số học sinh này vẫn có cơ hội sau này tiếp tục học lên đại học sau khi đã tốt nghiệp TCCN. Ngoài ra Công văn trên còn hướng dẫn một cách cụ thể đối với hiệu trưởng các trường THCS về việc tổ chức các phiên họp phụ huynh và học sinh để tuyên truyền có hiệu quả về chủ trương hướng nghiệp phân luồng học sinh sau THCS.

Với cách chỉ đạo như đã nêu trên của Sở GD&ĐT Nghệ An nên trong thời gian qua, hàng năm ở Nghệ An đã có một số lượng đáng kể học sinh sau khi tốt nghiệp THCS căn cứ vào năng lực học tập của mình không đăng ký dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông mà chọn hướng vào các trường có đào tạo TCCN. Riêng năm 2011, tỉnh Nghệ An có gần 10.000 học sinh tốt nghiệp THCS không dự thi vào lớp 10 THPT, những năm gần đây hàng năm số học sinh học xong THCS không đăng ký dự thi vào THPT ngày càng tăng. Mặt khác để cho công tác hướng nghiệp phân luồng sau THCS đạt kết quả tốt, cuối năm 2011, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tổ chức 4 lớp tập huấn về công tác hướng nghiệp phân luồng cho 200 hiệu trưởng trường THCS và cán bộ chuyên viên 20 phòng GD&ĐT. Công tác tập huấn hướng nghiệp phân luồng với những nội dung mới về hướng nghiệp phân luồng sau THCS và THPT vẫn liên tục được tổ chức đến tận năm học 2015-2016.

Tuy ngành GD&ĐT Nghệ An đã có chủ trương đúng đắn về tổ chức hướng nghiệp phân luồng sau THCS và THPT nhưng phải từ năm 2012 cho đến nay chủ trương trên mới dần dần có kết quả. Điều quan trọng hơn là cùng với chủ trương đúng đắn của tỉnh do thực tiễn cuộc sống cho đến giai đoạn này phụ huynh và học sinh Nghệ An đã thực sự thay đổi nhận thức. Từ chỗ có tâm lý chuộng bằng cấp hiện nay phụ huynh và học sinh đã có sự thay đổi về tâm lý theo hướng thực tế hơn. Phụ huynh và học sinh đã quan tâm tới việc học nghề gì để sau khi ra trường dễ tìm việc làm. Người dân đã nhận rõ con em mình năng lực học tập đến đâu thì thi vào học cấp đó chứ không còn chạy theo quan niệm bằng cấp như cách đây 4 năm trở về trước. Sự thay đổi tâm lý, thay đổi nhận thức như đã nói ở trên đã dẫn tới việc trong những năm gần đây, nhiều trường THPT đóng ở các huyện miền núi và đồng bằng không tuyển đủ 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 và trong kỳ thi sau THPT gần đây đã có nhiều trường THPT có gần 50% số học sinh chỉ đăng ký thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT chứ không dự thi vào đại học. Năm học 2015 - 2016 này cũng thế, số học sinh đăng ký dự thi đại học đã giảm đến mức đáng kể, có đến 38,21% học sinh cuối cấp THPT không đăng ký dự thi đại học, cao đẳng. Ngay trong số học sinh không đăng ký dự thi đại học có thể không dự thi tốt nghiệp nếu như trước kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra các em đủ điều kiện về tài chính để đi xuất khẩu lao động. Trên thực tế thì hàng năm số học sinh đậu đại học, cao đẳng cũng chỉ đạt ở mức xấp xỉ 30% do đó việc 38,21% học sinh ở Nghệ An không đăng ký dự thi đại học là chuyện không có gì đáng phải quan ngại. Cái đáng nói là trước đây có tới gần 100% học sinh học xong THPT đều dự thi tốt nghiệp và dự thi đại học nhưng những năm gần đây, 30-40% học sinh không dự thi đại học, cao đẳng đã nói lên được sự chuyển biến trong nhận thức của người học và của phụ huynh là chọn trường theo năng lực và sở trường chứ không vì đua đòi hình thức cũng đã góp phần tránh được sự lãng phí về tiền của. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho đất nước.

Đến thời điểm này chúng ta có thể khẳng định phụ huynh học sinh trong cả nước nói chung và phụ huynh học sinh Nghệ An nói riêng đã có bước chuyển mới về nhận thức đối với nhiệm vụ hướng nghiệp phân luồng. Thanh thản trong việc chọn trường TCCN, TCN, CĐ và CĐN để học nghề chứ không theo tư tưởng bằng mọi giá để cho con cái được vào học THPT, sau khi tốt nghiệp THPT sẽ bằng mọi giá tìm được tấm bằng đại học như những năm trước đây.

Đứng về phương diện xã hội học và phương diện tài chính, chúng ta có thể khẳng định rằng nếu làm tốt công tác hướng nghiệp phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT chúng ta sẽ góp phần giúp cho số học sinh có học lực dưới trung bình đỡ phải gánh chịu sự căng thẳng về tinh thần và tốn kém thời gian trong 3 năm học kéo dài ở bậc THPT, giảm được một khoản tiền rất lớn cho gia đình học sinh, giảm một phần ngân sách của Nhà nước cho giáo dục và đào tạo.

Vấn đề đang đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo là phải đón bắt được xu hướng tâm lý mới này để nâng chất lượng đào tạo của các trường TCCN, TCN, CĐ, CĐN, ĐH đáp ứng mục tiêu Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo ra được những công dân có trình độ TCCN, CĐ, ĐH có thực tài thực nghiệp phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước. Có kế hoạch quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học một cách hợp lý để tạo diện mạo mới cho giáo dục Việt Nam.

Nguyễn Đình Anh

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây